2.
Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Kim phượng
Kim phượng hay Điệp cúng, Điệp ta, Điệp vàng – Caesalpinia pulcherrima (L.) Sw., thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Mô tả: Cây nhỡ, nhẵn, không có gai. Lá kép 2 lần lông chim, chẵn, Cuống lá mang 5-8 đôi cuống phụ, mỗi cuống phụ mang 6-12 đôi lá chét. Hoa mọc thành chùm ở ngọn. Hoa to, màu đỏ hoặc màu vàng da cam. Nhị 10, thò dài ra ngoài hoa sau khi hoa nở, dài tới 5cm, trông như đuôi phượng. Quả gần thẳng hoặc hơi hình chữ S, mỏng, chứa 8 hạt dẹt
Bộ phận dùng: Lá, rễ, vỏ, hoa – Folium, Radix, Cortex et Flos Caesalpiniae.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn độ-Malaixia, thường trồng làm cảnh ở các công viên và các vườn gia đình. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Lá có tính xổ và kích thích, cũng có tính chất điều kinh. Rễ chát, se, có độc. Hoa có một hoạt chất đắng, có tác dụng bổ phổi và hạ nhiệt.
Công dụng: Lá thường dùng trị sốt rét nặng và xổ. Dùng hãm uống có thể gây sẩy thai. Vỏ cũng dùng gây sẩy thai, rễ dùng trị thổ tả, dùng uống trong để lợi kinh. Hoa được dùng hãm uống chữa viêm phế quản, hen suyễn và sốt rét.
Ở Inđônêxia, cũng dùng chữa co giật, giun sán, đau dạ dày và ruột, chữa sỏi bàng quang.
Cánh dùng: Lá, vỏ, rễ thường dùng sắc hay hãm uống. Hoa dùng hãm uống; hoa khô 20g, nước 500g, đường 70g, trộn đều, lọc uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần 1 ly nhỏ.