Cách sinh thường không đau – bí quyết bỏ túi cho mẹ bầu
Sinh con là thời điểm mà người mẹ nào cũng mong chờ sau suốt 9 tháng 10 ngày. Trong điều kiện sức khỏe mẹ và bé thuận lợi, các bác sĩ thường khuyên mẹ sinh thường. Vậy mẹ nên làm gì để cuộc vượt cạn nhanh chóng và không mất sức? Mời bạn tìm hiểu cách sinh thường không đau dưới đây.
1. Những điều kiện thuận lợi cho mẹ sinh thường
Các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên sinh thường để tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, để sinh thường mẹ cần đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Mẹ có sức khỏe thai kỳ tốt
Đây là điều kiện quan trọng để mẹ có thể sinh thường. Nếu mẹ bầu gặp một trong các vấn đề bệnh lý nào có nguy cơ rủi ro, các bác sĩ sẽ không chỉ định để mẹ bầu sinh thường. Ví dụ mẹ bầu mắc hội chứng rối loạn đông máu, tiền sản giật,…. đều là các trường hợp nên chọn sinh mổ để đảm bảo an toàn.
1.2. Đường sinh của thai nhi không gặp cản trở nào
Quá trình chuyển dạ sinh thường chỉ có thể diễn ra khi đường thoát của thai nhi không gặp cản trở. Trong trường hợp mẹ bầu có các khối u cản đường hay vị trí rau bám không thuận lợi,… thì thai nhi sẽ không được sinh thường mà phải can thiệp sinh mổ.
1.3. Sức khỏe thai nhi tốt
Ngoài sức khỏe của mẹ thì sức khỏe của bé là điều vô cùng quan trọng để bé đủ khỏe vượt qua ống sinh sản và chào đời. Trong trường hợp bé gặp các vấn đề về dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, sa dây rốn,… mẹ bầu nên chọn sinh mổ.
1.4. Cân nặng của thai nhi đạt chuẩn
Cân nặng của bé là yếu tố quan trọng để mẹ có thể sinh thường. Em bé có mức cân nặng đạt chuẩn với cơ thể của mẹ sẽ thuận lợi cho việc sinh thường. Ngược lại, em bé có cân nặng quá lớn sẽ khó khăn trong quá trình chuyển dạ.
1.5. Đường kính lưỡng đỉnh của bé và độ mở tử cung của mẹ thuận lợi
Các thai nhi vòng đầu (đường kính lưỡng đỉnh lớn) sẽ khó lọt qua cổ tử cung của mẹ để ra ngoài. Bên cạnh đó, nếu cổ tử cung của mẹ không đủ mở thì thai nhi cũng sẽ không thể sinh thường. Chính vì thế, trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ về vấn đề phương pháp sinh thường và sinh mổ phù hợp.
1.6. Ngôi thai thuận
Bên cạnh vấn đề trên thì các vấn đề về ngôi thai thuận là một yếu tố quyết định mẹ có thể sinh thường hay không. Nếu ngôi ngang, ngôi ngược thì em bé sẽ không thể sinh thường mà cần can thiệp sinh mổ.
2. Những ưu điểm và hạn chế của sinh thường
Sinh thường là phương pháp được khuyến khích cho mẹ bầu. Tuy nhiên, sinh thường cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
2.1. Những ưu điểm
– Ưu điểm lớn nhất là mẹ bầu hồi phục nhanh. Sau sinh thường từ 1 – 2 ngày mẹ đã có thể di chuyển.
– Mẹ bầu sinh thường sữa sẽ về nhanh hơn sinh mổ. Em bé sau sinh được bú sữa mẹ sớm sẽ kích thích tăng trưởng và hệ miễn dịch sớm.
– Tử cung co hồi tốt hơn sinh mổ nên sản dịch nhanh hết và lượng mất máu do sinh cũng giảm.
– Trong quá trình sinh, em bé được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi trong âm đạo, hệ miễn dịch được kích thích sớm. Đồng thời do sức ép trong quá trình chào đời mà các dịch trong phổi sẽ được đẩy ra ngoài nhiều hơn giúp bé có đường thở tốt hơn so với các trẻ sinh mổ.
2.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì sinh thường cũng có những nhược điểm như:
– Cơn đau chuyển dạ có thể kéo dài khiến mẹ mất sức. Mẹ chịu áp lực về tâm lý và những cơn đau trong quá trình vượt cạn. Trong nhiều trường hợp mẹ kiệt sức sẽ phải chuyển mổ.
– Ngày dự sinh và ngày sinh thực có thể bị lệch nhau, sớm hơn hoặc muộn hơn khiến mẹ lo lắng.
– Mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ sau sinh do những ảnh hưởng tới vùng sàn chậu.
– Một số trường hợp bác sĩ cần can thiệp kỹ thuật giúp mẹ sinh dễ hơn.
3. Cách sinh thường không đau cho mẹ bầu
Sinh thường luôn được khuyến khích với các mẹ bầu. Tuy nhiên khoảnh khắc vượt cạn sinh thường vẫn là nỗi lo của nhiều mẹ bầu. Làm thế nào để sinh thường không đau, vượt cạn nhanh? Dưới đây là một số cách sinh thường không đau mẹ nên bỏ túi:
3.1. Tạo những thói quen vận động tốt trong thai kỳ
Đây là một trong những bí kíp sinh thường không đau đơn giản cho mẹ bầu. Việc tạo thói quen vận động đều đặn hàng ngày không chỉ giúp mẹ và bé khỏe mạnh mà còn giúp cơ thể mẹ thích nghi và quen dần với những thay đổi khi em bé lớn lên và giai đoạn vượt cạn sau này.
Theo nhiều nghiên cứu, mẹ bầu vận động 30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm các cơn đau do xương và cơ giãn từ từ. Quá trình chuyển dạ của mẹ cũng trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn, giúp mẹ bớt đau và giảm mất sức. Chính vì thế, mẹ bầu đừng quên tạo thói quen này khi mang thai nhé.
3.2. Tập thở
Tập thở nghe đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Mẹ bầu cần học cách hít thở sâu ngay từ trong thai kỳ. Thở sâu giúp mẹ lưu thông máu và khí tốt hơn. Thở sâu giúp mẹ bầu không bị hụt hơn trong quá trình vượt cạn. Đồng thời thở sâu cũng là một cách giúp mẹ bình tĩnh và bớt đau khi sinh.
3.3. Ăn và uống đủ nước trước khi lên bàn sinh
Cung cấp năng lượng đầy đủ là điều quan trọng khi vượt cạn sinh thường. Mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm chứa carbonhydrat và đạm như: bánh mì, bánh quy, cơm, ngũ cốc, tôm,… Đồng thời có thể dùng nước trái cây để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất. Lưu ý không nên sử dụng các loại nước ngọt, nước có ga vì sẽ khiến mẹ bầu mệt thêm. Trong quá trình vượt cạn, mẹ bầu có thể yêu cầu bác sĩ hỗ trợ uống nước nếu thấy khát. Việc ăn uống đầy đủ giúp mẹ có sức vượt cạn, tránh tụt huyết áp khi sinh.
3.4. Massage bụng để sinh thường không đau
Trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu có thể sử dụng phương pháp massage để kích thích quá trình sinh được nhanh chóng hơn. Mẹ bầu có thể tự thực hiện hoặc nhờ hỗ trợ từ người thân, y tá.
3.5. Rặn đẻ đúng cách
Rặn đẻ đúng cách là vô cùng quan trọng. Thông thường trên bàn sinh, mẹ sẽ được các nữ hộ sinh hướng dẫn cách rặn đẻ. Mẹ bầu sẽ thực hiện từng nhịp rặn theo các cơn gò của tử cung để em bé chào đời nhanh nhất. Quá trình sinh sẽ diễn ra rất nhanh khi mẹ bầu thực hiện đúng chỉ dẫn chuyên môn. Vì vậy nên mẹ đừng quá lo lắng.
3.6. Phương pháp gây tê màng cứng
Đây là phương pháp gây tê cục bộ giúp mẹ mất cảm giác đau nửa dưới cơ thể. Gây tê màng cứng giúp mẹ mất cảm giác đau tạm thời trong quá trình sinh nhưng vẫn cảm nhận được những cơn co tử cung. Ngày nay, để vượt cạn nhẹ nhàng hơn nhiều mẹ bầu đã sử dụng phương pháp này.
Trên đây là một số thông tin về sinh thường cũng như cách sinh thường không đau dành cho mẹ bầu tham khảo. Dù sinh thường hay sinh mổ thì điều quan trọng nhất vẫn là một thai kỳ khỏe mạnh. Chính vì vậy mẹ bầu hãy chủ động chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi và vận động hợp lý. Bên cạnh đó, hãy ghi nhớ các mốc thăm khám quan trọng để theo dõi tốt nhất sức khỏe thai kỳ.
Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công!