(SHTT) – Bim bim que là món ăn vặt yêu thích của nhiều học sinh, nhiều thế hệ. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo món ăn vặt này tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe.
Hiện nay, tại Hà Nội, tình trạng bán hàng rong trước cổng trường học diễn ra khá phổ biến. Với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá rẻ, những món đồ ăn vặt như bim bim, xúc xích, nem chua rán, ô mai, bánh kẹo… luôn thu hút học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tuy nhiên phần lớn các mặt hàng này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt trong số đó phải kể đến bim bim que cay.
Cảnh báo: Bim bim que cay – Món ăn học đường tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường
Với giá thành rẻ từ 2000- 5000 đồng, các em học sinh có thể sở hữu các gói bim bim que màu sắc hấp dẫn cùng với hương vị cay ngọt đưa miệng. Tuy nhiên, chất lượng của món ăn vặt này vẫn là dấu hỏi lớn với nhiều bậc phụ huynh. Điểm chung của các loại bim bim que cay này là đều được đóng trong bao bì bắt mắt, giá thành chỉ 2.000 – 5.000 đồng cùng hương vị cay ngọt.
Các loại bim bim que cay này được đóng gói in chữ nước ngoài, không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Những que cay này không được sản xuất tại Việt nam nên rất khó trong việc giám sát hay kiểm định chất lượng, đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, sự thật ẩn sau miếng bim bim que cay đã được tài khoản TikTok Kính Hiển Vi (@kinhhienvi) hé lộ. Đây là tài khoản chuyên thực hiện các clip soi vật thể dưới ống kính zoom hàng nghìn lần. Clip soi tương đen hiện nay đang thu hút hơn 5 triệu views và 189,6 nghìn bình luận.
Dầu mỡ trong miếng que cay có màu đen kịt, biểu bì ớt tạo cay cũng có lẫn nhiều tạp chất bẩn. Điều này là rất nguy hiểm bởi dầu, mỡ chiên ở nhiệt độ cao, dùng lại nhiều lần sẽ bị arcylamide hóa, gây ngộ độc và có hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong bim bim que cay còn có các chất hóa học và phụ gia, muối đường…. đây là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường, làm giảm sự phát triển cơ thể trẻ. Thậm chí có nguy cơ gây ung thư.
Theo các chuyên gia về thực phẩm, hiện có tới 70 đến 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Thức ăn đường phố thường sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp để tạo ra sản phẩm, đây là nguy cơ gây bệnh mãn tính lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư. Mặt khác, các chất độc tích tụ lâu dài trong cơ thể sẽ làm xuất hiện nhiều bệnh lạ.
Các loại bột dẻo, bột mì được sử dụng để sản xuất bim bim khi làm nóng ở nhiệt độ trên 120 độ sẽ tạo thành chất acrylamide, gây nguy cơ mắc ung thư rất cao. Chất tạo ngọt Sodium Cyclamate có trong bim bim là chất cấm, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, chất acrylamide phổ biến trong tất cả bim bim được cho là nguyên nhân gây ung thư thận, ung thư phổi, ung thư gan, ảnh hưởng đến thai nhi…
Lượng dầu mỡ nhiều trong quy trình sản xuất bim bim là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường. Ngoài ra, trong bim bim còn có hàm lượng đường, muối nhân tạo dễ khiến trẻ bị mắc tiểu đường hoặc làm giảm insulin, hạn chế sự phát triển cơ thể của trẻ. Ăn nhiều bim bim với hàm lượng rất lớn các chất béo có hại dễ khiến trẻ bị béo phì, đầy bụng, chán ăn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã khuyến cáo là không nên cho trẻ con ăn bim bim và không nên coi đó là một món ăn. Bởi nó phần lớn làm từ chất tạo bột cùng một số hóa chất khác để nó nở tạo thành bim bim.
Dầu trong quá trình đun nhiệt sẽ tạo ra chất rất độc hại, vì vậy người ta khuyến cáo dầu không nên dùng rán nhiều lần và rán ở nhiệt độ thấp chứ không nên rán ở nhiệt độ cao. Tất cả các món nướng, món rán đều có nguy cơ gây bệnh cho con người, khả năng gây ung thư rất cao.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia của Viện Dinh Dưỡng, để hạn chế việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt, các gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết.
Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng.
Về phía nhà trường, cần có công tác quản lý học sinh, tuyên truyền để giúp các em tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình. Các bậc phụ huynh nên quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn con em chọn mua những sản phẩm chất lượng, tránh xa các loại bánh kẹo, thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Mỗi người nên nói “không” với hàng rong không được che đậy, quán vỉa hè ẩm thấp, bụi bặm, gần cống rãnh, thiếu nước sạch.
Minh Anh