Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục sớm và triết lý giáo dục: “Mọi đứa trẻ đều khác biệt và tất cả đều có quyền học những điều chúng cần trong cuộc sống”, Tân Thời Đại xác định giáo dục 10 năm đầu đời là 10 năm quan trọng nhất, tạo nền tảng tri thức, cảm xúc và kĩ năng xã hội để trẻ tự tin, chủ động phát triển năng lực bản thân trong suốt cuộc đời, theo cách mà trẻ thích để thành công, hạnh phúc.
Tại Hệ thống giáo dục Tân Thời Đại, giáo dục sớm được triển khai ngay từ bậc học Mầm non với đội ngũ chuyên gia cố vấn hàng đầu trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo tư vấn giáo dục sớm cho cha mẹ trẻ, trong khi hầu hết các hệ thống ngoài công lập lựa chọn đón trẻ từ 18 hoặc 24 tháng tuổi – khi trẻ đã khá thành thạo các kĩ năng vận động, giao tiếp, Tân Thời Đại thực hiện đón trẻ từ 12 tháng tuổi. Với sự cố vấn của TS Chu Thị Hồng Nhung – Trưởng phòng Phát triển CHương trình GDMN của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tân Thời Đại xây dựng Chương trình riêng cho trẻ 12- 18 tháng tuổi với hơn 200 hoạt động, bao quát các lĩnh vực và mức độ phát triển của trẻ.
Với quan điểm đòng hành từ nhận thức đến hành động, Tân Thời Đại mở chuyên mục GIÁO DỤC SỚM. Tại đây, Tân Thời Đại và các chuyên gia sẽ chia sẻ và cập nhật các kiến thức về giáo dục sớm để Quý Phụ huynh cùng tham khảo.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC TÌNH CẢM XÃ HỘI TRONG
PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CHO TRẺ MẦM NON
Th.S Nguyễn Thị Thúy Liễu và nhóm nghiên cứu
1. Đặt vấn đề
Giáo dục tình cảm xã hội là một trong các lĩnh vực giáo dục quan trọng đối với sự phát triển của trẻ mầm non, điều này được thể hiện rõ không chỉ trong thực tiễn mà còn ở cả các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Luật Giáo dục 2019 đã chỉ ra mục tiêu của giáo dục mầm non là “nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một”. Trong đó, tình cảm xã hội có vị trí quan trọng và đứng song song với các lĩnh vực khác trong mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em mà Luật giáo dục đã chỉ ra. Chương trình giáo dục mầm non 2009 (sửa đổi năm 2016) cũng xác định rõ năm lĩnh vực giáo dục bao gồm: giáo dục phát triển thể chất, giáo dục phát triển nhận thức, giáo dục phát triển ngôn ngữ, giáo dục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.
Giáo dục tình cảm xã hội có vai trò quan trọng, giúp trẻ biết cách quản lý cảm xúc của bản thân, xác định các mục tiêu tích cực, hình thành và duy trì các mối quan hệ, có trách nhiệm với quyết định của chính mình từ đó giúp phát triển những năng lực cá nhân của trẻ. Hiện nay, ở các trường mầm non giáo dục phát triển tình cảm xã hội cho trẻ mầm non chủ yếu được tổ chức thông qua việc lồng ghép, tích hợp với các hoạt động khác trong trường mầm non, giáo viên chưa chú trọng tổ chức các hoạt động chuyên biệt để giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ cho nên hiệu quả của các hoạt động tích hợp này mang lại chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do nhận thức chưa đầy đủ của các giáo viên, cán bộ quản lý về tầm quan trọng của giáo dục tình cảm xã hội đối với sự phát triển của trẻ cũng như khả năng thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục trẻ của giáo viên còn nhiều hạn chế.
Việc làm rõ cơ sở lý luận của giáo dục tình cảm xã hội đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em từ đó khuyến nghị về tăng cường giáo dục tình cảm xã hội trong giáo dục mầm non ở Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non.
2. Nội dung chính
2.1. Một số khái niệm cơ bản
– Tình cảm xã hội: Tình cảm xã hội là khả năng hiểu được cảm xúc của người khác, kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình, hòa đồng với những đứa trẻ khác và xây dựng mối quan hệ với người lớn .
– Giáo dục tình cảm xã hội: Theo The Collaborative for Academic, Social, and Emotional Learning (CASEL), giáo dục tình cảm xã hội là quá trình trẻ em và người lớn hiểu và quản lý cảm xúc, thiết lập và đạt được mục tiêu tích cực, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm .
– Giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non: Là quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục đến trẻ em nhằm giúp trẻ tiếp thu và vận dụng một cách hiệu quả các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để hiểu và quản lý cảm xúc bản thân, đặt ra và đạt được mục tiêu tích cực, cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác, hình thành và duy trì các mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm.
2.2. Giáo dục tình cảm xã hội trong phát triển toàn diện trẻ mầm non
2.2.1 Năng lực cốt lõi của giáo dục tình cảm xã hội
Theo CASEL, giáo dục tình cảm xã hội được thể hiện thông qua 5 năng lực cốt lõi, bao gồm:
– Tự nhận thức (self-awareness): Khả năng nhận biết, gọi tên cảm xúc của bản thân cũng như suy nghĩ và hành vi của mình trong những tình huống khác nhau. Điều này cũng bao gồm khả năng đánh giá chính xác điểm mạnh và hạn chế của mình cũng như thiết lập cảm giác tự tin có căn cứ.
– Tự quản lý (self-management): Khả năng điều chỉnh/ điều hòa cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của bản thân; duy trì sự hài lòng; kiểm soát căng thẳng hiệu quả; tự động viên bản thân; thúc đẩy và lên kế hoạch làm việc để đạt được mục đích.
– Nhận thức xã hội (social awareness): Khả năng nhìn nhận, đồng cảm với người khác từ những nền văn hoá và nguồn gốc khác nhau; điều này cũng bao gồm khả năng tiếp thu quan điểm của người khác, nhận biết và huy động sự hỗ trợ đa dạng và sẵn có.
– Các kĩ năng quan hệ (relationship skills): Khả năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh và bổ ích với cá nhân, nhóm và tập thể. Khả năng giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tốt, hợp tác với người khác, tự bảo vệ bản thân bởi những áp lực xã hội không phù hợp, giải quyết xung đột bằng cách đàm phán và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần, đều là những ví dụ rõ ràng về kỹ năng này.
– Quyết định có trách nhiệm (responsible decisions-making): Khả năng đưa ra các lựa chọn dựa trên sự cân nhắc về cảm xúc, hành vi cá nhân, mục tiêu, kết quả và tương tác xã hội dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và chuẩn mực xã hội.
2.2.2 Mục đích giáo dục phát triển tình cảm xã hội cho trẻ mầm non
Mục đích của giáo dục tình cảm xã hội không chỉ hướng đến trẻ mầm non, mà còn hướng đến các đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục trẻ bao gồm giáo viên, gia đình, nhà trường và cộng đồng:
– Đối với trẻ mầm non: Mục đích của giáo dục tình cảm xã hội là nhằm cải thiện khả năng học tập thành công của người học và hội nhập xã hội, tăng khả năng tương tác xã hội giữa các bạn học với nhau và tăng khả năng tự kiểm soát cảm xúc của bản thân. Giáo dục tình cảm xã hội dựa trên ý tưởng rằng việc học tập được cải thiện khi nó diễn ra trong một môi trường với các mối quan hệ tin cậy và hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc học tập có ý nghĩa, thú vị và hấp dẫn.
Mục đích cụ thể hơn của giáo dục tình cảm xã hội đối với trẻ là nhằm:
1/ Giúp trẻ nhận biết và gọi tên những cảm xúc khác nhau, từ đó kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân.
2/ Hình thành cho trẻ kỹ năng xây dựng mối quan hệ tích cực, thể hiện sự quan tâm đến người khác, tôn trọng và giúp đỡ mọi người.
3/ Hình thành phẩm chất tốt, kỹ năng kỷ luật tích cực.
4/ Trẻ được tham gia vào việc ra quyết định, biết đánh giá vấn đề và lựa chọn những phương án được cho là tốt nhất.
5/ Thể hiện khả năng xử lý tình huống với những thử thách khác nhau, tự bảo vệ bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
– Đối với giáo viên và nhà trường: SEL giúp các đối tượng trong trường học bao gồm giáo viên, lãnh đạo và nhân viên nhà trường nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục tình cảm xã hội đối với sự phát triển của trẻ em, từ đó có ý thức về việc thiết lập một môi trường thuận lợi để trẻ có cơ hội được thực hành và luyện tập ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, giáo dục tình cảm xã hội cũng giúp cho cán bộ nhân viên, giáo viên trong nhà trường biết quản lý cảm xúc và điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp với vai trò và trách nhiệm của những người làm giáo dục.
– Đối với gia đình và cộng đồng: Thiết lập mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng. Giúp cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục tình cảm xã hội đối với trẻ, những việc cần làm để tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội phát triển cũng như thu ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Những đứa trẻ được phát triển toàn diện, có kiến thức, có kĩ năng, có phẩm chất tốt sẽ tạo tiền đề vững chắc để gắn kết cộng đồng và phát triển xã hội.
2.2.3 Nguyên tắc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non
Theo Stephanie M. Jones and Suzanne M. Bouffard (2012) , để giáo dục tình cảm xã hội đem lại hiệu quả giáo dục tốt cần tuân thủ 4 nguyên tắc phát triển như sau:
– Phát triển kỹ năng tình cảm xã hội một cách liên tục và nhất quán: Các kỹ năng tình cảm xã hội được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ đến khi trưởng thành, chính vì vậy cần sắp xếp các kỹ năng này theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, và nên được sắp xếp theo chiều dọc.
– Kết hợp việc học tập với kỹ năng xã hội: Quá trình học tập và quá trình lĩnh hội các kỹ năng tình cảm xã hội luôn đi đôi với nhau. Trong quá trình học tập, trẻ tương tác với người khác, và trẻ cần sử dụng các kỹ năng SEL để giải quyết nhiệm vụ của mình, thể hiện quan điểm, cảm xúc cá nhân khi tương tác. Ngược lại, chính những kỹ năng xã hội giúp trẻ học tập nhanh hơn, có hiệu quả hơn.
– Phát triển kỹ năng tình cảm xã hội trong bối cảnh xã hội: Các mối quan hệ là mảnh đất nuôi dưỡng kỹ năng tình cảm xã hội lớn lên. Trong đó có thể kể đến các mối quan hệ như cha mẹ – con, giáo viên – học sinh, nhân viên – học sinh, học sinh – học sinh… Đối với mỗi một mối quan hệ, trẻ sẽ học hỏi và áp dụng những kỹ năng khác nhau để giải quyết vấn đề, thể hiện cảm xúc hoặc nhận ra được các quy tắc xã hội…
– Đảm bảo tính hệ thống trong việc giáo dục tình cảm xã hội từ trong lớp học đến toàn trường và giáo dục trọng cộng đồng: Trẻ học được các kỹ năng SEL từ lớp học và vận dụng chính những kỹ năng đó để giải quyết vấn đề nảy sinh trong trong trường. Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc giáo dục kỹ năng tình cảm xã hội trong nhà trường, để trẻ có thể nhận thức đúng đắn và được giáo dục một cách hệ thống, liên tục. Cần tạo điều kiện để trẻ được tiếp tục thực hành những kỹ năng này tại gia đình và ngoài xã hội. Muốn như vậy, nhà trường – gia đình và cộng đồng cần thiết lập được mối quan hệ vững chắc với nhau.
2.2.4 Đối tượng tham gia giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non
Bánh xe năng lực (nguồn https://casel.org)
Bánh xe năng lực được xây dựng bởi CASEL vừa thể hiện 5 năng lực cốt lõi của giáo dục tình cảm xã hội, vừa thể hiện được vai trò của những đối tượng tham gia vào việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non. Trong phạm vi lớp học, trẻ được tiếp cận với chương trình giảng dạy và hướng dẫn về giáo dục tình cảm xã hội từ giáo viên. Ở cấp độ nhà trường, những chính sách và cơ hội luyện tập thực hành trong toàn trường tạo điều kiện cho trẻ có môi trường tốt để phát triển. Ở cấp độ gia đình và xã hội, trẻ mở rộng được mối quan hệ với những người xung quanh, có cơ hội thực hành nhiều hơn và thấy rõ được sự liên kết giữa gia đình và cộng đồng. Mỗi đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục sẽ thể hiện những vai trò khác nhau với chức năng và nhiệm vụ khác nhau:
– Giáo viên có ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập về tình cảm xã hội của trẻ: Giáo viên có tác động mạnh mẽ đến việc hướng dẫn trẻ em phát triển tình cảm xã hội bằng cách tạo ra một môi trường an toàn, hỗ trợ tập trung vào cảm xúc của trẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tạo ra những chủ đề cùng thảo luận nhằm giúp trẻ phát triển. Môi trường an toàn do giáo viên tạo ra được thể hiện qua những vấn đề như: Sắp xếp lịch trình hàng ngày nhằm đảm bảo sự cân bằng trong các hoạt động và tạo sự thoải mái cho trẻ khi tham gia hoạt động; sắp xếp lớp học ngăn nắp nhằm tạo không gian tối ưu cho trẻ di chuyển và thể hiện tốt nhất trong mọi cuộc chơi; thể hiện sự tôn trọng giữa giáo viên và học sinh giúp trẻ cảm thấy được coi trọng, an toàn và tự tin khi giao tiếp với cô và các bạn; thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh giúp thúc đẩy cảm giác hạnh phúc và niềm tin cho trẻ em rằng chúng xứng đáng và được bảo vệ.
– Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ: Ban giám hiệu nhà trường là những người định hướng và đưa ra kế hoạch chung của nhà trường cũng như định hướng cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong từng lứa tuổi. Những định hướng đúng đắn sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển với đúng năng lực của bản thân. BGH cần làm thế nào để đưa các kĩ năng SEL vào trong các hoạt động hàng ngày của nhà trường. Những yêu cầu này bao gồm: Làm thế nào để tích hợp việc giảng dạy SEL với các nhiệm vụ học tập, làm thế nào để tạo không gian và thời gian cho SEL xuất hiện trong chương trình giảng dạy, cách lựa chọn chương trình và cách tiếp cận, làm thế nào để hỗ trợ giáo viên và nhân viên trong việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ .
– Sự ảnh hưởng của cha mẹ trong việc giáo dục SEL ở trẻ: Mối quan hệ lành mạnh được thiết lập với cha mẹ trong thời kỳ mẫu giáo và sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ sẽ cung cấp kinh nghiệm cho trẻ phát triển kỹ năng điều chỉnh trong quá trình xã hội hóa. Những hành vi gần gũi và cảm giác an toàn về cảm xúc được cung cấp bởi các bà mẹ liên quan mật thiết đến hành vi độc lập của trẻ em, trách nhiệm xã hội và mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa (Schermerhorn, Cummings, DeCarlo, & Davies, 2007), cũng như thành tích học tập của con (Chen et al., 2000).
– Cộng đồng là một mắt xích quan trọng trong việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ: Các nhà giáo dục, phụ huynh và các thành viên của cộng đồng cần phải có sự hợp tác hiệu quả trong việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non. Lãnh đạo địa phương, người đứng đầu tôn giáo, các tổ chức cộng đồng và các phương tiện truyền thông đều có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sứ mệnh của nhà trường. Quan hệ đối tác giữa cộng đồng với trường học góp phần cải thiện trường học bằng cách bồi dưỡng tích cực, thiết lập mối quan hệ lành mạnh, tập trung và xây dựng dựa trên thế mạnh và nâng cao khả năng của người lớn để xác định các vấn đề, huy động các nguồn lực và thúc đẩy tình cảm xã hội cũng như phúc lợi kinh tế cho gia đình, địa phương và chính trường học.
2.2.5 Phương pháp giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non
Trẻ mẫu giáo đang học những điều đầu tiên trong cuộc đời. Vì vậy, cùng với những mối quan hệ an toàn, trẻ nhỏ cần sự hướng dẫn từ người lớn liên quan đến các quy tắc ứng xử trong môi trường hoạt động và các tình huống xã hội. Trẻ cần học các kỹ năng sống cần thiết để hoạt động một mình hoặc tương tác có trách nhiệm với những người khác, đáp ứng được nhu cầu của bản thân và của những người xung quanh. Do đó, trẻ nhỏ học các kỹ năng SEL tốt nhất khi có sự hướng dẫn của người lớn, cả sự hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp.
– Hướng dẫn gián tiếp tập trung vào làm cho môi trường cảm xúc và hành vi của trẻ thuận lợi hơn. Khi sử dụng các kỹ thuật này, người chăm sóc cần có sự chủ động để tối đa hóa không chỉ hoạt động hiệu quả hàng ngày, mà còn là sự phát triển của trẻ em trong tất cả các lĩnh vực.
– Những hướng dẫn trực tiếp về các hành vi cụ thể của trẻ em là hết sức cần thiết. Các kỹ thuật hướng dẫn gián tiếp phù hợp với tất cả trẻ em cần được bổ sung hướng dẫn trực tiếp phù hợp với hành vi và nhu cầu và mối quan hệ của người lớn với một đứa trẻ cụ thể. Hướng dẫn trực tiếp thường nhấn mạnh cho phụ huynh và sự giám sát phong phú, linh hoạt sử dụng các kĩ thuật cụ thể trong chương trình GDMN (Bergin & Bergin, 1999; Cataldo, 1987; Greenberg, 1992).
Theo một cách tiếp cận khác, kết quả lý thuyết và thực nghiệm hiện nay hội tụ về ba kỹ thuật xã hội hóa thúc đẩy SEL ở trẻ em: xã hội hóa nhấn mạnh vào việc giảng dạy về cảm xúc và hành vi, mô hình cảm xúc và hành vi tích cực, chấp nhận và phản ứng phù hợp với cảm xúc và hành vi của trẻ em (Denham, Level & Hamada, 2002; Eisenberg, cumberland, & Spinrad, 1998; Gottman, Katz, & Hooven, 1997; Tomkins, 1991).
– Tập trung vào giáo dục cảm xúc và hành vi cho trẻ mầm non: Nếu giáo viên và các bậc cha mẹ cùng nhau tạo ra một môi trường cảm xúc, hành vi, suy nghĩ tích cực thì sẽ giúp giáo dục những năng lực này cho trẻ. Phương pháp để giáo dục cảm xúc và hành vi cho trẻ có thể sẽ là hướng dẫn trẻ suy nghĩ và tư duy logic về những điều sẽ xảy ra khi trẻ hành động (Johny sẽ không muốn chơi với con nếu con tiếp tục lấy đồ chơi của bạn) và khuyến khích trẻ đồng cảm hoặc xem xét quan điểm của người khác (Điều đó làm tổn thương Toby vì nhìn mặt Toby có vẻ buồn), hoặc khẳng định quyền lực liên quan đến đứa trẻ mà không giải thích bất cứ điều gì liên quan đến môi trường xã hội (Trả lại đồ chơi đó bây giờ, nếu không thì sẽ khác).
Người lớn nhận thức được cảm xúc và nói về chúng theo cách khác biệt, không phải lúc nào cũng nói với trẻ theo cách rao giảng về giáo dục. Khi người lớn nói chuyện với trẻ và giải thích cảm xúc của mình hoặc của những người khác, trẻ có thể sẽ thấu hiểu điều đó.
– Mô hình hóa các hành vi và cảm xúc phù hợp: Trẻ em liên tục quan sát hành vi của người lớn, và bắt chước những hành vi này để thể hiện thành hành vi của mình ra bên ngoài. Vì vậy, người lớn cần dạy trẻ em về các biểu cảm cảm xúc khác nhau, và cảm xúc nào được chấp nhận trong hoàn cảnh nào. Chính cảm xúc của người lớn trong các hoàn cảnh khác nhau cho trẻ thấy được những hành vi khác nhau có thể kèm theo những cảm xúc khác nhau. Vì vậy, biểu hiện cảm xúc của người lớn có tác động rất lớn đến sự hiểu biết của trẻ về cảm xúc cũng như những biểu cảm của họ.
Môi trường cảm xúc tích cực sẽ được trẻ lĩnh hội nhanh hơn, đồng thời sự điều tiết cảm xúc của trẻ cũng được lĩnh hội một phần từ biểu cảm thích hợp của các bà mẹ. Đối với những cảm xúc tiêu cực, mặc dù việc thể hiện và điều tiết những cảm xúc tiêu cực sẽ giúp trẻ lĩnh hội được những cảm xúc này, tuy nhiên việc thể hiện ra bên ngoài thường xuyên sẽ không tốt đối với trẻ.
– Chấp nhận và phản ứng phù hợp với những cảm xúc và hành vi của trẻ: Việc có phản ứng phù hợp với cảm xúc và hành vi của trẻ sẽ giúp trẻ nhận thức được thế nào là nên và không nên. Những phản ứng của người lớn có thể là sự khuyến khích hoặc không khuyến khích về hành động của trẻ.
Những phản ứng tích cực, chẳng hạn như khoan dung hoặc an ủi sẽ truyền tải thông điệp rất khác nhau rằng cảm xúc là quản lý được, thậm chí rất hữu ích. Những phản ứng này cần được ứng dụng trong các tình huống hàng ngày, điều này giúp cảm xúc của trẻ trở nên tốt hơn (Ví dụ, khi các bà mẹ thể hiện lòng nhân từ với những hành động tiêu cực của trẻ, sẽ giúp trẻ thân thiện hơn, ít đau khổ và quan tâm nhiều đến sự đau khổ của người khác). Ngoài việc cần có những phản ứng tích cực, người lớn cũng nên cho trẻ thấy những phản ứng không vừa lòng, không đồng ý để trẻ thấy được hành vi của mình là chưa phù hợp.
2.3. Tầm quan trọng của giáo dục tình cảm xã hội đối với sự phát triển của trẻ mầm non
Phát triển tình cảm, xã hội là một trong những nhiệm vụ thiết yếu nhất và đầy thử thách của thời thơ ấu. Giáo dục tình cảm xã hội góp phần đặt những viên gạch nền tảng cho việc học tập suốt đời, phát triển sức khoẻ thể chất, tinh thần và góp phần xây dựng xã hội hoà bình; phát triển các mối quan hệ tích cực của trẻ với thế giới xung quanh; tăng cường khả năng sẵn sàng vào lớp Một và thành công trong tương lai.
– Thứ nhất, giáo dục phát triển tình cảm xã hội góp phần phát triển năng lực cá nhân và cộng đồng, xây dựng một xã hội gắn kết, hoà bình. Tình cảm xã hội là một phương thức hành động của cá nhân trong môi trường xã hội – đóng vai trò quan trọng giúp cho cá nhân thích ứng và hòa nhập với xã hội trên cơ sở phát huy giá trị xã hội của cá nhân. Sự phát triển tình cảm xã hội ngay từ lứa tuổi mầm non có ảnh hưởng quyết định đến quá trình xã hội hóa của đứa trẻ, cũng như đến sự thành công của trẻ sau này. Các nghiên cứu (Đ.B. Encônhin, A.N. Leonchiev, A.Đ Liublinskaia, A.V. Petrovxki, A.I. Xorokina, A.V. Zaporozet…) cũng chỉ ra rằng, nếu đứa trẻ không đạt được sự phát triển tình cảm và xã hội tối thiểu vào khoảng 6 tuổi thì trẻ có thể gặp nhiều khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, thông qua việc quan sát các mối quan hệ trong cuộc sống, các kỹ năng như quan sát, tư duy của trẻ cũng được rèn luyện và phát triển. Trẻ nhận thức được những tình huống khác nhau, từ đó phân tích, khái quát, đánh giá và có những hành vi, thái độ ứng xử phù hợp. Từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển nhận thức, hình thành và phát triển năng lực cá nhân.
– Thứ hai, giáo dục tình cảm xã hội góp phần phát triển các mối quan hệ tích cực của trẻ với thế giới xung quanh. Khi tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội, trẻ nhận ra được tác động qua lại giữa các đối tượng và hiểu được mối quan hệ đó. Từ đó, trẻ có thể thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực với thế giới xung quanh, tăng cường khả năng đối phó với sự căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống. Cũng thông qua việc tương tác với thế giới xung quanh, trẻ biết cách xây dựng các mối quan hệ an toàn, hiệu quả, phát huy được tính độc lập, tự chủ của bản thân. Giáo dục tình cảm xã hội cũng giúp trẻ cảm thông với mọi người, biết yêu thương, trân trọng những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, có trách nhiệm với những hành động của bản thân và với người khác.
– Thứ ba, giáo dục tình cảm xã hội góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng vào lớp Một và sự thành công trong tương lai. Giáo dục tình cảm xã hội có tác động tích cực, là nền tảng vững chắc nhằm thúc đẩy các mặt phát triển toàn diện khác của trẻ. Sự tác động qua lại của các mặt phát triển (bao gồm cả phát triển tình cảm xã hội) giúp trẻ nhận thức được về thế giới xung quanh, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và có thái độ tích cực, chuẩn bị đầy đủ hành trang để có thể bước vào lớp Một. Ngoài ra, giáo dục tình cảm xã hội cũng giúp trẻ hình thành những năng lực cá nhân như khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng kiểm soát và làm chủ cảm xúc của bản thân, mở rộng các mối quan hệ và đưa ra những quyết định có trách nhiệm. Những năng lực này là hành trang vững chắc để trẻ có thể hòa nhập với mọi người và thành công trong tương lai.
Mối quan hệ của giáo dục tình cảm xã hội đối với các mặt phát triển của trẻ em
Giáo dục tình cảm xã hội là một yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện của trẻ, thông qua việc tác động qua lại giữa SEL với tất các các mặt phát triển khác ở trẻ em.
Sơ đồ về mối quan hệ của giáo dục TCXH với các mặt phát triển của trẻ em
– Thứ nhất, giáo dục tình cảm xã hội có tác động đến sự phát triển nhận thức của trẻ mầm non: Giáo dục tình cảm xã hội cung cấp hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ có giá trị bao gồm các quá trình cảm xúc, xã hội, kỹ năng giao tiếp, ra quyết định. Tình cảm xã hội không bao giờ tách biệt, riêng lẻ mà đồng thời tác động đến các quá trình nhận thức (cảm tính, lý tính) ở trẻ. Tình cảm xã hội đòi hỏi trẻ phải nhận thức được các trạng thái cảm xúc của chính mình và của người khác; nhận thức được những cảm xúc tích cực và tiêu cực, những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội từ đó giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc, hình thành các cảm xúc tích cực, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực. Như vậy, tình cảm xã hội giúp trẻ mở rộng kiến thức của bản thân, từ những kiến thức có được kết hợp với kinh nghiệm trước đó, trẻ có thể quay trở lại điều chỉnh hành vi phù hợp với yêu cầu chung của xã hội.
– Thứ hai, giáo dục tình cảm xã hội và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em có mối quan hệ chặt chẽ: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình cảm xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cá nhân của con người. Khi trẻ hòa đồng với người khác, nhận ra điểm mạnh của riêng mình, thích nghi, tạo dựng các mối quan hệ tích cực, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả và tự điều chỉnh hành vi của bản thân sẽ giúp trẻ mở rộng mối quan hệ, tăng cường tương tác với những người xung quanh, từ đó phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp. Ngược lại, ngôn ngữ là một trong những công cụ quan trọng nhất cho sự phát triển nhận thức, thành tích đọc và thành tích học tập chung cũng như cho các mối quan hệ xã hội. Ngôn ngữ cho phép trẻ chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, cách nhìn nhận, đánh giá và hướng giải quyết vấn đề một cách sâu sắc, dễ dàng nhất.
– Thứ ba, giáo dục tình cảm xã hội có tác động đến sự phát triển thể chất, giúp trẻ phát triển cơ thể khỏe mạnh và trở nên hạnh phúc: Tình cảm xã hội tác động trực tiếp đến cảm xúc của bản thân trẻ, những cảm xúc này lại có ảnh hưởng đến các biểu hiện hành vi của trẻ ra bên ngoài. Khi trẻ vui, trẻ có thể nô đùa, chạy nhảy, hò hét; khi trẻ buồn, trẻ chẳng muốn đứng lên vận động; khi tức giận, trẻ làm những việc mà bản thân trẻ không thể kiểm soát được…. Như vậy, tình cảm xã hội có thể kích thích hoặc kìm hãm hành động, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ. Ngược lại, sự phát triển thể chất cũng có tác động không nhỏ đến tình cảm xã hội của trẻ. Những trẻ khỏe mạnh, vui vẻ sẽ tích cực và tự tin tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống, tăng cường thiết lập các mối quan hệ, thể hiện sự vui vẻ hào hứng khi chơi đùa với những người xung quanh. Những trẻ em gặp vấn đề về sức khoẻ thể chất, tinh thần như bị ốm sốt, mệt mỏi, trầm cảm, tăng động ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng nhận thức, sự nhạy cảm về cảm xúc, khả năng thiết lập, duy trì một mối quan hệ tích cực và giải quyết vấn đề của trẻ .
– Thứ tư, giáo dục phát triển tình cảm xã hội và giáo dục phát triển thẩm mỹ có mối quan hệ gần gũi, tác động, hỗ trợ lẫn nhau trong sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non: Xem xét dưới góc độ tâm lý học, tình cảm xã hội và tình cảm thẩm mỹ gắn bó chặt chẽ, song song tồn tại và đan cài với nhau. Đặc điểm giàu xúc cảm là nét đặc trưng trong sự phát triển tâm lý của trẻ mầm non, do đó, nó là cơ sở tạo điều kiện cho các năng lực tình cảm xã hội và năng lực thẩm mỹ phát triển. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cảm xúc của trẻ bộc lộ rất chân thật gồm cả cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực. Đây là phương thức để trẻ trải nghiệm, nhận biết cảm xúc của bản thân và những người khác. Ngược lại, các cảm xúc của trẻ dù là tích cực hay tiêu cực cũng tác động đến cảm nhận của trẻ về cái đẹp, sự thể hiện của trẻ vào các sản phẩm nghệ thuật cũng như những hoạt động thẩm mỹ. Khi trẻ vui, trẻ tạo ra những bức tranh sinh động, khi trẻ buồn, những bức tranh của trẻ trở nên thiếu sức sống, ảm đạm…
Như vậy, có thể thấy giáo dục tình cảm xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các mặt phát triển toàn diện của trẻ mầm non, trong đó giáo dục tình cảm xã hội là một trong những chìa khóa để trẻ thành công ở trường và trong cuộc sống. Nhận biết được mối quan hệ chặt chẽ này, các nhà giáo dục cần thúc đẩy sự phát triển tình cảm xã hội của tất cả trẻ em trong và ngoài lớp học thông qua việc tạo dựng môi trường và mở rộng cơ hội tương tác tích cực giữa trẻ với những người khác (bạn bè, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, gia đình, cộng đồng).
3. Kết luận
Giáo dục tình cảm xã hội có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc học tiếp theo ở phổ thông và phát triển năng lực cá nhân nhằm kiến tạo sự thành công của trẻ trong tương lai. Việc giáo dục tình cảm xã hội của trẻ đã được thực hiện trong các nhà trường theo chương trình giáo dục mầm non, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao với một số nguyên nhân đã được chỉ ra trong bài viết. Những kiến nghị và đề xuất cho việc giáo dục tình cảm xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ mầm non, hình thành những năng lực cá nhân cho trẻ, góp phần phát triển giáo dục nói riêng và hình thành nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển xã hội hiện đại nói chung trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Miquel Àngel Alegre, Social-emotional and metacognitive learning in schools: what works?
[2]. Nguyễn Thị Cẩm Bích, Nguyễn Thị Thúy Liễu, Chu Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Trang (2019), Báo cáo cơ sở lý luận về giáo dục tình cảm xã hội trong giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mầm non.
[3]. Jonathan Cohen (2001), Social and Emotional Education: Core concepts and practices
[4]. Carlifornia Department of Education, (2010), California Preschool Curriculum Framework, Volume 1.
[5]. Committee on Integrating the Science of Early Childhood Development, Board on Children, Youth, and Families, National Research Council and Institute of Medicine, (2000), From Neurons to Neighborhoods: The Science of Early Childhood Development, Jack P. Shonkoff and Deborah A. Phillips, Editor.
[6]. Denham, S. A., & Weissberg, R. P. (2004). Social-emotional learning in early childhood: What we know and where to go from here. In E. Chesebrough, P. King, T. P. Gullotta, & M. Bloom (Eds.), A blueprint for the promotion of prosocial behavior in early childhood (pp. 13-50). New York: Kluwer Academic/ Plenum Publishers.
[7]. Stephanie M. Jones and Suzanne M. Bouffard, Social and Emotional Learning in Schools from Programs to Strategies, sharing child and youth development knowledge, volume 26, number 4 2012.
[8]. https://dmh.mo.gov/healthykids/parents/social-emotional-development
[9]. https://casel.org/what-is-sel/