Gói ghém tinh túy trong bát canh bóng thả của ngày Tết truyền thống miền Bắc.
Sự cầu kỳ trong văn hóa ẩm thực của người miền Bắc chắc hẳn đã không còn xa lạ, nhất là mâm cỗ Tết truyền thống càng được con người nơi đây chú trọng và dụng công rất nhiều.
Mặc dù cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại, mâm cỗ trong ngày đoàn viên của người miền Bắc vẫn luôn đảm bảo sự có mặt của những món ăn làm nên cái Tết trọn vị.
Một trong số đó là canh bóng thả – món ăn mang trong mình sự cầu kỳ, tỉ mỉ và tinh tế vẹn nguyên, “chinh phục” cả vị giác lẫn thị giác của những người “sành ăn” đất Bắc.
“Canh bóng” hay “canh bóng thả” là cách gọi của món ăn đặc trưng này. Sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì “ngôi sao” của món ăn là bóng làm từ bì lợn (da heo) được nướng cho nở phồng, trông giống những chiếc bong bóng thả nổi trên bát canh.
Hồi bé, mỗi dịp Xuân về, tôi lại háo hức vô cùng vì sắp được thưởng thức mâm cỗ đầy ụ thức ăn, từ nem rán, bánh chưng, giò lụa cho đến canh măng, canh miến, canh bóng.
Đặc biệt, khi ngồi trước bát canh bóng thả bắt mắt và dậy hương thơm hòa quyện giữa các loại nguyên liệu, trong tôi lại dấy lên cảm xúc xốn xang khó tả.
Bao giờ tôi cũng chọn thưởng thức những miếng bóng giòn giòn, sần sật trước, rồi đến tôm khô và nấm bọc giò sống.
Các loại rau củ như súp lơ, su hào,.. được tôi ăn tiếp theo đó, còn riêng trứng cút thì tôi để dành đến cuối cùng để kết lại một vòng tròn vị giác trọn vẹn với bát canh bóng thả ngày Tết.
Canh bóng thả hội tụ nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng đó là sự kết hợp hài hòa khiến người ta cảm thấy dễ chịu; vừa có tác dụng chống ngấy, vừa làm ấm bụng giữa tiết trời lạnh giá của ngày Tết miền Bắc.
Giữa những món ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ, canh bóng lại có tính nhẹ nhàng, thanh đạm hơn hẳn.
Chính hương vị thanh mát, ngọt thơm đến từ nước dùng gà và sự hòa quyện của các nguyên liệu với nhau đã làm nên dấu ấn khó quên trong lòng bất cứ ai thưởng thức canh bóng.
Đây là vị ngọt tự nhiên từ xương, thịt và các loại rau củ tiết ra, hoàn toàn không giống với vị ngọt của đường hay mì chính.
Theo TS.Nguyễn Đức Quang (Sức khỏe & Đời Sống), bóng bì chứa giá trị dinh dưỡng cao trong việc “bổ phế, dưỡng da”, giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Về hình thức trình bày, từng nguyên liệu đều được cắt tỉa xinh xắn, sắp xếp thật khéo để đúng bố cục, nhằm tôn lên màu sắc và vẻ đẹp cộng hưởng của chúng trong món ăn.
Tôi thường ví cách bày biện các nguyên liệu như một bông hoa lớn với nhiều lớp hình dáng và màu sắc.
Năm màu cơ bản tạo nên một bát canh bóng là màu cam của cà rốt, màu xanh của súp lơ, màu trắng vàng ngà ngà của bóng, màu đen của nấm, màu cam hồng của tôm khô. Điểm xuyết ở giữa còn là vài cọng rau mùi.
Người nấu thường bày sẵn các thành phần đã chín như thế, đến khi chuẩn bị ăn mới bắt đầu chan nước dùng.
Bát canh bóng thả với đầy đủ các thành phần khiến cho lòng người có cảm giác được lấp đầy.
Bởi vậy, người ta mời nhau thưởng thức canh bóng thả cũng là cách rất hay để thể hiện lời chúc sung túc, thịnh vượng và mong ước sum vầy nhân dịp đầu năm mới.
Hơn thế nữa, với khí hậu lạnh lẽo đặc trưng mỗi dịp Xuân về ở miền Bắc, một bát canh bóng thả ấm nóng, giàu năng lượng cùng màu sắc rực rỡ sẽ làm tâm trạng con người ta trở nên tốt hơn rất nhiều.
Từ trước đến nay, canh bóng thả luôn là nét văn hóa ẩm thực đẹp đẽ, đáng tự hào và chiếm trọn trái tim của người Hà Nội.
Mẹ tôi bảo, người Hà Nội kĩ tính trong việc chế biến và thưởng thức món ăn, nên canh bóng thả là thành quả của quá trình chăm chút món ăn tỉ mỉ, đặt cả tâm huyết vào trong từng khâu chế biến để hoàn thiện món ăn.
Trong đó, bước làm sạch bóng bằng gừng và rượu trắng để loại bỏ mùi hôi đặc trưng là công đoạn cần làm kĩ nhất, nếu không muốn ảnh hưởng đến cả bát canh.
Mỗi lần nấu canh bóng, mẹ tôi đều cẩn thận hớt hết lớp mỡ phía trên của nước luộc gà, chỉ lấy phần nước trong để nấu.
Món này không thể dùng nước đục lờ lờ mà phải sử dụng nước dùng trong và ngọt thì mới đảm bảo chất lượng thành phẩm.
Phần nước mỡ được hớt ra cũng không cần bỏ đi, mà sẽ được tận dụng để nấu canh măng.
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc lúc nào cũng phải có món canh, trong đó phổ biến là canh bóng thả.
Canh bóng thả gói ghém tất cả tinh hoa ẩm thực của đất kinh kỳ, làm nức lòng người dân Hà Thành từ xưa đến nay.
Đây là món ăn độc đáo mà nhắc đến nó là ta nhớ ngay đến Tết, và chỉ cần thưởng thức một thìa canh bóng cũng đủ khiến tâm hồn ta đong đầy vị Tết sum vầy, ấm áp.