Tháng 1/2020, tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tiến sĩ Frank Proschan, một chuyên gia từ UNESCO có buổi thuyết trình “Hiểu về các khái niệm và cách tiếp cận chính đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể”.
Ông đã nêu những điểm mấu chốt nhất khi ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể và việc cần hiểu chính xác những khái niệm được UNESCO đưa ra có liên quan chủ đề này. Công cuộc bảo vệ, giữ gìn và tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể là việc không chỉ riêng ai, mà là của cộng đồng nhằm giúp thế giới biết tới và trân trọng những “tài sản văn hóa” của một cộng đồng bản địa đang cùng tồn tại với các cộng đồng bản địa khác ở hành tinh chúng ta.
Ghi danh và bảo vệ di sản
Văn bản dài hơn chục trang được dịch thuật cẩn thận của TS Frank Proschan có nhắc tới việc yêu cầu đề cao tối đa vai trò của cộng đồng sở hữu di sản văn hóa phi vật thể.
Văn hóa phi vật thể là sản phẩm được cộng đồng bản địa sáng tạo và phát triển theo thời gian, những di sản văn hóa phi vật thể luôn có các quy luật rất đặc thù khi vận hành, cũng như bảo tồn. Chúng chỉ có thể “sống” được bởi cộng đồng bản địa và sẽ dần mất đi khi những chủ thể sáng tạo ấy thay đổi hoặc đơn giản là không còn muốn bảo tồn nữa.
Đoàn Việt Nam trong buổi UNESCO quyết định công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tính đến ngày 30/12/2019, UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các danh sách trong tổng số 508 di sản của 122 quốc gia.
Các di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc – Nhạc cung đình Triều Nguyễn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Hát ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Hát xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ, Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái.
Việc UNESCO ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể vào các danh sách của UNESCO khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Các di sản này đã góp phần làm giàu bản sắc văn hóa các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, nâng cao vị thế, ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên quốc tế và đóng góp vào sự đa dạng văn hóa nhân loại và phát triển bền vững. Đồng thời, cũng góp phần quảng bá hình ảnh, minh chứng văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành “Luật Di sản văn hóa” (năm 2001), mà trong đó nội dung về di sản văn hóa phi vật thể có vị trí quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể được quy định trong Luật Di sản văn hóa phù hợp với các nội dung Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên.
Năm 2003, Công ước được Đại Hội đồng UNESCO thông qua. Năm 2005, Việt Nam tham gia Công ước và nằm trong số 30 nước đầu tiên tham gia Công ước.
Kể từ đó tới nay, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của ta đã đạt được một số kết quả rất quan trọng. Nhiều di sản sau khi được UNESCO ghi danh gắn với địa phương có di sản tạo nên dấu ấn, thương hiệu riêng cho địa phương như: Hát xoan Phú Thọ, Dân ca quan họ Bắc Ninh và Bắc Giang…
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vị thế nhất định trong việc đóng góp kinh nghiệm, thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thông qua việc đưa Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã được các cấp chính quyền, cộng đồng gìn giữ và phát huy hiệu quả.
Bảo vệ di sản – Việc không của riêng ai…
Theo TS Phạm Cao Quý, chuyên viên của Cục Di sản, một người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, bản thân di sản văn hóa phi vật thể luôn biến đổi, lúc xa và lúc cũng rất gần, lúc tranh cãi om sòm, lúc chẳng ai nhòm ngó.
Di sản văn hóa phi vật thể là một thực thể sống trên cơ sở do con người lưu giữ, thực hành và sáng tạo. Khi tách khỏi con người thực hành, ví dụ như được ghi hình, ghi âm… lại thì nó không còn là văn hóa phi vật thể, mà băng ghi hình, ghi âm trở thành phương tiện lưu giữ đơn thuần, nó không thể tự thực hành, sáng tạo.
Các nghệ nhân trình diễn hát Then.
Ông cũng cho rằng, khái niệm “bảo vệ”, theo UNESCO bao gồm một loạt khái niệm, hoạt động đi kèm bên trong nó như: nghiên cứu, nhận diện, điều tra, kiểm kê, tư liệu hóa, gìn giữ, lưu giữ, tôn vinh, phát huy, giới thiệu… (ở đây không định nghĩa khái niệm theo nghĩa học thuật). Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tức là thực hành các hoạt động được liệt kê trong đó.
Tuy nhiên, thực hiện một trong những hành động trong đó khó được chấp nhận là bảo vệ. Chỉ khi thực hiện một số các hành động trong đó mang tính chuỗi, giai đoạn có bắt đầu và kết quả có mục đích làm cho di sản văn hóa phi vật thể sống.
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là để cho di sản văn hóa phi vật thể sống. Nói tới tính nguyên gốc, sân khấu hóa… tức là nói tới câu chuyện di sản văn hóa phi vật thể sống như thế nào? Bằng cách nào? Ở đâu
Chúng ta đều đồng ý rằng không thể đưa cuộc sống hôm nay trở lại với ngày hôm qua, với quá khứ. Vì như thế là đi ngược lại quy luật lịch sử và không bao giờ xảy ra. Chính vì vậy, khi nói về di sản văn hóa phi vật thể sống tức là nó sống trong đời sống, cuộc sống của ngày hôm nay hoặc ngày mai. Trong khi đó, cuộc sống ngày hôm nay khác cuộc sống ngày hôm qua.
Trong xã hội xưa có các quan viên cầm chầu để đánh tiếng khen, chê khi nghe hát ca trù. Các quan viên đó cũng không phải là khác hẳn quan viên của ngày hôm nay cho nên việc đánh trống chầu trong ca trù ngày hôm nay hẳn phải khác.
Nói tóm lại, là một thực thể sống, di sản văn hóa phi vật thể phải được sống trong bối cảnh xã hội đang tồn tại chứ không phải sống trong xã hội nó được sinh ra hoặc đã từng trải qua. Bản thân cuộc sống, xã hội luôn luôn biến đổi.
Cuộc sống, xã hội, con người là nơi lưu giữ, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể đã biến đổi thì không có cớ gì lại nói di sản văn hóa phi vật thể không biến đổi theo. Vấn đề được trao đổi nhiều ở đây là biến đổi như thế nào? Nó tự biến đổi? Bị tác động để biến đổi? Biến đổi theo quy luật, nguyên tắc?
Đồng ý với quan điểm “di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng, sự tồn tại và đời sống của từng di sản là rất khác nhau”.
Do vậy, không có câu trả lời, phương án đúng cho tất cả. Từ đó có thể thấy rằng cho dù di sản văn hóa phi vật thể có biến đổi như thế nào, bằng cách nào đi chăng nữa thì bản thân nó phải phù hợp với con người, xã hội đang mang nó. Xin lưu ý rằng, con người hay xã hội đều phải chịu những định chế, quy tắc vừa tương đối vừa tuyệt đối của ngày hôm qua, của lịch sử, quá khứ.
Chính vì vậy, khi xét về tính phù hợp sẽ không ngoại trừ yếu tố này. Và sự phù hợp cần được kiểm chứng bằng thời gian tồn tại của nó. Câu chuyện giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là câu chuyện không của riêng ai mà cần sự chung tay của cả cộng đồng rộng lớn…
PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục di sản:
Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật không sử dụng từ “công nhận” đối với các di sản văn hóa phi vật thể do các quốc gia đệ trình. Thay vào đó, Công ước sử dụng từ “ghi danh” di sản văn hóa phi vật thể vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sự khác biệt này xuất phát từ chính bản chất của di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa phi vật thể được kế thừa, thực hành và trao truyền trong cộng đồng. Nó nằm trong mỗi cá nhân, cộng đồng; thuộc về cộng đồng thực hành, chủ thể cụ thể của di sản đó chứ không phải của bất kỳ nơi nào khác. Nó là một phần cuộc sống của họ và chỉ chính họ mới có thể “công nhận” nó có phải là của mình hay không, được thực hành và có giá trị như thế nào với họ.
Với ý nghĩa đó, việc sử dụng từ “công nhận” ở đây là không phù hợp, không đúng với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể. Cách dùng đúng ở đây phải là: UNESCO “ghi danh” hoặc “đưa” di sản văn hóa phi vật thể vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Đối với các hồ sơ đã được ghi danh, thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, Cục Di sản văn hóa hiện vẫn đang tiếp tục cùng các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng chủ thể của di sản tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể…
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể đề nghị ghi danh vào các danh sách của UNESCO, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã và đang thực hiện các bước hết sức chặt chẽ với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực, chính quyền các cấp có di sản dự kiến xây dựng hồ sơ và đặc biệt là cộng đồng chủ thể của di sản trên cơ sở danh sách dự kiến xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Các di sản dự kiến xây dựng hồ sơ đều phải được kiểm kê khoa học, đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và có sự thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Ngoài các di sản đã được ghi danh vào các danh sách của UNESCO, hiện tại chúng ta đã gửi cho UNESCO 2 hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia thành viên chỉ được xem xét 1 hồ sơ cho chu kỳ 2 năm. Như vậy, hồ sơ của Việt Nam sẽ được đưa ra xét trong chu kỳ 2021-2022.