Châm cứu có tác dụng gì và câu trả lời từ bác sĩ y học cổ truyền – YouMed

Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Châm cứu được tiếp cận dựa trên y học cổ đại Trung Quốc để điều trị bệnh bằng cách dùng kim châm vào các điểm cụ thể trên da. Các điểm này chính là huyệt theo YHCT. Châm cứu được ứng dụng trong điều trị bệnh từ rất lâu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến đau. Hãy cùng YouMed tìm hiểu châm cứu có tác dụng gì trong điều trị bệnh và những rủi ro có thể gặp phải khi châm.

Châm cứu là gì?

Châm cứu là tên gọi của hai hình thức tác động khác nhau. Tuy nhiên, cả hai củng kích thích vào huyệt nhằm mục đích phòng và điều trị bệnh. Do đó, châm và cứu thường hay đi chung với nhau.

  • Châm: dùng kim châm xuyên qua da của vùng cơ thể, gọi là huyệt.
  • Cứu: dùng lá khô của cây Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.) đốt nhằm hơ nóng trên huyệt.

Huyệt theo y học cổ truyền là nơi tập trung cơ năng hoạt động của tạng phủ, kinh lạc…Huyệt nằm ở một vị trí cố định nào đó trên cơ thể. Huyệt cũng là cửa ngõ xâm nhập của nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài. Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu thì tác nhân bên ngoài dễ xâm nhập các cửa ngõ này để gây bệnh. Việc kích thích huyệt bằng châm hay cứu nhằm tạo phản ứng để đạt được kết quả điều trị mong muốn. Như vậy, huyệt không những có quan hệ chặt với hoạt động sinh lý và biểu hiện bệnh lý. Chúng còn giúp cho việc chẩn đoán và phòng chữa bệnh một cách tích cực, hiệu quả.

châm cứu là sự kết hợp của 2 phương pháp Đông Y khác nhau gồm châm và cứu.
châm cứu là sự kết hợp của 2 phương pháp Đông Y khác nhau gồm châm và cứu.

Châm cứu có tác dụng gì?

Tác dụng của châm cứu theo lý luận của y học cổ truyền

Một cơ thể khỏe mạnh thể hiện sự hài hòa của âm-dương. Bệnh tật phát sinh do sự mất cân bằng giữa “âm” và “dương” trong cơ thể. Nguyên nhân có thể do bên ngoài (tà khí) quá mạnh, hoặc từ bên trong cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Một trong hai yếu tố này trội hơn sẽ làm cơ thể mất đi sự hài hòa vốn có. Từ đó, gốc rễ của bệnh tật sẽ phát sinh. Theo đó:

  • Âm: nền tảng vật chất, thụ động, hướng vào trong, tính mát – lạnh…
  • Dương: khả năng hoạt động, chủ động, hướng ra ngoài, tính ấm – nóng…

Khi âm và dương mất cân bằng, cơ thể sẽ giảm khả năng chống đỡ bệnh tật. Kinh – mạch (hệ thống các đường dẫn năng lượng, dinh dưỡng, dịch thể) bị tắc nghẽn và bệnh sẽ phát sinh.

Nếu do nguyên nhân từ ngoài xâm nhập sẽ gây tắc sự vận hành của khí huyết. Châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu là nguyên nhân bên trong: chính khí hư, khí huyết không đủ. Châm cứu sẽ làm tăng khí huyết để đạt mục đích điều trị (gọi là bổ chính). Như vậy, phương pháp này giúp phục hồi lại sự tuần hoàn của hệ kinh – mạch, tăng khả năng phòng vệ (sức đề kháng) nên giúp phòng và trị bệnh.

Âm dương
Âm dương

Tác dụng của châm cứu theo y học hiện đại

Các công trình nghiên cứu cho thấy:

Khi đo điện trở da trên huyệt và đường kinh, thấy điện trở thấp hơn vùng da không phải là huyệt và đường kinh. Nhờ vào tính chất này giúp chẩn đoán bệnh và lựa chọn thủ thuật điều trị.

Châm cứu làm cơ thể thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như: morphine nội sinh, cũng như các nội tiết tố: estrogen, testosterone, cortisol… tăng các tế bào bạch cầu đa nhân, tế bào lympho, các endorphin… Từ đó, châm cứu có tác dụng điều chỉnh các rối loạn trong cơ thể.

Châm cứu có tác dụng giúp an thần, giãn cơ, tăng ngưỡng đau, phục hồi các cơ yếu liệt.

Điều trị bằng châm cứu là nhằm điều hòa cân bằng âm dương. Cụ thể: khi chính khí hư thì phải bổ, tà khí thực thì tả, bệnh nhiệt thì châm, bệnh hàn thì cứu. Phương pháp này còn giúp điều hòa hoạt động bình thường của hệ kinh lạc.

Tác dụng của châm cứu trong điều trị bệnh lý

Hiệu quả giảm đau của châm cứu đã được xác lập qua các nghiên cứu lâm sàng. Chúng được chứng minh giúp giảm đau lưng – cổ, đau sau phẫu thuật và nhiều cơn đau khác. Tuy nhiên tác dụng của châm cứu còn thể hiện ở nhiều bệnh lý khác. Châm cứu có tác dụng giảm đau tốt hơn so với giả dược trong hầu hất các loại đau. Tỷ lệ giảm đau mạn tính bằng châm cứu chiếm 55-85% trường hợp. Do tác dụng phụ và ít nguy cơ lệ thuộc thuốc giảm đau, châm cứu được lựa chọn để điều trị đau mạn tính. Hiện nay, có rất nhiều hình thức khác như: điện châm, thủy châm, nhu châm (cấy chỉ)… Điều trị bằng châm cứu có thể áp dụng cho 3 nhóm bệnh lý chính: đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể. Cụ thể như sau:

Đối với đau:

  • Đau do thần kinh:
  • Đau thần kinh tọa.
  • Đau sau zona.
  • Đau cơ xương khớp:
  • Giãn dây chằng.
  • Thoái hóa khớp gối.
  • Đau do thoái hóa- thoát vị cột sống cổ, cột sống lưng.

    Đau
    Đau

Liệt:

  • Liệt nửa người sau đột quỵ.
  • Liệt các dây thần kinh III, IV, V, VI, VII, liệt dây thanh…

Rối loạn chức năng cơ thể:

  • Cảm cúm.
  • Mất ngủ
  • Viêm xoang.

Các bệnh về dạ dày, ruột.

Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng khi hành kinh, di mộng tinh, tiểu dầm, bí tiểu.

An toàn khi châm cứu

Châm cứu được xem là một phương pháp điều trị an toàn, ít tác dụng phụ. Đặc biết, nếu được thực hiện bởi y bác sĩ có chuyên môn.

Những rủi ro có thể gặp phải khi châm cứu

Ngoài tìm hiểu châm cứu có tác dụng gì, chúng ta cũng cần điểm qua những tác dụng phụ sau. Một số tác dụng phụ của châm cứu bao gồm phản ứng toàn thân như:

  • Mệt mỏi.
  • Buồn ngủ.
  • Ngứa ở vùng châm.
  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Đau đầu, đau ngực.
  • Choáng do châm. Nhẹ có thể gặp: mặt nhợt, vã mồ hôi, bồn chồn, buồn nôn…Nặng: ngất, tay chân lạnh.

Phản ứng tại chỗ:

  • Kim rút chặt không rút ra được.
  • Gãy kim.
  • Chảy máu khi rút kim.
  • Đau ở vùng châm trong hoặc sau khi rút kim.
  • Xuất huyết dạng chấm hoặc vết bầm máu, tụ máu dưới da.

Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng trên đều được dung nạp tốt bởi người bệnh. Hơn nữa, các tác dụng phụ nghiêm trọng của châm cứu là rất hiếm gặp như:

  • Viêm gan hoặc HIV.
  • Tràn khí màng phổi, tim và màng ngoài tim.

Tất cả đều có thể tránh được nếu châm cứu được thực hiện bởi các chuyên gia được đào tạo tốt. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa chung vẫn cần thiết để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra.

Chân cứu có tác dụng gì? Phuong pháp này có tác dụng trong điều trị nhiều bệnh đau cấp và mạn đã được chứng minh. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý thực hiện kĩ thuật này. Vì có thể gặp phải những rủi ro trong quá trình thực hiện. Để việc chữa trị đạt kết quả tốt, bạn nên tìm đến các bác sĩ châm cứu giàu kinh nghiệm và tại cơ sở uy tín nhé.

Rate this post

Viết một bình luận