Về nông thôn Nam Bộ – Hậu Giang, ta sẽ dễ nhận ra hình ảnh những mái lá ẩn hiện trong xóm ấp; bên những dòng kinh, con rạch thân thuộc tự bao đời…
Theo dòng chảy của thời gian, trước xu thế hiện đại hóa…Đây, đó những căn nhà ngói, nhà tôn xuất hiện ngày càng nhiều thêm. Tuy vậy, những mái nhà lá – căn nhà lá truyền thống, vẫn là nét văn hóa cư trú độc đáo, phổ biến khắp vùng quê sông nước.
Vì sao người Nam Bộ – Hậu Giang lại hay cất căn nhà lá để ở? Dễ hiểu, bởi nơi đây nguồn nguyên liệu tấm lợp lá dừa nước gần như vô tận. Đến nỗi, có người còn gọi dãy đất phía Tây sông Hậu đến chót mũi Cà Mau là “vương quốc dừa nước”. Và chốn ấy, từ rất lâu tên các lòai thực vật ngập mặn, đã thành “ký hiệu” thân thiết với đời sống con người.
Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Bên hàng dừa nước mái nhà ai?
Mái nhà đó, lúc đầu chỉ là những túp lều, căn chòi được che chắn bằng các tàu lá dừa nước tự nhiên. Thế rồi, theo bước chân người khẩn hoang – Bên cạnh thành quả về kinh tế, những căn nhà đã được dựng nên cao ráo, tốt đẹp hơn. Tàu lá dừa nước nguyên sơ, được chế tác ra những tấm lá xé rồi nâng lên thành loại tấm lợp hoàn chỉnh, mà dân gian quen gọi là lá chầm.
Tấm lá chầm định hình, ngày càng phổ biến được mọi nhà ưa chuộng, khiến nó trở nên loại sản phẩm có giá trị kinh tế, sản xuất ngày càng nhiều; đáp ứng nhu cầu thị trường khắp đó đây. Vậy là, nghề chầm lá lợp nhà ra đời, lan tỏa khắp Nam Bộ, và vùng sông nước Hậu Giang xưa.
Căn nhà lá
CĂN NHÀ LÁ – NÉT VĂN HÓA CƯ TRÚ ĐẶC TRƯNG PHỔ BIẾN
Ngược dòng lịch sử khẩn hoang miền Nam. Từ thế kỷ thứ XVII, khi hàng đoàn cư dân từ miền ngoài vào sinh cơ lập nghiệp trên đất Đồng Nai – Cửu Long thì nhu cầu cư trú trở nên bức thiết. Bởi ngoài việc đối phó với thú dữ, rừng thiêng, nước độc – con người rất cần một mái nhà ổn định, trú nắng, che mưa để đảm bảo sức khỏe cho lao động sản xuất. Thế nhưng, cư dân phía đất cao Đồng Nai, có thể lấy kinh nghiệm từ miền ngoài để dựng nên những căn nhà lợp bằng cỏ tranh, vách đất; nhà lợp cỏ đưng, nhà lợp bằng lá trung quân, vì các loại vật liệu này có mặt hầu hết ở đây. Còn đối với cư dân vùng ngập nước sông Tiền, sông Hậu thì chuyện làm một căn nhà hoàn chỉnh, là vô cùng khó khăn, phức tạp nhất là việc lấy vật liệu nào để lợp nhà?.
Nhưng rồi, “cái khó không bó được cái khôn” – bên cạnh những sáng tạo về công cụ lao động như: cây len, lưỡi cày, cây phảng…cư dân khẩn hoang đã biết vận dụng trí thông minh, hòan thiện dần các điều kiện cư trú:
Đầu tiên là loại túp lều tạm bợ để che chắn gió sương, muỗi mòng…Sau đó là kiểu căn chòi rộng thóang, cố định hơn trên nền thổ cư cao ráo. Điều đặc biệt, họ đã phát hiện tận dụng được lợi ích của những tàu dừa nước có sẵn trên vùng đất này, để làm loại tấm lợp bền chắc; giải quyết tốt nhu cầu nhà ở ngày càng nhiều; càng tốt, đẹp khang trang hơn.
Căn nhà lá hoàn chỉnh, là kết quả lao động sáng tạo các giá trị văn hóa cư trú – mà hàng thế kỷ qua, đã góp phần mở mang kinh tế – xã hội trên vùng đất mới. Tra cứu tư liệu xưa cho ta thấy: nhà cửa trên đất Sài Gòn khi mới phát triển vào năm 1861, phần lớn đều bằng gỗ, lợp lá dừa. Xuôi về phương Nam, dọc theo lưu vực Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây rồi châu thổ sông Cửu Long…nhà ở dân cư đều lợp tòan lá dừa nước, nhất là lá chầm. Ngay cả vùng Cần Thơ xưa, khi được lập thành huyện Vĩnh Định, huyện Phong Phú vào những năm 1832-1852, thì các đình làng: Bình Thủy, Thường Thạnh, Thới An, Tân An, Nhơn Ái được vua Tự Đức sắc phong, vẫn còn lợp lá. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, thì một số cơ sở kinh tế như: Nhà lồng chợ Cái Răng, nhà máy rượu, nhà máy xay lúa…và nhiều nhà ở tại khu vực quanh chợ Cần Thơ vẫn còn lợp bằng lá chầm.
Trên vùng đất Nam Bộ – Hậu Giang xưa và nay, hình ảnh những căn nhà lá phổ biến đó đây trong xóm, ấp theo con rạch, dòng kinh đã biểu hiện một sức sống đi lên; một không khí đầm ấm trong sinh hoạt của biết bao gia đình …
Qua hàng trăm năm hình thành tồn tại của loại hình nhà lá – nếp sống “ở nhà lá” trên vùng đất Nam Bộ – Hậu Giang càng trở nên quen thuộc. Hình bóng những căn nhà lá đã trở thành biểu trưng văn hóa cư trú độc đáo, trên vùng trên vùng sông nước Nam Bộ – Hậu Giang. Bởi nó có nhiều tiện ích: thoáng mát, kín đáo, sạch sẽ…đảm bảo tốt cho mọi sinh hoạt gia đình. Ngày nay, dù một bộ phận cư dân đã giàu khá lên, tạo được nhà tôn, nhà ngói – nhưng bên cạnh đó, họ vẫn cất thêm một gian nhà phụ hoặc một mái chái lợp lá chầm để buổi trưa hè ra nghỉ ngơi, tránh nóng.
Những tấm lá chầm đâu chỉ để lợp nhà ở – nó còn góp phần làm nên bao công trình phụ khác, như: chuồng, trại chăn nuôi gia súc; chòi, lều giữ gìn hoa màu trên đất rẫy, ruộng lúa, vườn cây ăn trái v.v… giúp người nông dân vừa ổn định cuộc sống; vừa yên tâm trong công việc sản xuất, làm ăn.
Phải căn duyên – nhà lá, tấm vách nát, bộ ván
ngập nước em vẫn ngồi
Không phải căn duyên – nhà ngói đỏ, bộ ván gõ dồi
em cũng không ham …”
(ca dao)
NGHỀ CHẦM LÁ Ở XÃ VĨNH VIỄN, HUYỆN LONG MỸ
Những căn nhà lá ngày càng nhiều thêm – những tấm lá chầm ngày càng được ưa chuộng, đã kích thích nghề chầm lá phát triển mạnh, ngay từ thời khẩn hoang. Đến nay, dường như chưa có một công trình nghiên cứu, sách viết về nghề này. Tuy nhiên, theo các thư tịch cổ – thì đây là một ngành thủ công ra đời khá sớm. Có thể nói, nơi nào có dừa nước thì có nghề chầm lá! Trừ vùng gò đất cao Đông Nam Bộ – dọc theo lưu vực các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sông Tiền, sông Hậu đến chót mũi Cà Mau…đâu đâu cũng có cây dừa nước; cũng xóm, ấp với những căn nhà lá phổ biến và nghề chầm lá có tự bao đời.
Tại tỉnh Hậu Giang, những người cao tuổi kể rằng: từ lúc họ ra đời đã thấy cây dừa nước và đã ở trong gian nhà lá. Khi huyện Long Mỹ thành lập 1907, thì đã có nhà lồng chợ với bao nhà ở khác được cất bằng gỗ, lợp lá xé, lá chầm. Được thuận lợi nằm ở lưu vực con sông Cái Lớn bạt ngàn dừa nước, nên nghề chầm lá nơi đây hình thành, phát triển khá sớm và tồn tại mãi đến hôm nay.
Theo các số liệu thống kê, trong 12 xã, thị trấn của huyện Long Mỹ (2007) thì xã Vĩnh Viễn có diện tích trồng dừa nước nhiều nhất: trên 130 ha, trong tổng số 580 ha toàn huyện; góp phần cho tỉnh Hậu Giang làm ra gần 20 triệu sản phẩm lá dừa nước hàng năm. Tất nhiên, từ đó nghề chầm lá ở xã Vĩnh Viễn cũng phát triển gần như đứng đầu trong huyện và trong tỉnh Hậu Giang. Cho đến thời điểm năm 2007: toàn xã có 150 hộ sống bằng nghề chầm lá, huy động từ 300-500 lao động. Ngoài ra còn có trên 100 hộ khác được thêm nguồn lợi từ khai thác, chế tác cây dừa nước. Tính ra mỗi công dừa nước có thể thu lợi trên dưới 36 triệu đồng mỗi năm, ngang bằng với canh tác 1 công ruộng, nhưng lại ít tốn kém.
Để làm nên những tấm lá chầm; góp phần dựng nên những mái ấm gia đình –phải kể đến công đầu, thuộc về cây dừa nước! một loại nguyên liệu tấm lợp gần như vô tận trên vùng đất này. Hãy tìm hiểu một chút về sự sinh thành của nó: dừa nước có tên khoa học là Nagafrutian, thuộc họ cau dừa, thích hợp với sinh thái đầm lầy vùng nước lợ và cả nước mặn. Loại cây này thường mọc tự nhiên ở ven sông, rạch trái khô rơi xuống bãi bùn rồi tiếp tục sinh trưởng, dân gian gọi là lá trời sanh. Khi nghề chầm lá phát đạt, người ta tận dụng cả đất ruộng sâu, biền, trảng để trồng dừa nước và họ nhận thấy: lá dừa nước ươm trồng có tàu lá rất to, dài có khi đến 6-7mét, gọi là lá dong, ưu thế của nó lại không bị sâu; chẻ ra được nhiều hom, nhiều lợi ích về kinh tế nên mọi người rất ưa chuộng, nên ươm trồng rất nhiều.
Ngoài tàu lá, nguyên liệu chủ lực làm thành lá chầm – các bộ phận khác của cây dừa nước cũng được khai thác, thành nguồn lợi kinh tế đáng kể: cây cà bắp, tức tàu lá non mới nhú lên, đần nhọn, cao chừng 1,5 – 2m dùng để chẻ thành những sợi dây lạt để chầm lá. Cây Sóng dừa thì chẻ thành những cây hom để ốp lá khi chầm. Ngoài ra, phần gốc tàu lá là bụp dừa, cũng sẽ được chế tác thành dây lạt dừa dùng cho việc cột, bó. Còn trái dừa nước khá ngọt, ngon dùng để uống hoặc ăn tươi hay để làm giống, tiếp tục ươm trồng loại lá dong cung ứng cho người làm nghề chầm lá.
Nhóm thợ đang chầm lá
KỸ THUẬT CHẦM LÁ
Để hình thành một tấm lá chầm, điều cốt yếu chính là kỹ thuật chầm lá. Tuy nhiên, trước đó phải thông qua các công đọan chế tác nguyên liệu một cách chi li, phức tạp nhằm đảm bảo chất lượng; sự bền chắc của những sản phẩm lá chầm.
Trước hết, ta hãy tìm đến với khâu chế tác nguyên liệu, qua các công đoạn:
Sau khi khảo sát thấy đám lá đã đủ tuổi, người ta tiến hành đốn lá. Khi đốn dùng dao thật bén để không bị hư sóng dừa. Cẩn thận, chỉ đốn phần tàu lá già, chừa lại những tàu lá non, chừa lại phần bụp dừa để dưỡng sức cho lá, để sau này khai thác tiếp. Xen kẻ trong các bụi dừa nước, người đốn lá còn tuyển chọn, đốn theo những cây cà bắp vừa xài, để chẻ thành những sợi dây lạt cho việc chầm lá.
Các tàu lá đốn xong, gom lại từng đống rồi chuyển sang công đoạn róc lá mà dân gian còn gọi là “đổ lá”. Kỹ thuật róc phải hết sức khéo tay tránh cho bị hư, gãy, rách; để từng chiếc lá đổ xuống hàng loạt về một phía người ta dễ gom, bó lại.
Các công việc tiếp theo là đóng cự để bó lá và ngâm nước, ủ lá. Trước hết, người ta chặt các sóng lá, đóng thành “cự”, với 4 cây trụ, trên dầu cột dây cho trụ đứng vững. Sau đó gom tất cả lá xấu, tốt, ngắn, dài chất vô cự, với độ cao từ 0,5 – 0,7 m. Dùng tay xốc lá nằm chồng khít lên nhau, rồi dùng sức nện cho các chiếc lá chặt, đều, bằng; dùng chính dây sóng dừa mới róc ra để bó lại thật kỹ, cột gút thật chặt. Theo phương pháp truyền thống, sau khi bó người ta sẽ đem lá ngâm dưới mương nước đôi, ba ngày, rồi mang lên để ủ một thời gian cho thân lá dai, cứng, chắc. Đồng thời loại trừ mầm sâu bệnh hại lá; để khi chầm và lợp nhà sẽ giữ được độ bền chắc, thời gian sử dụng kéo dài.
– Tiếp theo là khâu hết sức quan trọng: phải chăm chút cho những sợi dây lạt cà bắp, đạt yêu cầu cho kỹ thuật chầm. Muốn vậy, ngay từ công đoạn chẻ lạt phải được người thợ khéo tay thực hiện. Phải vừa đảm bảo chẻ đúng cách, sợi dây lạt đủ độ dày, chắt, đầu lạt cứng; vừa tính toán sao để khi chẻ ra số lượng được nhiều. Theo tính toán để chầm 1 công lá, có số lượng 5000 tấm, phải cần đến 20 kg dây lạt. Như vậy, mỗi cây cà bắp sẽ được chẻ ra khỏang 100 gam dây lạt.
– Lạt được chẻ ra, người thợ sẽ dùng tay, dùng sức rút phần thân lạt cho mềm, gọi là rút lạt. Sau đó, dùng dao bén chặt xéo phần đầu cứng, thành mũi nhọn dễ xỏ lá khi chầm; công đọan này gọi là mức lạt. Việc mức lạt phải tiến hành từng sợi, khá lắm là 2 sợi để đảm bảo chất lượng. Mức xong, để tránh đầu lạt bị tưa, cần hơ lửa thui đốt bỏ những “râu ria” không cần thiết, bó lại từng bó, cung cấp cho người thợ chầm lá.
– Để hình thành cái “xương sống” của tấm lá chầm, thì công đọan chẻ hom rất cần được quan tâm đùng mức. Được chế tác từ cây sóng lá lớn, chẻ ra thành những cây hom để người thợ ốp những chiếc lá rời vào khi chầm. Vì vậy, muốn có hom tốt, phải chặt, chẻ đúng kỹ thuật, mỗi hom dài trên 2m. Cần vạt bỏ những mắc lá vướng vấp, cho cây hom được suông. Thông thường mỗi cây sóng lá sẽ chẻ được 3 hom. Nếu cây sóng nhỏ chỉ đủ 2 hom mà thôi. Hom chẻ xong, đem phơi vài nắng cho thân cứng, ốp sát lại rồi dựng đứng ở hiên nhà, gốc cây trong khi chờ sử dụng.
Vậy là từ sự chuẩn bị chu đáo, các công đoạn chế tác nguyên liệu, phục vụ cho việc chầm lá đã được hoàn tất.
Bước vào phần chủ yếu, là các thao tác kỹ thuật chầm lá
Lần giở những trang tư liệu xưa, để nghiên cứu về danh từ “chầm lá” – ta sẽ bắt gặp nhiều khái niệm khác nhau về “chữ” nhưng lại giống nhau về nội dung: sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, có đọan ghi về công dụng của cây dừa nước: “lấy tàu nhỏ bổ làm đôi, để cả lá phơi khô, dùng lợp nhà”, hoặc một đoạn khác thì ghi: “tàu to, cắt lá rời ra, đan thành tấm lá, cũng để lợp nhà, che thóc gạo…” Nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm “Hồi ký ở chiến khu 9”, cũng có đọan mô tả cảnh chầm lá ở xứ Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hồi năm 1947, như sau: “bà con đang đổ lá, rọc tàu lá ra, gom mấy lá bự, bện từng tấm, đem đi bán”. Hoặc một đọan khác ông viết: “phải đổ lá, tức là róc theo từng chiếc lá rời khỏi gốc rồi chầm lại từng tấm…” Như vậy, đi từ chữ đan lá của Trịnh Hoài Đức, rồi chữ bện lá; chầm lá mà nhà văn Sơn Nam vừa dùng – có lẽ, cách gọi “chầm lá”, là sự thể hiện khá đầy đủ các thao tác kỹ thuật, phương pháp làm ra một tấm lá chầm, theo trình tự như sau:
– Khởi động đầu tiên là thực hiện khâu ốp lá vào cây hom: người thợ chầm chọn một cây hom đặt ngay trước mặt, lấy một chiếc lá tốt, buông dài, kèm theo 2 chiếc lá ngắn, xấu hơn để lót đệm thêm. Các chiếc lá chọn xong, đặt xuống dưới đầu thân cây hom rồi ốp vào, bẻ cong lại thành 2 phần trên dưới. Phần nằm dưới gồm đuôi lá, tức “dạo lá”, phải đặt dài hơn phần đầu lá bên trên. Và xem như, Người thợ chọn cặp lá đầu này làm chuẩn, để sau này nhìn vào đó mà tiếp tục chầm lá.
Muốn cho tấm lá chầm được bền chắc. Khi ốp lá, lót lá nên khéo léo, tấm lá phụ phải dấu trong lòng chiếc lá chính để đảm bảo sự kết chặt. Chú ý: công đoạn ốp lá, lót lá phải vừa thao tác nhanh, gọn; vừa có sự tính toán sắp xếp cho ngay ngắn, đều đặn, đẹp mắt. Thông thường người thợ giỏi khi chầm xong bó lá, các chiếc lá đều được sử dụng hết không để dư một chiếc lá lớn, nhỏ nào.
– Khi chiếc lá đầu tiên được ốp xong là đến phần xỏ lạt. Người thợ rút sợi dây lạt bắt đầu xỏ lá từ phần đầu cứng nhọn. Mũi lạt xỏ hết phần lá bên trên, rồi luồn xuống phần lá bên dưới. Mục đích để ôm sát cây hom. Từ đó, các thao tác kỹ thuật chầm lá được tiến hành đều đặn. Chầm tới đâu, phải thẳng đến đó. Đồng thời, canh giữ dây lạt cho đều một hàng, tránh trồi lên, sụt xuống làm xấu tấm lá, cũng như giảm độ chắc bền. Người thợ chầm hết sợi dây lạt này, rút thêm sợi lạt khác, cột gút cho chặt rồi ốp thêm lá, chầm nối tiếp một mạch cho đến khi hết chiều dài cây hom. Kỹ thuật chầm khá quan trọng ở công đọan ốp lá, xỏ lạt phần đầu cây hom và phần cuối cây hom. Người thợ phải cột gút cho chặt và dấu mối cho khéo, để vừa đảm bảo lá không bị sát; vừa trông đẹp mắt, gọn gàng.
Vậy là người thợ khéo tay, đã chầm được một tấm lá chầm hoàn chỉnh, theo đúng phương pháp, kỹ thuật: ốp, xếp lá khá đẹp, mũi chầm đi đều, dây lạt luôn luôn ôm sát cây hom, giụt thẳng. Có lẽ, do đây là sản phẩm tấm lợp cho giới bình dân nên không nặng tính mỹ thuật, cầu kỳ. Thế nhưng rất cần phải tuân thủ các điều kiện kỹ thuật – dù đó là kỹ thuật dân gian.
Từ bàn tay giỏi giang, cần mẫn của người thợ – chất lượng những tấm lá chầm cũng như năng suất chầm lá ngày càng cao hơn; cung ứng kịp thời cho nhu cầu thị trường và làm hài lòng người tiêu dùng.
Thông thường sản phẩn lá chầm có 2 loại: lá đặt thì chất lượng đảm bảo và giá thành cao. Còn lá hàng thì không được chăm chút lắm do làm nhanh nên giá rẻ hơn từ 10 đến 20%.
Những tấm lá chầm được hòan thành, đưa liền xuống ghe giao khách hàng cho kịp ngày dựng, lợp nhà. Mặt khác, cung ứng cho các ghe thương hồ khắp nơi đến mua lá rồi tỏa đi bán khắp vùng nông thôn, thị thành gần xa.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ CHẦM LÁ
Hàng trăm năm qua – những tấm lá chầm đâu chỉ góp phần lợp, che trong tạo dựng các kiểu, loại nhà ở; nó còn có lịch sử làm nên bao công trình kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự như: Nhà việc làng, nhà lồng Chợ, nhà vựa, trường học, trường hát…kể cả lớp lớp nhà ở bình dân, trong những khu xóm lao động ở thành thị. Có dịp vào thăm khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, ta sẽ được biết vào thời kháng chiến các cơ quan Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang, hội trường, nhà bảo vệ…đều lợp bằng lá chầm. Qua đó, khẳng định nghề chầm lá tồn tại, là bởi đã góp phần có hiệu quả vào những tiện ích cư trú: cũng như làm chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế và đời sống của cư dân Nam Bộ – Hậu Giang.
Giờ đây, tuy lá chầm vẫn còn một bộ phận cư dân ưa chuộng và nghề chầm lá vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Thế nhưng, sự phát triển của trào lưu mới đã cho thấy nguy cơ biến đổi và mất dần nghề chầm lá.
Sự mất dần những căn nhà lá, là qui luật tất yếu của sự phát triển; điều đó đáng mừng. Nhưng, vấn đề đặt ra – làm thế nào để bảo tồn và phát huy nghề chầm lá, trong điều kiện đời sống hiện đại?
Nên chăng, cần tiến hành các giải pháp:
– Hình thành những làng nghề chầm lá trọng điểm, trong tỉnh Hậu Giang, ở những địa phương có điều kiện như: xã Vĩnh Viễn, xã Lương tâm, xã Vĩnh Thuận Đông v.v… Qua đó, nhà nước cần nghiên cứu có chính sách ưu đãi các cơ sở chầm lá, người làm nghề và người trồng dừa nước. Làng nghề này, vừa cung cấp những tấm lá chầm có chất lượng theo kỹ thuật chầm nguyên gốc cho nhu cầu thị trường, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, du lịch.
– Khuyến khích thiết kế, xây dựng các mô hình: “nhà lá du lịch Nam Bộ – Hậu Giang” hoặc những kiểu nhà lá có tính mỹ thuật, tiện ích cho các khu du lịch sinh thái vườn, các tụ điểm vui chơi, giải trí, cơ sở dịch vụ v.v…
– Đặc biệt, cần quảng bá thế mạnh đặc trưng văn hóa dừa nước, trên vùng châu thổ sông Cửu Long. Đồng thời, tiến đến thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về cây dừa nước, về căn nhà lá và nghề chầm lá. Từ đó, có sự tổng kết, khẳng định giá trị; lịch sử hình thành và phát triển của nghề chầm lá, với những đóng góp quan trọng vào đời sống, lối sống, tâm tư, tình cảm của cư dân Nam Bộ trong nhiều thế kỷ qua…