Lăng chữa cháy
Là phương tiện dùng để đưa chất chữa cháy vào đám cháy nhằm khống chế và dập tắt đám cháy. Dựa vào đặc điểm của từng loại đám cháy khác nhau, lăng chữa cháy được chế tạo để phun các chất chữa cháy thích hợp vào các đám cháy như phun nước sạch, nước có pha phụ gia, nước có chất tạo bọt…
Lăng chữa cháy có thể được phân loại theo:
Theo quốc gia sản xuất: bao gồm nhiều loại lăng của các nước như Lăng chữa cháy Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật…
Theo công dụng:
- Lăng phun nước chữa cháy dùng chỉ để phun nước chữa cháy các đám cháy chất rắn không kỵ nước và làm mát cho người chữa cháy, chống cháy lan.
- Lăng phun bọt chữa cháy, sử dụng để phun bọt chữa các đám cháy chất lỏng.
Theo cấu tạo lăng: Có 2 loại bao gồm lăng chữa cháy cầm tay và lăng giá chữa cháy.
Lăng chữa cháy cầm tay là lăng sử dụng tay cầm và di chuyển dễ dàng, loại lăng này có đường kính miệng nhỏ hơn 25mm đối với lăng phun nước.
Lăng giá chữa cháy là loại lăng được gắn cố định hoặc di chuyển được nhưng phải cố định lăng khi phun chất chữa cháy. Lăng chỉ sử dụng khi yêu cầu lưu lượng và cột áp lớn. Đường kính miệng lăng lớn hơn 25mm đối với lăng phun nước chữa cháy.
Theo chất liệu: các loại chất liệu được làm lăng gồm: đồng thau, hợp kim nhôm, gang
Cấu tạo lăng phun chữa cháy
Lăng phun nước chữa cháy
Để nhận được tia nước có động năng lớn, trong chữa cháy ta sử dụng các loại lăng giá hoặc lăng cầm tay có hình dạng hình nón thu hẹp.
Đầu lăng chữa cháy được cấu tạo gồm hai phần.
- Phần hình côn: Có góc côn khoảng 80 ÷ 150, cho phép giảm tổn thất năng lượng khi biến đổi cột áp thành động năng.
- Phần hình trụ tròn: Có chiều dài khoảng 2/3 ÷ 3/4 đường kính cửa ra miệng lăng(đối với lăng giá) hoặc bằng đường kính cửa ra miệng lăng đối với lăng cầm tay nhằm giảm sự tạo thành mặt cắt co hẹp khi dòng cháy ra khỏi miệng lăng.
Thân lăng: Có cấu tạo hình côn thu nhỏ, có chiều dài từ 25 – 45cm tùy thuộc vào lăng cầm tay hay lăng giá
Dòng chảy khi ra khỏi miệng lăng chữa cháy hay xảy ra hiện tượng quay tròn quanh trục, làm giảm đáng kể chất lượng tia nước. Để đảm bảo dòng tia đi thẳng, các lăng chữa cháy có lưu lượng vừa và lớn(lăng A và lăng giá) người ta lắp thêm thiết bị nắn dòng.
Kết cấu của lăng có ảnh hưởng đến chất lượng tia nước. Một lăng chữa cháy có kết cấu hoàn chỉnh phải tạo được tia nước đi thẳng khi ra khỏi miệng lăng.
Dòng tia nước của lăng chữa cháy: Là tia nước được phun ra từ lăng chữa cháy không bị giới hạn bởi thành rắn và chuyển động tự do trong môi trường không khí
Cấu tạo tia nước đặc của lăng chữa cháy: Một tia nước chữa cháy có 3 phần rõ rệt: Phần tia nước đặc, phần rời rạc và phần tan rã.