Chơi Cá Cảnh – Nhận biết dấu hiệu và cách chữa bệnh nấm cá neon vua

Xin chào tất cả các bạn,

Một cái Tết nữa đang đến gần và miền Bắc đã đón những đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay. Nhắc đến mùa đông chúng ta thường nghĩ đến cái Tết ấm cúng bên gia đình, nhưng đối với anh em đồng ngư chúng ta thì mùa đông dường như lại là “hung thần” khi mà chỉ cần dạo quanh 1 vài group về cá cảnh thủy sinh trên facebook hàng loạt các bài viết về những cái Tết không mấy ấm no khi mà rất nhiều anh em chỉ sau 1 đêm cả bể cá ra đi không lời tạm biệt.

Có những anh em cá chết vì rét khi nuôi bể ngoài trời không có điều kiện sưởi, có người thì cá chết vì thối thân, thối đuôi, lắc , có anh em thì mới hôm qua vì không để ý, chớm 1 , 2 con chấm trắng li ti, 2 hôm sau đã chết cả đàn vì nấm,… Có khá nhiều những nỗi buồn cho anh em đồng ngư cho một mùa đông miền Bắc đầy khắc nghiệt.

Và vô số những câu hỏi cầu cứu : “Cá em bị như thế này thì làm sao đây các bác?? “. Và một trong hàng tá câu hỏi của anh em là dành cho đàn neon, hay đông đảo nhất là neon vua dù cho neon là loài cá khá khỏe và có sức đề kháng tốt. Có thể nói, neon vua là 1 trong số các loài cá thủy sinh được yêu thích nhất bởi vẻ đẹp, cá khỏe và giá cả rất phải chăng.

Thông thường một bể 20 – 50 chú neon vua cho 1 bể thủy sinh đã đủ tạo cho bể của anh em một vẻ đẹp mê li rồi. Dưới ánh đèn, ánh sáng phản quang của chúng thật sự rất bắt mắt, kèm theo đó là tập tính bơi theo đàn nên không khó chúng ta có thể bắt gặp những bể thủy sinh neon vua tuyệt đẹp như thế này.

Tuy nhiên, khi mùa đông đến, chúng thường rất dễ mắc bệnh nấm, một bệnh tưởng chừng như bình thường nhưng lại lây lan và giết chết cá rất nhanh. Vì bản tính bơi theo đàn nên một 1,2 con bị nhiễm thì chỉ cần 1 hôm thôi nó đã lây lan cho cả đàn. Vô hình chung việc bơi theo đàn tạo nên vẻ đẹp riêng của chúng nhưng cũng là thứ hại chúng nhanh nhất.

Bệnh nấm không chỉ trên neon vua mà còn trên rất nhiều loại cá khác. Hôm nay choicacanh.com sẽ mách nước cho các bạn một số bệnh nấm thường gặp trên neon vua giúp các bạn bảo vệ bể thủy sinh cũng như đàn neon vua của các bạn.

Giới thiệu sơ qua về nguồn gốc của Neon vua

Cá Neon là loài cá nhiệt đới có xuất xứ từ những quốc gia nằm ở phía Bắc của Nam Mỹ và tập trung nhiều Neon nhất chính là lưu vực sông Amazon. Trong điều kiện nguồn nước, nguồn thức ăn thuận lợi thì cá có thể sống rất khỏe. Thậm chí tuổi thọ của chúng có thể lên đến 10 năm. Thông thường đối với nhiệt độ khá ổn định ở mức cao, neon vua rất ít khi bị bệnh, chúng sống rất khỏe và kháng bệnh rất tốt. Các bạn có thể tham khảo thêm về neon vua qua bài viết của mình trước đây

Một số bệnh thường gặp và cách chữa cho Neon vua

Tuy nhiên một số thay đổi từ nhiệt độ nước, căng thẳng và bệnh tật có thể khiến cá dễ bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp cá bị bệnh thì đầu tiên chúng ta cần cách ly những em cá bị bệnh để không bị lây lan trong đàn. Người nuôi cũng có thể phòng bệnh cho cá bằng cách chú ý đến chất lượng thức ăn, nguồn nước, nhiệt độ,…

Các bệnh nấm thường gặp trên Neon vua

  1. Bệnh do nấm Pleistophora hyphessobryconis

Nguyên nhân:

Pleistophora hyphessobryconis là một loại vi bào tử hay còn gọi là vi nấm. Neon bị bệnh này là do chúng đã ăn xác của những động vật thủy sinh đã chết hoặc nguồn thức ăn sống mang mầm bệnh như trùng chỉ gây nên.

Khi tiêu hóa những loại thức ăn trên, các bào tử ký sinh trùng mang mầm bệnh sẽ đi vào cơ thể cá. Sau đó chúng sẽ làm cho những chú cá khỏe mạnh bị yếu dần đi. Những túi nang của bào từ sẽ phá hủy chủ thể từ trong ra ngoài. Nếu không được chữa trị kịp thời chúng thường sẽ chết.

Triệu chứng

Cá di chuyển không ngừng, bơi loạn xạ

Đây chính là biểu hiện rất rõ ràng nhất và dễ thấy nhất khi cá mắc bệnh này. Cá Neon thường sống theo đàn chính vì thế rất dễ nhận ra được những chú cá có sự hiếu động khác thường. Chúng di chuyển không ngừng , loạng choạng như người say rượu. Khi thấy dấu hiệu này, các bạn cần tách ngay chúng ra để có phương pháp chữa trị, tránh lây lan sang các con khác trong đàn.

Cá bị bạc màu

Trên thân cá bị bệnh sẽ xuất hiện những túi nang hay bào xác màu trắng và điều này khiến những chú cá bị nhợt nhạt hoặc bạc màu đi nhanh chóng. Màu sắc và vây cá sẽ biểu hiện rõ nhất mức độ ảnh hưởng của bệnh. Tuy nhiên người nuôi thường chỉ thấy biểu hiện này trong giai đoạn bệnh đã phát triển nặng. Vậy nên các bạn cần chú ý chúng thường xuyên ngay từ giai đoạn đầu.

Xương sống bị cong

Đây là triệu chứng khi cá bị bệnh nặng. Lúc này người nuôi sẽ dễ dàng nhận thấy phần xương sống của cá bị bẻ cong, di chuyển khó khăn khi bơi. Lúc này cá có thể nhiễm cùng lúc một bệnh khác như thối vây hay phù nề. Và thường chúng sẽ chết sau 1, 2 ngày khi bệnh đã đến giai đoạn này.

Cách xử lý, chữa trị

Nếu là các mới mua về, các bạn nên chọn cẩn thận ngay từ lúc mua, nên chọn các em cá nhanh nhẹn, màu sắc đậm, khỏe mạnh, linh hoạt. Còn nếu là cá đã nuôi lâu, các bạn nên xem lại ngay nguồn nước, không chỉ với neon vua mà các loài cá khác đều cần nguồn nước tốt. Đối với trường hợp nước bị ô nhiễm, các bạn nên thay nước và bổ sung vi sinh để nhanh chóng ổn định môi trường nước cho cá.

Tiếp theo là đến thức ăn, nếu các bạn cho chúng ăn bằng các loại đồ ăn tươi như trùng chỉ thì nên ngâm trùng chỉ mua về bằng Tetra loãng 1 đến 2 ngày rồi mới cho cá ăn. Vì trùng chỉ chúng sống ở nơi nước bẩn nên bản thân chúng đã mang khá nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho cá rồi nên các bạn cần chú ý đến vấn đề này.

Nhiệt độ cũng là một phần quan trọng, các bạn nên duy trì mức nhiệt tương đối ấm, neon vua rất khỏe và đề kháng tốt ở mức nhiệt này.

Ngoài ra, các bạn có thể xử lý bằng các cho 1 nắm nhỏ muối hột ( giúp các tiết chất nhờn) và hòa vào đó 1 viên đặt phụ khoa của phụ nữ tỷ lệ 60 lít nước / 1 viên kèm thêm điều chỉnh mức nhiệt > 26 độ nhé. Nó sẽ giúp các trị nấm rất hiệu quả.

  1. Bệnh nấm trắng

Nguyên nhân:

Bệnh này do rất nhiều yếu tố gây nên chủ yếu là nhiệt độ bể
thấp ( đó cũng là lý do mùa đông neon vua rất hay bị bệnh này), chất lượng nước tồi  do thức ăn dư thừa quá nhiều, phân cá không có vi sinh xử lý,cá mới mua về thả không đúng cách nên stress hoặc mua phải các con cá yếu, đề kháng thấp, …

Dấu hiệu:

Khi các bị nấm trắng thì trên thân, vây hay bất cứ đâu trên cơ thể cá xuất hiện những chấm nhỏ li ti màu trắng và dày dần lên khắp cơ thể chỉ sau 2 -3 ngày. Mắt thường rất dễ để phát hiện ra bệnh này.

Cách xử lý, chữa trị

Cách lây lan nhanh nhất là bào tử nấm đốm trắng lơ lửng trong nước khá nhiều và chờ cơ hội bám lên cá thể sống khác, thay nước là 1 trong những cách để loại bớt 1 phần tác nhân làm bệnh lây lan và mầm bệnh trong bể.

Thứ hai các tổ nấm đốm trắng sẽ bị suy yếu khi gặp nhiệt độ trên 29 độ, các bạn nên cắm sưởi sẽ giúp kìm hãm sự phát triển của các tổ ký sinh nấm trên thân cá và sẽ rụng bớt khỏi thân cá.

Thứ ba nấm đốm trắng kỵ muối, kỵ các chất sát trùng, kháng sinh, mọi loại thuốc cho cá có tính năng này đều có thể giúp cá chữa bệnh với liều lượng vừa phải. Điển hình là tetracyclin , muối trắng , thuốc chuyên trị bệnh nấm như tetra nhật, Bensol, Thuốc đặc trị nấm BIO-KNOCK Số 2 của Thái Lan…. với tỷ lệ 3-5 giọt  / 20 lít nước và duy trì mức nhiệt độ trên 29 độ C khoảng 3-7 ngày là khỏi nhé.

Ngoài ra, viên đặt phụ khoa cũng là một sự lựa chọn không hề tồi, các bạn có thể sử dụng loại Neo Tergynan như bên trên hoặc Neo Megyna

Với cách sử dụng là hòa 1 viên cho bể với 60 lít nước kết hợp sưởi trên 29 độ, tùy vào bể các bạn nhỏ hay to thì sử dụng thuốc cho phù hợp nhé.

Cuối cùng là vi sinh, vi sinh cực kỳ tốt để cải thiện môi trường nước, nhưng khi bể đang có mầm bệnh, dừng châm vi sinh nhất là PSB ( vi khuẩn quang hợp ) vì vi khuẩn gây bệnh có khả năng cộng sinh ẩn nhờ dòng vi sinh khác. Hãy chờ cá khoẻ lại, bể hết bệnh các bạn lại châm lại vi sinh sau để ổn định nguồn nước.

Tổng kết

Trên đây mình đã giới thiệu đến các bạn những dấu hiệu nhận biết từ mức nhẹ, trung bình rồi đến mức nặng và cách chữa trị cho các bệnh này. Tưởng rằng nhẹ nhưng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời thì khả năng cao chúng ta sẽ phải thay một đàn neon mới. Mình hy vọng với những kinh nghiệm thực tế của mình thông qua sách sở và trải nghiệm trực tiếp nuôi neon thủy sinh của mình có thể giúp các bạn có một đàn neon khỏe mạnh sau mùa đông miền Bắc nhé. Thanks các bạn đã theo dõi bài viết của mình, nếu thấy hay hãy like share bài viết để các đồng ngư khác có thể biết thêm nhé. Xin cảm ơn !!!

Rate this post

Viết một bình luận