Cây chó đẻ răng cưa vốn là loại cỏ mọc hoang ở khắp các bờ ruộng, trong vườn nhà. Những năm gần đây rộ lên rất nhiều thông tin coi cây chó đẻ răng cưa là thần dược. Vậy thực hư chuyện này như thế nào? Cây chó đẻ răng cưa chữa bệnh gì? Bài viết sau đây gửi tới bạn đọc những kiến thức cần biết về tác dụng chữa bệnh của cây chó đẻ răng cưa.
1. Nhận biết cây chó đẻ răng cưa ngoài tự nhiên
Cây chó đẻ răng cưa là gì?
- Cách nhận biết cây chó đẻ răng cưa ngoài tự nhiên
Cây chó đẻ răng cưa có rất nhiều tên gọi như: diệp hạ châu, cây chó đẻ, trân châu thảo.
Có tên chó đẻ là vì theo quan sát của người dân chó mẹ sau khi đẻ con thường đi tìm ăn loại cây này. Theo nghiên cứu hành động này của chó mẹ giúp nó mau lành vết thương sau đẻ.
Tên diệp hạ châu (hạt dưới lá) xuất phát từ việc dưới mỗi cành lá xuất hiện 1 hàng hạt tròn hình cầu như viên châu.
Cách nhận biết cây chó đẻ răng cưa
Ở mỗi vùng hoặc thậm chí trong một vùng cây chó đẻ răng cưa đã có sự khác biệt về hình thái. Nhiều nghi ngờ đặt ra câu hỏi vậy cây chó đẻ răng cưa có mấy loại? Loại nào là loại chữa được bệnh. Thực tế trong tự nhiên diệp hạ châu có loại thân xanh và diệp hạ châu thân đỏ. Cây chó đẻ thân đỏ mới có tác dụng điều trị các bệnh gan và được gọi là cây chó đẻ răng cưa.
- Cây diệp hạ châu thân đỏ
Cây diệp hạ châu là cây cỏ thân cao khoảng 30-80cm. Thân thẳng đứng,hoặc nằm bò, phân nhánh cành ngay từ gần gốc. Cành lá mọc so le, mỗi cành lá gồm nhiều lá nhỏ xếp thành 2 dãy thẳng hàng. Phiến lá nhỏ và thon dài hình trứng, gốc là có cuống gắn vào cành lá chính. Hoa mọc ngay phía dưới của cành lá, xếp thành hàng dọc theo cành lá. Hoa màu trắng, hơi vàng và không bị rụng khi quả hình thành. Cây ra hoa vào trung tuần tháng 4 cho tới tháng 6, đến tháng 7-11 thì ra quả. Khi hình thành quả, dưới lá có hàng dài các hạt tròn nhỏ nhỏ đường kính khoảng 2.5mm, có vệt nổi màu hơi nâu đỏ, có sần vảy, và vân chia múi.
Cây chó đẻ răng cưa mọc ở đâu?
Cây chó đẻ răng cưa là loại cây cỏ phổ biến, thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi. Có nơi người dân còn đem nhổ bỏ đi.
Chúng có thể phát triển ở hầu hết các loại đất trừ đất trũng và nơi ngập úng. Cây diệp hạ châu thường mọc ven bờ ruộng hoặc những nơi đất pha cát.
2. Tác dụng chữa bệnh của cây diệp hạ châu
Theo Đông y, cây diệp hạ châu có vị đắng, hơi ngọt. Là vị thuốc có tính mát. Có khả năng thanh can nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giải độc, sát trùng.
Theo kinh nghiệm người dân nhiều vùng thì cây diệp hạ châu được dùng để trị mụn nhọt, giải độc rắn cắn. Vừa dùng ngoài vừa uống trong được. Đặc biệt diệp hạ châu có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh gan, bệnh ngoài da, tiểu đường, viêm ruột, viêm phụ khoa…
- Cây chó đẻ răng cưa chữa bệnh gì?
Cây chó đẻ răng cưa chữa viêm gan b
Các nghiên cứu được thực hiện tại Nhật bản và Ấn độ đã thu được hoạt chất trong cây chó đẻ răng cưa là phyllantin, triacontanal và hypophyllantin. Các hoạt chất này có tác dụng điều trị viêm gan, gan nhiễm mỡ.
Nhiều năm trở lại đây, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng trị bệnh của cây diệp hạ châu nhất là tác dụng điều trị bệnh lý gan mật. Với liều dùng 900mg/ngày đã có tới 50% lượng virus viêm gan B trong máu giảm sau 1 tháng sử dụng.
Theo 1 báo cáo năm 1988 đăng trên tạp chí Lancet, một thử nghiệm điều trị 37 người bị viêm gan B được điều trị bằng diệp hạ châu. Kết quả thu được 22/37 người có kết quả xét nghiệm virus viêm gan B âm tính sau 1 tháng điều trị.
Với bệnh lý viêm gan, diệp hạ châu có tác dụng hạ men gan, bảo vệ gan và ức chế sự hoạt động cũng như sự nhân lên của virus viêm gan. Chó đẻ răng cưa có thành phần chất chống oxy hóa cao. Đồng thời nó còn có khả năng làm tăng hàm lượng glutathione tại gan do đó làm giảm hoạt động của các men SGOT, SGPT trong đợt cấp của viêm gan.
Diệp hạ châu chữa sỏi thận
Trường Đại học Y Paulists ở Sao Paulo, Brazil đã làm 1 nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh sỏi thận của cây chó đẻ răng cưa từ năm 1990. Người tham gia nghiên cứu sử dụng trà diệp hạ châu từ 1-3 tháng. Nhiều nghiên cứu giai đoạn 1995-1999 cũng cho thấy cây chó đẻ răng cưa có tác dụng tăng lượng nước tiểu. Chúng cũng ngăn cản sự hình thành của các tinh thể calcium oxalate. Đồng thời làm giảm kích thước viên sỏi và giảm đau. Chính vì vậy mà cây chó đẻ răng cưa cũng được dùng nhiều trong điều trị bệnh lý sỏi thận.
3. Cách dùng cây chó đẻ răng cưa
Cây chó đẻ chữa viêm gan siêu vi
Dùng 16g chó đẻ răng cưa, 16g nhân trần, 12g thổ phục linh, 4g vỏ bưởi sao khô, 8g hậu phác.
Sắc nước uống ngày 3 lần, sau ăn.
Nhân trần, chó đẻ răng cưa, thổ phục linh: giải độc, ức chế virus viêm gan
Vỏ bưởi, hậu phác giúp kiện tỳ, giảm tính lạnh của nhân trần và chó đẻ răng cưa.
Trị bệnh ngoài da, mụn nhọt
12g diệp hạ châu, 12g cam thảo đất. Đun nước uống thay trà hàng ngày. Uống đến khi hết mụn thì dừng. Lưu ý không dùng liên tục quá 30 ngày. Mỗi đợt uống uống tối đa 1 tháng phải dừng khoảng 7 -10 ngày rồi mới được tái uống.
Cây chó đẻ chữa sỏi thận
Dùng 24g chó đẻ răng cưa, sắc nước uống. Nếu bị đầy bụng có thể cho thêm gừng tươi hoặc trần bì lúc đun. Khi bệnh ổn định thỉnh thoảng nên dùng diệp hạ châu hãm trà thay uống nước. Mỗi ngày 8-10g, uống không quá 30 ngày liên tục.
Bài thuốc trị nổi mề đay từ diệp hạ châu
Dùng bôi ngoài : Khi bị nổi mề đay, dùng cây chó đẻ răng cưa tươi rửa sach, giã nát và dắp lên nốt mề đay. Diệp hạ châu giải độc giúp vết mề đay bớt ngứa và đem lại cảm giác dễ chịu.
Dùng uống trong: lấy cây chó đẻ răng cưa phơi khô rồi sắc nước uống. Mỗi ngày uống từ 10-15g. Có tác dụng mát gan và giải độc. Hỗ trợ điều trị mề đay.
Bài thuốc uống : Bạn đem cây chó đẻ rửa sạch đem phơi khô rồi dùng sắc nước uống, nước cây chó đẻ vừa có tác dụng làm mát gan, giải độc cơ thể và đồng thời cũng điều trị bệnh mề đay từ bên trong
4. Có nên dùng chó đẻ răng cưa để phòng bệnh không?
Trong y học cổ truyền diệp hạ châu có vị đắng, tính lương mát. Được xếp vào nhóm các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ chức năng gan, điều trị chứng vàng da do gan. Đây vốn dĩ không phải vị thuốc bổ mà chỉ chỉ có tác dụng trị bệnh. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào về tác dụng phòng bệnh của diệp hạ châu. Chính vì vậy mà người dân không nên lạm dụng chó đẻ răng cưa để phòng bệnh.
Xem thêm
5. Những người không nên dùng cây chó đẻ răng cưa
– Người tỳ vị hư hàn với biểu hiện lạnh bụng. Thường xuyên đầy bụng khó tiêu, sợ lạnh đại tiện lỏng nát. Những người như vậy không nên dùng diệp hạ châu vì vị thuốc này có tính mát dễ làm nặng thêm tình trạng tiêu hóa không tốt của người bệnh.
– Nhiều người thắc mắc có nên uống diệp hạ châu hàng ngày không? Theo ý kiến của các bác sỹ Đông y, người khỏe mạnh, không có bệnh lý gan mật không nên dùng diệp hạ châu thường xuyên. Bởi sẽ làm tăng gánh nặng đào thải cho gan, mật và thận.
– Phụ nữ có thai cũng không được dùng. Diệp hạ châu có tác dụng gây co mạch máu và tử cung dễ gây trụy thai.
– Cũng không nên uống một mình diệp hạ châu. Cần phối hợp diệp hạ châu với các vị thuốc khác. Diệp hạ châu có tác dụng phụ gây giảm hồng cầu, hạ huyết áp và tăng nguy cơ gây suy giảm miễn dịch.
Trên đây là những vẫn đề xoay quanh cây thuốc diệp hạ châu – chó đẻ răng cưa mà người đọc nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng. Tốt nhất người bệnh nên nhận được những tư vấn chuyên môn từ bác sỹ chuyên khoa.
BS. Nguyễn Nga
Hội bác sỹ trẻ – Học viện Quân Y
Xem thêm: Hướng dẫn trị đau họng, viêm họng hiệu quả