Cách người trẻ dành dụm tiền trong mùa dịch để về quê đón tết

Cho dù cuộc sống có khó khăn cách mấy đi chăng nữa, với nhiều người trẻ, tết hạnh phúc nhất là được đoàn viên bên người thân…

Cách người trẻ dành dụm tiền trong mùa dịch để về quê đón tết - ảnh 1

Dành dụm từng đồng tiền “boa”

Tài xế xe ôm công nghệ Trần Anh Tú (27 tuổi, quê ở Kon Tum, trú hẻm 22 đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết những ngày này vì tâm lý e ngại nên khách sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ không nhiều. Mỗi ngày, Tú chỉ chở được khoảng 10 khách. “Thu nhập khá ít, nên mình sống tằn tiện hơn. Mình dành dụm vài ngàn tiền “boa” mỗi lần chở khách. Gom góp lại. Để dành tết này có tiền về quê”, Tú tâm sự.

Cũng theo Tú, có ngày trừ đi tiền xăng, Tú có thu nhập được khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Có chuyến khách gởi thêm 5.000 đồng, 10.000 đồng…, Tú đều nhận. “Buổi sáng hay ăn mì gói. Còn trưa và tối ăn 2 đĩa cơm. Tính ra mỗi ngày tiền ăn khoảng 50.000 đồng, còn bao nhiêu để dành lại. Từ giờ tới tết còn hơn 2 tháng có thể dành dụm khoảng hơn 6 triệu đồng. Mình ở ghép nên mỗi tháng chỉ tốn 400.000 tiền trọ. Tính ra với thu nhập hiện tại mình đủ tiền về quê, đủ tiền để lì xì cho ba mẹ và em gái…”, Tú kể.

Cách người trẻ dành dụm tiền trong mùa dịch để về quê đón tết - ảnh 2

Không những Tú, nhiều người trẻ đã và đang mưu sinh ở Sài Gòn cũng đang tất bật, cố gắng làm việc, chắt bóp chi tiêu để mong “dư ít đồng” cho dịp tết âm lịch sắp đến.

“Lương ở đây còn 4,6 triệu đồng mỗi tháng. May mắn là được bao ăn ở nên không phải lo nghĩ khoản đó. Tiền tiêu xài cá nhân, mua card điện thoại, bột giặt… mỗi tháng hết 400.000 đồng. Giờ tới tết còn 2 tháng nữa. Mình mong dư được khoảng cỡ 8 triệu đồng để đủ tiền đặt xe về quê, có tiền phụ bố mẹ tiền mua sắm dịp tết và mua ít quà cho các em”, chị Lê Đỗ Châu Giang (34 tuổi, quê Sóc Trăng, đang làm việc tại một xưởng may trên đường số 5, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết.

Nguyễn Quốc Tuyển (27 tuổi, quê ở Thái Bình, nhân viên một cơ sở bán cây cảnh trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM), cũng kể đã lên kế hoạch dành dụm tiền để được đón tết ở quê cùng bố mẹ. “Lương cứng được 5,7 triệu đồng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, tiền ăn và tiền trọ, mỗi tháng để dành khoản 3,2 triệu đồng. Đến cuối năm, dù số tiền 6,4 triệu đồng không nhiều nhưng cũng đủ để phụ lo một cái tết vui vẻ cùng bố mẹ ở quê. Mong tết đến, mong có tiền, nên mình càng cố gắng hơn để chăm chỉ làm việc”, Tuyển kể.

Cả Tuyển, Giang hay Tú cũng cùng mong mỏi là dịch bệnh không còn hoành hành, để công việc được ổn định, có nhiều khách hơn, thu nhập cao hơn để có cái tết thoải mái.

Ở ghép, bỏ uống cà phê sáng, rượu bia…

Nhiều người trẻ bày tỏ sự vui mừng khi hiện nay đã được làm việc trở lại chứ không phải rơi vào tình cảnh thất nghiệp như mấy tháng trước.

“Lúc Sài Gòn thắt chặt giãn cách, em ở không tròn 5 tháng. Bao nhiêu tiền tiết kiệm được thời gian trước không đủ xoay xở cho những tháng dịch. Nên giờ đây, em biết sống tiết kiệm hơn, chỉ tiêu tiền vào những việc chính đáng. Tất cả chỉ nhằm mục đích tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó, dồn lại, gom góp dành dụm để dịp tết đỡ ngột ngạt chuyện tiền nong. Để có thể mua vé xe về nhà, có thể mua cho mẹ xấp áo dài, mua cho cha đôi giày đi chúc tết…”, Dương Huyền Ly (33 tuổi, quê ở Gia Lai, đang làm việc ở Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, TP.HCM), tâm sự.

Cách người trẻ dành dụm tiền trong mùa dịch để về quê đón tết - ảnh 3

Suy nghĩ tương tự, Trương Hoàng Khoa (31 tuổi, quê ở Bình Thuận, bảo vệ của chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết: “Thời gian trước có thói quen uống cà phê mỗi sáng. Thi thoảng rủ bạn bè đồng nghiệp túm chụm “làm vài ve” sau mỗi ca trực… Nhưng bây giờ không còn thói quen đó nữa. Sau giờ làm là trở về phòng trọ. Ăn uống tiết kiệm hơn. Sử dụng điện thoại với gói cước rẻ nhất. Hạn chế hút thuốc, bỏ hẳn rượu bia…Tết cũng sắp đến rồi, không phung phí để dành tiền tiêu tết”.

Có cả những người trẻ, sau khi đợt dịch Covid-19 lắng xuống đã rủ nhau ở cùng để tiết kiệm tiền nhà trọ. Qua đó có thể giúp “quỹ” để dành cho những ngày tết nhiều hơn. “Cuộc sống công nhân nên suốt ngày ở xưởng trên công ty. Về phòng trọ chỉ để ngã lưng nằm nghỉ. Ngày nào cũng như vậy. Nên mình nghĩ lại và quyết định trả phòng, không ở một mình nữa, vào ở với 3 người đồng hương. Nhờ vậy đã tiết kiệm được 1 triệu đồng mỗi tháng. Thay vì đóng 1,5 triệu đồng chưa kể tiền điện nước thì nay chỉ đóng 500.000 đồng thôi. Nói chung tiết kiệm được càng nhiều càng tốt. Một năm xa nhà, cũng mong có ít tiền tiêu ngày tết, mua sắm cho gia đình, biếu cho cha mẹ”, Trần Thị Ánh Thư (28 tuổi, quê ở Cà Mau, công nhân thủy sản đang tạm trú tại đường Văn Cao, P.Phú Thọ Hòa, Q.Bình Tân), chia sẻ.

Vũ Thị Quỳnh (31 tuổi, quê ở Quảng Ninh, đồng nghiệp của Thư), cũng cho biết: “Đã bắt đầu tiết kiệm để dành tiền cho tết từ hơn tháng qua. Tháng vừa rồi mình để dành được 3,7 triệu đồng. Tiền đó mình để riêng, tự hứa là không đụng đến. Còn hai tháng nữa tới tết là có thể để dành được khoảng hơn 10 triệu đồng. Đủ để lo một cái tết đủ đầy cho gia đình”.

Có thể thấy, dù mỗi người với những công việc khác nhau, có những mức thu nhập khác nhau, thế nhưng họ có điểm chung là cố gắng làm việc, lên sẵn những kế hoạch để có tiền về quê dịp tết.

Còn bạn, bạn đã chuẩn bị gì, có kế hoạch gì cho dịp tết sắp đến chưa?

Rate this post

Viết một bình luận