Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch. Thủy đậu xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời bệnh có thể để lại những biến chứng không mong muốn. Việc phát hiện sớm đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh.
Thủy đậu (còn gọi là phỏng dạ, trái dạ) là một bệnh do vi rút có tên là Varicella zoster gây nên. Bệnh thường phát triển vào mùa xuân và hè, thường gặp ở đối tượng là trẻ nhỏ, có thể gây thành một vụ dịch nhỏ. Ở người lớn thường gặp ở những người có sức đề kháng hoặc khả năng miễn dịch kém. Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm, nhưng khá lành tính. Bệnh lây truyền từ người sang người qua cơ chế trực tiếp như: những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh qua hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện; hoặc lây trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt,… mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh.
Bác sĩ CKI Hà Thị Quế, Trưởng khoa Da liễu và Phòng chống mù lòa cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Khi bị nhiễm vi rút người bệnh sẽ mắc bệnh thủy đậu và trải qua các thời kỳ như sau. Thứ nhất là thời kỳ ủ bệnh, thường kéo dài 14 ngày, người bệnh thường không có biểu hiện về bệnh. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn sơ phát, hay còn gọi là giai đoạn tiền triệu, kéo dài khoảng 2-3 ngày. Người bệnh cảm thấy sốt nhẹ, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân, hắt hơi, sổ mũi, một số trường hợp có thể là viêm họng. Ở trẻ nhỏ với triệu chứng nhẹ có thể là không có triệu chứng, ở người lớn thì rõ hơn”.
Với giai đoạn toàn phát, người bệnh bị sốt, hình thành các ban đỏ. Các ban đỏ này lúc đầu xuất hiện ở đầu, mặt, sau đó lan xuống thân mình và các chi. Tuy nhiên ở những vùng ít tì đè ví dụ như vùng liên bả, vùng mạng sườn hoặc vùng khoeo thì tổn thương ban xuất hiện nhiều hơn. Cũng có khi tổn thương ban xuất hiện nhiều ở vùng mặt và thân mình, vùng 2 chi ít tổn thương hơn; đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay hầu như hiếm gặp tổn thương. Phát ban thường kéo dài 2-3 ngày, một số trường hợp đặc biệt có chấm, sẩn nhỏ màu đỏ ở trên thân mình và hiếm khi người thường nhìn thấy nhưng đấy cũng là một trong những triệu chứng của phát ban. Sau khi phát ban sẽ xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này có hình ảnh như những giọt nước, giọt sương và có quầng đỏ xung quanh làm cho bệnh nhân cảm thấy rất ngứa. Khi mụn nước xuất hiện thì tiến triển của mụn nước lúc đầu có dịch màu trong, sau là màu vàng nhạt, dần dần khô và đóng vảy tiết. Thời gian xuất hiện vảy tiết kéo dài 4-5 ngày, sau đó tiến tới giai đoạn lành bệnh. Ở giai đoạn toàn phát bệnh nhân có thể có những triệu chứng như viêm họng, sốt cao hoặc hạch sưng nếu như bị nhiễm trùng và đến giai đoạn lành bệnh vảy tiết thường tồn tại độ 1-3 tuần rồi bong đi, khi bong đi sẽ để lại các dát màu hồng có thể có lõm hoặc trở về làn da bình thường. Các vùng lõm là do các mụn nước bị nhiễm trùng và tổn thương sâu dưới trung bình.
Tiến triển của các vết phỏng nước thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng có thể gặp các biến chứng không mong muốn. Một là, biến chứng nhiễm trùng tại chỗ, lúc này ở tại tổn thương mụn nước có thể bị viêm nhiễm, hóa mủ, loét sâu xuống và vỡ ra. Chỗ tổn thương đó có thể rỉ máu, thường gặp những biến chứng này ở trẻ nhỏ do gãi nhiều. Hai là viêm màng não, viêm não. Biến chứng này thường gặp ở người lớn, xuất hiện sau khi mụn nước mọc 3-5 ngày. Lúc này người bệnh biểu hiện sốt cao li bì, hôn mê, co giật và rung giật nhãn cầu. Nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Ba là viêm phổi, người bệnh có thể ho ra máu, khó thở, tức ngực. Bệnh nhân có thể sốt cao, li bì và biến chứng tiếp theo có thể gặp là viêm cầu thận, viêm thận. Bệnh nhân có các triệu chứng của suy thận và đái ra máu.
Biến chứng của thủy đậu
Cũng theo Bác sĩ Hà Thị Quế, bệnh thủy đậu có thể kê đơn điều trị ngoại trú, điều trị tại nhà. Khi điều trị tại nhà có 2 cách. Cách thứ nhất là chăm sóc và cách thứ 2 là dùng thuốc. Về cơ bản người bệnh sẽ đến bác sĩ thăm khám và được kê đơn về điều trị tại nhà. Các chăm sóc tại nhà như sau: Về mặc quần áo, bệnh nhân cần mặc đồ rộng, mềm để tránh mụn nước không bị dập vỡ. Bệnh nhân tránh gãi vì dễ gây tổn thương nhiễm trùng và tình trạng sẹo lõm. Người bệnh luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng nước, chỉ nên tránh lạnh. Bệnh nhân có thể tắm bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc nước ấm. Khi xuất hiện các biến chứng như ở trên phải đưa người bệnh đến các cơ sở y tế ngay. Ngoài ra, nên cách ly người bệnh với người lành cũng là điều cần thiết, để tránh lây lan trong cộng đồng. Cách thứ 2 về dùng thuốc là phần kê đơn của bác sĩ, bác sĩ có thể kê đơn các dung dịch màu để chấm, nếu có ban thì kê hồ nước, kê mỡ kháng sinh để dùng cho những chỗ nhiễm trùng. Đối với dùng thuốc toàn thân có thể uống các thuốc kháng vi rút như Acyclovir hoặc bệnh nhân có nhiễm trùng bác sĩ kê thuốc kháng sinh. Ngoài ra người bệnh cần ăn uống đầy đủ và dùng thêm các vitamin. Khi tình trạng bệnh nặng bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng thuốc có corticoid và phải được bù nước, điện giải đầy đủ.
Để giúp cho người dân có thể phòng bệnh thủy đậu, Bác sĩ Hà Thị Quế khuyến cáo: Trước tiên bệnh nhân phải tiêm phòng vắc xin. Trẻ trên 1 tuổi cần được đưa đi tiêm chủng vắc xin phòng ngừa thủy đậu. Mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu khoảng 3 tháng. Với những đứa trẻ lớn hơn hoặc người lớn mũi 1 và 2 cách nhau 1 tháng. Và việc quan trọng nữa để tránh lây lan trong cộng đồng, chúng ta phải triển khai tích cực việc cách ly người bệnh với người lành. Ví dụ ở các nhà trẻ hoặc khu tập thể đông dân cư thì những trẻ mắc bệnh phải ở trong nhà để chăm sóc và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Theo Ngọc Phượng, CDC Quảng Ninh