nguyên tắc hành vi chỉ xuất phát từ lợi ích cá nhân của riêng mình, không đếm xỉa đến lợi ích của những người xung quanh và của xã hội; là hình thức biểu hiện trực tiếp của chủ nghĩa cá nhân. CNVK xuất hiện cùng với chế độ tư hữu; nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm cho CNVK trở thành động cơ phổ biến của hoạt động (kinh doanh). Ý thức đạo đức thông thường bao giờ cũng lên án CNVK, đối lập nó với chủ nghĩa vị tha. Nhưng trong lịch sử, CNVK đã có lúc đóng vai trò tiến bộ: chống lại đạo đức khổ hạnh của tôn giáo thời phong kiến, coi trọng những phúc lợi trần gian của con người. Các nhà tư tưởng Khai sáng thế kỉ 17 – 18 đưa ra thuyết CNVK hợp lí: nếu hiểu lợi ích của bản thân mình “một cách hợp lí” thì lợi ích của mỗi cá nhân cũng tức là lợi ích của toàn xã hội. CNVK hợp lí thực ra chỉ là sự lí tưởng hoá hoạt động kinh doanh tư nhân. Nhà tư bản chỉ theo đuổi lợi ích cá nhân, nhưng đồng thời cũng sản xuất ra hàng hoá, làm dịch vụ, có nghĩa là phục vụ xã hội. Thực tiễn của chủ nghĩa tư bản đã bác bỏ cái ảo tưởng về tính hợp lí vĩnh hằng của xã hội tư sản: CNVK lộ ra là bất nhân, lợi mình hại người. Nó bào chữa cho tệ người bóc lột người và trong thực tế hàng ngày, có nghĩa là thái độ dửng dưng với mọi người xung quanh và sẵn sàng giẫm đạp lên lợi ích của họ. Với tư cách là một học thuyết, CNVK cho rằng bản tính của con người là vị kỉ (ích kỉ) – đây là một nhận định không khoa học, vì xem xét bản tính con người một cách trừu tượng, bên ngoài quá trình phát triển xã hội – lịch sử.