CÂY HOA HẠNH
Lựu Hạnh (Đỏ)
Thạch lựu, an thạch lựu, thừu lựu, cây hoa hạnh, mẫu nhã, tạ thạch, sơn lục diệp, nhã lựu, tháp lựu, đan nhược, kim bàng, kim tương, tạ lựu,…
Cây lựu hạnh vừa là cây cảnh đẹp với hoa rực rỡ, lâu tàn và dễ trồng… vừa có ý nghĩa phong thủy mang lại tài vận, may mắn cho gia chủ. Hoa lựu là quốc hoa của Tây Ban Nha, biểu tượng của phú quý, cát tường và phồn vinh.
Cách chăm sóc
Điều kiện sinh thái
Lựu hạnh có thể sống đến hàng trăm năm nếu ở trong điều kiện sống lý tưởng. Cây có tốc độ sinh trưởng trung bình. Lựu hạnh thuộc loại cây thân gỗ khỏe mạnh, ít sâu bệnh, dễ trồng và chăm sóc. Cây ưa nắng, sáng, thoáng gió, chịu nóng, chịu hạn tốt, cần trồng cây nơi đủ ánh nắng đồng thời phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, nhất là những loại phân hữu cơ hoai mục và bổ sung thêm các phân lân hóa học, phân vi lượng để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
Cây lựu hạnh có thể nhân giống bằng cách chiết cành vào mùa mưa để cây trồng dễ sinh trưởng, phát triển.
Đến kỳ ra hoa, cần áp dụng biện pháp thúc chồi bằng cách tỉa cành hoặc vặt bỏ chồi ngọn.
Khi cây phát triển ổn định ta nên cắt sửa, tạo dáng cho cây, tỉa bớt những cành dày, yếu, để tập trung dinh dưỡng vào cành khỏe. Như vậy vừa tạo thẩm mỹ, vừa tránh được sâu bệnh hại cây.
Cây lựu hạnh dễ bị tấn công bởi các loại rệp sáp, rầy mềm nên cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của cây để đề phòng và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ngoài biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ta còn có thể sử dụng nước rửa chén liều lượng 1 cc/cho 1 lít nước, lắc đều rồi phun sương vào ổ rệp lúc sáng sớm trước khi nắng lên (không phun tưới vào gốc cây), vài ngày sau tưới rửa lại, các con rệp bị bong vỡ phấn trắng và chết. Nếu ở nhà chỉ trồng một cây nên chịu khó tiêu diệt ổ rệp bằng tay sẽ hiệu quả hơn.
Chọn cây
Khi mua cây ở tiệm, bạn nên chọn cây tươi tốt, lá xanh mướt, khỏe mạnh, tránh chọn những cây có thân ốm yếu vươn cao, lá chuyển vàng vì cây như vậy dễ ngã, yếu ớt, thiếu dinh dưỡng và sức sống. Đối với những cây yếu như vậy nói chung, khi đem về chúng ta phải cắt tỉa cho ngắn lại và chăm bón để cây nảy chồi mới mạnh khỏe hơn, sau một thời gian 2-3 tuần thì cây mới phục hồi được.
Đất trồng
Cây lựu hạnh là một loại cây ưa nóng và chịu hạn tốt, cây không đòi hỏi phải có đất tốt và dinh dưỡng cao như nhiều loại cây khác nên có thể trồng phổ biến trên hầu hết các tỉnh ở trong nước. Mặc dù là loại cây dễ trồng, dễ sinh trưởng và phát triển nhưng để cây có sự phát triển tốt nhất thì ta nên trồng cây hạnh lựu trên đất pha cát có phân mục, đất phù sa, đất có nhiều chất dinh dưỡng. Nếu trồng trong chậu nên phối trộn đất, tro trấu và cám dừa để có cấu trúc tối ưu cho sự phát triển của cây. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…
Tưới nước
Cây lựu là loài cây ưa ánh sáng nhưng không chịu úng nước nên cần chú ý độ ẩm đất, mỗi ngày có thể tưới từ 1 – 2 lần. Trong kỳ hoa nở cần khống chế lượng nước tưới, nếu thấy đất trong chậu quá khô cần phải tưới ngay.
Bón phân
Việc bón phân cho cây phải thận trọng vì ảnh hưởng đến chất lượng hoa của cây. Theo quy tắc bón phân, nên bón nhiều lần với liều lượng thấp sẽ tốt hơn bón một lượng nhiều nhưng ít lần, số lần bón tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể, không có công thức chung. Như vậy, sẽ giúp cây sử dụng phân bón hiệu quả, tránh lãng phí phân bón, giảm được rủi ro do bón phân quá liều làm cây bị ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến cây (cháy cây do nồng độ phân cao, mất cân bằng các tỷ lệ dinh dưỡng trong đất…). Bón thêm phân hữu cơ đã hoai mục giúp cây phát triển bền vững, hoa thơm và lâu tàn hơn so với chỉ bón phân hóa học.
Cây lựu ưa phân bón, tuy nhiên, với cây trồng trong chậu không nên bón nhiều phân đạm, làm cho cành mọc dài, không đơm hoa. Trong mùa sinh trưởng ta nên bón bổ sung cho cây (15-20 ngày bón một lần). Các loại phân có nguồn gốc hữu cơ, phân trùn quế, phân dơi,… rất tốt để bón cây lựu. Trước khi cây ra nụ ta chọn phân NPK có tỉ lệ P và K cao để xúc tiến việc hoa nở. Mùa đông bón phốt phát (phosphate), mùa thu bón scories từ 500 đến 800g sau khi xới đất kỹ, để phân ngấm sâu xuống đất, rễ hấp thụ (hút vào và tiêu thụ) nuôi thân, cành, chồi hoa chồi lá. Phèn super phốt phát bỏ vào cuối mùa đông mỗi gốc 300 – 500g.
Mô tả sản phẩm
Tên khoa học
Punica Granatum.
Nguồn gốc
Tây Nam Á.
Cây giống thực tế.
Đặc điểm nhận dạng
Lựu là cây thân gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình từ 4m đến 8m. Khi thân non có màu xám hơi đỏ, tiết diện vuông, nhưng khi già lại chuyển sang màu xám, tiết diện tròn. Thân cây có ít gai, ngay từ khi có nhánh đã phân cành từ gốc thành những bụi dày, những cành non thường vươn dài, có lá màu xanh bóng mượt mà.
Lá cây lựu thuộc dạng lá đơn, mọc đối, mép lá nguyên hình và thuôn dài, hơi lượn sóng, ngọn lá thon nhọn, hai mặt lá đều nhẵn có màu xanh mượt, mặt trên bóng hơn mặt dưới. Gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá ngắn cùng gân lá có màu đỏ. Cây lựu không có lá kèm.
Lựu chia thành hai loại: cây lựu cho hoa (hay còn gọi là lựu hạnh) và cây lựu cho quả. Lựu cho quả thường có hoa cánh đơn, thân cành và cây phát triển to. Còn cây lựu hạnh thì phần lớn có hoa cánh kép, màu đỏ tươi hoặc màu đỏ cam. Cây lựu hạnh trên thế giới có nhiều màu nhưng ở Việt Nam lựu hạnh phần lớn chỉ cho hoa màu đỏ rực rỡ. Lựu hạnh nở hoa quanh năm, đặc biệt mùa đông càng lạnh thì hoa càng đẹp, còn những nơi thiếu nắng thì cây lựu hạnh ít có khả năng ra hoa, nếu có thì hoa cũng sẽ xấu.
Công dụng
Với người Tây Ban Nha, hoa lựu là biểu tượng của phú quý, cát tường, phồn vinh. Vì vậy, không khó hiểu khi hoa lựu là quốc hoa của Tây Ban Nha, được vẽ trên quốc huy của nước này. Tại Tây Ban Nha, bất luận là thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, trong vườn hay ngoài công viên, đâu đâu người ta cũng thấy trồng cây lựu.
Mặt khác, lựu là loại cây chịu hạn và rất ưa nắng, trong khi hoa lại có tác dụng hấp thụ khí độc, nên người ta thường trồng giữa sân nhà hay trước mái hiên để trừ tà khí, chướng khí, từ đó trong nhà ít xảy ra lục đục, cãi cọ.
Lựu hạnh được trồng trong chậu làm cây bonsai, cây cảnh đẹp trang trí văn phòng, trang trí không gian nhà… Đặc biệt, cây lựu hạnh mang ý nghĩa phong thủy rất lớn, là điềm báo của sự giàu có. Nếu trồng cây trong chậu hay trồng trong bồn trước cửa nhà sẽ đón được nhiều may mắn, tài lộc vào nhà, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống…
Ngoài tác dụng dùng để làm cảnh, làm vật phong thủy đón may mắn, tài lộc thì cây lựu hạnh còn có tác dụng như một loại thảo dược cổ truyền của đông y.
Ivan A. Ross đã công bố trong tác phẩm Medicinal Plants of the World, xuất bản ở New Jersey năm1999 việc sử dụng cây lựu trong nền y học truyền thống của hơn 20 nước khác nhau từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á. Qua đó cho thấy các bộ phận của cây từ rễ, thân, lá, hoa đến quả đều được dùng làm thuốc và các chứng bệnh thường được điều trị bằng các bộ phận của cây lựu bao gồm tiêu chảy, kiết lị, bỏng, viêm đường hô hấp, viêm nhiễm đường tiết niệu, tẩy giun sán kể cả sán dây, bệnh giang mai, các bệnh phụ khoa, điều hòa kinh nguyệt…
Subscribe to posts