Canh bóng nấu thả là một món thường xuyên có mặt trong cỗ Tết miền Bắc xưa. Món ăn này vừa thanh tao, vừa bổ dưỡng, phù hợp với thời tiết giá lạnh ngày Tết.
Da lợn (da heo) có tác dụng bổ huyết và mịn da, bởi vậy, mâm cỗ truyền thống phía Bắc đã hình thành nên món canh bóng độc đáo này. Mùa lạnh miền Bắc da thường khô nứt nẻ, bởi vậy những món như thịt đông hay canh bóng sử dụng nhiều da lợn như một biện pháp cân bằng tự nhiên.
Để khử mùi hôi đặc trưng của da lợn (đã được nổ phồng), phải ngâm trong nước gừng và sau đó bóp rượu trắng rồi xả lại với nước sạch.
Nguyên liệu:
– Nước luộc gà (đã có gừng, hành củ)
– 100gr da lợn (da heo) đã nổ phồng (bóng bì)
– 100 gr su hào
– 50 gr cà rốt
– 50 gr đậu Hà Lan
– 50 gr tôm khô
– 7 cái nấm hương
– 50ml rượu trắng
– Gia vị muối, nước mắm, tiêu vừa ăn
Cách làm:
– Bóng bì ngâm với nước lã và ít gừng đập dập chừng nửa tiếng, bóp kỹ sau đó rửa sạch rồi lại bóp với rượu trắng để khử mùi hôi.
– Thái su hào, cà rốt hình hoa, thái bóng bì hình thoi hoặc hình bình hành, tam giác.
– Cho nấm hương, tôm khô hầm với nước luộc gà cho ra nước ngọt.
– Cho su hào, cà rốt nấu gần mềm, sau đó cho đậu Hà Lan và bóng bì đun sôi một lúc cho thấm gia vị là được.
– Ăn nóng canh sẽ rất thơm ngon. Bóng bì ngọt nhờ thấm nước dùng. Khi múc để các loại rau củ đẹp mắt lên trên và bóng bì trên cùng để phân biệt với các món canh khác trong một mâm cỗ có nhiều món.
Giang Vũ
(thực hiện)