Tụng kinh cho người mới mất là việc ai cũng có thể làm. Chỉ cần trong suốt thời gian bao nhiêu ngày tụng kinh đó: Bạn ăn chay, giữ ngũ giới, kiêng cử Ngũ vị tân và có một nơi sạch sẽ, yên tĩnh là được. Vong linh nhờ nơi công đức tụng kinh này sẽ sớm được vãng sanh về cõi lành.
Lại bạn tự mình tụng kinh cho người thân là tốt nhất, đừng nhờ thầy gọi thợ làm chi, tốn kém và chẳng ích lợi gì cho người đã khuất đâu. Tại sao thế? Bởi thời mạt pháp này thỉnh được bậc tu hành chân chính đến giúp là vô cùng khó. Đa phần tụng kinh đám là để lấy tiền. Mà người tụng đã dính vào danh lợi thì tâm không chí thành, tâm không chí thành thì tụng kinh không thể cảm ứng được!
Thời gian gần đây nhiều bạn đọc nhắn hỏi về vấn đề này. Mỗi người một hoàn cảnh, một thắc mắc riêng, nhưng tựu trung lại đều là người sơ cơ nên không nắm vững được phương pháp…Nguyện người hữu duyên đọc bài này mà nắm rõ được phương pháp; lại phát tâm chân chánh học Phật để người còn lẫn người mất cùng được lợi lạc, cùng lìa khổ được vui!
*
Người thân của ta mới mất đi, ta đau lòng, thương tiếc, ta muốn làm điều gì đó lợi lạc cho người đã khuất mà chẳng biết làm gì hoặc làm thế nào là tốt nhất cho họ. Ta cũng chưa bao giờ biết được rằng: Họ đang tột cùng trong nỗi hoang mang, cô đơn và đói khổ! Họ chỉ mong con cháu có thể làm điều gì đó giúp đỡ cho họ mà vô phương báo cho chúng biết. “Bởi chúng cũng như ta, lúc còn sống luôn nghĩ rằng chết là hết. Nào có biết chết rồi lại đau đớn, đói khát và vất vưởng như thế này đâu!?”
Bạn thân mến, nếu bạn chẳng tin nhân quả, chẳng tin Phật pháp cũng xin một lần đọc qua bài này. Cũng gắng cho con mình đọc qua lấy một lượt. Chỉ một việc bé nhỏ, mất chưa đến 15 phút và bạn cũng chẳng tốn kém tiền bạc gì. Thế nhưng 15 phút hôm nay có thế là cứu cánh cho bạn sau này đấy!
Trước khi tụng kinh cho người mới mất, ta cần nắm được kiến thức cơ bản về cái chết, thân trung ấm, các cảnh giới….Vâng, mời bạn!
Tụng kinh Cho người mới mất: 1. Tiến trình của cái Chết
Người đời thấy tắt hơi cho là đã chết, nhưng không, tắt hơi chỉ là bước khởi đầu của tiến trình chết. Đây là quá trình xảy ra sau khi một người đã tắt hơi. Tiến trình này được chia làm hai giai đoạn: Sự tan rã bên ngoài của Tứ đại và Sự tan rã bên trong của nội tâm.
Sự tan rã bên ngoài của Tứ đại
Sự tan rã của tứ đại là một điều vô cùng kinh khủng, theo “Tạng thư sống chết” thì: Sự tan rã bên ngoài xảy ra khi các giác quan và tứ đại phân tán. Chúng ta thực sự kinh qua điều này như thế nào khi chết ?
Ðiều trước tiên chúng ta có thể ý thức là các giác quan ta ngưng hoạt động như thế nào. Nếu người đứng xung quanh giường ta đang nói chuyện, sẽ đến một lúc ta không thể nghe ra một lời nào. Ðây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Ta nhìn một vật trước mặt, mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết. Ðấy là dấu hiệu nhãn thức đã suy.
Và việc cũng xảy ra tương tự đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn được cảm nhận một cách trọn vẹn, đó là giai đoạn đầu tiên của tiến trình tan rã. Bốn giai đoạn tan rã kế tiếp đi kèm với sự tan rã của bốn đại :
Sự tan rã của Ðịa đại
Thân xác chúng ta khởi sự mất hết sức mạnh. Chúng ta kiệt quệ, không còn chút năng lực nào. Không thể đứng lên, ngồi thẳng, hay cầm bất cứ vật gì. Ta không còn giữ được cái đầu của ta. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang nhận chìm xuống đất, hay đang bị một sức nặng ghê gớm nghiền nát. Kinh điển mô tả như là trái núi khổng lồ đang ép xuống người ta, và ta đang bị nó nghiền nát.
Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào. Ta có thể yêu cầu đỡ ta lên, chồng gối cao lên, lấy hết mền trên người ra. Màu da của ta phai nhạt và một màu tái xanh xuất hiện. Má ta hóp lại, và những vết đen xuất hiện trên răng. Càng lúc ta càng thấy khó mở mắt nhắm mắt. Khi sắc uẩn phân tán, ta trở nên yếu đuối mong manh. Tâm ta giao động, nói nhảm, nhưng rồi lại chìm vào hôn trầm.
Ðấy là những dấu hiệu địa đại đang rút vào thủy đại. Ðiều này có nghĩa rằng gió liên hệ đến địa đại đang trở thành ít có khả năng cung cấp một nền tảng cho ý thức và khả năng của thủy đại bây giờ rõ rệt hơn. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” xuất hiện trong tâm lúc đó là thấy một hình ảnh chập chờn.
Sự tan rã của Thủy đại
Chúng ta khởi sự mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi ta bắt đầu chảy nước, và miệng rỏ nước miếng. Có thể có nước mắt chảy ra, và ta cũng có thể mất hết sự tự chế. Ta không thể nào di động cái lưỡi. Mắt ta khởi sự cảm thấy khô cạn trong lỗ mắt. Môi ta thụt vào, không còn chút sắc máu; miệng và cổ họng bế tắc. Những lỗ mủi ta lún vào, và ta cảm thấy rất khát nước. Ta run rẩy, co giật. Mùi tử khí bắt đầu phảng phất xung quanh.
Khi thọ uẩn phân tán, thì những cảm giác của thân yếu dần ; khi khổ khi vui ; lúc nóng lúc lạnh. Tâm ta đâm ra mờ mịt, bất mãn, cáu tức, và nóng nảy. Một vài kinh điển nói chúng ta cảm thấy như mình bị dìm trong đại dương hay cuốn trôi trong dòng nước lớn. Thủy đại đang tan rã vào hỏa đại, bây giờ hỏa đại thắng lướt và có khả năng nâng đỡ tâm thức. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người sắp chết thấy một đám mờ như khói cuộn.
Sự tan rã của Hỏa đại
Miệng và mũi chúng ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ chân tay cho đến tim. Có thể có một luồng khói xuất từ đỉnh đầu. Hơi thở lạnh giá khi qua miệng và mũi. Ta không còn có thể uống hay tiêu hóa bất cứ thứ gì. Tưởng uẩn đang phân tán, và tâm ta lơ lửng giữa sáng suốt và mê mờ. Ta không thể nhớ được tên bà con, bè bạn, hay nhận ra họ là ai. Càng lúc ta càng khó nhận ra cái gì bên ngoài, vì âm thanh và cái thấy lẫn lộn.
Kalu Rinpoche viết : “Ðối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực, hay toàn thế giới đang bị thiêu đốt”. Hỏa đại đang tan vào phong đại, nên bây giờ nó không có thể làm nền tảng cho tâm thức được nữa, mà khả năng của phong đại thì rõ rệt hơn. Bởi thế dấu hiệu bí mật là những đóm sáng chập chờn trên một ngọn lửa mở ra, như những con đom đóm.
Sự tan rã của Phong đại
Càng lúc càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chúng ta. Chúng ta khởi sự thở hào hển. Nhưng hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài. Mắt chúng ta trợn trừng lên, và chúng ta hoàn toàn bất động. Khi hành uẩn phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với hoàn cảnh vật lý đang tan mất.
Chúng ta khởi sự có những ảo giác và thấy các cảnh tượng: Nếu trong đời ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Những ám ảnh và những giây phút kinh hãi của đời ta bây giờ quay lại, và có khi chúng ta cố la lên vì kinh hoàng. Nếu chúng ta đã sống đời có lòng tử tế xót thương, thì chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, và “gặp” những bạn bè thân yêu, hoặc những bậc giác ngộ. Với những người đã sống đời lương thiện, thì khi chết có sự an bình thay vì hãi sợ.
*
Kallu Rinpoche viết: “Kinh nghiệm nội tâm đối với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả chính mình, một trận gió xoáy cuốn hút toàn vũ trụ”. Ðiều đang xảy đến là phong đại đang tan vào tâm thức. Những ngọn gió đều tập hợp lại trong “gió nâng đỡ đời sống” nằm ở tim. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người chết thấy một ngọn đuốc hay đèn đỏ rực.
Hơi thở vào càng nông cạn, hơi thở ra càng sâu. Ở thời điểm này, máu tụ lại đi vào trong “kinh mạch của sự sống” nằm chính giữa tim ta. Ba giọt máu lần lượt tụ lại, gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lình, hơi thở chúng ta chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn ở lại nơi tim ta. Mọi dấu hiệu của sự sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là “chết”.
Nhưng những bậc thầy Tây Tạng nói đến một tiến trình bên trong vẫn còn tiếp diễn. Thời gian giữa sự ngưng thở và thời gian chấm dứt “hơi thở bên trong” được cho là “khoảng chừng bữa ăn”, tức khoảng 20 phút. Nhưng không có gì chắc chắn, và toàn thể tiến trình này có thể xảy ra rất nhanh…
Tụng kinh Cho người mới mất: 2. Vào Thân Trung Ấm
Khi những giọt nước mắt khóc than cho cái chết của chúng ta rơi trên má người thân, cũng là lúc ta bước vào giai đoạn cuối của tiến trình chết. Ta rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh trong một khoảng thời gian chừng 20 phút. Rồi thình lình ta tỉnh dậy trong trạng thái trung gian giữa cái chết và một tái sanh mới: Thân trung ấm. Dân gian gọi là Linh Hồn người chết.
Linh hồn của chúng ta trong cõi Trung ấm tái sanh mang một số đặc tính đặc biệt. Nó có đủ tất cả các giác quan. Nó vô cùng nhẹ, sáng suốt và di động. Sự bén nhạy của nó được nói là gấp 7 lần trong đời sống thực. Nó cũng có được một loại thần thông lặt vặt, không được ý thức kiểm soát, nhưng đem lại cho linh hồn người chết khả năng đọc được tâm người khác.
Đặc điểm của Thân trung ấm
Lúc đầu, linh hồn của ta sẽ có hình dáng giống như thân thể trong đời vừa qua. Hình dáng của nó hoàn hảo không một khuyết điểm và đang ở độ tuổi xuân xanh. Ngay cả khi bạn bị què quặt hay đau ốm trong đời sống, bạn vẫn có được linh hồn toàn hảo trong cõi Trung ấm tái sanh. Một trong những giáo điển cổ của Mật tông Dzogchen cho chúng ta biết rằng: Linh hồn người chết có kích cỡ bằng một đứa bé từ 8 đến 10 tuổi.
Do năng lực của tư duy khái niệm, gọi là “gió nghiệp”, linh hồn không thể ở yên dù chỉ trong chốc lát. Nó không ngừng di động. Nó có thể đi khắp nơi nó muốn, không bị trở ngại. Vì linh hồn không có cơ sở vật lý nên nó có thể đi xuyên qua tường vách hay núi. Có 2 nơi nó không thể đi qua: Tòa kim cang của đức Phật và Thai mẹ.
*
Linh hồn có thể thấy suốt những vật thể có ba chiều. Nhưng vì thiếu tinh chất vật lý của cha mẹ, chúng ta không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ta chỉ có chút ánh sáng mờ soi tỏ khoảng không gian ngay trước mặt. Chúng ta có thể thấy những linh hồn khác trong cõi Trung Ấm. Nhưng người sống không thấy chúng ta, ngoại trừ những người đã có thần thông nhờ thiền định. Bởi thế, chúng ta có thể gặp và nói chuyện vài giây phút thoáng qua với nhiều kẻ đang du hành trong thế giới Trung Ấm. Nghĩa là ta có thể giao tiếp với những kẻ chết trước chúng ta.
Do sự có mặt của năm uẩn đang thành hình, nên linh hồn đối với chúng ta dường như chắc thực. Chúng ta vẫn còn cảm thấy nóng lạnh, đau đớn hay những cơn đói cồn cào. Giáo lý Trung Ấm dạy rằng linh hồn sống bằng mùi hương và rút dưỡng chất từ những đồ cúng được đem đốt. Ngoài ra nó cũng có thể hưởng được những đồ cúng đặc biệt nhân danh nó.
Trong trạng thái này, hoạt động tâm ý rất nhanh. Tư tưởng liên tục trôi qua nhanh và chúng ta có thể làm một lúc nhiều công việc. Tâm tiếp tục duy trì những mẫu mực thói quen của nó: Thói bám víu những kinh nghiệm và thói tin rằng mọi sự tuyệt đối là thực có.
Bơ vơ trong cõi trung gian
Suốt trong những tuần đầu trong cõi Trung Ấm. Linh hồn người chết có cảm tưởng rằng mình là một người đàn ông hay một phụ nữ. Hệt như khi ta còn sống. Chúng ta không hề nhận ra rằng mình đã chết.
Chúng ta trở về nhà để gặp bà con và những người thân yêu. Ta cố nói với họ, sờ vai họ. Nhưng họ không trả lời, cũng không tỏ ra họ biết ta có ở đấy. Dù ta cố gắng bao nhiêu, cũng không gì làm cho họ chú ý ta được. Ta bất lực đứng nhìn họ khóc hay ngồi thẩn thờ với cõi lòng tan nát vì cái chết của ta.
Ta lại còn cố một cách vô hiệu để xử dụng những đồ đạc của ta khi trước. Chỗ ta ngồi nơi bàn ăn không còn dành cho ta nữa. Những người thân bắt đầu bàn tính chôn cất và chia chác của cải của ta. Ta cảm thấy tức tối, bị thương tổn và hằn học “như một con cá quằn quại trên cát nóng”, Tử Thư nói.
Nếu hết sức quyến luyến cái xác của mình, thậm chí ta lại còn cố nhập vào nó hay lảng vảng bên nó. Có trường hợp quá khích là: Linh hồn người chết có thể lai vãng gần tài sản hay xác của họ hàng tuần. Thậm chí hàng năm hoặc nhiều năm mà vẫn chưa có thể nghĩ rằng mình đã chết. Chỉ khi ta thấy mình không có bóng in trên mặt đất, không in dấu chân bước. Hoặc không thấy hình phản chiếu trong gương ta mới vỡ lẽ ra … Và nội một nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đã chết, cũng đủ làm cho ta ngất xỉu.
Ý thức mãnh liệt gấp bảy lần khi còn sống
Trong cõi Trung Ấm tái sanh. Ta sống lại tất cả những kinh nghiệm của đời vừa qua. Ta ôn lại những kỷ niệm đã từ lâu phai mờ trong ký ức. Ta thăm lại những nơi chốn cũ, “dù chỉ là nơi ta chỉ có khạc nhổ lên đấy”.
Cứ bảy ngày một lần, ta lại bắt buộc phải sống trở lại cái kinh nghiệm chết, với tất cả nỗi đau khổ của nó. Nếu ta đã chết một cách an bình, thì trạng thái tâm an bình đó được tái diễn. Nhưng nếu đó là một cái chết vật vã, sự vật vã ấy cũng được tái diễn. Nếu là một cái chết kinh hoàng, sự kinh hoàng đó cũng được tái diễn. Và nên nhớ rằng: Mọi sự được tái diễn với một ý thức mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống. Trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sanh, mọi nghiệp ác của các đời trước trở lại. Tin buồn là nó trở lại theo một cách cô đọng cường liệt, làm cho tâm ta rối bời.
Cứ thế, linh hồn người chết một mình lang thang không ngừng qua thế giới Trung Ấm. Cô đơn và kinh hoảng như trong một cơn ác mộng. Và cũng hệt như trong mộng: Ta tin rằng mình thực có một cái thân vật lý và mình thực sự hiện hữu. Tuy thế, tất cả những kinh nghiệm trong cõi Trung ấm tái sanh này chỉ do tâm ta biến ra. Đều là do nghiệp và những tập quán cũ của ta tái diễn.
Phiêu du theo gió Nghiệp
Những ngọn gió của tứ đại trở về và như Tulku Urgyen Rinpoche nói: “Người ta nghe những âm thanh to lớn của đất, nước, lửa, gió. Có tiếng như núi lở sau lưng ta, hoặc tiếng con sông lớn gầm lên. Hoặc tiếng một khối lửa khổng lồ như hỏa diệm sơn, hoặc tiếng của một trận bão lớn”.
Ta hoảng hốt cố chạy thoát những thứ này trong bóng tối kinh hoàng. Rồi đột nhiên trước mặt ta mở ra ba cái hố sâu thăm thẳm: Trắng, đỏ, đen và “sâu và kinh khủng”. Tử Thư nói đây chính là tâm giận dữ, tham dục và ngu si của ta. Ta bị tấn công bởi những ngọn thác đổ, mưa đá bằng máu mủ. Bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của quỷ không đầu. Bị săn đuổi bởi những yêu quái và thú dữ chuyên ăn thịt.
Cứ thế, ta không ngừng bị ngọn gió nghiệp cuốn đi. Ta không thể vin víu vào bất kỳ một căn cứ nào cả. Tử Thư nói: “Vào lúc ấy, trận cuồng phong của nghiệp thức kinh hoàng, khó chịu xoáy lên một cách dữ tợn, từ đằng sau sẽ đẩy ngươi tới trước”. Bị ngốn ngấu bởi nỗi hoảng sợ, bị thổi giạt qua lại như những hạt nhị hoa bay trước gió. Ta lang thang một cách vô vọng qua cõi Trung Ấm. Bị cơn đói khát dày vò, ta tìm nơi trú ẩn chỗ này chỗ khác.
Nhận thức của tâm ta thay đổi từng chặp, lúc vui lúc buồn. Bỗng tâm ta đâm ra khao khát có một cái xác thân vật lý nhưng lại không thể tìm được, làm cho ta lại rơi vào đau khổ.
Phán xét Thiện – ác
Toàn thể khung cảnh ấy đều do nghiệp ta un đúc. Cũng như thế giới trung gian có thể chứa đầy những ảnh tượng ác mộng do vọng tưởng chúng ta tạo nên.
Nếu bình thường lúc sống, ta có hành động tích cực, thì kinh nghiệm và nhận thức chúng ta trong cõi Trung Ấm sẽ là hạnh phúc và an lạc.
Nếu đời ta tác hại và làm người khác đau khổ thì kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của ta sẽ đầy đau đớn buồn lo.
Bởi thế, Tử Thư nói rằng: Linh hồn người chết của những người đánh cá, đồ tể, thợ săn đều bị tấn công bởi những hình ảnh ghê rợn của những nạn nhân của họ trước kia.
Vài người nghiên cứu kỹ kinh nghiệm cận tử, nhất là khi nghiên cứu những “cuộn phim đời” – Một đặc điểm chung của tất cả mọi người chết đi sống lại – đã tự hỏi: “Làm sao tưởng tượng nổi sự kinh khủng của những kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của một nhà độc tài hay của một kẻ chuyên tra tấn? “Cuộn phim đời” cho ta thấy rằng, sau khi ta chết: Ta có thể kinh quá tất cả những nỗi đau khổ mà ta đã gieo, trực tiếp hay gián tiếp” .
49 ngày lang thang
Linh hồn người chết tồn tại trung bình 49 ngày và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ.
Dudjom Rinpoche thường giải thích rằng suốt trong 21 ngày đầu của thời gian Trung Ấm, linh hồn người chết vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua. Bởi thế đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết. Sau đó, đời sống tương lai của bạn dần dần thành hình và trở thành ảnh hưởng chính. Linh hồn chúng ta phải chờ đợi trong thế giới trung gian cho đến khi nào nghiệp ta bắt liên lạc được với cha mẹ tương lai.
Ðôi khi tôi nghĩ về Cõi giới này như một thứ hành lang chuyển tiếp, trong đó linh hồn người đã chết có thể chờ đợi đến 49 ngày trước khi chuyển sang đời sống mới.
Nhưng có hai trường hợp đặc biệt không cần phải đợi trong cõi Trung Ấm, bởi tính cách cường liệt của nghiệp lực họ đẩy ngay linh hồn họ vào tái sanh mới. Trường hợp đầu tiên là những người đã sống một đời vô cùng lợi lạc và tích cực, đã tu luyện tâm đến trình độ năng lực chứng ngộ của họ sẽ đưa họ trực tiếp vào một tái sanh tốt đẹp. Trường hợp thứ hai là những người đã sống cuộc đời tiêu cực, tác hại. Họ đọa lạc rất nhanh xuống đời tái sanh kế tiếp, tới bất cứ ở đâu.
Sự phán xét
Một vài mô tả về cõi Trung Ấm có nói đến một cảnh xét xử linh hồn: Một loại “quay lại cuộn phim đời” giống như sự phán xét sau khi chết ở trong nhiều nền văn hóa của nhân loại.
Lương tâm tốt của bạn là một vị thiên thần hộ mạng màu trắng. Nó đóng vai cố vấn bào chữa, kể lại những việc tốt bạn đã làm.
Lương tâm xấu của bạn là một con quỷ đen, trình lên vụ án để xét xử.
Tốt và xấu được tính thành những hòn sỏi trắng đen. “Thần chết” hay Diêm vương chủ tọa phiên xử. Khi ấy họ soi vào kính nghiệp để làm cuộc phán xét.
Màn phán xét này có vài tương đồng với “cuộn phim cuộc đời” ở kinh nghiệm cận tử. Cuối cùng, mọi cuộc phán xét đều xảy ra ngay trong tâm ta. Chúng ta đồng thời là quan tòa và bị cáo. Raymond Moody nói: “Ðiều đáng chú ý là sự phán xét không phải đến từ nơi thực thể ánh sáng mà lại đến từ cá nhân người bị xét xử”.(Tư duy về đời sau)
Cảnh phán xét thiện ác linh hồn cũng chứng tỏ rằng trong sự phân tích tối hậu: Chính cái động lực sau mọi hành động của chúng ta mới là điều quan trọng. Chúng ta không thể thoát khỏi hậu quả của những hành động, lời nói và ý nghĩ của ta. Ðiều này có nghĩa chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm không những về cuộc đời hiện tại, mà cả những đời tương lai của ta nữa.
Năng lực siêu việt
Vì trong cảnh giới Trung Ấm, tâm ta rất nhẹ nhàng linh động và bén nhạy. Vậy nên bất cứ tư tưởng nào khởi lên: Tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng và năng lực ghê gớm. Vì không có một cơ thể vật lý làm nền tảng, nên những ý tưởng trở thành thực tại.
Hãy tưởng tượng sự buồn bã giận dữ khốc liệt mà ta có thể cảm thấy khi trông thấy người sống làm đám tang cho ta quá sơ sài. Hoặc bà con tham lam đang tranh giành những vật sở hữu của ta. Hoặc bạn bè mà ta rất yêu mến bây giờ đang nói về ta một cách khinh miệt. Một tình huống như vậy có thể rất nguy hiểm. Vì phản ứng bạo hành của ta có thể đưa linh hồn ta thẳng đến một tái sanh bất hạnh.
Như vậy, năng lực mãnh liệt của tâm ta là vấn đề then chốt trong Trung Ấm tái sanh. Cái giai đoạn cao điểm này hoàn toàn phơi bày chúng ta ra giữa những thói quen và khuynh hướng cố hữu mà ta đã để cho tăng trưởng và thống trị đời ta. Nếu bạn không kiểm soát những khuynh hướng ấy ngay bây giờ trong khi sống. Nếu bạn không ngăn chúng xâm chiếm tâm bạn. Trong Trung Ấm tái sanh linh hồn của bạn sẽ thành nạn nhân tội nghiệp của chúng, bị mãnh lực của chúng đưa đẩy.
Ranh giới giữa Giải thoát – Đọa lạc
Một sự giận dữ nhỏ nhặt trong trạng thái Trung Ấm cũng có thể có một ảnh hưởng tai hại. Bởi thế mà theo truyền thống, người đọc Tử Thư cho bạn lúc sắp chết phải là một người mà bạn có quan hệ tốt đẹp. Nếu không, nội một việc nghe âm thanh tiếng nói của y cũng đủ làm cho bạn nổi tam bành. Điều này sẽ có những hậu quả vô cùng khốc hại cho linh hồn người đã chết.
Giáo lý cho ta thấy nhiều mô tả về tính chất sống sít của cái tâm ở trong trạng thái Trung Ấm: Tâm ta lúc ấy giống như một thỏi sắt nung đỏ, sẵn sàng uốn bất cứ kiểu nào bạn muốn. Bất cứ hình dáng gì nó được uốn nắn, nó sẽ mau chóng thành hình y như vậy.
Một tư tưởng tích cực duy nhất trong trạng thái Trung Ấm có thể trực tiếp dẫn đến giác ngộ. Một phản ứng tiêu cực duy nhất có thể làm bạn chìm vào đau khổ lâu dài. Tử thư cảnh cáo chúng ta một cách mạnh mẽ như sau :
Ðến đây là ngã rẽ đôi đường lên cao và xuống thấp: Đây là lúc mà chỉ cần lướt vào sự lười biếng một chút ngươi cũng đủ chịu khổ miên viễn. Đây là lúc mà chỉ cần tập trung một chút ngươi cũng sẽ hưởng được hạnh phúc lâu bền. Hãy chú tâm không tán loạn, hãy nỗ lực kéo dài hậu quả thiện nghiệp !
Sẽ siêu thoát nếu như…
Trong Trung Ấm tái sanh, các cõi Phật không hiện ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ cần nhớ đến các vị Phật, bạn cũng có thể đi thẳng đến các cõi ấy bằng năng lực tâm bạn. Và do nhân duyên này, bạn tiến đến giải thoát.
Giáo lý Mật tông Tây Tạng này cho ta thấy niệm Phật là vô cùng trọng yếu. Trong cảnh giới này, chỉ cần linh hồn niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật thôi, ngay lập tức sẽ vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Giáo lý kỳ đặc này xác quyết một sự thật hiển nhiên về Bản Nguyện Niệm Phật: Bạn niệm Phật là chắc chắn được vãng sanh – Tuệ Tâm.
Nếu bạn có thể niệm danh hiệu một vị Phật, vị ấy liền hiện ra trước bạn. Nhưng nên nhớ, mặc dù các khả năng là vô giới hạn, chúng ta vẫn phải có sự tự chủ tâm ý trong Trung Ấm này. Vì điều này vô cùng khó khăn khi tâm ta ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, phân tán và bất an. ( Theo Tạng Thư Sống Chết )
Tụng kinh Cho người mới mất: 3. Thực hành
Bạn đọc đến đây ắt đã hiểu được nỗi khổ hải của người thân sau khi chết là như thế thế nào rồi. Giờ là cách ta tìm cách giúp đỡ họ. Theo kinh Địa Tạng, Bồ Tát dạy:
“Những chúng sinh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật, thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả.
Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.
Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức.”
Nên Tụng Kinh gì cho người mới mất
Câu trả lời là còn tùy.
1. Nếu người thân của bạn trước khi mất có tu học Phật pháp:
Bạn phải tụng đọc theo Pháp mà họ từng tu tập, nghĩa là:
-
Khin còn sống họ trì chú thì nào thì bạn trì chú ấy. Đừng làm khác đi, nghĩa là họ tụng chú đại bi thì bạn cũng chỉ nên tụng chú Đại Bi, đừng tụng chú khác.
-
Khi còn sống họ tụng kinh gì thì bạn tụng kinh ấy. Nghĩa là họ thường tụng kinh A Di Đà thì bạn chỉ nên tụng kinh A Di Đà, đừng tụng kinh khác.
-
Khi còn sống, họ tu Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh, thì bạn chỉ nên niệm Phật. Sau đó hồi hướng công đức giúp họ được cao đăng Sen Phẩm nơi cõi Cực Lạc.
2. Nếu khi còn sống họ chưa từng biết đến Phật pháp.
Trường hợp này chiếm đa số trên thế gian, và để giúp họ một cách tốt nhất thì bạn nên tụng Kinh Địa Tạng. Sức siêu độ vong linh của Kinh Địa Tạng vô địch ở chỗ: Vong linh nghe kinh sẽ minh lý tội phước, nhân quả. Nhờ minh lý mà bức màn vô minh che phủ tâm thức của họ được gỡ bỏ. Họ minh lý ắt sẽ phát tâm sám hối tội lỗi của mình. Một niệm sám hối ấy khởi lên ngay lập tức sẽ được sức Bổn Nguyện của Ngài Địa Tạng nhiếp hộ. Nhờ đó sẽ được siêu thoát về các cảnh giới lành.( Đa phần sẽ tái sanh lên các cõi trời của chư Thiên. Nếu tái sanh nơi cõi người cũng sẽ vào được nơi tốt lành, lớn lên sẽ gặp duyên học Phật.)
Như vậy, tụng Kinh Địa Tạng là câu trả lời cho câu hỏi: Nên tụng kinh gì cho người mới mất!
Cách tụng kinh cho người mới mất
Trước khi tụng kinh cho người mới mất, bạn phải khắc cốt ghi tâm điều này:
-
Chớ sát sinh trong nhà, dù con trùng con kiến cũng không nên giết chúng.
-
Chỉ nên cúng chay, tuyệt đối không cúng mặn. Tại sao thế? Bởi sát sinh cúng mặn sẽ khiến tội của người mất tăng thêm rất nhiều lần.
-
Người tụng kinh phải ăn chay trường, giữ giới và kiêng ngũ vị tân; Ít nhất là trong bao nhiêu ngày phát nguyện tụng kinh đó phải kiêng cữ. Tại sao thế? Vì nếu bạn ăn mặn tụng kinh sẽ chẳng có cảm ứng gì. Nếu ăn ngũ vị tân thì thân thể hôi hám, chư thiên và hộ pháp không đến hộ trì.
-
Người tụng kinh trước khi tụng tắm rửa sạch sẽ, nếu có gia đình thì trong thời gian tụng kinh nên kiêng quan hệ. Lý của việc này hơi vi tế, nói không được, tốt nhất là nên như thế.
- gắng tụng cho trọn vẹn cả bộ, đừng hời hợt trì tụng, vong linh biết họ rất đau lòng và dễ khởi tâm sân hận. Một niệm sân hận khởi lên trong cảnh giới Thân Trung Ấm này vô cùng khủng khiếp, nó có thể khiến họ đọa ngay lập tức vào trong ba ác đạo!” Bạn tham khảo thêm:
Bởi người chết ở trong giai đoạn này vô cùng bơ vơ, khổ sở, đói khát…họ chỉ mong con cháu giúp đỡ mình mà không cách chi báo cho chúng nó biết được! Cho nên khi tụng kinh phải cố, đừng hời hợt trì tụng, vong linh biết họ rất đau lòng và dễ khởi tâm sân hận. Một niệm sân hận khởi lên trong cảnh giới Thân Trung Ấm này vô cùng khủng khiếp, nó có thể khiến họ đọa ngay lập tức vào trong ba ác đạo!” Bạn tham khảo thêm: Cách tụng kinh tại nhà.
*
Khởi đầu bạn lau dọn bàn thờ cho sạch sẽ thanh tịnh. Nếu bạn sợ thì thể tham khảo bài viết này cho hết sợ: Cách tỉa chân nhang và lau dọn bàn thờ.
-
Mỗi ngày bạn nên cố định thời khóa tụng kinh. Ví như ngày 2 thời sáng tối, buổi sáng bắt đầu từ 6h thì ngày nào cũng phải bắt đầu từ 6h. Chớ nay 6h mai 7h, không tốt đâu, quan trọng lắm đấy.
-
Kinh sách thỉnh về nhà phải cất đặt nơi cao ráo, sạch sẽ, không được vứt bừa bãi, chư Hộ pháp quở thì gay go lắm. Nếu điều kiện chẳng thỉnh được kinh thì tụng bản online cho lành, khỏi phải lo cất đặt cũng tốt.
-
Lễ lạt trên bàn thờ chỉ cần: 01 lọ hoa tươi, 01 ly nước sạch, chút ít bánh hoặc trái gọi là. Tuyệt đối không để rượu, vàng mã hay tiền bạc lên bàn thờ.
-
Kiếm 1 cái kệ hoặc bàn, sạch sẽ để đặt kinh lên đó cho dễ nhìn dễ tụng.
*
Trước khi khai kinh bạn thắp hương, chắp tay quỳ xuống rồi âm thầm triệu thỉnh vong linh bằng cách khấn thế này: “Nam mô A Di Đà Phật! Hôm nay ngày…tháng…năm….Con phát nguyện vì vong linh…vì pháp giới chúng sanh và vì hết thảy các linh hồn oan gia trái chủ của vong linh…mà tụng kinh Địa Tạng. Con cầu nguyện ơn trên Tam Bảo, chư Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng, chư Tôn Long Thần Hộ Pháp từ bi phóng quang gia hộ, giúp cho vong linh…về nơi đây, cùng với con tụng Kinh Địa Tạng. Nguyện cho hết thảy đồng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật!”
Đúng giờ tụng kinh hằng ngày, bạn ngồi hoặc quỳ rồi bắt đầu tụng kinh. Qùy tụng thì công đức lớn hơn nhưng rất khó kham nhẫn. Do đó bạn tùy theo sức của mình mà quỳ hoặc ngồi tụng. Khi tụng xong thì phát nguyện hồi hướng bằng cách đọc như vầy:
“Nam mô A Di Đà Phật! Con nguyện hồi hướng công đức tụng kinh này cho vong linh….cho pháp giới chúng sanh và cho hết thảy các linh hồn oan gia trái chủ của vong linh. Nguyện cho hết thảy đồng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nam mô A Di Đà Phật”. Hồi hướng xong bạn chắp tay lạy ba lạy rồi lui ra.
Cách niệm Phật hồi hướng cho người mới mất
Nếu bạn do điều kiện không thể ăn chay để tụng kinh cho người mới mất thì bạn nên niệm Phật. Thực ra niệm Phật là diệu pháp, có thể khiến cho người mới mất được ra khỏi sanh tử luân hồi. So với tụng kinh thì niệm Phật hồi hướng cho người mới mất tốt hơn gấp ngàn lần. Chỉ là, pháp này dễ quá nên hiếm người có thể tin nhận được. Bởi vậy nên chư Tổ thường than: “Chúng sanh cang cường khó độ” là như thế!
Do đó: Nếu bạn do điều kiện không thể ăn chay để tụng kinh cho người mới mất thì bạn nên niệm Phật. Theo Mật giáo thì trong vòng 49 ngày, vong linh thường ở trong cảnh giới Thân trung ấm. Người thân lúc này niệm Phật cho họ tốt hơn nhiều so với tụng kinh. Ở Việt Nam ta đa phần mọi người không biết, cứ tưởng tụng kinh là tốt mà chẳng biết rằng:
Vong linh trong vòng 49 ngày này nếu thấy con cháu vì mình mà niệm Phật, họ sẽ về nương theo đó mà tu tập. Chỉ cần họ phát tâm niệm Phật 1 câu thôi, sẽ thấy đức A Di Đà cùng Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi ấy vong linh phát một niệm xin quy y là vãng sanh về Cực lạc, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Đây là giáo lý của Mật giáo, không phải Tuệ Tâm tôi bịa ra đâu nhé. Như thế, bạn có thể niệm Phật hồi hướng cho người mới mất như sau:
*
1. Bạn tùy theo sức của mình mà chia thời khóa. Nếu có thời gian thì ngày 2 thời, buổi sáng và buổi tối, mỗi thời niệm Phật 1h . Nên niệm Phật vào một thời gian cố định. Ví như 6h sáng bắt đầu chẳng hạn, thì ngày nào cũng bắt đầu từ 6h sáng; Bạn ngồi trước bàn thờ, nếu nhà chẳng có bàn thờ thì chọn một phòng sạch sẽ, gọn gàng và thanh tịnh. Nếu có hương thì thắp 1 nén, nếu chẳng có thì thôi.
2. Thắp hương xong, bạn âm thầm triệu thỉnh bằng cách khấn thế này: “Nam mô A Di Đà Phật! Hôm nay ngày tháng năm…con vì vong linh tên là…mà phát nguyện niệm hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Con cầu nguyện đức Phật A Di Đà từ bi phóng quang gia hộ cho vong linh…được khai tâm, được về nơi đây, cùng với con niệm hồng danh của Ngài. Nguyện đức Phật từ bi gia bị cho vong linh…nghe được danh hiệu của Ngài và phát tâm niệm danh hiệu của Ngài. Nam mô A Di Đà Phật”. Khấn như thế xong thì bạn tụng nghi thức này: Nghi thức niệm Phật.
*
3. Tụng xong nghi thức ấy, bạn ngồi niệm Phật thêm khoảng 1h. Niệm Phật xong thì hồi hướng như thế này: “Nam mô A Di Đà Phật! Con nguyện hồi hướng công đức niệm Phật này cho hương linh tên là…và Pháp giới chúng sanh. Con cầu nguyện đức từ Phụ phóng quang gia hộ cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Nam mô A Di Đà Phật”
Cách này dành cho người không có điều kiện để ăn chay. Tuy thế, nếu không ăn chay được thì cũng phải kiêng Ngũ vị tân, giữ các giới sát đạo dâm vọng…
Thường thì trong vòng 49 ngày vong linh phát tâm niệm Phật theo bạn thì sẽ được vãng sanh; nếu chẳng chịu niệm Phật thì cũng nhờ phước đức vô lậu nơi danh hiệu Phật, sẽ được vãng sanh về các cõi lành.
(Cách tụng kinh cho người mới mất)
Tuệ Tâm 2021.
4.6/5 – (11 bình chọn)