Châm cứu là gì và có tác dụng thế nào?

Châm cứu là một hình thức điều trị bằng hình thức đâm những cây kim qua da tại các điểm cụ thể trên cơ thể, và ở các độ sâu khác nhau. Cách thức hoạt động của châm cứu về mặt khoa học vẫn chưa được rõ ràng. Châm cứu vẫn đang còn gây tranh cãi giữa các bác sĩ và nhà khoa học Tây y. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn châm cứu là gì và có tác dụng thế nào đối với sức khỏe người bệnh.

1. Châm cứu là gì?

Châm cứu là phương pháp đã có từ lâu đời, trong đó người thực hiện châm cứu dùng những chiếc kim bằng kim loại mỏng, rắn, xuyên qua da, sau đó được kích hoạt thông qua các chuyển động nhẹ nhàng và cụ thể của bàn tay người thực hiện hoặc bằng kích thích điện. Y Học Cổ Truyền phương Đông cho rằng nó hoạt động bằng cách cân bằng năng lượng quan trọng, trong khi những người khác lại tin rằng nó có tác dụng thần kinh.

Châm cứu là một phần của phương pháp thực hành cổ xưa của Y Học Cổ Truyền Trung Quốc. Các nhà học cổ truyền Trung Quốc tin rằng cơ thể con người có hơn 2.000 huyệt đạo được kết nối với nhau bằng các con đường hay còn gọi là kinh mạch. Những con đường này tạo ra một dòng năng lượng (gọi Qi, phát âm là “chee”) qua cơ thể chịu trách nhiệm về sức khỏe tổng thể. Sự gián đoạn của dòng năng lượng có thể gây ra bệnh tật. Bằng cách áp dụng châm cứu vào một số điểm nhất định, các thầy thuốc Y Học Cổ Truyền Trung Quốc cho rằng sẽ cải thiện dòng chảy của Khí, do đó cải thiện sức khỏe. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng châm cứu có hiệu quả đối với nhiều tình trạng khác nhau. Tuy nhiên, châm cứu không phải là phương pháp dành cho tất cả mọi người. Nếu muốn áp dụng phương pháp này, việc đầu tiên là cần phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ liệu phương pháp này có phù hợp với mình hay không, tiếp đó là cần tìm kiếm một chuyên gia châm cứu trị liệu có tay nghề và được cấp phép hoạt động.

Châm cứu được thực hiện bằng cách sử dụng những cây kim mỏng như tóc để đưa vào các huyệt đạo trên cơ thể. Hầu hết, mọi người cho biết rằng họ đều cảm thấy đau nhẹ khi kim được đâm vào. Kim được đưa vào một điểm tạo ra cảm giác áp lực và đau nhức. Kim có thể được làm nóng trong quá trình điều trị hoặc có thể dùng dòng điện nhẹ để kích thích. Một số người cho biết châm cứu làm cho họ cảm thấy tràn đầy sinh lực. Những người khác nói rằng họ cảm thấy thư giãn.

Việc đặt kim không đúng cách có thể gây đau trong quá trình điều trị. Kim tiêm phải được khử trùng để tránh nhiễm khuẩn huyết. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tìm cách điều trị từ một bác sĩ châm cứu có trình độ. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ quy định kim châm cứu cũng giống như các thiết bị y tế khác cần đảm bảo quy trình thực hành sản xuất tốt và tiêu chuẩn vô trùng chỉ sử dụng một lần.

Thay vì dùng kim kim tiêm, các hình thức kích thích khác đôi khi được sử dụng trên các huyệt đạo, bao gồm:

  • Nhiệt (đun nóng)
  • Ấn (bấm huyệt)
  • Ma sát
  • Hút (giác hơi)
  • Xung năng lượng điện từ

Châm cứu học

2. Châm cứu có tác dụng gì ?

Các điểm châm cứu được cho là có tác dụng trong việc kích thích hệ thần kinh trung ương. Điều này sẽ giải phóng các chất hóa học vào cơ, tủy sống và não. Những thay đổi sinh hóa này có thể kích thích khả năng chữa bệnh tự nhiên của cơ thể và thúc đẩy sức khỏe thể chất và cảm xúc. Các nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã chỉ ra rằng châm cứu là một phương pháp điều trị hiệu quả có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các liệu pháp thông thường để điều trị những bệnh sau:

  • Buồn nôn là do gây mê phẫu thuật và hóa trị ung thư
  • Đau răng sau phẫu thuật
  • Nghiện ma túy hoặc những chất kích thích khác
  • Đau đầu
  • Đau bụng kinh
  • Chấn thương khủy tay
  • Đau cơ xơ hóa
  • Đau thần kinh
  • Viêm xương khớp
  • Đau lưng dưới
  • Hội chứng ống cổ tay
  • Bệnh hen suyễn
  • Châm cứu cũng có thể giúp phục hồi chức năng của người bệnh sau đột quỵ não cấp.

Y Học Cổ Truyền Trung Quốc giải thích rằng sức khỏe là kết quả của sự cân bằng hài hòa giữa hai thái cực bổ sung “âm” và “dương” của sinh lực và được gọi là “khí”, phát âm là “chi”. Bệnh tật được cho là hậu quả của sự mất cân bằng của 2 yếu tố âm dương này. Khí được cho là dòng chảy qua các kinh mạch, hay các con đường, trong cơ thể con người. Những kinh mạch và dòng năng lượng này có thể được tác động thông qua 350 huyệt đạo trên cơ thể. Chèn kim vào những huyệt đạo này với sự kết hợp thích hợp được cho là sẽ đưa dòng năng lượng trở lại trạng thái cân bằng để mang lại sức khỏe cho người sử dụng. Không hề có bằng chứng khoa học nào cho thấy các kinh lạc hoặc huyệt đạo tồn tại và thật khó để chứng minh rằng chúng có hoặc không, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng châm cứu có tác dụng đối với một số tình trạng.

Một số chuyên gia đã sử dụng về khoa học thần kinh để giải thích châm cứu. Huyệt được xem là nơi có thể kích thích được các dây thần kinh, cơ và mô liên kết. Sự kích thích làm tăng lưu lượng máu và đồng thời kích hoạt hoạt động của thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể. Rất khó để thực hiện các nghiên cứu bằng cách áp dụng các biện pháp khoa học thích hợp, vì tính chất xâm lấn của châm cứu. Trong một nghiên cứu lâm sàng, một nhóm đối chứng sẽ phải trải qua phương pháp điều trị giả, hoặc giả dược, để có được kết quả so sánh với kết quả của châm cứu chính hãng. Một số nghiên cứu đã kết luận rằng việc châm cứu sẽ mang lại những lợi ích tương tự cho bệnh nhân như giả dược, nhưng những nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng là có một số lợi ích thực sự.

Châm cứu học

Nghiên cứu được thực hiện ở Đức cũng đã chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp giảm đau đầu do căng thẳng và chứng đau nửa đầu của bạn. Trung tâm Y học tổng hợp Hoa Kỳ lưu ý rằng châm cứu đã được chứng minh là hữu ích trong các trường hợp:

  • Đau lưng dưới
  • Đau cổ
  • Viêm xương khớp
  • Đau đầu gối
  • Nhức đầu và đau nửa đầu

Họ liệt kê các rối loạn bổ sung có thể được hưởng lợi từ việc châm cứu, nhưng cần phải được xác nhận thêm về mặt khoa học.

Năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê một số tình trạng về sức khỏe mà họ nói rằng châm cứu đã được chứng minh là có hiệu quả bao gồm:

  • Tình trạng huyết áp cao và thấp
  • Buồn nôn và nôn do hóa trị liệu
  • Một số tình trạng bệnh lý dạ dày, bao gồm cả loét dạ dày tá tràng
  • Đau mạn tính
  • Bệnh kiết lỵ
  • Viêm mũi dị ứng
  • Đau mặt
  • Ốm nghén
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bong gân
  • Chấn thương khủy tay
  • Đau thần kinh toạ
  • Đau răng
  • Giảm nguy cơ đột quỵ

Các vấn đề sức khỏe khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng châm cứu có thể hữu ích nhưng cần có thêm bằng chứng bao gồm:

  • Đau cơ xơ hóa
  • Đau dây thần kinh
  • Nghỉ dưỡng sức sau phẫu thuật
  • Chất gây nghiện, thuốc lá và nghiện rượu
  • Đau cột sống
  • Cổ cứng
  • Sa sút trí tuệ mạch máu
  • Ho gà,
  • Hội chứng tourette

Tổ chức Y tế Thế giới cũng gợi ý rằng châm cứu có thể giúp điều trị một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm một số bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và sốt xuất huyết có dịch. Tuy nhiên, họ cũng đã chỉ ra rằng “chỉ có các cơ quan y tế quốc gia mới có thể xác định được các bệnh, triệu chứng và điều kiện để có thể khuyến nghị điều trị bằng châm cứu”.

3. Những lưu ý khi lựa chọn phương pháp châm cứu

Khám với bác sĩ trước khi châm cứu học

Do các nghiên cứu khoa học chưa được giải thích đầy đủ cách thức hoạt động của châm cứu trong khuôn khổ của y học phương Tây, nên châm cứu vẫn còn là một nguồn gây tranh cãi. Điều quan trọng là phải đề phòng khi quyết định thực hiện phương pháp châm cứu.

  • Thảo luận về châm cứu trước với các bác sĩ. Châm cứu thì không dành cho tất cả mọi người. Thảo luận về tất cả các phương pháp điều trị và thuốc (thực phẩm chức năng, thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn) mà mình đang dùng. Nếu có máy tạo nhịp tim, có nguy cơ bị nhiễm trùng, mắc các bệnh mạn tính về da, đang mang thai hoặc cấy ghép vú hoặc các thiết bị cấy ghép khác, hãy trao đổi với các bác sĩ trước. Châm cứu có thể gây rủi ro cho sức khỏe nếu chúng ta không đề cập đến những vấn đề này.
  • Không được dựa vào chẩn đoán bệnh của người hành nghề châm cứu. Chỉ nhận chẩn đoán từ các bác sĩ chuyên khoa. Nếu mong muốn áp dụng châm cứu, bạn có thể hỏi bác sĩ xem liệu châm cứu có thể giúp ích gì không.
  • Lựa chọn một bác sĩ châm cứu được cấp phép. Những bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh cho bạn có thể là người đáng tin cậy nhất để giới thiệu bạn đến một bác sĩ châm cứu được cấp phép hoặc chứng nhận. Bạn bè và thành viên gia đình cũng có thể là nguồn giới thiệu đáng tin tưởng. Bạn không cần phải là một bác sĩ để thực hành châm cứu hoặc trở thành một chuyên gia châm cứu được chứng nhận. Khoảng 30 tiểu bang ở Mỹ đã thiết lập các tiêu chuẩn đào tạo để cấp chứng chỉ về châm cứu, mặc dù không phải tất cả các tiểu bang đều yêu cầu về người châm cứu phải có giấy phép hành nghề. Không phải tất cả những chuyên gia châm cứu được chứng nhận đều là bác sĩ, Học viện Châm cứu Y tế Hoa Kỳ có thể cung cấp danh sách giới thiệu các bác sĩ thực hành châm cứu.
  • Xem xét chi phí và phạm vi bảo hiểm. Trước khi bạn bắt đầu điều trị, hãy hỏi bác sĩ châm cứu về số lần điều trị cần thiết và chi phí của các phương pháp điều trị.

Những lợi ích của châm cứu đôi khi rất khó đo lường, nhưng nhiều người thấy nó hữu ích như một phương tiện để kiểm soát một loạt các tình trạng đau đớn, đặc biệt là đau mạn tính. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại châm cứu mô phỏng dường như hoạt động tốt như châm cứu thực sự. Cũng có bằng chứng cho thấy châm cứu hoạt động tốt nhất ở những người mong đợi nó có hiệu quả. Châm cứu có ít tác dụng phụ, vì vậy có thể đáng thử nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn đau bằng các phương pháp thông thường hơn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, medicalnewstoday.com, hopkinsmedicine.com

Rate this post

Viết một bình luận