Chùm ngây được mọi người biết tới là loại thảo dược có nhiều tác dụng tuyệt vời trong chữa bệnh cũng như cải thiện sức khỏe nói chung Để phát huy được tối đa công dụng của chùm ngây, cần sử dụng đúng cách. Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn những kiến thức bổ ích về tác dụng của cây chùm ngây và cách sử dụng chùm ngây để tốt cho sức khỏe nhé!
Chùm ngây là gì?
Cây chùm ngây còn có tên ba đậu dại, thuộc loại thực vật thân gỗ, họ Chùm ngây, có xuất xứ từ vùng Nam Á. Thân cây cao, sau 3 – 4 năm có khi lên đến hàng chục mét.
Cây chùm ngây là loại cây rất dễ trồng, ưa nắng, có thể chịu được hạn hán tốt. Chính vì thế cây trồng được nhiều nhất ở những vùng nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới.
Lá chùm ngây là lá kép, hình dạng giống lông chim, mọc so le, có màu xanh sẫm, dài khoảng 3 – 6 cm.
Cây thường trổ hoa vào khoảng tháng 4 – 6 và ra quả vào tháng 7 – 9.
Hoa của chùm ngây có màu trắng kem, thường mọc thành chùy ở các kẽ lá, có lông tơ. Quả dạng nang treo, dài 2.5 – 4 cm dọc theo quả có các khe rãnh. Hạt có màu đen, to bằng hạt đậu Hà Lan, có 3 cạnh.
Tìm hiểu về cây chùm ngây
Chùm ngây thuộc họ Chùm ngây (Moringaceae) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Pakistan.
- Cây có chiều cao 5 đến 10m, vỏ dày, có khía rãnh, thân non có lông, lá kép hình trứng, mọc so le dài 30 đến 60cm.
- Cụm hoa màu trắng (hơi giống hoa họ Đậu) hay mọc thành chùm ở kẽ lá, đài có 5 răng uốn cong hình thuôn.
- Tràng hoa 5 cánh hình thìa, nhị 5. Chỉ phần nhị có lông ở gốc, bầu thượng, 1 ô và có lông.
- Quả hình thiết diện tam giác dài 25 đến 30cm hoặc hơn, mọc thõng xuống và mở làm 3 mảnh.
- Hạt có cánh màu trắng, 3 cạnh dạng màng.
- Mùa hoa chùm ngây rơi vào tháng 4-6, mùa quả từ tháng 7-9.
- Ở Việt Nam, chùm ngây ưa sáng và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thường trồng rải rác phía Nam, từ Quảng Nam đổ vào.
- Bộ phận hay được dùng làm thuốc của chùm ngây là rễ và toàn cây
Rau chùm ngây có tác dụng gì?
Rau chùm ngây có nhiều protein, vitamin, khoáng chất, và chất chống oxy hóa. Vì thế, chùm ngây có tác dụng lớn trong việc bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương. Ngoài ra, các bộ phận của loài cây này có chứa các thành phần hóa học có hoạt tính đa dạng như alcaloid, benzylamin, pterygospermin…, nên được tận dụng rất nhiều trong y học, mang lại giá trị cao.
Trong y học dân gian
Lá và quả cây chùm ngây hay được dùng như rau xanh nên còn được gọi là rau chùm ngây. Trong y học dân gian, rau được dùng để hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh như viêm khớp, thiếu máu, đau khớp, táo bón, đái tháo đường, động kinh, đau bụng, ung thư, tim mạch, sỏi thận, tiêu chảy, ứ nước, rối loạn tuyến giáp, loét dạ dày và ruột, co giật ruột, nhiễm vi khuẩn, nấm, virus và các loại ký sinh trùng.
Dân gian hay dùng cây chùm ngây để:
- Kích thích tiêu hóa: Cành và lá non hoặc hoa và quả xanh chùm ngây đem luộc lên ăn sẽ kích thích tiêu hóa.
- Lợi sữa: Dùng riêng lá non hoặc phối hợp với các dược liệu khác để làm thuốc lợi sữa.
- Lợi tiểu: Lá già đem phơi khô sắc uống sẽ giúp lợi tiểu nhẹ. Ngoài ra, hoa chùm ngây dùng được làm thuốc lợi tiểu và thông mật.
- Chữa tê thấp: Hạt chùm ngây ép lấy dầu đem pha loãng xoa bóp sẽ hỗ trợ chữa tê thấp khớp hoặc bệnh gout.
- Chữa bệnh scorbut và các bệnh viêm xổ: Lá chùm ngây rất giàu vitamin A và C có tác dụng chữa bệnh scorbut và các bệnh viêm xổ.
- Làm thuốc gây nôn: Dịch ép từ lá có thể điều chế thành thuốc gây nôn.
- Trị vết thương: Lá giã hoặc xay ra có thể điều trị vết thương hiệu quả.
- Hạ sốt: Phần hạt cây có tác dụng hạ sốt hiệu quả.
- Giải độc do sâu bọ và rắn cắn: Cao vỏ cây chùm ngây thường được người Ấn Độ tận dụng làm thuốc giải độc do sâu bọ và rắn cắn.
- Làm thuốc tăng dục: Quả chùm ngây làm tăng độ nhớt của tinh dịch nên được dùng làm thuốc tăng dục.
- Cây chùm ngây có thể dùng trực tiếp trên da để diệt vi trùng, làm se da, điều trị áp xe, trị gàu, viêm nướu, rắn cắn, mụn cơm, vết thương…
- Dầu ép từ hạt chùm ngây được dùng để bào chế nước hoa, sản phẩm chăm sóc tóc và dầu bôi trơn máy.
Tác dụng của cây chùm ngây trong y học hiện đại
Khoa học hiện đại sau khi nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của cây chùm ngây như sau:
- Ngừa ung thư: Lá chùm ngây chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C, kẽm và các hoạt chất khác chống lại các gốc tự do và một số chất khác có thể gây ung thư, tổn thương DNA trong tế bào. Loại lá cây này chứa niazimicin giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.
- Giảm nguy cơ các bệnh tim, mạch: Một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh được lá chùm ngây có tác dụng hạ cholesterol làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, mạch. Lá cũng có chất oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa tổn thương tim và duy trì một trái tim khỏe mạnh.
- Bảo vệ gan: Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng lá chùm ngây có chứa silymarin làm tăng chức năng men gan, bảo vệ gan khỏi tổn thương sớm gây ra từ việc ăn các loại thực phẩm giàu chất béo…
- Giảm lượng đường trong máu: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đái tháo đường (Ấn Độ) đã đưa tin rằng các chất có trong lá chùm ngây làm giảm lượng đường trong máu; đường và protein trong nước tiểu. Vì thế, chùm ngây rất tốt với bệnh nhân đái tháo đường.
- Giảm huyết áp cao: Lá cây chứa isothiocyanate và niazimicin có khả năng ngăn chặn tình trạng động mạch bị dày lên, gây ra cao huyết áp.
- Cải thiện hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất: Nghiên cứu trong năm 2012 cũng chỉ ra rằng các hoạt chất chống oxy hóa, vitamin C và kẽm có trong lá chùm ngây có thể giúp tăng cường tính hiệu quả của tế bào miễn dịch. Nhờ đó, tạo thành rào cản ngăn virus, vi khuẩn hoặc các gốc tự do đi vào cơ thể.
- Ngừa thiếu máu: 100g bột lá chùm ngây khô chứa khoảng 28mg sắt, cao hơn cả lượng sắt có trong thịt bò và các loại thịt động vật khác. Do đó, bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt được khuyến khích dùng bột lá chùm ngây.
- Hỗ trợ điều trị sỏi thận: Nhờ đặc tính giúp lợi tiểu, lá chùm ngây có thể giúp cơ thể bạn loại bỏ tinh thể hình thành sỏi và phá hủy sỏi thận.
- Cho da và tóc khỏe hơn: Dầu từ hạt chùm ngây có thể bảo vệ tóc chống lại các gốc tự do, để tóc luôn sạch và khỏe mạnh. Xitokinin, vitamin C, chất chống oxy hóa trong chùm ngây sẽ giúp bảo vệ da tránh khỏi vấn đề lão hóa.
- Chữa táo bón: Lá chùm ngây giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan nên ngăn ngừa và chữa táo bón rất tốt. Người dùng có thể nấu canh hoặc ăn thay rau thường xuyên.
- Tăng cường khả năng hồi phục cơ thể: Rau chùm ngây rất bổ dưỡng nên khi ăn vào sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự tấn công của các bệnh như cúm, sốt cỏ khô hoặc dị ứng.
- Giảm viêm: Các nhà khoa học tìm thấy isothiocyanates có trong lá, vỏ và hạt chùm ngây là hợp chất chống viêm hiệu quả.
- Giảm độc tính của asen: Chiết xuất từ lá cây chùm ngây có thể làm giảm tác dụng của asen (độc chất làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm da, bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường, thậm chí ung thư) có trong nước, đất và thực phẩm.
- Tốt cho não bộ: Lá chùm ngây nhiều sắt, kẽm và các chất chống oxy hóa… giúp bảo vệ tế bào não khỏi những tổn thương do các hoạt động gốc tự do nào trong cơ thể.
- Giúp giảm cân: Hoạt chất isothiocyanate có trong chùm ngây sẽ ngăn cơ thể hấp thu chất béo hoặc cholesterol. Từ đó, giúp giảm cân hiệu quả.
Cách sử dụng chùm ngây tốt cho sức khỏe
Chùm ngây được khoa học chứng minh rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cách sử dụng chùm ngây như thế nào mới hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Liều lượng sử dụng chùm ngây mỗi ngày
Bệnh nhân khác nhau thì liều dùng của chùm ngây cũng có thể khác nhau. Liều lượng cần dựa trên các yếu tố như tuổi, tình trạng sức khỏe, và một số vấn đề khác. Sẽ không an toàn nếu người dùng liều lượng quá mức, tốt nhất cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Thông thường, liều dùng an toàn sẽ là 6g mỗi ngày trong vòng 3 tuần. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác về độ an toàn và liều được sử dụng trong thuốc. Nhưng nếu bạn dùng dưới dạng bào chế thì nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Chùm ngây có hại không?
Cây chùm ngây sẽ an toàn nếu dùng đúng cách, đúng liều. Lá, quả và hạt có thể an toàn khi dùng để nấu ăn. Cần lưu ý là không nên ăn rễ cây hoặc dùng chất chiết xuất của cây mà chưa được bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng và liều lượng cụ thể. Một số bộ phận của cây có thể chứa chất độc gây tê liệt, thậm chí tử vong.
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng phụ của cây chùm ngây. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, loại cây này có các tác dụng phụ như gây tổn thương gan, thận; gây tiêu chảy nhẹ. Để tránh gặp phải các tác dụng phụ này, người dùng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
Rau chùm ngây kỵ với gì?
Rễ, vỏ và hoa chùm ngây phụ nữ mang thai không nên sử dụng vì có thể gây sảy thai. Nguyên nhân là trong các bộ phận này có chứa chất gây co bóp tử cung.
Dù chùm ngây được biết đến với công dụng giúp làm tăng sữa mẹ. Tuy nhiên, chưa có thông tin đầy đủ nào xác minh được thảo dược này có an toàn cho trẻ đang bú sữa mẹ không. Vì vậy, phụ nữ cho con bú nên tránh dùng chùm ngây hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu vẫn muốn dùng.
Cây chùm ngây là loại thực phẩm và dược liệu rất có giá trị trong đời sống và y học. Tuy nhiên, người dùng cần nghiên cứu kỹ thông tin về cách dùng để thu được hiệu quả tối đa và tránh những tác dụng phụ không đáng có.
Tìm hiểu về: Hoa đậu biếc và những công dụng thần kỳ!