Cây nhân trần và bài thuốc điều trị viêm gan từ cây nhân trần

Cây Nhân trần có tên khoa học là Adenosma indianum (Lour.) Merr. Tên khác: bồ chè, chè đồng, chè nội, chè cát, nhân trần cao…

Nhân trần là loại cây cỏ, sống 1 năm, cao 20 – 60 cm. Cành non có lông sau nhẵn. Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình mác, mép khía răng, có lông. Hoa nhỏ màu tím, mọc tụ tập thành hình đầu ở ngọn. Quả nang nhiều hạt nhỏ. Toàn cây có tinh dầu thơm.

Cây nhân trần
Cây nhân trần. (Ảnh Internet)

Mùa hoa quả: tháng 4 đến tháng 7. Phân bố: cây mọc hoang ở ven đồi, bờ ruộng ở miền núi. Bộ phận dùng: toàn cây trừ rễ. Thu hái vào mùa hạ, khi cây đang có hoa rửa sạch, phơi trong râm đến khô.
Thành phần hóa học: saponin triterpen, acid nhân thơm, coumarin, flavonoid, tinh dầu 0,7-1% màu vàng nhạt gồm L-fenchon 33,5%; fenchon, piperitenon oxyd và sesquiterpen oxyd.
Công dụng: vị đắng, tính hàn, vào kinh bang quang. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thoái hoàng (YHHĐ: tác dụng kháng khuẩn, lợi mật, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa). Dùng chữa viêm gan virus, các chứng vàng da, tiểu tiện ít, vàng đục, sốt, nhức mắt, chóng mặt, phụ nữ kém ăn sau khi đẻ.
Liều dùng: mỗi ngày dùng 18 – 24g, có thể dùng tới 50g.

Bài thuốc: Nhân trần cao thang
Thành phần:
– Nhân trần cao: 18 – 24g
– Chi tử: 8 – 16g
– Đại hoàng: 4 – 8g
Cách dùng:
Tất cả làm thang sắc uống chia 3 lần/ngày. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải độc. Chủ trị: chứng hoàng đảm thấp nhiệt thường có biểu hiện phát sốt, vàng da, vàng mắt (sắc vàng sang – dương hoàng), nước tiểu vàng, đau hạ sườn phải.
Nguyên nhân chính gây viêm gan virus cấp tính là do thấp nhiệt uất lại ở can đởm. Nhiệt tà kết hợp với thấp tà trở ngại bên trong bức bách đến mật làm dịch mật điều tiết thất thường, tràn da bì phu khiến da có màu vàng, tràn vào tam tiêu làm nước tiểu vàng sậm. Nhiệt nhiều có thể phát sốt. Đau hạ sườn phải là biểu hiện của khí huyết bị ứ trệ ở can đởm. Bệnh thuộc thực thuộc nhiệt chứng, nguyên tắc điều trị là thanh nhiệt lợi thấp giải độc ở can đởm.
Bài thuốc sử dụng nhân trần vị đắng, hơi lạnh có tác dụng thanh can đởm uất nhiệt, lợi mật, lợi thấp thái hoàng (giảm vàng da) chuyên điều tri chứng hoàng đảm, liều dùng cao nhất là chủ dược dùng để hạ sốt (thanh nhiệt), lợi tiểu, giảm vàng da (lợi thấp thái hoàng). Mật do đởm tiết ra dưới sự điều tiết của can. Uất nhiệt ở can đởm được giả thì dịch mật được điều tiết điều độ không bị tràn ra ngoài khiến chứng hoàng đảm do vậy mà lui. Vì vậy, chứng hoàng đảm do bất kỳ nguyên nhân nào đều có thể dùng nhân trần như một chủ dược để điều trị, cổ nhân gọi là “trị hoàng chủ dược”. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng điều trị.
Chi tử (hạt dành dành) vị đắng tính lạnh, vào kinh can đởm, có tác dụng thanh nhiệt ở can đởm. Đồng thời có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt ở tam tiêu nên dùng trong bệnh này rất phù hợp. Dùng để hạ sốt (thanh nhiệt) và lợi thấp. Phối hợp với nhân trần làm tăng tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt), lợi thấp tiêu hoàng (giảm vàng da) của nhân trần nên giữ vai trò vị thần trong bài. Các y gia thời xưa đã dạy muốn điều trị chứng hoàng đảm thì phải lợi niệu để đẩy ra ngoài. Nhân trần phối với chi tử có tác dụng lợi niệu, đẩy thấp nhiệt ra ngoài bằng đường tiểu tiện là vận dụng ý này. Đắng miệng là biểu hiện nhiệt ở can đởm, chi tử thanh nhiệt ở can đởm nên điều trị được chứng đắng miệng, vì vậy nếu bệnh nhân đắng miệng nhiều thì tăng liều của vị này.

Đại hoàng: tính lạnh, vừa có tác dụng công hạ lại có tác dụng tả uất nhiệt. Khi kết hợp với chi tử thì làm tăng tác dụng lợi mật, lại vừa hạ sốt, lợi thấp và giải độc. Khi phối hợp với nhân trần thì đẩy thấp nhiệt ra ngoài bằng đường đại tiện. Nếu táo bón thì cho vào sắc sau để tăng tác dụng công hạ, nếu sắc cùng thì tác dụng thanh uất nhiệt sẽ tốt hơn.
Ba vị thuốc trong bài đều có tính lạnh có tác dụng tả nhiệt, khi phối hợp với nhau làm tăng tác dụng thanh lợi nhiệt thấp, giải độc qua đường tiểu tiện và đại tiện (qua bàng quang và đại tràng) tạo thành bài thuốc điển hình để điều trị chứng hoàng đảm. Nhiệt được thanh, thấp được lợi và độc được giải thì bệnh sẽ khỏi. Bài này dùng tốt nhất trong chứng dương hoàng thể thấp nhiệt, tương dương  với viêm gan cấp tính thể có vàng da. Trường hợp viêm gan cấp tính thể không có vàng da và viêm gan mạn tính giai đoạn đầu (âm hoàng thể can nhiệt tỳ thấp) có thể áp dụng điều trị cũng đạt hiệu quả cao.

Gia giảm: nếu vàng da nhiều bội nhân trần (có thể dùng tới 50g). Nếu nhiệt nhiều hơn thấp (sốt cao, đau đầu) gia các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt như long đờm, hoàng cầm, hoạt thạch, lô căn, hoàng bá… Nếu thấp nhiều hơn nhiệt thì gia thêm các vị trừ thấp, lợi tiểu như trạch tả, bạch linh, trư linh để thẩm thấp, bạch thuật để kiện tì. Trong bụng buồn đầy gia hậu phác, chỉ thực để hành khí, giáng khí. Nếu mạng sườn đau tức nhiều gia uất kim, chỉ xác.
Cần lưu ý đây là bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt rất mạnh, là bài thuốc tả nên chỉ dung trong chứng thực nhiệt (viêm gan virus thể thấp nhiệt). Trường hợp có cả hư chứng và hàn chứng (viêm gan virus mạn tính) thì không nên dùng hoặc phải gia giảm cho phù hợp.

Bài thuốc: Nhân trần ngũ linh tán
Thành phần:
– Nhân trần: 18-24g
– Bạch truật: 12-18g
– Trư linh: 12-18g
– Trạch tả: 16-20g
– Phục linh: 12-18g
– Quế chi: 4-8g
Cách dùng
Tất cả làm thang sắc uống chia 3 lần/ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, hóa khí lợi thủy, kiện tỳ trừ thấp. Chủ trị: hoàng đảm có tỳ hư, thấp nhiều hơn nhiệt. biểu hiện vàng da, vàng mắt (thường sắc vàng xạm – âm hoàng), tiểu vàng ít, người mệt nặng nề, chán ăn, đầy bụng đại tiện thường nát.
Trong viêm gan cấp tính vị trí bị bệnh là ở can đởm. Nếu lâu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính, can quá thực sẽ khắc tạng tì làm ảnh hưởng đến chức năng của tạng này hoặc bản thân tạng tì đã bị tổn thương sẵn hoặc sau khi ốm tì dương bị tổn thương gặp phải thấp nhiệt tà độc mà gây nên chứng bệnh viêm gan mạn tính. Ở thể này mới chỉ có tì hư kèm theo. Tì có chức năng vận hóa thủy cốc. Tì hư thủy cốc không vận hóa được làm thấp đình ngưng ở cơ phu gây các chứng mệt mỏi, nặng nề, ngưng ở trung tiêu gây ăn kém, chán ăn, đầy bụng. Thấp ngưng ở đại trường làm bệnh nhân đại tiện phân nát. Thấp không khí hóa xuống bàng quang được đồng thời lại bị nhiệt đốt gây tiểu tiện ít. Nhưng thế bệnh không cấp như trong dương hoàng mà sắc vàng xạm, bệnh thuộc hư thuộc hàn gọi là âm hoàng. Viêm gan mạn tính thể có tì hư thường áp dụng bài Nhân trần ngũ linh tán để điều trị. Bài thuốc là sự kết hợp giữa vị nhân trần – vị hoàng chủ dược với bài Ngũ linh tán có tác dụng lợi thủy thẩm thấp. Trong đó nhân trần được dùng để thanh nhiệt trừ thấp, thoái hoàng vì nguyên nhân ban đầu của bệnh là thấp nhiệt uất kết tại can đởm chưa giải được. Dùng nhân tràn để tả uất nhiệt là chữa vào nguyên nhân của bệnh.

Bài Ngũ linh tán có tác dụng chung là hóa khí lợi thủy, kiện tì trừ thấp. Trong bài, trư linh, bạch linh, trạch tả tính vị ngọt, nhạt hơi hàn có tác dụng thẩm thấp lợi tiểu là chủ dược. Quế chi cay ấm giúp cho bàng quang khí hóa để lợi tiểu lại làm giảm bớt tính hơi hàn của ba vị trên, hỗ trợ tăng tác dụng hóa khí lợi tiểu của vị chủ dược, làm thần dược. Thủy thấp được đẩy ra ngoài bằng con đường tiểu tiện không uất kết tại can đởm khiến cho dịch mật không bị bạch truật đắng ấm có tác dụng kiện tì táo thấp, tì được mạnh thì chức năng vận hóa thủy thấp được phát huy khiến cho thấp được hóa giải là tá và sứ dược.
Đây là bài thuốc điển hình để chữa chứng âm hoàng thể tì hư thấp nhiều hơn nhiệt. Tương đương với viêm gan mạn tính nhẹ có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa là chính.

Gia giảm: nếu tì hư nhiều thì bội bạch truật để kiện tì. Nếu có biểu hiện can khí uất kết nhiều thì kết hợp với bài Tiêu dao tán hoặc Sài hồ sơ can thang gia giảm để sơ can kiện tì. Nếu đau vùng gan nhiều thì gia thêm khổ luyện tử, uất kim, diên hồ sách để hành khí hoạt huyết. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm một số vị thuốc khác cũng có tác dụng điều trị chứng hoàng đảm rất tốt như hạ khô thảo, sa tiền tử, kim tiền thảo

Thái Hoàng Oanh

Viện Đông y

(TTVN số 1)

Rate this post

Viết một bình luận