Cảnh báo những con sông ở Huế

Ngoài ra, còn cả một hệ thống sông đào từ thời Minh Mạng. Như sông Ngự Hà, dòng sông giữa nội thành chủ yếu dành cho nhà vua dong buồm đi chơi. Sau đến sông Như Ý, sông An Cựu lấy nước sông Hương đưa về cho đồng ruộng của hai huyện Phú Vang và Hương Thủy. Phan Bội Châu thường thả thuyền chơi trên dòng An Cựu. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo. Sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Sau cùng là sông Đông Ba, nối đoạn cong của dòng sông Hương, từ cầu Gia Hội đến phố cổ Bao Vinh. Những dòng sông này làm cho Huế đẹp về cảnh sắc và tươi mát về môi trường.

Sông Hương. Ảnh:skyscrapercity.com

Do thời gian, chiến tranh và tác động của con người đã làm cho những dòng sông này ở Huế đang có những biến động thật sự đáng cảnh báo.

Đầu tiên xin nói về sông Ngự Hà. Du khách đến Huế đứng bên bờ sông Ngự Hà, hầu như ai cũng ao ước được dong buồm chơi trên sông như ngày xưa. Hai chữ “Ngự Hà” để tự nói về một thời hoàng kim của nó. Hai chữ đó đến nay vẫn quyến rũ lòng người. Thật xót xa, dòng sông đã cạn. Đến nỗi, cả một đoạn sông trước đồn Mang Cá xưa đã thành những ruộng rau muống và cỏ mọc hai bờ sông xanh rì.

Tôi nghe nói đơn vị bảo tồn di tích ở Huế đang làm dự án vét đất để sông Ngự Hà một ngày không xa sẽ trở lại thời hoàng kim của nó. Nghe thông tin như vậy, dân Huế rất mừng. Nhưng để được dong buồm trên sông Ngự Hà thì chưa có một thời điểm hẹn hò cụ thể. Hiện tại, đây dòng sông vẫn phơi đáy lên trời.

Sông Như Ý, nghe tên đã hấp dẫn. Sông bắt đầu mở cửa từ Đập Đá, dẫn nước tới cầu ngói Thanh Toàn. Cầu ngói Thanh Toàn là một địa điểm du lịch. Chuyện kể rằng, xưa bà Trần Thị Đào, là con dân Thủy Thanh, được đưa vào làm cung phi trong triều Nguyễn, có vị trí nhất định trong xã hội, vì thương dân quê mình một nắng hai sương, làm ăn vất vả, bà đã cho làm cầu ngói này, để cho dân đi làm và những phút nghỉ ngơi có chỗ ngồi mát.

Câu ca dao xưa còn đây: “

Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho ta về với một đoàn cho vui

”. Hiện tại khách đến Huế, ngoài cung điện, lăng tẩm, du khách vẫn kéo nhau về ngồi mát ngắm cảnh ở cầu ngói Thanh Toàn. Bây giờ về cầu ngói Thanh Toàn, nhìn dòng Như Ý, thấy bèo dày đặc. Ghe thuyền không chèo qua được. Nói tóm lại, đường trên sông Như Ý hầu như không còn. Giá như được lên thuyền ở Đập Đá, xuôi dòng về chơi cầu ngói Thanh Toàn thì tuyệt biết bao nhiêu.

Chưa hết, điều sợ nhất của nước sông Như Ý, như nhân dân quanh sông kể rằng chỉ cần rửa tay bằng nước sông ấy một lúc sau đã thấy hai bàn tay ngứa ran lên rồi.

Làm thế nào để rửa tay trên sông Như Ý mà không bị ngứa nữa là cả một vấn đề, không phải dễ dàng.

Sông An Cựu kể cả ngày mưa như trong ca dao, cũng không còn trong nữa, mà đục ngầu, còn ngày nắng, nước sông màu xanh lợt lạt. Bèo trôi trên sông lềnh bềnh. Bên cạnh những túm bèo ấy có xác cả chuột, chó con, lợn con trương phềnh cũng nổi lềnh bềnh như bèo vậy.

Những ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng, đồ giấy cúng xong, dân đem vất trôi đầy mặt sông. Người khá hơn thì đốt đồ giấy của mình bên thành cầu rồi vất tất cả trên sông. Không ai nghĩ tới việc giữ gìn dòng sông của mình. Đó là chưa kể tới những cống nước thải từ hai bên đường phố Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh suốt ngày đêm chảy ra sông. Các phủ xưa bên bờ sông có bến nước xây đàng hoàng đẹp đẽ, giờ cũng không có một ai dùng.

Xin bạn đến đoạn sông An Cựu mà trên bờ là chợ Bến Ngự và chợ An Cựu, đồ vất kết thành bè thật không thể tưởng tượng được. Đi bên bờ sông những ngày nắng oi đã cảm thấy mùi hôi từ dưới sông bốc lên nghe rờn rợn người.

Sông An Cựu. Ảnh: Internet

Cũng như vậy, đoạn sông Hương bên cạnh chợ Đông Ba cũng bẩn không kém. Dù sông Hương, sông Đông Ba chuyển hết những ngư dân sống trên thuyền, đưa lên bờ, nhưng qua sông Đông Ba vẫn cứ thấy trước mắt sông không sạch thêm chút nào.
  
Xưa dân Huế lấy nước sông Hương để sinh hoạt, xuống sông tắm giặt. Nhưng bây giờ, dòng nước không còn trong như ngày xưa, ngồi trên thuyền không thấy rong rêu dưới đáy nữa.

Dân Huế nói rằng, sông Hương là sông Thơm vì các suối đầu nguồn mọc đầy thạch xương bồ. Mùi thơm của thạch xương bồ làm nước sông thơm. Bây giờ đâu còn mùi thơm hoang dại ấy.

Đoạn sông Hương dọc đường Kim Long, đất trôi về làm cho dòng sông hẹp lại, sẽ làm mất vẻ đẹp của dòng sông. Đây là một nguy cơ không thể bỏ qua, nếu ai còn yêu dòng sông ngoạn mục này.

Đi một vòng các con sông trên đất Huế, những hiện trạng bày ra trước mắt, quả thật đó là những lời cảnh báo không thể bỏ qua. Các nhà thơ gọi sông Hương là con sông Thơ. Làm sao giữ mãi con sông thơ mộng ấy, đó là trách nhiệm của chúng ta, trước nhất là người Huế chúng mình.
 

Rate this post

Viết một bình luận