Chia sẻ bí quyết mở nhà kho ký gửi mua bán đồ cũ

Trong bài viết Nhà kho ký gửi – Nhận của người chán, bán cho người cần chúng ta đã cùng tìm hiểu về hình thức kinh doanh độc đáo này. Nhưng cũng vì phương thức hoạt động khác với kinh doanh truyền thống mà nhiều người khi bắt đầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn, từ việc tìm kiếm nguồn hàng đến làm hợp đồng với khách rồi tiếp thị, quảng cáo. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số bí quyết mở nhà kho ký gửi chuyên mua bán đồ cũ thành công cho các chủ shop.

nha-kho-ky-gui-mua-ban-do-cu-1

1. Chuẩn bị hợp đồng có hiệu lực pháp lý

Mở nhà kho ký gửi nghĩa là bạn xác định mình sẽ trở thành một nơi trung gian mua bán đồ cũ, như vậy bạn không có quyền sở hữu với nguồn hàng của mình. Để tránh các trường hợp tranh chấp sau này, cách tốt nhất là hãy biên sẵn một bản hợp đồng có hiệu lực pháp lý giữa bạn với người ký gửi, trong đó đề rõ những điều khoản ràng buộc trách nhiệm hai bên và thời gian hiệu lực.

Bản hợp đồng này không chỉ có giá trị pháp lý mà còn đóng vai trò “làm tin” khi người ký gửi đến nhà kho của bạn. Họ cần một thứ gì đó đảm bảo khi mang món hàng trị giá lên đến cả chục triệu đồng “gửi nhờ” người xa lạ. Bạn có thể dựa vào bản hợp đồng đó để xây dựng uy tín cho thương hiệu của mình.

2. Xác định tỉ lệ hoa hồng rõ ràng

Gọi là nhà kho ký gửi chuyên mua bán đồ cũ bởi vì nó thường chứa đủ loại hàng hóa từ giá trị nhỏ vài chục ngàn đồng đến vài chục triệu. Nếu bạn áp dụng tỉ lệ hoa hồng giống nhau cho tất cả các mặt hàng thì lợi nhuận thu về sẽ không được tối ưu. Tốt nhất là nên chia hàng hóa ra từng nhóm với giá trị khác nhau, ở mỗi nhóm lại có cách tính tỉ lệ hoa hồng riêng.

Ví dụ hàng từ 1 triệu – 10 triệu đồng, hoa hồng là 10%, hàng từ 10 triệu – 50 triệu đồng mức hoa hồng sẽ tăng lên 15%. Vì thông thường các mặt hàng giá trị cao sẽ khó bán hơn, cần bạn mất nhiều công sức để tiếp thị, quảng cáo. Hoặc đối với các sản phẩm dễ hư hỏng như thực phẩm, đồ dễ vỡ hoặc cần bảo quản đặc biệt thì bên cạnh tỉ lệ hoa hồng bạn có thể thu thêm phí bảo quản.

Tỉ lệ hoa hồng bạn được hưởng khi bán thành công sản phẩm cần phải ghi rõ trong hợp đồng, chỉ khi người ký gửi ký tên xác nhận thì mới áp dụng.

3. Xác định tình trạng hàng hóa

Mở nhà kho ký gửi thì hàng bạn nhận được chủ yếu là đồ đã qua sử dụng, vì vậy bạn cần xác định được tình trạng hàng hóa khi người ký gửi mang đến, đánh giá mức độ hao mòn, hư hại để định giá bán và thu hoa hồng. Thực tế nhiều người mang hàng đã bị rách, hư hỏng đôi chút đến ký gửi nhưng vẫn đòi bán với giá cao, về cơ bản điều này không ảnh hưởng nhiều đến bạn, chỉ là quá trình bán hàng sau này sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng tới phần trăm lợi nhuận bạn thu được. Ngoài ra việc giám định hàng hóa kỹ càng cũng tránh cho bạn “rước” về một đống đồ “phế liệu” hoặc hàng giả hàng nhái, vừa không bán được vừa tốn chỗ, chật kho.

4. Quy định thời gian ký gửi

Dù mang tên là “nhà kho” nhưng không có nghĩa cửa hàng của bạn trở thành nơi chứa đồ thật, nó chỉ là địa điểm trung gian để “người chán” đến gửi đồ, “người cần” đến mua lại. Vì vậy phải có quy định về thời gian ký gửi, thường thì tối đa chỉ 3 hoặc 6 tháng, sau khoảng thời gian này mà khách không đến lấy lại hàng một số nơi sẽ thu thêm phụ phí hoặc được quyền bán phá giá.

Tùy vào từng mặt hàng bạn nhận mà thời gian ký gửi sẽ khác nhau, nếu là thực phẩm thì có thể ngắn hơn, đồ đóng hợp thì còn dựa vào hạn sử dụng sản phẩm.

5. Quy trách nhiệm khi người mua tới khiếu nại

Từng có một chủ nhà kho ký gửi phải lao đao khi bị người mua đến tận nơi làm ầm lên vì mua thực phẩm chức năng về sử dụng rồi nổi dị ứng khắp người, hoặc có người cũng phải đền tiền vì bị người mua phát hiện chiếc túi xách họ mua tiền chục triệu chỉ là đồ nhái. Nếu đến lúc đó bạn mới gọi cho bên ký gửi để phản ánh thì quá muộn rồi, thậm chí một số kẻ lừa đảo đã đổi số, thay địa chỉ ngay sau khi giao dịch thành công.

Để tránh trường hợp này, tốt nhất là trong bản hợp đồng bạn cần ghi rõ điều khoản quy trách nhiệm khi người mua tới khiếu nại. Trong đó ghi rõ bạn chỉ là người bán hộ và không chịu bất cứ trách nhiệm nào về sản phẩm, nếu khách hàng có thắc mắc cần liên hệ trực tiếp với bên ký gửi. Thậm chí một số nhà kho còn chụp lại ảnh người ký gửi hoặc yêu cầu bản photo chứng minh thư có công chứng của họ để làm tin, đề phòng lừa đảo.

Trên đây là 5 bí quyết giúp bạn kinh doanh nhà kho ký gửi mua bán đồ cũ thành công, không gặp phải tình trạng lừa đảo, tiền mất tật mang. Nếu bạn có kinh nghiệm nào khác muốn chia sẻ cho bạn đọc thì hãy ghi lại trong phần bình luận phía dưới nhé!

Xem thêm: Ý tưởng kinh doanh quần áo cũ online một vốn bốn lời

Rate this post

Viết một bình luận