Các nhà khoa học tuyên bố, cá mặt trăng (opah hay moonfish) vừa được công
nhận là loài cá đầu tiên sở hữu máu nóng toàn phần, từng được biết đến từ trước
tới nay.
Cá mặt trăng có màu hơi đỏ bạc, với các đốm
trắng và vây màu đỏ tươi. Chúng có thể nặng tới 90kg và đạt kích cỡ của một
chiếc lốp xe hơi với cơ thể hình bầu dục.
Loài cá này được phát hiện ở các đại dương trên
khắp thế giới. Chúng dành phần lớn thời gian ở các độ sâu 50 – 400 mét và săn
cá, mực ống để đánh chén.
Theo các chuyên gia, nhờ có máu nóng lưu thông khắp cơ thể, cá mặt trăng có
thể trở thành một loài động vật cư trú và săn mồi đáng sợ ở những vùng nước sâu,
lạnh giá của đại dương.
Điều này rất đặc biệt, vì một số loài cá khác, chẳng hạn như cá ngừ và cá mập
có thể làm ấm các vùng cơ thể nhất định của chúng, chẳng hạn như các cơ bơi, bộ
não và mắt để tìm kiếm thức ăn dưới các độ sâu lạnh lẽo, nhưng vẫn phải quay trở
về bề mặt đại dương để bảo vệ các cơ quan nội tạng thiết yếu, chẳng hạn như trái
tim khỏi tác động của cái lạnh.
Từ lâu, các nhà khoa học luôn cố gắng giải mã bí ẩn vì sao, dù sinh sống hàng
trăm mét dưới bề mặt đại dương, nhưng cá mặt trăng lại sở hữu các đặc điểm không
đặc trưng của môi trường cư trú lạnh lẽo. Các đặc điểm “dị thường” của cá mặt
trăng bao gồm cả việc sở hữu một trái tim to lớn và lượng cơ rất lớn.
Các nghiên cứu sâu hơn hé lộ, không giống một số loại cá có các vùng cơ thể
chứa máu nóng bị phân tách, toàn bộ cơ thể cá mặt trăng đều được nuôi dưỡng bằng
máu nóng. Cá mặt trăng cũng tự sản sinh nhiệt thông qua việc đập vỗ liên tục các
vây ngực như cánh, với nhiệt độ cơ trung bình cao hơn nhiệt độ vùng nước xung
quanh khoảng 4° – 5°C.
Một cấu trúc độc nhất vô nhị bên trong các mang
của cá mặt trăng cho phép máu nóng từ phần thân chính làm ấm máu lạnh quay trở
về từ bề mặt hô hấp của các mang, nơi chúng hấp thụ oxy. Giống như một bộ tản
nhiệt của xe hơi, sự thích nghi tự nhiên này đã giúp cá mặt trăng bảo toàn
nhiệt.
Vị trí độc đáo của sự trao đổi nhiệt bên trong
các mang cho phép gần như toàn bộ cơ thể cá duy trì nhiệt độ tăng cao (quá trình
được gọi là sự hấp thu nhiệt), ngay cả ở những độ sâu băng giá.
“Với một dạng hấp thu nhiệt toàn cơ thể, cá mặt
trăng không cần phải ngoi lên các vùng nước bề mặt để làm ấm và do đó có thể ở
sâu dưới lòng đại dương để liên tục gần nguồn thức ăn của chúng … Rất khó để
giữ ấm khi bạn bị nước lạnh buốt bao quanh, nhưng cá mặt trăng đã tìm ra giải
pháp thông minh”, nhà sinh vật học Nicholas Wegner thuộc Cơ quan quản lý Đại
dương và khí quyển quốc gia Mỹ, nói.
Là động vật máu lạnh đem lại các lợi thế nổi
trội cho cá mặt trăng so với các con mồi và kẻ thù cạnh tranh máu lạnh của
chúng, chẳng hạn như vận tốc bơi và thời gian phản ứng nhanh hơn, các chức năng
não và mắt tốt hơn cũng như khả năng chống chịu các tác động của cái lạnh đối
với những cơ quan nội tạng thiết yếu.
Các loài cá sống ở những độ sâu tương đương cá
mặt trăng thường chậm chạp và không hoạt bát, phục kích thay vì chủ động truy
bắt con mồi.
Tuấn Anh (theo GeoBeat News, Daily
Mail)