CÁCH LY LÀ GÌ HẢ MẸ? – Psychub

CÁCH LY LÀ GÌ HẢ MẸ?

“CÁCH LY LÀ GÌ HẢ MẸ ? SAO CÔ GIÁO BẢO Ở YÊN
CÁCH LY LÀ GÌ HẢ MẸ ? CON Ở NHÀ MUỐN PHÁT ĐIÊN”

Cách li, gián cách xã hội đã chính thức diễn ra gần 2 tuần, nhưng thực tế việc người dân được khuyến cáo ở nhà đã được gần một tháng. Quá nhiều sự thay đổi đã và đang vẫn xảy ra. Quá nhiều điều thú vị lẫn “đau đầu” sẽ tiếp nối. Những xáo trộn trong đời sống của bạn là gì? Liệu tinh thần chúng ta có bị ảnh hưởng chút nào không? Làm sao để sức khoẻ tinh thần vẫn giữ được đảm bảo trong bối cảnh nhiều âu lo và dễ nhạy cảm này? Psychub xin gửi đến các bạn một bài viết tản mạn của Ths. Trần Thị Hồng Nhi – một trong các nhà chuyên môn “lão làng” và cũng là cố vấn lâm sàng của chúng tôi. Cô Hồng Nhi nguyên là trưởng khoa Tâm lý tại Bệnh viện Pháp – Việt (FV). Cô cũng là đồng sáng lập của Future Catch – dịch vụ tư vấn hướng nghiệp trực tuyến hàng đầu Việt Nam. Cô rời Việt Nam và thực hành tâm lý lâm sàng tại Pháp một thời gian và hiện tại cô đang sống và làm việc như một nhà tâm lý lâm sàng tại Tây Ban Nha.

Nhật ký cách ly tuần thứ 3 – 2 tỷ 6 trăm triệu người cách ly,

🇻🇳 Thông điệp “ở nhà là yêu nước”, mỗi người là một chiến sĩ cố thủ trong nhà. Chỉ cần không làm gì cả đã là một anh hùng 🎖.

Nghe kêu tai thật, mình gật gù vì từ hơn 3 năm nay chỉ mong được lăn ra ngủ cho đã đời. Nhưng, hình như nó thiếu thiếu, nó ngứa ngứa nên mình ngồi vẩn vơ nghĩ, chắc do bệnh nghề nghiệp.

🚫 Cách ly là cửa đóng then cài, tình huống rất khác thường, nó nhấn chìm ta vào cảm giác lo lắng lạ lùng.

🚫 Cách ly làm đảo lộn mọi cột mốc đời sống, khiến thực tế hàng ngày biến hình về tối giản.

🚫 Cách ly có màu của sang chấn tâm lý : cuộc sống bị cái không lường trước được “tấn công”, mà không lường trước nên không được chuẩn bị về tinh thần.

Ồ nó như một đòn chí mạng vào cuộc sống thường nhật!

Vì thế nên cách ly những ngày đầu khiến mình « đơ » máy. Những cái quen thuộc (tụ tập, bè bạn, giao lưu, ra đường…) bỗng trở nên xa lạ. Sự đảo lộn khiến mình lo lắng và nếu kéo dài, có thể có hệ luỵ tác động lên tinh thần. Một số bạn bè mình cảm thấy trống rống, căng thẳng, bị bỏ rơi, bị cô lập và chán nản. Cảm giác bị « trượt » ngã vào một cái hố đen, bị thả theo dòng nước. Có người lại cần rửa tay 10 lần 1 ngày, mỗi ngày được lập trình như một bộ máy.

Lời khuyên có thể có nhiều, như: đọc sách 📔, trồng cây 🌱, học ngoại ngữ… nhưng theo ý kiến của mình, thì nên hiểu các nguyên tắc « sống sót » trong giai đoạn cách lý này đã, rồi mỗi người tự do chế tác ra bản nhạc của riêng mình sau.

Vậy các nguyên tắc « sống sót » đó là gì?

📌

 Nuôi dưỡng sợi dây kết nối

 

Mình cần chia sẻ những suy tư, khám phá, phân tích, cảm xúc với người khác.

Cho dù sợi dây kết nối với mọi người giờ chỉ hoàn toàn là gián tiếp, là ảo qua điện thoại, tin nhắn, chat… thì nó vẫn là điều thiết yếu. Cảm giác đoàn kết tương trợ rất cần trong thời gian này. Mình đã cảm động ơi là cảm động khi bạn bè từ thời quần thủng đít hay sinh viên mình dạy từ hồi không biết gì vẫn leo lẻo rao giảng, nhắn tin hỏi thăm cuộc sống trong tâm dịch.

Theo thuật ngữ phân tâm học thì thời gian này, chủ thể đang bị cướp trắng đối tượng. Hiểu nôm na là mất những thứ mình yêu thích, quan tâm, đầu tư năng lượng, thời gian và tiền bạc. Vậy nên mình cần chia sẻ những suy tư, khám phá, phân tích, cảm xúc với người khác.

Chưa bao giờ điện thoại cháy máy như những ngày này. Những lời thăm hỏi ấm ấp, những chia sẻ không đầu đuôi, nhưng quan tâm tranh thủ lúc con ngủ, mà vẫn kéo xích lại gần nhau. Nhưng phải là lời nói gửi gắm riêng cho nhau chứ mấy post social thế này không ăn thua cả nhà nhé. Nó ấm áp lắm, nó không đơ trơ như lướt FB Insta.

 

📌

 Bông đùa

Một thứ khác cứu rỗi tâm hồn mình đấy là đùa vui, hài hước.

Mình vốn tếu táo, dù đôi khi chỉ đáng giá ba xu nhưng hay đùa. Ngoài mặt mình nhìn nghiêm và đáng ghét, nhưng ai biết mình lâu (nhất là đám bạn cấp II, cấp III) đếu biết danh lừng lẫy những trò đùa quái đản và lầy lội của mình. Mùa xuân 2020 mình lại đem ra xài hết cỡ. Cả nhà cười xong một trận đã đời, thấy nhẹ nhõm được phần nào.

📌

 Cách ly 1 cách chủ động.

Bằng mọi giá mình phải chống lại trạng thái ù lì, thụ động. Mình làm mọi thứ để thấy mình tỉnh táo, chủ động. Mỗi ngày gia đình đều dành ra 10p tập thể dục. Nhà mình ngày nào 18h, cũng là giờ « quẩy ». Lam 3 tuổi kiên quyết bật « I like to move it » (nhạc phim Madagascar) và cả nhà hì hục tập theo app 7 minutes work out. App này Lam và Phong thích vì có hình người minh họa để tập theo. Dù bạn Phong 18 tháng, thấy mẹ plank mà tưởng mẹ làm ngựa, phi thẳng lên lưng nhún nhầy. May thế, nhờ vậy nên hôm nào mẹ cũng trốn được bài này haha. Mười phút thôi, cả nhà thờ phì phò trong niềm vui khỏe.

📌

… nhưng không kích động thái quá

Không nên nhầm lẫn giữa chủ động và tăng động.

Không nên cả ngày chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, nên có thời gian để không làm gì (cái này với một số người là rất khó). Trẻ con và người lớn đều cần thời gian để « chán » không biết làm gì, khi đó là khi mình có thể bay lơ đãng mơ mộng vẩn vơ, mẹ làm thơ con cóc, ba bật bóng gảy đàn, Lam làm cowboy trong lều thổ dân da đỏ bắn pằng pằng. Phong đi lượn quanh nhà thử nghiệm phát minh mới.

Hôm qua Phong phát hiện ra nếu cho cởi bỉm giấu vào máy giặt thì khi đem đồ ra phơi sẽ có nhưng mảng bọt trắng li ti bám trên quần áo. Mẹ sẽ nhăn trán cau mày không biết vì sao, mình chạy vào ngó mặt ngây thơ cho tới lúc mẹ phát hiện cái bỉm nát toét thì mình đi bài quyền ù té chạy.

📌

 Triết học một tí

Cách ly làm mình mất tự do đi lại, nhưng hình như mỗi ngày mình lại dành thêm được chút tự do về tinh thần vì phải học đối diện với chính mình, suy nghĩ lại hệ thống giá trị của mình, cái gì quan trọng nhất, ý nghĩa của cuộc sống, biết cắt nghĩa thế nào cho giai đoạn đặc biệt này trong cuộc sống của mình và hơn gần n tỷ đồng loại ?

📌

 Sáng tạo một tí

Trong cái khó ló cái khôn. Pushskin chẳng phải đã viết lên những áng văn đẹp nhất trong 3 tháng cách ly vì bệnh dịch tả. Bao nhiêu nghệ sĩ khác (Matisse, Frida Kahlo) cũng tạo ra các tác phẩm để đời khi bị bệnh tật trói chân. Dù lĩnh vực sở trường của bạn là gì (viết văn, nấu ăn, trồng cây, vẽ tranh…) hãy để mình sáng tạo, mỗi ngày làm/tạo ra một cái gì đó.

Cách ly thật kỳ diệu, mình sợ viết 15 năm nay, tiếng Việt xuống cấp thảm cảnh, mà những ngày này lại có mong muốn viết, chia sẻ sau nhiều năm trốn tránh (suýt quên mất là mình đã từng trong đội tuyển thi văn thành phố ngày xưa).

📌

 Giữ chút riêng tư cho mình

Mọi người nói đùa là cách ly làm giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm va chạm đánh nhau mà làm tăng tỉ lệ bạo lực gia đình và ly hôn. Mà mình nghĩ dám thật chứ ko sai nhiều đâu. Ai cũng nên giữ cho mình chút riêng tư, góc riêng cùa mình để hít thở, lắng đọng và… chán theo cách riêng của mình.

Mấy ngày này, sau khi ra ban công hớn hở vỗ tay và vẫy chào hàng xóm, là giờ cả nhà ai về góc đấy. Ba chơi đàn, đọc sách, Mẹ đi lang thang, hoặc nằm ngắm trần nhà nghĩ vẩn vơ về mấy bài post FB cứ lửng lơ trong đầu. Trong phòng, Phong nằm ôm bình sữa nghêu ngao tiếng Thái, Lam trùm chăn đóng kịch với các bạn gấu papa, gấu mama, sư tử và hoẵng.

Khi hai bạn chìm vào giấc ngủ là lúc các đấng bố mẹ thân sinh đây sẽ có hẹn chơi game qua skype với các bạn hoặc lên luyện Netflix.

📌

 Đừng quay lưng lại thế giới

Cách ly là bắt buộc, không phải lựa chọn. Và đôi khi, nó khiến mình muốn thu mình khép cửa. Lúc đấy là lúc nguy hiểm.

Liều thuốc chống lại ưu trầm của mình là cắt nghĩa cho thời gian bị « giam lỏng » ở nhà này: là mình quyết định tham gia một cách nghiêm túc để chống lại virus corona, bảo vệ mình và người thân, giống như là hy sinh cái cá nhân cho cái chung của xã hội, cộng đồng, trong đó có mình. Và điều tuyệt vời nhất trong cơn đại hồng thủy này là trái đất được hồi sinh phần nào : ô nhiễm giảm, du lịch đổ bộ giảm, cây cỏ lớn xanh rì trong mùa xuân bão táp.

📌

 Hướng về tương lai, ngay từ bây giờ

Không ai biết, tình trạng này còn kéo dài bao lâu, nhưng không bao giờ là quá sớm để nghĩ về tương lai, nhỉ ? Hãy tìm cho mình một kế hoạch, đặt ra mục tiêu dù là giản dị vô cùng, để không bị lạc lối trong cảm giác tương lai mờ mịt, xám xịt.

Trong cơn sóng cả, không ngã tay chèo.
Đằng trước là tương lai đang đợi mình phác thảo.

Còn mong muốn lớn nhất của mình ngay lúc này là câu like. Giá được 100 , mình sẽ lại viết tiếp. hihi

Hôn cả nhà.

 

Rate this post

Viết một bình luận