Ai trong chúng ta có lẽ cũng từng trải qua cảm giác mệt mỏi chán ăn, chẳng muốn động đũa. Mặc dù nhịn ăn một, hai buổi tưởng chừng như chẳng có gì ghê gớm, nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất có hại cho sức khỏe.
Cụ thể, chán ăn hay mất cảm giác ngon miệng khiến bạn không thể nhận đủ nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Hệ quả là cơ thể ngày càng suy kiệt, không đủ sức chống đỡ bệnh tật. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Bài viết dưới đây sẽ mách bạn một vài mẹo khắc phục khi rơi vào tình huống này.
Nguyên nhân nào gây nên tình trạng mệt mỏi, chán ăn
Trên thực tế, mệt mỏi, chán ăn xảy ra ở mọi lứa tuổi và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:
-
Đó có thể là do căng thẳng, áp lực từ công việc, cuộc sống khiến tinh thần bất ổn không còn hứng thú với thức ăn
-
Hay thói quen sinh hoạt thất thường, ăn uống không điều độ, thiếu chất dẫn đến cơ thể suy nhược
-
Đôi khi biếng ăn cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang đối mặt với các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn bệnh về nội tiết (suy tuyến giáp, suy thượng thận) hay bệnh lao phổi thường có triệu chứng chán ăn kèm theo
-
Một số vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu gây cảm giác khó chịu không muốn tiếp tục dùng bữa
-
Nhiều trường hợp hiện tượng này chỉ là phản ứng phụ của một vài loại thuốc
Điểm mặt những thực phẩm có thể giúp bạn “đánh bại” chứng mệt mỏi, chán ăn
Mỗi khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, bạn hãy tìm đến những loại thực phẩm sau:
-
Chuối
Chẳng phải ngẫu nhiên mà chuối được mệnh danh là “thực phẩm siêu năng lượng”. Theo các nhà dinh dưỡng, chuối chín được cơ thể tiêu hóa nhanh và cung cấp nguồn năng lượng đáng kể nhờ vào đường tự nhiên, amino axit cùng hàng loạt những dưỡng chất thiết yếu. Hơn nữa, chuối rất gọn nhẹ và bạn có thể mang theo bên mình để nạp năng lượng bất cứ lúc nào.
-
Ăn các loại thịt nạc
Người bị mất sức, mệt mỏi, chán ăn được khuyên là nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày các loại thịt nạc, chẳng hạn: thịt bò, gà (đã lọc bỏ da), thịt lợn hoặc ức gà. Bởi lẽ, chúng mang lại cho cơ thể nguồn dinh dưỡng cần thiết để phục hồi và cải thiện tâm trạng. Tuy nhiên, bạn nên cân đối khẩu phần vì thịt nạc thường có nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe tim mạch.
-
Người mệt mỏi, chán ăn nên bổ sung các loại hạt
Việc tiêu thụ các loại hạt là giải pháp tối ưu “giải thoát” bạn khỏi sự mệt mỏi và chống đói. Lý do vì thành phần của chúng bao gồm chất béo, đạm thực vật, cùng các vitamin và khoáng chất mang lại nguồn năng lượng tuyệt vời. Những lúc lười ăn, tại sao bạn không thử nhâm nhi một vài hạt hướng dương, hạnh nhân hay óc chó giòn tan, đảm bảo bạn sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác chán ăn.
Để bảo vệ sức khỏe, lời khuyên là nên chọn hạt không phải loại đóng gói sẵn thường chứa nhiều muối và các loại dầu không lành mạnh.
-
Ăn trứng
Nếu hỏi người chán ăn, mệt mỏi nên dùng gì thì chắc chắn đấy là trứng. Ngoài chuyện giàu dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm có tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn, trứng còn có thể chế biến ra nhiều món dễ ăn mà cực hấp dẫn. Từ món trứng xào khổ qua bắt mắt, cho đến trứng hấp đậu phụ mềm tan trong miệng, thậm chí chỉ đơn giản là món trứng rán hành lá gợi bao ký ức tuổi thơ cũng đủ thôi thúc bạn ngồi ngay vào bàn ăn rồi phải không!
-
Táo
Để tạo cảm giác ngon miệng, bạn nên thử uống nước ép táo hoặc dùng các món liên quan đến thức quả này. Đây là loại trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất, trong đó phải kể đến vitamin C và kali giúp nâng cao sức đề kháng, thúc đẩy hệ tiêu hóa làm việc tốt, nhờ vậy mà những người suy nhược lâu ngày sẽ khỏe dần lên.
-
Uống nước giữa bữa ăn
Vì rằng việc uống nước ngay trước hoặc suốt quá trình dùng bữa sẽ khiến dạ dày trương nở. Điều này khiến bạn thấy no và ít muốn ăn hơn. Do vậy, cách tốt nhất là hãy hạn chế uống nước khi đang ăn hoặc nếu vẫn muốn dùng, chỉ nên nhấm nháp vài ngụm nhỏ. Ngoài ra, để tăng mức năng lượng và cải thiện tâm trạng, bạn nên đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
Cách phòng ngừa chứng chán ăn
Đừng để chứng chán ăn, mệt mỏi ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, thay vào đó hãy bỏ túi ngay những biện pháp phòng ngừa sau đây:
-
Ăn nhiều hơn món mình yêu thích, đặc biệt là những thực phẩm cung cấp hàm lượng calo, protein và chất béo lành mạnh. Ngoài ra, tránh việc sa vào tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, đồ uống có gas. Mặc dù trông khá ngon miệng nhưng chúng lại nghèo dinh dưỡng và gây nhiều bất lợi cho sức khỏe
-
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, có như thế dạ dày mới đủ thời gian tiêu hóa thức ăn. Một khi chứng biếng ăn được cải thiện, bạn có thể bắt đầu tăng khẩu phần và sử dụng đa dạng nhiều nguyên liệu hơn trong bữa ăn
-
Hoạt động thể chất vừa phải có tác dụng làm tăng ham muốn ăn uống. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ xuất hiện khi bạn đã quen với nhịp luyện tập thường xuyên. Lời khuyên là hãy dành khoảng 20 phút để dạo bộ hoặc làm một chút việc nhà trước khi ngồi vào bàn ăn
-
Khi thấy mệt mỏi, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Việc này sẽ giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại cân bằng
Bên cạnh những lời khuyên trên, bạn cũng có thể chọn sử dụng thêm men vi sinh, đặc biệt là loại có thành phần Saccharomyces boulardii an toàn cho cả người lớn lẫn trẻ em, giúp cải thiện tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Top tìm kiếm: thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, Cải thiện hệ tiêu hóa cho trẻ, bài tập yoga tốt cho hệ tiêu hóa, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Tài liệu tham khảo
What’s Causing My Fatigue and Loss of Appetite?
https://www.healthline.com/health/fatigue-and-loss-of-appetite#Food-Fix:-Foods-to-Beat-Fatigue
What causes a loss of appetite?
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324011
16 Ways to Increase Your Appetite
https://www.healthline.com/nutrition/16-ways-to-increase-appetite
27 Foods That Can Give You More Energy
https://www.healthline.com/nutrition/energy-boosting-foods#1.-Bananas
Nutrition Tips for Managing Loss of Appetite