Điều này đồng nghĩa với chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa sẽ đa dạng hơn. Đồng thời, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng của mẹ bầu trong giai đoạn này cũng cần tăng thêm khoảng 300-350 calories/ ngày.
Ngoài những dưỡng chất đặc biệt giúp phòng ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng như giảm thiểu sự khó chịu do các triệu chứng thai kỳ, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong giai đoạn này cần tăng cường thêm nhiều dưỡng chất để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi.
Nguyên tắc bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa
Chế độ dinh dưỡng của bà bầu cần chú ý một số nguyên tắc như sau:
Bà bầu không được ăn kiêng
Bạn không bao giờ nên tìm cách để giảm cân khi đang có bầu, trừ khi bác sĩ của bạn khuyên như thế. Đừng tiếp tục thực hiện các chế độ giảm cân sau khi phát hiện ra mình đang có thai.
Mọi phụ nữ đang mang thai đều được khuyến khích tăng cân trong giai đoạn này.
- Phụ nữ bị béo phì nên tăng từ 5 tới 9 kg.
- Phụ nữ bị thừa cân nên tăng từ 7 tới 11 kg.
- Phụ nữ có cân nặng bình thường nên tăng từ 11 tới 16 kg.
- Phụ nữ bị thiếu cân nên tăng từ 13 tới 18 kg.
- Ăn kiêng trong khi đang mang thai có thể làm thai nhi bị thiếu hụt calo, vitamin và khoáng chất.
Phụ nữ mang thai không ăn thực phẩm tái sống
Thịt động vật chưa được nấu chín kỹ có thể tồn tại nhiều chủng vi khuẩn như:
- Ecoli (gây đau bụng, tiêu chảy)
- Campylobacter (gây đau dạ dày, sốt, co rút)
- Listeria (gây cảm lạnh, sốt, rối loạn tiêu hóa)
- Salmonella (sốt, tiêu chảy kéo dài)…
Những tác động trên vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến nhiễm độc thai nghén, thậm chí gây sảy thai. Một số thực phẩm cần được loại bỏ khỏi thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa có thể kể đến là:
- Thịt tái: phở bò tái, bít tết, thịt trong lẩu nhúng…
- Các món gỏi: gỏi cá, gỏi sứa,…
- Hải sản hấp nhanh: để đảm bảo độ tươi ngon cho các món hải sản, người nấu thường không hấp chín kỹ. Cách chế biến này không đảm bảo vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt hết, vì vậy cần hạn chế các món ăn này.
- Trứng sống: trứng cá hồi, trứng cá trích, cá chuồn muối, trứng luộc lòng đào, trứng ốp la, kem bánh làm từ lòng trắng trứng, cafe trứng,…
- Tiết canh.
- Sushi.
Mẹ bầu nói “không” với thức uống có cồn, chất kích thích
Theo nhiều nghiên cứu tại Mỹ, thức uống có cồn mà người mẹ sử dụng trong thời gian mang thai có liên quan đến một số dị tật về mặt hình thái cũng như khiếm khuyết vận động ở thai nhi.
Caffeine có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến nhịp tim của bé. Những tách cà phê với liều caffeine quá cao có thể gây ra rủi ro tai hại khó lường như sảy thai.
Tất nhiên những thức uống này, uống càng nhiều thì xác suất mắc dị tật càng cao, uống ít thì xác suất thấp hơn. Nếu thèm, mẹ bầu chỉ nên nhấm nháp một lượng cà phê nhỏ mỗi ngày hoặc một ly rượu vang nhỏ vào dịp đặc biệt.