Chế biến, xuất khẩu cá tra: Thiếu vốn, “đói” nguyên liệu

(HNM) – Trong nhiều năm qua, cá tra chiếm vị trí quan trọng, trở thành “con cá vàng” đóng góp lớn làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2013, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn như nguồn nguyên liệu thiếu; người nuôi và doanh nghiệp (DN) đều thiếu vốn để duy trì sản xuất, giá xuất khẩu giảm… Vì vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2013 chỉ đạt 1,5 tỷ USD, thấp hơn so với 1,74 tỷ USD của năm 2012.
 

Việc chế biến và xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn và nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Minh Hải

Nguyên liệu và giá xuất khẩu đều giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng qua hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra gặp nhiều trở ngại: giá cá tra vẫn tiếp tục thấp hơn giá thành, hiện dao động từ 19.000 đến 22.000 đồng/kg trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lên tới 23.000 – 24.000 đồng/kg. Điều này khiến một loạt hộ nuôi cá tra phải “treo ao” hoặc chuyển nghề nên VASEP dự báo, sản lượng cá tra năm 2013 chỉ đạt khoảng 800.000 – 900.000 tấn (giảm so năm 2012 trên 1,2 triệu tấn). Điều này cảnh báo các nhà máy chế biến cá tra sẽ gặp khủng hoảng do thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội cá nước ngọt Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, không những khó khăn về nguyên liệu mà các DN còn thiếu vốn để duy trì sản xuất bởi ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn khoảng 4 tháng, trong khi quy trình nuôi cá mất 8-9 tháng và những tháng về sau lại đòi hỏi vốn nhiều. Việc siết chặt vốn của ngân hàng hiện nay khiến cả người nuôi và DN đều thiếu vốn. Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người nuôi và DN tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp (11%/năm) nhưng rất ít hộ có điều kiện tiếp cận. Trong năm 2012, theo báo cáo của các ngân hàng, đã có 38.000 tỷ đồng dành cho người nuôi và DN chế biến thủy sản vay, nhưng thực tế số tiền đó có phục vụ hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản hay không còn chưa rõ. Trên thực tế, hiện cả người nuôi và DN đều lao đao vì thiếu vốn.

Do những khó khăn về vốn và nguyên liệu nên hoạt động xuất khẩu cá tra trong hai tháng đầu năm 2013 khó khăn. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tháng 1-2013 giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 120 triệu USD, giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm 2012. Hầu hết sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường truyền thống lớn như EU, Mỹ, ASEAN, Mexico, Brazil… đều giảm mạnh (10-20%) so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, bước sang tháng 2, do trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ chững lại, dự báo xuất khẩu cá tra quý I-2013 chỉ đạt khoảng 230 – 250 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2012. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 1,5 tỷ USD, thấp hơn so với 1,74 tỷ USD của năm 2012.

Cần đồng bộ các giải pháp

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu cá tra đề ra trong năm 2013, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, các DN cá tra cần tập trung phục hồi và củng cố thương hiệu ở các thị trường truyền thống thay vì mở rộng thị trường như trước đây. Đồng thời, DN nên liên kết với người nuôi bằng các hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định để tránh tình trạng thừa, thiếu nguồn nguyên liệu ảnh hưởng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các DN xuất khẩu cá tra đạt chứng nhận thủy sản bền vững của ASC. Đây là một tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận cho các DN nuôi và chế biến cá tra đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, là điều kiện để cá tra Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh tại các thị trường tiêu thụ chính, mở ra cánh cửa vào những thị trường mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm 2013 ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới do những khó khăn về vốn và nguồn nguyên liệu chưa được giải quyết triệt để. Thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam như EU vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nên lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm. Để đưa hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra thoát khỏi khó khăn hiện nay, cần phải tái cấu trúc lại từ nuôi đến chế biến xuất khẩu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người nuôi và DN trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng ở địa phương tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vay mới để người dân biết và tiếp cận; cho vay đúng đối tượng; nên xem xét việc cho vay trung hạn và dài hạn để người nuôi sử dụng đồng vốn hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào như con giống, chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y trong quá trình nuôi trồng để tránh tình trạng tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Đối với hoạt động xuất khẩu, tăng cường giám sát các DN đủ điều kiện xuất khẩu để giữ uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam ở thị trường các nước nhập khẩu. Các DN xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao giá trị để nâng cao hiệu quả xuất khẩu và phát triển bền vững.

Rate this post

Viết một bình luận