Câu nghi vấn là một trong những kiểu câu điển hình trong tiếng Việt. Để hiểu rõ hơn về khái niệm câu nghi vấn là gì? cũng như đặc điểm hình thức, chức năng của câu nghi vấn mà một số ví dụ cụ thể, chúng tôi xin cung cấp đến Quý bạn đọc bài viết dưới đây:
Câu nghi vấn là gì?
Câu nghi vấn là loại câu hỏi với mục đích là hỏi những điều mình không biết, đang thắc mắc hoặc nghi vấn để tìm ra câu trả lời. Cùng với câu trần thuật thì nghi vấn là câu thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp và văn học, tiểu thuyết.
Loại câu này thường xuất hiện đi kèm với các từ như sao vậy, như thế nào, ở đâu, ra sao, bao nhiêu, bấy nhiêu, rồi, hả, sao… Cuối câu nghi vấn thường sử dụng dấu chấm hỏi.
Đặc điểm hình thức của câu nghi vấn?
Câu nghi vấn là loại câu dùng để hỏi, nêu lên điều chưa rõ về sự vật, sự việc… và cần được giải đáp.
Câu nghi vấn thường sử dụng những từ nghi vấn ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)… không, (đã, … chưa …) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).
Ví dụ:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
(Thế Lữ)
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời.
(Nam Cao)
Ở dạng viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Ở dạng nói câu nghi vấn có ngữ điêu nghi vấn (thường lên giọng ở cuối câu).
Chức năng của câu nghi vấn
Câu nghi vấn có chức năng chính là dùng để hỏi. Ngoài ra, câu nghi vấn còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, bộc lộ tình cảm, cảm xúc…
– Câu nghi vấn dùng để hỏi. Ví dụ:
Năm nay bạn bao nhiêu tuổi?
– Câu nghi vấn dùng để cầu khiến. Ví dụ:
Bạn cho tôi mượn quyển sách được không?
– Câu nghi vấn dùng để khẳng định. Ví dụ:
Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu cửa chú nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu? Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất…
(Ngô Tất Tố)
– Câu nghi vấn dùng để phủ định. Ví dụ:
Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: vì có ai nấu cho ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Ðời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay “đàn bà”.
(Nam Cao)
– Câu nghi vấn dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc. Ví dụ:
Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?
(Nam Cao)
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng câu nghi vấn
– Không dùng quan hệ từ “hoặc” trong câu nghi vấn vì nó làm sai cú pháp câu hoặc biến câu trở thành một câu trần thuật.
Ví dụ: Bạn xem phim hoặc tôi xem phim. Câu này chỉ mang ý nghĩa khẳng định và không phải là câu hỏi.
– Nhiều từ có hình thức, âm thanh tương tự như câu nghi vấn nhưng nó không được sử dụng trong câu nghi vấn.
Ví dụ: Ai đó đã cầm nhầm quyển sách của tôi. Từ “ai” ở đây không phải là đại từ nghi vấn mà là đại từ phiếm chỉ.
– Trong một số trường hợp, vị trí của từ nghi vấn thay đổi sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc, ý nghĩa trong câu đó.
– Nên sử dụng câu nghi vấn phù hợp với từng đối tượng cụ thể, mục đích để hỏi rõ ràng và kết hợp với từ nghi vấn hợp lý nhất.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến câu hỏi “Câu nghi vấn là gì?”. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ Chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.
>>>>>> Tham khảo: Danh từ là gì?