Bầu trời xứ Huế sớm nay rất yên bình. Vài dải mây trắng mỏng tang tỏa ra từ phía bình minh, trên nền trời xanh thẳm. Lần đầu tiên tôi ngắm trọn vẹn bình minh nơi mảnh đất này – một mình thong dong, thư thái, khác hẳn như bao lần ghé Huế vội vàng khác.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt
Cái yên bình của bình minh, thong dong của mây trời ấy theo bước chân tôi tìm về chùa Từ Hiếu. Mà có lẽ nói đúng hơn, thì những thong dong, yên bình ấy dường như chảy từ Từ Hiếu – như mạch nguồn lan khắp đất cố đô, để dù Huế đang là mùa mưa – những cơn mưa rích rắc rớt đầy ngày, nhưng vẫn hé nở những khoảng đủ đẹp để mỗi người tự đưa an bình chảy tràn vào đó. Mà thư thơi. Mà mỉm cười. Thấy một mùa hoa hiện tại đang tương tức ngọt lòng – cùng sự trở về tịnh dưỡng nơi chùa Tổ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào tháng 10/2018 – người vẫn được tăng thân đệ tử trong và ngoài nước gọi bằng hai từ thương mến: Sư Ông.
Bài liên quan
Những xúc cảm khi ghé thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu (Huế)
Cơn mưa đêm dỗi hờn đi qua, để lại những con đường, những góc vườn sớm nay còn ẩm ướt. Đất mẹ từ hòa thả từng bụi đất đỏ hồng chảy theo mưa, thấm vào ao cá ở hai bên lối vào chùa, nhuộm mặt nước một màu hồng hào như da em bé. Bầy cá trê râu ria dài mềm ngoi lên mặt nước, nhẩn nha thưởng thức những vụn bánh nhỏ mấy của mấy cô bé, cậu bé hồn nhiên theo bước chân người thân đến chốn cửa thiền.
Đồi Xuân Dương mùa đông, cây lá vẫn mướt xanh. Như thể bình an chốn này khiến muôn cây cũng thảnh thơi mà xanh, chẳng còn phân biệt hay ngại ngùng đang ở giữa xuân ấm hay đông lạnh. Nhất là tùng và thông. Cứ hiên ngang cao vút, chọc thẳng trời xanh. Như niềm tin, như bài ca về Hiểu và Thương trường tồn cùng lòng tri ân không bao giờ vơi cạn về những bước chân người khai sáng luôn còn đó – ấm áp với trăng ngàn.
Chiếc máy ảnh mang theo bỗng trở nên hữu ích vô cùng, để lưu giữ lại những nét rêu phong, an lạc nơi đây và lan tỏa đi giá trị, dấu ấn của một nơi cổ tự.
Từ trung tâm thành phố Huế, đi khoảng 5km, chạy dọc đường Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân) là sẽ bắt gặp cổng lớn đề ‘Tổ đình Từ Hiếu). Qua cổng này vào sâu bên trong chừng 200m sẽ bắt gặp chùa.
Lối vào chùa Từ Hiếu nhìn từ ngoài phía cổng.
Cổng Tam Quan chùa Từ Hiếu. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che
Sau cổng Tam Quan sẽ bắt gặp hồ Bán Nguyệt.
Một góc thủy đình tại Từ Hiếu.
Cây cầu nhỏ duyên dáng trên mặt hồ thành một điểm nhấn được nhiều Phật tử ghé thăm yêu thích và lưu giữ lại nhiều khoảnh khắc kỷ niệm giữa thiên nhiên an lành.
Trong hồ nuôi nhiều cá, đặc biệt cá trê.
Lầu bát giác nổi giữa mặt hồ, là nơi lý tưởng để thưởng trà ngắm cảnh, quyện hòa với thiên nhiên.
Sự tinh tế của người xưa được thể hiện trên bức bình phong bằng tre giữa lầu bát giác với nhiều hình tượng linh thú đặc biệt.
Lối dẫn vào bên trong chùa nhìn từ lầu bát giác.
Những con đường nhỏ nhắn nên thơ in dấu chân của biết bao thế hệ tu sĩ và Phật tử đã cùng thiền hành, nắm tay nhau đi như một dòng sông.
Phút an lạc của hai nhà sư trẻ dưới vòm cây ven hồ.
Tháp chuông trên đồi Xuân Dương.
Lối ra tháp chuông lá rụng đầy.
Chuông cổ treo trong tháp.
Nơi chôn cất của thiền sư Nhất Định, người gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo. Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già. Cảm động về sự hiếu thảo, sau khi ngài viên tịch, Vua Tự Đức đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”.
Với câu chuyện cảm động, chùa Từ Hiếu đã trở thành một biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong suốt nhiều thế kỷ qua. Cũng không biết từ bao giờ ngôi chùa cũng trở thành biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành. Điều đó đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây như một nét đẹp.
Những tầng mái rêu phong của khu chôn cất thiền sư Nhất Định kề sát bên khu chính điện, kết hợp với mái chùa cổ tạo thành bức tranh mang dấu thời gian nhiều suy tưởng.
Chính điện chùa Từ Hiếu, ngôi chùa nhuốm màu hoang sơ huyền bí giữa đạo và đời. Ảnh chụp năm 2018 – khi chính điện chùa chưa tiến hành trùng tu. Nét giản dị của chùa thể hiện qua lối kiến trúc chữ “Khẩu” với ba gian hai chái truyền thống tạo thành tổng thể khép kín. Theo TS.KTS Lê Vĩnh An – viện trưởng Viện Công nghệ Việt Nhật (VJET) – ĐH Duy Tân Đà Nẵng, mỗi một di sản kiến trúc cổ, như chánh điện chùa Từ Hiếu là sự kết tinh của ba nhóm giá trị: giá trị tình cảm, giá trị văn hóa và giá trị sử dụng.
Mặt tiền khu chính điện nổi bật với hai mảng long mã khảm nạm ở hai bên tả hữu . Đây cũng chính là dấu tích hiếm hoi còn sót lại sau khi khu chính điện mới được trùng tu và hoàn thành . Được biết, từ am An Dưỡng do Hòa thiền sư Nhất Định lập nên, năm 1848 chùa được Hòa thượng Cương Kỷ hoàn thành việc xây dựng. Từ đó, ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1885, 1894, 1962, 1968. Trải qua nhiều biến động của thời gian và ảnh hưởng của thiên tai, chính điện của chùa Từ Hiếu đã xuống cấp: phần bê-tông bị hư hại, thấm dột, ngói gạch rơi rớt nhiều lần, các cấu kiện gỗ bị mối mọt đục khoét hư hại nặng… Lần trùng tu mới nhất diễn ra vào đầu năm 2019 đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu chính điện cổ.
Cận cảnh ban thờ Phật trong ngôi chính điện cổ gần 200 tuổi trước khi được thay mới.
Bên hiên tòa chính điện cũ là cây hồng sai quả tạo nét nên thơ riêng, nhẹ nhàng và thư thái.
Phía sau chính điện là nơi thờ Tổ.
Cây khế ngọt hơn trăm tuổi.
Dưới gốc khế là những góc nhỏ mang tính thiền vị.
Một bông hoa súng nở sau cơn mưa đêm, bình yên trong nắng đầu ngày.
Quần thể kiến trúc bên phải khu chính điện.
Những cánh cổng nhỏ với hàng tre và cau vươn thẳng gợi sự mộc mạc, bình dị của làng quê.
Khu nội viện – nơi hiện Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang tịnh dưỡng.
Ban thờ chính trong khu vực Thiền đường.
Một khung ảnh về Thiền sư Nhất Hạnh với thông điệp “Ngồi yên – nhìn rõ”.
Sư cô Chân Không Nghiêm là người thay mặt Thiền sư Nhất Hạnh tiếp khách trong thời gian Thiền sư tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu. Sư cô thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 9 của phái Liễu Quán, là đệ tử xuất gia đầu tiên của Thiền sư Nhất Hạnh tính từ khi thành lập Làng Mai Pháp Quốc.
Tháng 10/2019, bộ hồi ký “60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự” của Sư Cô Chân Không ra mắt được đông đảo Phật tử đón nhận với 4 tập khác nhau. Trong lời giới thiệu của Thiền sư Nhất Hạnh về bộ hồi ký, có viết: “Điều khiến tôi khâm phục nhất ở Sư cô là khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Niềm tin vững chắc của Sư cô đối với giáo pháp ngày càng được củng cố khi sự tu tập không ngừng mang lại cho Sư cô hoa trái của chuyển hóa, chữa trị và niềm vui…. Nguồn vui của Sư cô là làm việc giúp người và giúp chuyển hóa xã hội. Nằm sâu bên trong những công tác của Sư cô là một tình thương lớn và sự quan tâm sâu sắc. Chân Không cũng có nghĩa là tình thương đích thực. Câu chuyện cuộc đời Sư cô vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả, đó là cả một bài Pháp sống”.
Không gian thiền đường tại Từ Hiếu.
Khoảnh khắc thiền hành buổi sớm của các quý sư và Phật tử thập phương trong không gian thiền tự.
Một vòm trời trên con đường thiền hành khi ngước nhìn lên. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng khiến nhiều người như lạc vào thế giới nửa thực nửa mơ của những rừng thông xanh mướt. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật của những ngôi chùa ở xứ Huế, luôn hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên.
“Qua ngõ vắng/ Lá rụng đầy/ Tôi theo con đường nhỏ/ Đất hồng như môi son bé thơ/ Bỗng nhiên tôi cẩn trọng/ Từng bước chân đi..” – một bài thơ ngắn với nhiều thông điệp thi vị được thiền sư Nhất Hạnh viết khi thiền hành trên những con dường nhỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
Bài, ảnh: Lương Đình Khoa