CHĂM SÓC CÁ RỒNG TRONG MÙA HÈ

Mùa hè có những ngày nền nhiệt độ luôn ở mức 35-36oC, đồng nghĩa với việc nhiệt độ trong bể cá cũng tăng lên ~31-33oC, thế nhưng ban đêm nền nhiệt lại xuống 30-31oC, đương nhiên nhiệt độ nước bể cũng hạ xuống ~27-29oC. Mức chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm lên tới ~4-5 đơn vị khiến cho cá không thể thích nghi và kháng thể sụt giảm trầm trọng. Vì thế nên không ít anh em đăng bài lên các Hội than phiền cá nằm đáy, cá xù vảy, cá xoăn mang, cá bỏ ăn…
Theo các nghiên cứu về các loại cá nước ngọt vùng nhiệt đới (trong đó có cá rồng) thì lượng kháng thể của cơ thể cá sẽ phát triển mạnh ở nền nhiệt (ổn định) ở mức ~28oC, khi nhiệt độ trong nước tăng hay giảm nhiều so với mốc nhiệt độ này thì số lượng kháng thể trong cơ thể cá sẽ suy giảm theo.
Tầm ảnh hưởng của nhiệt độ rất quan trọng đối với cá rồng, tất cả các chất xúc tác (enzymes) trong cơ thể cá phục vụ cho quá trình chuyển hoá, phân huỷ các thành phần hữu cơ cũng như trong việc tạo lập các mô tế bào của cơ thể cá. Các hệ thống cơ quan trong cơ thể cá hoạt động phần lớn phụ thuộc vào môi trường nước có nhiệt độ thích hợp. Khi nhiệt độ tăng hoặc giảm quá mức, các chất xúc tác cần thiết sẽ ngưng hoạt động, khiến cho kháng thể sụt giảm, lúc này cá rất dễ mắc các chứng bệnh như tuột nhớt, nhiễm trùng, nổi ghẻ, nấm…
Nếu nước bể không ổn định thì các chất xúc tác sẽ bị biến tính và không thể hoạt động hữu hiệu được. Quan trọng hơn hết là cơ quan có chức năng điều tiết nồng độ của các khoáng chất và các điện phân trong cơ thể là thận sẽ bị suy giảm chức năng, khi đó nước sẽ xâm nhập vào cơ thể cá nhanh hơn lượng nước mà cơ thể cá thải ra ngoài, nước xâm nhập vào các mô tế bào, tạo nên tình trạng phù nề, rồi áp xuất của phần dung dịch dư thừa sẽ bị đẩy ngược ra thành của các tế bào tạo nên hiện tượng xù vẩy.
Ngoài ra, khi nước có nhiệt độ cao thì hàm lượng oxi hoà tan trong nước sẽ giảm, nhất là những bể có nuôi thêm nhiều loại cá phụ kiện thì lượng oxi hoà tan lại càng thiếu trầm trọng hơn, khi vấn đề oxi không được cải thiện thì cá sẽ hô hấp khó khăn hơn và hệ quả là mang cá sẽ bị xoắn, vênh ngược ra ngoài. Nguy hiểm hơn là khi nước có nhiệt độ cao mà độ pH cũng cao thì lượng độc tố ammnia trong nước sẽ chuyển hoá từ NH4+ (ammonium) thành NH3- (chất độc hại) khiến cá bị nhiễm độc, bỏ ăn và chết.
Để cải thiện vấn đề, trước tiên chúng ta phải tìm cách hạ nhiệt cho nước vào ban ngày, làm sao để nhiệt độ giữa ngày và đêm không chênh lệch quá 2 đơn vị. Có nhiều cách để chúng ta hạ nhiệt cho nước nhưng cách đơn giản nhất vẫn là trang bị quạt tản nhiệt, loại quạt này có thể giảm từ 3-5oC cho bể. Ngoài ra, những bể được đặt cạnh cửa sổ hoặc những nơi có ánh nắng nên hạn chế tối đa để nắng chiếu trực tiếp vào.
Mẹo để hạ nhiệt tạm thời cho nước bể vào trưa nắng là dùng những chai coca loại 1.5 lít bơm đầy nước và cho vào ngăn đông tủ lạnh cho đông đá, sau đó thả nguyên chai vào trong ngăn lọc ngâm, khi chai nước đã tan đá thì lại thay chai khác.
Với những bể thấy cá có biểu hiện bơi lờ đờ, miệng ngáp liên tục, nắp mang đóng mở thất thường thì phải tìm cách tăng cường sủi oxi mạnh. Luôn đo pH nước và kiểm soát pH ổn định ở thông số 6.0-7.5.
Với những ai đang có ý định phơi nắng cho cá bằng bể đặt ngoài mái hiên hoặc ban-công thì ngưng ngay ý tưởng đó lại, ít nhất là cho đến giữa mùa mưa, khí hậu đã giảm nhiệt.
Với những thùng pom dùng 2 bóng đèn T8 nên giảm 1 bóng trong khoảng thời gian từ 8h-18h. Và những hồ tanning huyết bằng đèn T5ho cũng giảm số lượng bóng hoặc chuyển qua led để giảm nhiệt độ tăng cao vào ban ngày.

(Nguồn: Hồ Xấu – Cá Bèo)

Rate this post

Viết một bình luận