Câu rút gọn là gì? Các loại câu rú gọn? Cách sử dụng câu rút gọn – Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng

Câu rút gọn là gì? Các loại câu rú gọn? Cách sử dụng câu rút gọn

Cùng THPT Sóc Trăng tìm hiểu câu rút gọn là gì, các loại câu rút gọn phổ biến, cách sử dụng câu rút gọn,…

Câu rút gọn là gì?

Câu rút gọn có thể hiểu đơn giản là những câu mà trong quá trình nói hoặc viết bạn có thể lược bỏ một số thành phần của câu để câu trở nên ngắn gọn hơn.

Tùy theo hoàn cảnh, mục đích nói hay viết mà chúng ta có thể lược bỏ những thành phần sao cho phù hợp. Tuy nhiên cần đảm bảo đúng nội dung cần truyền đạt và câu văn không trở nên cộc lốc, thiếu lịch sự.

  • Ví dụ 1: 

Câu đầy đủ là: Bạn có muốn đi ăn với mình không? –  Mình không đi được rồi.

Câu rút gọn là: Đi ăn với mình không? – Không đi được.

  • Ví dụ 2:

Câu đầy đủ là: Bao giờ bọn mình được nghỉ hè nhỉ? –  Tuần sau được nghỉ.

Câu rút gọn là:? Bao giờ được nghỉ hè nhỉ? – Tuần sau

Tác dụng của câu rút gọn

Câu rút gọn được sử dụng thường xuyên trong tiếng Việt vì một số mục đích sau:

Câu rút gọn có tác dụng gì?

– Giúp câu văn trở nên ngắn gọn hon, xúc tích hơn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin bạn muốn truyền đạt đến người đọc, người nghe.

– Tránh trường hợp bị lặp từ quá nhiều khiến câu văn trở nên lủng củng, mất đi độ hay, độ trôi chảy.

– Lược bỏ những chủ ngữ không cần thiết giúp câu bao hàm được ý một cách tổng quát hơn. Người nghe tiếp nhận được thông tin nhanh, chính xác.

– Ngụ ý về hành động, suy nghĩ trong câu là dùng chung cho tất cả mọi người nên bất kỳ ai đều có thể hiểu.

– Rút gọn câu còn giúp cho người nói nhấn mạnh vào ý quan trọng; khiến cho người nghe có thể tập trung vào nội dung chính nhiều hơn.

Tuy nhiên câu rút gọn cần được sử dụng sao cho đúng hoàn cảnh; không nên sử dụng tùy tiện bởi có thể khiến người đọc, người nghe hiểu sai ý hoặc gây ra cảm giác khiếm nhã, bất lịch sự; để lại ấn tượng xấu với người nghe. Nhất là khi nói chuyện với người lớn tuổi bạn nên hạn chế dùng câu rút gọn.

Ví dụ về cách rút gọn khiến câu cụt ngủn, mất lịch sự:

  • Con đã ăn cơm chưa? – Chưa

Ở đây bạn cần phải trả lời đầy đủ là “ Con chưa” hoặc lễ phép hơn nữa là “Con chưa ạ” hoặc “Dạ, con chưa ạ”.

  • Bài kiểm tra Văn cuối kỳ con được mấy điểm? – 7 điểm

Bạn cần trả lời là “Con được 7 điểm” hoặc “ Bài thi của con được 7 điểm ạ”. Cách trả lời như vậy mới thể hiện được sự lễ phép, lịch sự với người lớn tuổi hơn mình.

Phân loại câu rút gọn

Câu rút gọn được chia thành 3 kiểu phố biến là: rút gọn chủ ngữ, rút gọn vị ngữ, rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ.

Có 3 loại câu rút gọn chính

Để có thể hiểu rõ hơn về những kiểu rút gọn này, hãy tham khảo ngay những ví dụ sau:

Câu rút gọn bộ phận chủ ngữ

Hiểu đơn giản là câu đã được thu gọn chủ ngữ khi sử dụng. Ví dụ:

A: Mấy giờ bạn đi ăn?

B: 12 giờ

Ở đây, trong câu trả lời của B thành phần chủ ngữ đã bị rút gọn. Câu trả lời đầy đủ sẽ phải là: “12 giờ tớ đi ăn”

Câu rút gọn bộ phận vị ngữ

Là câu mà thành phần vị ngữ đã bị rút ngắn khi giao tiếp. Ví dụ:

A: Sáng nay ai là người trực nhật lớp?

B: Tớ

Trong câu trả lời của B chỉ được giữ lại phần chủ ngữ, vị ngữ bị lược bỏ. Câu đầy đủ sẽ là: “Tớ là người trực nhật nhé”.

Câu rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ

Là những câu mà cả thành phần chủ ngữ, vị ngữ đều bị lược bỏ. Ví dụ:

A: Cậu thường đi ngủ lúc mấy giờ?

B: 23 giờ

Trong câu trả lời của B ở ví dụ trên thì cả thành phần chủ ngữ và vị ngữ đều được lược bỏ, chỉ phần trạng ngữ là được giữ lại. Câu đầy đủ là: “ 23 giờ tớ sẽ đi ngủ”.

Cách sử dụng câu rút gọn hiệu quả nhất

Câu sử dụng rất dễ sử dụng nhưng bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau để phát huy tốt nhất hiệu quả của nó:

Sử dụng câu rút gọn đúng hoàn cảnh

– Không phải câu nào bạn cũng lựa chọn cách rút gọn. Phụ thuộc vào ngữ cảnh cũng như mục đích cụ thể để đưa ra quyết định có nên lược bỏ một số thành phần trong câu không và lược bỏ như thế nào cho hợp lý.

– Rút gọn các thành phần trong câu nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của câu. Tránh trường hợp rút gọn mà người nghe lại không hiểu hoặc hiểu sai ý dẫn đến những hiểu lầm không cần thiết.

– Không nên lạm dụng việc rút gọn câu quá nhiều bởi nhiều khi sẽ khiến người nghe có cảm giác rất khó chịu hay không được tôn trọng. Vì vậy bạn cần khéo léo khi thu gọn câu để câu nói mình sử dụng không trở nên cộc lốc.

– Trong giao tiếp hàng ngày, bạn chỉ nên sử dụng câu rút gọn với những người có vai vế ngang hàng, người ít tuổi hơn hoặc là bạn bè cùng trang lứa. Không nên sử dụng loại câu này khi đang nói chuyện với những người lớn tuổi hơn như: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…  như vậy được coi là thiếu sự tôn trọng.

Phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa câu rút gọn và câu đặc biệt. Nguyên nhân chủ yếu là do hai loại câu này đều có cấu tạo gồm 1 từ hoặc một cụm từ; có đầy đủ các thành phần để cấu tạo nên một câu hoàn chỉnh. Tuy nhiên 1 loại câu này lại hoàn toàn khác biệt.

Phân biệt câu rút gọn - câu đặc biệt

Giống nhau

Cả 2 loại câu này hình thức đều có cấu tạo từ một từ hoặc một cụm từ.

Khác nhau

Câu rút gọn
Câu đặc biệt

Về bản chất nó là một câu đầy đủ nhưng lược bớt đi các thành phần trong quá trình sử dụng.
Là câu không có cấu tạo theo câu đầy đủ với mô hình chủ ngữ – vị ngữ.

Căn cứ vào hoàn cảnh sử dụng có thể xác định được từ hay cụm từ nào bị rút gọn và nó thuộc thành phần nào trong câu.
Từ hoặc cụm từ ở đây là trung tâm chính, không thể xác định là thành phần nào của câu.

Có thể khôi phục thành một câu đầy đủ.
Không thể khôi phục thành một câu đầy đủ.

Ví dụ cụ thể

  • Đi chơi không?

Đây là câu rút gọn. Bạn có thể khôi phục nó thành một câu hoàn chỉnh, theo mô hình chủ – vị bằng cách thêm thành phần chủ ngữ vào cho nó. Có thể là: “Hôm nay mọi người có đi chơi không?”

  • Lan ơi! Mẹ về chưa?

Lan ơi” là câu đặc biệt. Nó không theo mô hình chủ – vị và bạn hoàn toàn không thể khôi phục bất kỳ thành phần nào của câu.

Những lưu ý khi sử dụng câu rút gọn

Khi rút gọn câu cần chú ý:

– Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói

Ví dụ: Sáng chủ nhật, trường em tổ chức cắm trại. Sân trường thật đông vui. Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co.

Trong đoạn trên các câu: “Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co.” là những câu bị rút gọn thành phần chủ ngữ. Nhưng việc rút gọn này làm cho câu văn trở nên khó hiểu, người đọc, người nghe sẽ không thể hiểu được nghĩa của câu văn.

– Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã

Ví dụ:

– Mẹ ơi, hôm nay con được một điểm 10.

– Con ngoan quá! Bài nào được điểm 10 thế?

– Bài kiểm tra toán.

Trong ví dụ trên câu: “Bài kiểm tra toán” đã không thể hiện thái độ lễ phép với mẹ. Cần phải thêm các từ ngữ thể hiện thái độ lễ phép như: Bài kiểm tra toán mẹ ạ.

Bài tập về câu rút gọn

Bài 1:

Hãy tìm câu rút gọn trong các ví dụ dưới đâu. Khôi phục những thành phần câu được rút gọn. Rút gọn câu như vậy để làm gì?

Đồn rằng quan tướng có danh,

Cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai

Ban khen rằng “Ấy mới tài”

Ban cho cái áo với hai đồng tiền

Đánh giặc thì chạy trước tiên

Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra

Giặc sợ giặc chạy về nhà

Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

Đáp án bài 1:

Các câu rút gọn trong bài tập 1 gồm:

  1. Đồn rằng quan tướng có danh
  2. Cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai
  3. Ban khen rằng “Ấy mới tài”
  4. Ban cho cái áo với hai đồng tiền
  5. Đánh giặc thì chạy trước tiên
  6. Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
  7. Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

Khôi phục các câu bị rút gọn:

  1. Người ta đồn rằng quan tướng có danh
  2. Hắn cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai
  3. Vua ban khen rằng “Ấy mới tài”
  4. Và ban cho cái áo với hai đồng tiền
  5. Quan tướng khi đánh giặc thì chạy trước tiên
  6. Khi xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
  7. Quan tướng trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

Tác dụng của việc rút gọn câu trong bài tập 1

Để diễn đạt ý nghĩa các câu xúc tích hơn và số chữ trong 1 dòng thể loại ca dao – tục ngữ  được quy định rất hạn chế

Bài 2:

  • Những câu in đậm dưới đây thiếu thành phần nào? Có nên rút gọn câu như vậy không?Vì sao?
  • Sáng chủ nhật, trường em tổ chức cắm trại. Sân trường thật đông vui. Chạy loăng quăngNhảy dâyChơi kéo co.

Đáp án bài 2:

  • Các câu “Chạy loăng quăng. Nhảy dây. Chơi kéo co” thiếu thành phần chủ ngữ.
  • Không nên rút gọn câu như vậy mà nên thêm chủ ngữ “chúng em”.
  • Bởi vì không thể lấy chủ ngữ “Trường em” để ta liên tưởng đến vị trí của chủ ngữ.

Bài 3:

Cần thêm những từ ngữ nào vào câu rút gọn (in đậm) dưới đây để thể hiện thái độ lễ phép?

  • Mẹ ơi, hôm nay con được một điểm 10.
  • Con ngoan thế, bài nào được điểm 10 thế?

Đáp án bài 3:

  • Chúng ta cần thêm thành phần chủ ngữ vào câu “ Thưa mẹ, Bài kiểm tra toán”
  • Việc thêm thành phần chủ ngữ sẽ giúp câu nói của người con lễ phép hơn và tôn trọng người mẹ của mình.

Bài 4:

Trong các tục ngữ sau, câu nào là câu rút gọn

1. Người ta là hoa đất.

2. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

3. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

4. Tấc đất, tấc vàng.

Đáp án bài 4:

– Các câu (2), (3) là những câu rút gọn.

– Thành phần bị lược là thành phần chủ ngữ.

– Hai câu này, một câu nêu nguyên tắc ứng xử, một câu nêu kinh nghiệm sản xuất chung cho tất cả mọi người nên có thể rút gọn chủ ngữ làm cho câu gọn hơn.

Bài 5:

Hãy tìm câu rút gọn trong các ví dụ dưới đây, khôi phục thành phần câu bị rút gọn và cho biết vì sao trong thơ, ca dao thường có nhiều câu rút gọn như vậy?

1.

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên song, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miêng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

2.

Đồn rằng quan tướng có danh,

Cưỡi ngựa một mình, chẳng phải vịn ai.

Ban khen rằng: “Ấy mới tài”,

Ban cho cái áo với hai đồng tiền.

Đánh giặc thì chạy trước tiên,

Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra(!)

Giặc sợ, giặc chạy về nhà,

Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!

Đáp án bài 5:

Các câu rút gọn.

1. Rút gọn chủ ngữ

+ Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

+ Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

– Khôi phục: Người bước tới và dừng chân đứng lại là Bà Huyện Thanh Quan, là tác giả của bài thơ, và căn cứ vào câu cuối cách xưng hô “ta với ta”, nên chủ ngữ của hai câu rút gọn là ta:

+ Ta bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,

+ Ta dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

2. Rút gọn chủ ngữ

+ Đồn rằng quan tướng có danh,

+ Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.

+ Ban khen rằng: “Ấy mới tài”,

+ Ban cho cái áo với hai đồng tiền.

+ Đánh giặc thì chạy trước tiên,

+ Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)

+ Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!

– Khôi phục:

+ Người ta đồn rằng quan tướng có danh,

+ Hắn cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.

+ Vua ban khen rằng: “Ấy mới tài”,

+ Và ban cho cái áo với hai đồng tiền.

+ Quan tướng khi đánh giặc thì chạy trước tiên,

+ Khi xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)

Trong văn vần (thơ, ca dao,…) thường gặp nhiều câu rút gọn bởi lẽ văn vần chuộng lối diễn đạt súc tích và số chữ trong một dòng được quy định rất hạn chế.

Có thể nhận thấy rằng hệ thống các kiểu câu trong tiếng Việt của chúng ta hết sức đa dạng và phong phú. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của THPT Sóc Trăng sẽ giúp bạn có hiểu rõ hơn về câu rút gọn là gì, sử dụng chúng một cách hiệu quả. Chỉ cần bạn hiểu rõ về nó chắc chắn bạn sẽ có thể giao tiếp một cách linh hoạt, để lại ấn tượng cho người nghe.

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.

Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Rate this post

Viết một bình luận