Câu chuyện về chiếc đèn kéo quân

(ĐCSVN) – Chung số phận với nhiều món đồ chơi truyền thống khác, chiếc đèn kéo quân, vốn gắn liền với thuở ấu thơ của nhiều thế hệ mỗi dịp Tết Trung thu về đang trở nên dần mai một trong xã hội hiện đại.

Món đồ chơi nhắc nhớ tuổi thơ

Cứ đúng vào đêm rằm tháng 8, hòa cùng với tiếng trống hội rộn rã, vui tươi là tiếng cười giòn giã của các em nhỏ khi cùng nhau rước đèn Trung Thu. Nào đèn ông sao, đèn cá chép, đèn con cua, đèn cù… và đặc biệt có một loại đèn mà khi nhắc tên là cả một kí ức vô cùng trong trẻo và tươi đẹp lại ùa về – đèn kéo quân.Trong đám trẻ nhỏ thuở ấy, đứa nào cũng ao ước được ông bà, cha mẹ làm cho cây đèn kéo quân, thứ đồ chơi lạ lẫm, nhưng lại vô cùng hấp dẫn, bóng của từng “quân” với nhiều hình thù, phản chiếu lên trên giấy nến, xoay tít trở nên kì diệu, lấp lánh trong ánh mắt của mỗi đứa trẻ.

Cứ thế, đèn kéo quân trở thành thứ đồ chơi giản dị mà gần gũi gắn liền với tuổi thơ trong veo của biết bao thế hệ con trẻ dịp Tết Trung thu về. Mỗi chiếc đèn được thắp lên, cùng với những món đồ chơi cũng hấp dẫn và ý nghĩa không kém như: ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, mâm quả, đã tô thắm thêm nụ cười hân hoan, hạnh phúc của đám trẻ lúc phá cỗ dưới ánh trăng vàng…Trung thu với những giá trị thấm đẫm tính nhân văn đã thực sự đã trở thành dòng suối mát lành nuôi dưỡng tâm hồn của các em nhỏ thêm đủ đầy và trọn vẹn.

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền kể câu chuyện về chiếc đèn kéo quân 
vốn gắn bó với ông suốt nhiều năm qua. (Ảnh: QT)

Ý nghĩa hơn cả một món đồ chơi

Chiếc đèn kéo quân ngày hôm nay khi nhắc tới đã trở thành “món quà của ký ức”, bởi giờ đây thứ đồ chơi dung dị ấy đã mất dần bóng dáng trong đời sống hiện đại, ngay cả mỗi dịp tết thiếu nhi đến, nơi nó vốn thuộc về; hoặc nếu có, thì hẳn là phải trốn kĩ đâu đó sau đám đồ chơi hiện đại lòe loẹt sắc màu, đủ hình thù vẫn được bày bán đầy rẫy ngoài phố, ngoài chợ.

Men theo nỗi nhớ về cây đèn đã từng ấp ôm nhiều kỉ niệm trẻ nhỏ, chúng tôi về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, một trong những người hiếm hoi còn say mê với chiếc đèn kéo quân, và vẫn làm món đồ chơi dân gian này mỗi dịp Trung thu về.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Quyền trông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Tết Trung Thu đang cận kề, căn nhà nhỏ hai gian của gia đình cụ chất đầy vật liệu làm đèn, nào que nứa, dây lạt, hồ, giấy màu… Ở thềm nhà, gia đình ba thế hệ vẫn đang miệt mài với những chiếc đèn kéo quân đủ các kích cỡ, màu sắc vô cùng đẹp mắt.

Cụ Quyền chia sẻ, cứ độ cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch, nhà cụ lại tất bật làm đèn Trung thu đến “quên ăn quên ngủ”. Công việc này dường như đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của gia đình, như Tết cổ truyền thì phải gói bánh chưng vậy. Đèn làm ra cũng chỉ để tặng, hoặc cho đám trẻ con trong thôn chơi, có khi treo đầy nhà. Nhưng cây đèn là món đồ thân quen đã gắn liền với tuổi thơ của cụ, gắn liền với gia đình suốt hàng chục năm trời nên không nỡ bỏ.

Hỏi cụ sao không làm nhiều rồi đưa lên phố bán, cụ cười nói: “Giờ ai chơi đèn kéo quân nữa hả các chú! Trẻ con bây giờ toàn chơi đèn nhựa chạy bằng pin, rồi súng nước, mặt nạ…, có khi chúng còn không biết đèn kéo quân là đèn gì…” Nói rồi cụ nén tiếng thở dài như tiếc nuối cho món đồ chơi dân gian vốn nhiều ý nghĩa đang dần mai một.

Nhấp ngụm trà ấm nóng, cụ Quyền kể cho chúng tôi nghe về chiếc đèn kéo quân, thứ đồ chơi dung dị vốn mơ hồ về lịch sử xuất hiện, nhưng lại rõ nét về sự tích ra đời. Đằng sau chiếc đèn là câu chuyện xúc động về tấm lòng hiếu thảo của người con trai mồ côi cha từ nhỏ, chàng sống với mẹ cho tới lúc trưởng thành, đến khi phải đi làm xa, thương mẹ già ở nhà một mình cô quạnh, chàng đã ngày đêm tìm cách để an ủi mẹ. Và cây đèn kéo quân, mô phỏng trò rối bóng, đã ra đời và trở thành vật giúp mẹ già cảm thấy nguôi ngoai nỗi nhớ những ngày con trai xa nhà.

Câu chuyện vẫn được lưu truyền trong dân gian đó, đã hằn sâu vào kí ức tuổi thơ của cụ cho tới bây giờ. Ngoài bài học về đạo làm con đối với bậc sinh thành, chiếc đèn kéo quân còn là cầu nối khiến cụ thêm tự hào về quê hương, nhờ những câu chuyện được kể từ các hình cắt hay còn gọi là “quân” phản chiếu trên tấm giấy mờ của đèn như:  Phù Đổng Thiên Vương; Con Rồng cháu Tiên; Sơn Tinh, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử… cho đến hình ảnh con lợn Âm dương, chú bé thổi sáo trên lưng trâu… vốn quen thuộc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Đó cũng là lí do để cho tới tận hôm nay, cụ Quyền vẫn say mê làm đèn kéo quân, ngoài mục đích lưu giữ lại một món đồ chơi dân gian vốn chuyên chở nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ còn muốn truyền thụ lại cho con cháu, hay với những đứa trẻ trong làng một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và cất công gìn giữ.

Hãy để Tết Trung thu thực ý nghĩa với con trẻ

Ông cha ta xưa nay quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Do đó, những món đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao… là lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, thành đạt. Ấy vậy mà những thứ đồ chơi dung dị đó lại đang dần mai một và biến mất để nhường chỗ cho những món đồ chơi ngoại nhập với muôn hình dáng vẻ từ kì dị cho đến bạo lực súng ống như báo chí vẫn phản ảnh suốt mấy năm qua.

“Hãy để đèn kéo quân cũng như nhiều đồ chơi dân gian Việt Nam một lần nữa được sống lại trong lòng đám trẻ hôm nay”, là trăn trở mà cụ Quyền muốn nhắn nhủ.

Rate this post

Viết một bình luận