Cây Hoa Gạo – Thông tin cần biết và cách trồng, chăm sóc | Canh Điền

Đã từ lâu hình ảnh hoa gạo đã được đi vào trong thơ ca “Bao giờ cho đến tháng ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Không chỉ đơn thuần là nói đến hình ảnh hoa gạo hay Bà già mà còn ngụ ý báo hiệu xuân sắp qua, hè sắp đến. Cây còn là điểm đến, trở về cho những người con xa quê mong muốn trở về đất mẹ. 

I. Giới thiệu về cây Gạo

  • Tên thường gọi:

    Cây gạo

  • Tên gọi khác:

    Cây mộc miên, hồng miên, cây anh hùng, cây Pơ lang

  • Tên khoa học:

      Cây thuộc họ Gạo (Bombax ceiba)

  • Nguồn gốc xuất xứ:

    Loài cây này có nguồn gốc ở Ấn Độ

  • Nơi sống: 

    Cây gạo thường mọc tự nhiên ở cả vùng miền núi cũng như đồng bằng ẩm mát.

  • Phân bố:

    Cây được gây trồng để làm cảnh ở khắp khu vực châu Á:  Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam.

  • Tuổi thọ:

    Sống lâu năm

  • Màu sắc của hoa:

    Hoa gạo có màu đỏ rực

  • Thời gian nở hoa:

    Hoa nở vào cuối xuân đầu hạ

Cây Gạo

II. Đặc điểm của cây Gạo

  • Hình dáng bên ngoài:

    Cây gạo là cây thân gỗ to, thẳng đứng,  trên vỏ cây có gai nhọn chi chít màu nâu xám, chúng thường to dần lên theo sự phát triển của cây.

  • Kích thước:

    Cây có chiều cao trung bình  từ 15 – 20m, cây cổ thụ ở rừng già có thể cao đến 30 – 35m.

  • Lá:

    Lá cây thuộc dạng kép chân vịt có từ 5 – 7 lá nhỏ có hình bầu dục hoặc hình trứng, chóp nhọn, mép lá nguyên và 2 mặt lá đều xanh đậm. Cây gạo thường rụng lá vào mùa khô, chỉ còn trơ lại thân cành như cây chết. 

  • Hoa:

    Hoa gạo có màu đỏ rực với 5 cánh hoa xòe rộng khi nở, cánh hoa to và khá dày mọc thành cụm hoặc đơn lẻ ở hầu hết các cành nhánh nhỏ của cây. Vào cuối mùa đông khi  lá đã rụng hẳn, những nụ hoa gạo bắt đầu ủ nụ để chuẩn bị nở khi xuân về. Hoa nở rộ vào cuối mùa xuân và tàn ở đầu mùa hạ. 

  • Cành:

    Cây phân chia nhiều cành ngang, tán rộng và thưa. 

  • Quả:

    Quả gạo là dạng quả nang hình trứng, khi chín có màu đen tách thành 5 mảnh, bên trong chứa nhiều hạt và nhiều sợi bông mềm và nhỏ.  

III. Tác dụng của cây Gạo

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Ngoài những cây mọc tự nhiên ở ven đường làng hay ven đồng ruộng thì cây gạo còn được trồng nhiều ở thành phố làm cây bóng mát, cây công trình hay ở khu đền chùa cổ. Cây gạo có màu hoa đỏ rực không thể thiếu ở mỗi con đường hoa, công viên, phố đi bộ…Tạo cho du khách dừng chân ngắm hoa cũng như tạo cho những người lớn tuổi một không gian hoài niệm lại tuổi thơ của mình.

Bên cạnh đó, với ưu điểm là gốc cây to  trông có vẻ nguyên sơ, cổ thụ và hoa đẹp nở đúng dịp mùa xuân. Nên cây gạo là  lựa chọn hàng đầu cho những tác phẩm bonsai của nhiều nghệ nhân.

2. Tác dụng chữa bệnh

Hoa gạo không chỉ đẹp mà còn có công dụng khá tốt đối với sức khỏe con người. Trong đông y,  hoa gạo có tính mát, vị ngọt và  hơi chát có tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bổ huyết, tiêu  viêm, cầm máu… Dân gian hay dùng hoa gạo để phơi  sấy khô hoặc sao đen chữa các bệnh đường tiêu hóa và tiết niệu (viêm dạ dày và nước tiểu ít và đỏ).

Một bộ phận nữa là Tầm gửi cây gạo, chỉ có cây cao tuổi mới có tầm gửi. Loại này thường phơi sấy khô hoặc dùng đun tươi uống có công dụng giảm sưng đau, xung huyết, giảm ứ trệ dịch trong bệnh Xơ gan cổ trướng và Ung thư gan. 

Ngoài ra, những người thích trà đạo thường dùng hoa gạo để ướp trà vừa thưởng thức trà vừa hàn huyên tâm sự. Đồng thời cũng giúp an thần và dễ ngủ ở người lớn tuổi.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Gạo

1. Cách trồng cây

  • Thời vụ trồng

Cây gạo có thể trồng vào bất cứ thời gian nào trong năm đều được, chỉ tránh trồng vào thời điểm mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độC.

Cây thường được nhân giống bằng gieo hạt, giâm cành, không thể chiết cành vì vỏ cây có nhựa sẽ làm liền vết khoanh.  

Cây gạo rất dễ sống và  ưa nắng nên có thể trồng được ở cả khu vực nhiều nắng nóng và nhưng phải chăm tưới nước đều đặn.

  • Giống cây trồng

Ngoài việc mua giống cây ra, nếu xung quanh nơi bạn ở có cây gạo có thể chặt cành nhỏ để giâm, thậm chí cắm cọc hàng rào cây cũng tự ra rễ và mọc thành cây.  

  • Đất trồng và cách trồng

Cây gạo không kén chọn đất, dễ trồng, dễ sống, ngoại trừ đất bị nhiễm mặn và nhiễm độc thuốc trừ cỏ.  Để cây sinh trưởng tốt nhất nên chọn đất thịt hoặc đất cát mùn phù sa ngọt  vừa có nhiều dinh dưỡng mà lại tiết kiệm được chi phí phân bón.

Trồng cây:  Trồng cây gạo rất đơn giản, đối với việc giâm cành chỉ cần chặt cành tươi không bị dập vỡ đầu cành rồi cắm, một thời gian sau sẽ tự mọc mầm. Đối với cách ươm hạt  sẽ lâu hơn và làm nhiều công đoạn, phải cuốc hố ủ phân rồi mới trồng, khi trồng cây non phải cắm cọc cố định cây chắc chắn tránh gió đổ. Nếu trồng trong thời điểm nắng nóng phải che chắn cho cây gạo non tránh héo chết.

2. Cách chăm sóc cây

Nếu trồng để chơi hoa thì cần chăm sóc đúng cách mới cho ra hoa sớm. Không chỉ tưới nước sạch đơn thuần mà còn tưới cả phân bón lá, bón rễ, phân vi lượng để cây sinh trưởng nhanh nhất có thể và nhanh cho hoa. 

Sau trồng khoảng 10 ngày mới tưới một trong các loại phân kể trên, tưới cách nhau 7 – 10 ngày. Ngoài những ngày tưới phân bón ra thì những ngày sau tưới nước sạch, khi cây còn nhỏ  ngoài những loại phân trên ra, không cần bón thêm gì khác bởi cây gạo không yêu cầu quá nhiều phân. 

Nếu trồng làm bóng mát thì cũng không cần bón nhiều phân bởi bộ rễ cọc của cây gạo ăn sâu xuống lòng đất cũng hút đủ dinh dưỡng cho cây rồi. 

Việc trồng và chăm sóc cây gạo rất đơn giản đúng không ạ? Nếu yêu màu hoa gạo hãy trồng và chăm hoa thật tốt để hoa nở đúng dịp mùa xuân để bạn tha hồ thưởng thức nhé. 

5/5 – (3 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận