CHƯƠNG 5: Nhớ về quá khứ

TIỀN KIẾP

– CÓ HAY KHÔNG?

Tác giả

: Jim B. Tucker

Hoàng Mai

Hoa dịch

Đỗ Hoàng Tùng

hiệu đính

Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 5
NHỚ VỀ

QUÁ KHỨ

Sujith Jayaratne – một cậu bé sống ở ngoại ô thủ đô Colombo của Srilanka – bắt đầu tỏ ra rất sợ xe tải và thậm chí cả từ lorr – từ tiếng Anh chỉ xe tải được du nhập vào ngôn ngữ Sihanlese, khi chỉ mới tám tháng tuổi. Khi biết nói, cậu bé kể mình đã từng sống ở Gorakana – một ngôi làng nằm cách đó 11km và mình đã chết sau khi bị một chiếc xe tải đâm vào.

Cậu bé đã nói rất nhiều câu về cuộc đời đó. Ông bác của cậu bé – một nhà sư ở một ngôi đền bên cạnh – đã nghe được một số câu và kể về Sujith với một nhà sư trẻ tuổi hơn ở ngôi đền. Vị sư này rất quan tâm đến trường hợp của cậu bé, nên ông đã nói chuyện với Sujith, lúc đó chỉ hơn hai tuổi rưỡi, về kí ức của cậu bé và sau đó ghi chép lại cuộc nói chuyện trước khi tìm cách kiểm tra độ chính xác của những câu em nói ra. Vị sư đã ghi rằng Sujith nói mình đến từ Gorakana và sống trong khu vực Gorakawatte, bố cậu tên là Jamis và bị hỏng con mắt bên phải, cậu đã đi học ở một kabal iskole, nghĩa là “một ngôi trường tồi tàn” và có một thầy giáo tên Francis, cậu vẫn thường cho tiền một cô gái tên Kusuma – người hay làm món bánh mỳ xoắn ốc cho cậu. Cậu bé cũng nhắc đến việc mình đã cúng tiền cho ngôi đền Kale Pansala, hay còn gọi là đền Forest Temple và kể ở đó có hai nhà sư, tên của một trong hai vị là Amitha. Em còn nói nhà của mình được sơn màu trắng, nhà vệ sinh nằm cạnh hàng rào và em thường tắm bằng nước mát.

Sujith cũng đã kể cho mẹ và bà mình nghe một số chi tiết khác về cuộc đời kiếp trước nhưng không ai ghi lại chúng cho đến khi đã xác định được người tiền kiếp. Cậu bé nói tên mình là Sammy và thỉnh thoảng cậu vẫn gọi tên mình là “Gorakana Sammy”. Kusuma – cô gái mà cậu bé đã kể cho nhà sư – là con gái của em gái cậu, cô sống ở Gorakana và có mái tóc rất dày và dài. Cậu bé nói tên vợ cậu là Maggie, còn tên con gái họ là Nandanie. Cậu bé đã làm việc cho một nhà ga tàu hỏa và từng một lần trèo lên đỉnh Adams Peak – một ngọn núi cao ở miền Trung Srilanka. Cậu đã vận chuyển rượu Arac – một loại rượu lậu – bằng một con thuyền đã từng bị lật úp một lần và khiến cậu mất toàn bộ số rượu trên đó. Cậu bé kể vào ngày mình chết, cậu và Maggie đã cãi nhau. Chị đã bỏ đi khỏi nhà, còn cậu đi đến cửa hàng. Trong lúc băng qua đường, một chiếc xe tải đã cán phải cậu và cậu đã chết.

Nhà sư trẻ đi đến Gorakana để tìm kiếm một gia đình giống những lời kể của Sujith. Sau vài nỗ lực, vị sư đã phát hiện được chuyện một người đàn ông 50 tuổi tên Sammy Fernando, hay “Gorakana Sammy” như thỉnh thoảng người ta vẫn gọi, đã chết sau khi bị một chiếc xe tải đâm phải sáu tháng trước khi Sujith được sinh ra. Tất cả các câu nói của Sujith đều đúng với Sammy Fernando, ngoại trừ chi tiết ông đã chết ngay sau khi bị chiếc xe đâm phải. Sammy Fernando đã chết một hoặc hai tiếng đồng hồ sau khi được đưa tới bệnh viện.

Sau khi xác định được Sammy Fernando chính là người tiền kiếp của cậu bé, Sujith đã nhận ra một số người quen của Sammy và bình luận về những thay đổi trên đất đai của Fernando. Cậu bé nhận ra những điều này trong lúc không có mặt bất cứ nhân chứng nào khác ngoài người thuộc hai gia đình, nhưng nhà sư đã nghe cậu gọi tên cháu trai của Sammy Fernando.

Tiến sĩ Stevenson đã phỏng vấn các nhân chứng một năm sau khi Sammy Fernando được xác định là người tiền kiếp. Ông đã phỏng vấn 35 người trong quá trình điều tra, bao gồm cả Sujith, lúc đó đã ba tuổi rưỡi và vẫn tiếp tục kể về cuộc sống kiếp trước. Tiến sĩ Stevenson đã phát hiện ra rằng mặc dù gia đình của Sujith và Sammy chưa biết nhau trước khi chuyện này xảy ra nhưng có hai người trong vùng Sujith sống có quan hệ với Sammy Fernando. Gia đình của Sujith có biết qua về một trong hai người đó, một người bạn nhậu trước kia của Sammy và không hề quen biết người còn lại là em gái của Sammy. Gia đình em không hề biết Sujith đang nói về ai cho đến khi nhà sư đó đến Gorakana. Thực tế là cả mẹ Sujith và nhà sư đều chưa hề nghe đến cái tên Gorakana trước khi trường hợp này xảy ra, vì nó là một ngôi làng khá nhỏ cách xa vùng Colombo.

Bên cạnh nỗi sợ xe tải, Sujith còn có những hành động khác tương tự như của Sammy Fernando. Cậu bé vẫn thường giả vờ uống rượu Arac rồi giả vờ sau. Em còn thử hỏi xin rượu Arac từ những người hàng xóm của mình, trong đó có một người đã cho em cho đến khi bà ngoại em can thiệp. Thêm vào đó, cậu bé còn thử hút thuốc. Trong nhà cậu không có ai uống rượu Arac hay hút thuốc, nhưng Sammy Fernando dùng cả hai thứ này rất nhiều. Sujith cũng đòi ăn những món nhiều gia vị mà Sammy Fernando vẫn thường ăn và là những món mà gia đình cậu bé, vốn chỉ thỉnh thoảng dùng và thường sẽ không nghĩ đến việc cho một đứa trẻ ăn. Ngoài ra, hồi mới biết đi cậu bé có xu hướng rất hung hăng và hay sử dụng những từ tục tĩu, hai thói quen Sammy Fernando hay thể hiện ra mỗi lần say rượu. Đến năm Sujith sáu tuổi, cậu bé không còn kể về cuộc đời của Sammy Fernando nữa và ít có những hành động khác thường hơn. Tuy nhiên cậu bé vẫn đòi được uống rượu Arac mỗi khi nhìn thấy người khác uống nó.

Chúng ta nên nghĩ thế nào về trường hợp này? Mặc dù có thể chúng ta muốn có một cách giải thích đơn giản bình thường nhưng liệu chúng ta có thật sự nghĩ rằng tất cả những người này đã lập ra một kế hoạch chi tiết để đánh lừa Tiến sĩ Stevenson? Hay những chi tiết Sujith đã kể ra chỉ ngẫu nhiên trùng khớp với cuộc đời của Sammy Fernando? Hay em gái và bạn nhậu của Sammy – những người không có quan hệ gì với nhà Sujith – đã bí mật kể cho cậu bé những điều vô nghĩa về cuộc đời của Sammy, khiến cậu nghĩ rằng mình chính là Sammy?

Các đặc điểm của những câu nói về kiếp trước

Trường hợp của Sujith có rất nhiều đặc điểm điển hình của những trường hợp này: Một đứa trẻ liên tục nói mình nhớ được những chuyện của kiếp trước và cung cấp đủ thông tin để xác định được một người đã chết có cuộc đời trùng hợp với những lời nói đó. Chúng ta hãy đi sâu vào các đặc điểm của những câu nói này.

Độ tuổi khi trẻ bắt đầu kể về kiếp trước

Sujith bắt đầu kể về kiếp trước khi cậu bé được hai tuổi rưỡi và độ tuổi trung bình là 35 tháng. Trong một số trường hợp, trẻ không kể bằng lời mà dùng các cử chỉ hành động liên quan đến cuộc sống kiếp trước vì lúc đó trẻ chưa phát triển được các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để truyền đạt các thông tin. Kumkum Verma, một trường hợp tôi sẽ bàn tới ngay sau đây, không biết từ chỉ thợ rèn vì thế cô bé đã nói người con trong kiếp trước của mình làm việc với một cái búa và sử dụng các cử chỉ để diễn tả cách một thợ rèn dùng búa và cách ống thổi của họ hoạt động. Độ tuổi nhỏ có vẻ hợp lý vì chúng tôi nghĩ rằng nếu trẻ có kí ức về kiếp trước thật thì chúng phải ở trong đầu trẻ ngay từ khi mới sinh ra. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Khi những trẻ lớn hơn thuật lại kí ức về kiếp trước thì thường là vì các em đã nhìn thấy những việc làm các em nhớ lại những sự kiện trong quá khứ. Tiến sĩ Jame Matlock đã phân tích 95 trường hợp và phát hiện ra rằng độ tuổi khi trẻ bắt đầu kể về kiếp trước càng lớn thì càng có khả năng một vật gì đó ở môi trường xung quanh đã kích thích kí ức của trẻ.

Trường hợp của Sujith điển hình ở chỗ cậu bé thôi không kể về cuộc sống kiếp trước khi cậu bước sang tuổi thứ sáu. Hầu hết các trẻ đều ngừng nói những điều này ở độ tuổi sáu hoặc bảy và các em không những ngừng kể chuyện mà còn nói mình không hề nhớ gì về kiếp trước khi được hỏi. Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao lại như vậy. Một khả năng là vì khi đó trẻ bắt đầu đi học nên các em trở nên hòa nhập hơn với cuộc sống hiện tại và quên đi kí ức về kiếp trước. Có lẽ một nguyên nhân quan trọng hơn là khi đến độ tuổi này, tất cả trẻ em đều mất đi hầu hết các kí ức về thời thơ ấu của mình. Một đứa bé mới biết đi có thể biết một người bạn của gia đình mình, nhưng nếu người đó chuyển đi nơi khác, đứa trẻ thường sẽ không nhớ gì về họ nữa khi lên sau hoặc bảy tuổi. Hiện tượng như vậy vẫn được gọi là “early childhood amnesia” (chứng quên ở trẻ nhỏ) và mặc dù vẫn còn tranh cãi về các nguyên nhân gây ra nó, hiện tượng này rõ ràng là có xảy ra.

Theo lôgic, những đứa trẻ tỏ ra có trí nhớ về kiếp trước cũng phải mất đi những kí ức này vào cùng một độ tuổi; nếu không chúng ta sẽ thắc mắc vì sao trẻ lại có thể giữ lại được những kí ức lâu đời hơn những kí ức đã mất. Điều này lại khác nhau đối với từng trẻ và một số người kể lại rằng họ vẫn có kí ức về kiếp trước cho đến tận tuổi trưởng thành cũng như một số người lớn cho biết mình vẫn nhớ những việc xảy ra hồi nhỏ. Dù vậy, hầu hết các đối tượng đều quên đi kiếp trước của mình sau một vài năm. Trong số 300 trường hợp ở các nền văn hóa khác nhau, độ tuổi trung bình khi các đối tượng ngừng nói về kiếp trước là 72 tháng (hay sáu năm), nhưng độ tuổi này có khác nhau một chút theo từng đối tượng. Cụ thể, những đứa trẻ trong các trường hợp đã giải quyết có xu hướng giữ được những kí ức này lâu hơn những trẻ trong các trường hợp chưa được giải quyết, có thể là vì các chuyến thăm qua lại giữa hai gia đình đã củng cố chúng.

Các chi tiết của những câu nói

Những gì Sujith đã nói khá điển hình cho các trường hợp của chúng tôi. Vì cậu bé miêu tả cuộc đời của một người chết đi khi đã là người lớn nên cậu hầu như chỉ nói về những người và vật từ giai đoạn trưởng thành của người đó. Có đôi lúc các đối tượng kể về những thứ lâu đời hơn, chẳng hạn như lúc Sujith miêu tả ngôi trường Sammy đã từng học, nhưng hầu hết trẻ đều chỉ nói về những thứ ở gần cuối cuộc đời của người tiền kiếp. Và dĩ nhiên chúng bao gồm cả cái chết của người đó. Sujith đã miêu tả các sự kiện trong ngày xảy ra vụ tai nạn và kể lại cách người tiền kiếp đã chết, như 75% các đối tượng khác. Đặc điểm này phù hợp với giả thiết kí ức được truyền từ kiếp này sang kiếp khác. Cũng như chúng ta nhớ rõ về những sự kiện mới xảy ra gần đây hơn những sự kiện từ lâu, những đứa trẻ này tập trung vào những sự việc xảy ra vào cuối đời như thể kí ức của các em được truyền lại từ thời điểm người tiền kiếp chết.

Những câu nói của Sujith về cái chết của người tiền kiếp cũng điển hình cho nhiều trường hợp của chúng tôi. Trong những trường hợp xác định được cách người tiền kiếp chết, 70% trong số những người đó đã chết vì những nguyên nhân bất thường như chết đuối, bị giết, bị tai nạn.

Một người hoài nghi có thể lập luận rằng mọi người thường có xu hướng nói nhiều về những cái chết bất thường hơn những cái chết tự nhiên, vì thế trẻ có nhiều khả năng biết về chúng hơn và sau đó nhận là mình nhớ được chúng. Trong trường hợp của Sujith đã làm lộ ra một điểm yếu trong lập luận đó. Cái chết của Sammy Fernando xảy đến khi ông đi qua trước mặc một chiếc xe tải không khác thường đến nỗi nó có thể trở thành một chủ đề nói chuyện đến tận ba năm sau đó. Hơn nữa, Sujith đã miêu tả rất nhiều chi tiết về Sammy Fernando không hề liên quan gì đến cái chết của ông và vào thời điểm đó khó có ai nói về chúng ở bất cứ nơi nào.

Tuy hầu hết các trẻ đều nói về cái chết nhưng những câu nói như thế phổ biến hơn trong những trường hợp người tiền kiếp đã chết một cách bất thường. Mặc dù có 75% trẻ đã miêu tả cách người tiền kiếp chết, nhưng chỉ có 57% làm thế trong trường hợp người đó chết vì nguyên nhân tự nhiên. Điều này cho thấy cái chết vì bệnh tật có thể không ảnh hưởng đến ý thức theo cùng một cách với một cái chết bất ngờ hoặc bất thường.

Cách kể chuyện

Cách trẻ kể về cuộc sống kiếp trước có thể khác nhau. Một số trẻ nói về kí ức kiếp trước của mình với vẻ thờ ơ, lãnh đạm nhưng rất nhiều em thể hiện cảm xúc mãnh liệt trong khi nói về những người từ cuộc sống kiếp trước. Một số em còn hầu như ngày nào cũng khóc đòi được trở về gia đình kiếp trước. Mặt khác, lại có một bé gái người Mỹ tên Olivia chỉ nói về cuộc sống kiếp trước của mình duy nhất một lần khi em chưa đầy ba tuổi. Trong lần duy nhất đó, mẹ cô bé kể rằng em đã trở nên rất đau buồn khi nói mình cần phải trở về gia đình trước kia. Olivia đã thuật lại sự việc con trai mình bị giết và một người đàn ông nắm lấy tay mình và không chịu thả em ra. Cô bé đã khóc rất nhiều trong vòng 30 phút nhưng sau đó đã bình thường trở lại và không bao giờ nói về những sự kiện đó lần nào nữa. Trường hợp của cô bé vẫn chưa giải quyết được và là một bí ẩn ở nhiều khía cạnh. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ đến kiếp trước nhưng việc một đứa trẻ trở nên đau buồn đến mức đó trong một trò chơi đánh lừa hoặc vì một chuyện em đã nghe trên tivi hay đài có vẻ thật khác thường.

Trẻ không kể ra những thông tin về cuộc đời kiếp trước như những sự thật khách quan mà là những sự việc đã xảy ra dưới góc nhìn của người đã chết. Sujith không kể về những sự kiện trong cuộc đời của Sammy Fernando đơn thuần như cuộc đời của một người đàn ông 50 tuổi mà là những chi tiết về việc mình đã từng là người đàn ông này. Cậu bé nói “vợ tôi” và “nhà tôi”, cho thấy cậu nghĩ mình chính là người đã chết.

Khi kể chuyện, một số trẻ sử dụng thời quá khứ trong khi những trẻ khác dùng thời hiện tại. Sujith đã thường nói về những người trong cuộc đời của Sammy Fernando bằng thời hiện tại. Khi bắt đầu kể về cuộc đời đó, cậu bé còn nhỏ đến nỗi chúng tôi không chắc liệu điều này là do cậu bé không phân biệt được hai thời hay là vì các kỹ năng ngôn ngữ của cậu chưa đủ phát triển để có thể truyền đạt được suy nghĩ của mình một cách rõ ràng. Một số trẻ đúng là đã nhầm lẫn giữa hai thời vì các em đã nói với bố mẹ mình rằng: “Hai người không phải bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu sống ở chỗ khác”. Trong những trường hợp như vậy, một điều dễ hiểu là trẻ thường đòi được đưa về chỗ “bố mẹ thật” của mình.

Một số trẻ bị ám ảnh bởi cuộc sống kiếp trước nhưng các em khác có xu hướng chỉ kể về cuộc sống đó trong một vài phút rồi đi chơi ngay sau đó. Một số bậc cha mẹ cho biết con họ thường hay nói về cuộc sống kiếp trước của mình vào những thời điểm nhất định. Ở Myanmar, việc này thường xảy ra vào những ngày âm u. Các bậc bố mẹ ở Mỹ thường nói con họ hay kể về kiếp trước trong những lúc nghỉ ngơi thư giãn như sau khi lái xe đường dài hay sau khi tắm. Vì những lý do chúng tôi chưa tìm ra, kí ức này dường như chỉ hiện ra trong đầu một số trẻ ở một số thời điểm nhất định trong khi các trẻ khác lại có thể kể về kí ức của mình vào bất kỳ lúc nào.

Một đặc điểm không có trong trường hợp của Sujith – cũng như hầu hết các trường hợp khác – là những câu nói triết lý. Một số trẻ tự nhận mình nhớ được những sự kiện ở giữa hai kiếp thỉnh thoảng vẫn buông ra những câu triết lý. Khi Kenny – một cậu bé tôi đã nhắc đến trong Chương 1 – được chín tuổi, cậu bé nghe được tin rằng một bạn chơi của mình đã chết và cậu đã nói với mẹ mình: “Con biết việc Greg chết là không tốt, nhưng cũng không xấu lắm. Con chỉ mong mẹ Greg biết được chỉ có thể xác của Greg là đã chết thôi. Vả lại Chúa nói là tất cả mọi người sớm muộn gì cũng phải lên thiên đường”. Thậm chí cả ở trong trường hợp này, chúng tôi cũng không rõ liệu lời cậu nói bắt nguồn từ kí ức hay từ đạo Cơ đốc của cậu.

Những bản ghi chép

Một điểm khiến trường hợp của Sujith khác với hầu hết các trường hợp khác là việc những lời cậu bé nói đã được ghi lại trước khi mọi người xác định được người tiền kiếp của em. Những trường hợp có bản ghi chép chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong những trường hợp thuộc cùng một gia đình, việc ghi lại những lời trẻ nói trước khi xác định được người tiền kiếp khó có thể thực hiện được. Nhiều trẻ sống ở những vùng nơi người dân rất hiếm khi ghi chép.

Số các trường hợp có bản ghi chép trog nghiên cứu của chúng tôi, chỉ vẻn vẹn 33 trường hợp. Tuy nhiên, quá trình thu thập 33 trường hợp có bản ghi lại những lời nói chính xác của trẻ về kiếp trước lại rất đáng lưu tâm.

Trường hợp của Kumkum Verma

Kumkum Verma – một cô bé ở Ấn Độ – bắt đầu kể về cuộc sống kiếp trước khi ba tuổi rưỡi. Cô bé nói mình đã sống ở Darbhanga, một thành phố có 200.000 dân nằm cách ngôi làng của cô bé 40 km và Urdu Bazar là tên của khu vực trong thành phố nơi em sống. Bố cô bé – một trí thức và cũng là một địa chủ, một bác sĩ vi lượng đồng căn và một tác giả – không quen biết ai ở Urdu Bazar, một khu thương mại nơi có nhiều thợ thủ công và chủ doanh nghiệp nhỏ sinh sống.

Kumkum đòi người trong nhà gọi mình là Sunary, có nghĩa là xinh đẹp và cô bé đã nói rất nhiều về cuộc sống lúc trước. Dì cô bé đã ghi lại một số câu nói như thế sáu tháng trước khi có người thử đi tìm người tiền kiếp. Tiến sĩ Stevenson gặp gia đình của Kumkum khi cô bé đã được 9 tuổi và ông đã nhờ được người dịch sang tiếng Anh một vài đoạn ghi chép, nhưng ông không xem được toàn bộ cuốn sổ vì nó đã bị mất sau khi được đưa cho một người khác mượn. Những đoạn này bao gồm 18 câu Kumkum đã nói và đều tỏ ra đúng với người tiền kiếp bao gồm cái tên Urdu Bazar, tên con trai của bà và chi tiết anh làm việc với một cái búa, tên cháu trai của bà, tên của thị trấn nơi cha bà đã sống, vị trí gần vườn xoài của ngôi nhà ông ở và chi tiết có một cái hồ ở nhà bà. Cô bé đã nói chính xác rằng trong nhà có một cái két sắt, một thanh kiếm treo gần võng của mình và một con rắn nằm bên cạnh két sắt mà bà vẫn thường cho uống sữa.

Bố Kumkum sau đó đã kể về những câu nói của cô bé cho một người bạn sống ở Darbhanga nghe. Người bạn đó có một nhân viên sống ở khu vực Urdu Bazar của thành phố, người này sau đó đã tìm được người tiền kiếp là Sunnary hay Sundari Mistry – một người có vẻ chính là người Kumkum đã miêu tả. Gia đình người tiền kiếp thuộc tầng lớp thợ thủ công khá thấp và khó có thể có mối giao thiệp xã hội nào với một gia đình có trình độ giáo dục và địa vị xã hội như gia đình của bác sĩ Verma. Sự thực là họ ít qua lại với nhau thậm chí cả sau khi trường hợp này xảy ra. Cháu của người tiền kiếp đã đến thăm gia đình của Kumkum hai lần. Bác sĩ Verma đã đến Urdu Bazar một lần để gặp gia đình của người tiền kiếp nhưng ông không bao giờ để cho Kumkum đến đó. Hình như ông không tự hào về việc con gái ông tự nhận mình đã là vợ của một người thợ rèn trong kiếp trước.

Đáng quan tâm nhất trong số các ghi chép là dòng ghi lại câu kể của Kumkum rằng mình đã chết trong một trận cãi nhau và chính vợ của người con trai kế đã đầu độc em. Sundari đã chết khá đột ngột từ 5 năm trước khi Kumkum được sinh ra và tại thời điểm qua đời, bà đang chuẩn bị ra tòa làm chứng cho con trai mình trong vụ kiện của anh với người chồng thứ hai của bà vì anh cho rằng người bố dượng đã biển thủ tiền của người bố ruột đã chết của mình.

Một điều đáng chú ý khác nữa là chi tiết Kumkum nói giọng khác với những người trong nhà. Gia đình cô bé cho đó là giọng nói của các tầng lớp thấp kém ở Darbanga và kể rằng Kumkum còn sử dụng một số từ ngữ có vẻ như cũng có liên quan đến các tầng lớp thấp kém đó.

Trường hợp của Jagdish Chandra

Trường hợp của Jagdish Chandra ở Ấn Độ xảy ra đã khá lâu khi tiến sĩ Stevenson tìm đến. Lúc đó đương sự đã gần 40 tuổi. Bố của đương sự – một luật sư nổi tiếng – đã ghi lại những câu con mình nói hồi nhỏ và độ chính xác của chúng vào thời điểm trường hợp này xảy ra. Jagdish được sinh ra ở một thành phố lớn thuộc miền bắc Ấn Độ. Khi lên ba tuổi rưỡi, cậu bé bắt đầu nói mình đã từng sống ở Benares – một thành phố nằm cách đó khoảng 480 km. Cậu bé đã nói ra một số chi tiết và bố cậu đã nhờ một số người bạn và đồng nghiệp nói chuyện với cậu để họ có thể chứng thực được đúng thật em đã nói những câu đó. Sau đó bố cậu bé gửi một lá thư tới chủ tịch ủy ban thành phố Benares. Vị chủ tịch viết thư trả lời rằng ông có thể nhận ra người Jagdish nói đến là ai ngay sau khi đọc lá thư, ông đã đi điều tra và phát hiện thấy hầu hết các câu nói của cậu bé đều khá chính xác.

Tiếp theo đó bố của Jagdish gửi thư tới một tờ báo quốc gia để yêu cầu sự giúp đỡ trong việc xác minh những lời nói của cậu bé. Trong thư, ông kể rằng Jagdish đã nói bố của mình tên Babuji Pandey và có một ngôi nhà ở Benares với một cánh cổng rộng, một phòng khách và một tầng hầm trong đó có một chiếc két sắt được gắn chặt vào tường. Chữ Ji khi được thêm vào ở cuối một cái tên có nghĩa là được kính trọng, thế nên ý của Jagdish là tên của bố cậu là Babu. Bố Jagdish cũng viết thêm rằng cậu bé đã miêu tả một cái sân nhỏ nơi ông Babuji vẫn thường ngồi vào buổi tối còn mọi người thì quây quần xung quanh để uống Bhang – một loại rượu Ấn Độ. Cậu bé kể rằng Babuji để người khác mát-xa cho mình rồi sau đó rửa mặt và bôi bột hoặc đất sét lên. Cậu bé cũng miêu tả 2 chiếc xe hơi – những thứ rất hiếm ở Ấn Độ vào thời đó – cùng một chiếc xe ngựa và nói Babuji có hai người con trai và một người vợ, tất cả đều đã chết. Người bố còn viết rằng con trai của mình “kể về nhiều chuyện riêng tư trong gia đình”.

Một ngày sau khi lá thư được đăng tải, bố Jagdish đến gặp một thẩm phán để chính thức ghi lại những câu nói của Jagdish trước khi họ tới Benares – nơi người tiền kiếp đã sống. Những câu nói này, bên cạnh những câu được nhắc đến trong thư, cho biết tên của người tiền kiếp là Jai Mangal đã chết vì bị đầu độc. Cạnh nhà họ là con sông Ganges và bậc sông Dash Ashwarmadh Ghat cũng nằm ở đó. Ghats là những bậc sông nơi mọi người vẫn thường đến để tắm. Một kỹ nữ tên Bhagwati vẫn thường hát cho Babuji nghe.

Sau đó Jagdish được đưa tới Benares, ở đó tất cả những câu cậu nói đều được xác nhận là đúng sự thật, ngoại trừ việc Babu Pandey đã đi lại bằng xe hơi nhưng lại không sở hữu chiếc nào. Jagdish hình như cũng nhận ra được những người và địa điểm ở đó.

Trong những trường hợp như thế này, sự thật rằng những câu nói của trẻ đã được ghi lại trước khi có người đi kiểm tra độ xác thực của chúng nghĩa là chúng tôi có thể loại trừ khả năng: gia đình trẻ đã quy cho trẻ biết nhiều thông tin về người tiền kiếp hơn trước khi hai gia đình gặp nhau. Như vậy, chúng ta chỉ còn lại một số khả năng. Một trong số đó là những câu nói này chỉ do ngẫu nhiên mà đúng sự thật. Khi xét đến mức độ chi tiết của một số câu nói của các đứa trẻ – chẳng hạn của Sujith rằng người bố tên Jamis của mình có con mắt phải bị hỏng, Kumkum thì kể rằng người tiền kiếp của cô bé nuôi một con rắn và thường cho nó uống sữa cùng với những tên riêng các em đã nói ra, khả năng ngẫu nhiên là cực kỳ nhỏ. Nói dối cũng là một khả năng, nhưng chúng tôi không thấy có động cơ nào đứng đằng sau đó, đặc biệt là trong trường hợp của Kumkum vì bố cô bé có vẻ xấu hổ về việc em tự nhận mình đã từng là vợ một người thợ rèn. Bố của Jagdish tỏ ra rất hứng thú với việc ghi chép lại một trường hợp có dấu hiệu của sự đầu thai, nhưng liệu sự hào hứng này có thể thúc đẩy một luật sư danh tiếng bịa ra một câu chuyện như thế? Cách giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên duy nhất còn lại là những đứa trẻ này đã biết được các thông tin về những người tiền kiếp thông qua một cách thông thường là nghe người khác kể chuyện. Mặc dù khả năng này lớn hơn trong trường hợp của Sujith so với hai trường hợp còn lại, vì người tiền kiếp của cậu bé sống gần cậu hơn, nhưng ý tưởng rằng những đứa trẻ này đã bằng một cách nào đó biết được những thông tin chi tiết về những người lạ đã chết ở các nơi khác trong khi bố mẹ các em không hề hay biết gì và rồi khẳng định rằng mình chính là những người đó trong kiếp trước gần như là phi lý.

Khi chúng ta loại bỏ khả năng rằng người ta đã tưởng tượng những đứa trẻ này biết nhiều thông tin hơn những gì chúng thật sự biết về kiếp trước, chúng ta chỉ còn lại một số ít các giả thiết khả dĩ không sử dụng hiện tượng siêu nhiên. Nếu sau này chúng tôi phát hiện thấy có nhiều trường hợp khác cũng giống các trường hợp này ở mọi mặt trừ việc không có người nào ghi lại những câu nói của trẻ trước khi chúng được thẩm định thì liệu lúc ấy chúng ta có thể tìm được lý do hợp lý để cho rằng đây là những trường hợp trong đó gia đình của trẻ đã nhầm lẫn thêm thắt vào những lời trẻ nói hay không?

Trường hợp của Ratana Wongsombat

Ratana Wongsombat được sinh ra ở Bangkok vào năm 1964. Người bố nuôi của cô bé thường hay ngồi thiền mỗi tuần một hai lần tại đền Wat Mahatthat – một ngôi đền lớn có hơn 300 thầy tăng – nằm ở bên kia của Bangkok Ratana bắt đầu đòi được đến đó. Khi cô bé được 14 tháng tuổi, bố em đưa em tới đền lần đầu tiên. Trong lúc ở đó, cô bé tỏ ra biết nhiều điều về các tòa nhà. Sau khi họ trở về nhà, bố cô bé hỏi em trước kiếp này em đã sống ở đâu. Cô bé bắt đầu kể về kiếp trước và sau đó đã thuật lại câu chuyện như sau. Cô bé từnglà một người phụ nữ Trung Quốc tên Kim Lan và sống tại ngôi đền, nơi cô bé ở là một túp lều màu xanh với một ni cô tên Mae Chan. Sau này khi bị đuổi khỏi đó, cô đã chuyển tới sống ở một quận của Bangkok có tên Banglampoo. Cô bé kể cô chỉ có một người con gái sống ở quê và cũng đã nói ra tên của vùng này, Kim Lan đã trở về đó vào cuối đời rồi qua đời sau một ca phẫu thuật. Ratana đã tỏ ra không hài lòng khi nhắc đến việc sau khi người kiếp trước của mình là Kim Lan chết, tro của bà đã bị rải ra chứ không phải được chôn xuống đất.

Bố Ratana không biết một người phụ nữ nào tên Kim Lan và dường như ông không vội đi kiểm chứng những câu nói của Ratana ngay. Khi Ratana được 2 tuổi, bố cô bé lại đưa em đến ngôi đền. Khi họ đi qua một nhóm nhiều ni cô ở đó, cô bé dường như nhận ra một người và gọi to người đó là “Mae Chan”. Ni cô đó không đáp lại cô bé, nhưng em kể với bố mình là trong kiếp trước em đã sống với bà. Vài ngày sau, bố Ratana quay lại ngôi đền và nói chuyện với ni cô. Tên của bà là Mae Chee Chan Suthipat (“Mae Chee” là tên hiệu dành cho các ni cô ở Thái Lan có nghĩa là “ni cô trưởng”), nhưng một số người, trong đó có cả người tiền kiếp, vẫn gọi bà là “Mae Chan”. Bà khẳng định hầu hết tất cả các câu nói ủa Ratana, bao gồm những câu đã nêu ở trên, đều đúng với cuộc đời của Kim Lan Prayoon Supamitr – một người đã chết một năm rưỡi trước khi Ratana được sinh ra.

Con gái của Kim Lan cũng xác nhận những câu Ratana nói, kể cả chi tiết về cách xử lý tro cốt của bà, đều đúng. Kim Lan muốn mọi người chôn tro cốt của bà dưới gốc cây bồ đề trong đền và con gái bà đã cố gắng làm theo ước nguyện của mẹ mình, nhưng rễ của cây dài đến nỗi cuối cùng chị phải rải tro ra chứ không chôn được nó.

Trường hợp của Gamini Jayasena

Gamini Jayasena được sinh ra ở Colombo, Sri Lanka vào năm 1962 và bắt đầu kể về kiếp trước khi chưa đầy hai tuổi. Dần dần cậu bé nói ra những chi tiết sau đây: Em có một người mẹ khác to lớn hơn người mẹ hiện giờ. Một người tên Nimal đã cắn em. Em có một chiếc cặp sách vẫn còn để trên một chiếc ghế. Em có một chú voi đồ chơi mà em vẫn thường tắm với nó. Em đã từng ngã vào một cái giếng. Một người chú tên là Charlie có một chiếc xe hơi và vẫn thường lái chiếc xe đó để chở em đến trường và gia đình chú Charlie còn có một chiếc xe máy màu đỏ.

Vì Gamini không cho biết một địa điểm hay tên họ nào nên có lẽ trường hợp này vẫn không được giải quyết nếu gia đình em không thực hiện một chuyến đi bằng xe buýt lúc em hai tuổi rưỡi. Khi chiếc xe tạm dừng ở một nơi có tên Nittambuwe, Gamini nói với người ngồi bên cạnh mình – một người bạn của gia đình em – rằng đó đã từng là nơi em sống. Người này đã nói cho bố mẹ Gamini nghe và hai người sau đó đã kể lại chuyện này cho anh họ của mẹ em – một nhà sư nổi tiếng.

Nhà sư quyết định tìm hiểu việc này, ông đã đưa gia đình em quay lại Nittambuwe. Họ xuống xe ở chỗ Gamini đã nói câu đó và đi về phía bốn ngôi nhà nằm ở cuối đường. Gamini nói mẹ của em sống ở đó nhưng nhà sư quyết định không đi xa hơn nữa. Dường như ông không chắc đã đến đúng nơi và cũng sợ rằng mình sẽ đi vào nhà một gia đình theo đạo Thiên chúa. Người nhà Gamini nghĩ em đang nhớ lại cuộc đời của một người theo đạo Thiên chúa vì khi cầu nguyện em thường quỳ thẳng lưng chứ không quỳ ngồi như các tín đồ Phật tử vẫn thường làm và còn vì em đã một lần đòi mẹ mình treo một cây thập tự bằng gỗ em mới tìm được lên tường. Gia đình em trở về Colombo nhưng trong lúc họ ở đó, một người dân làng Nittambuwe đã nhận ra nhà sư và nói có một gia đình sống ở nơi Gamini đã chỉ. Gia đình đó quả thật theo đạo Thiên chúa và đã mất một đứa con trai hai năm trước khi Gamini được sinh ra. Con trai họ tên là Palitha và cậu bé đã chết vì một trận ốm ngắn ngày. Trước khi bị ốm, cậu bé chỉ vừa từ trường về nghỉ lễ và đã để cặp lên trên một chiếc ghế thay vì để nó vào tủ như thường lệ, đồng thời tuyên bố rằng cậu sẽ không đi học nữa. Cậu bé có một cậu em trai tên Nimal – người đã từng cắn em một lần.

Bố mẹ của Palitha đã đến gặp nhà sư. Họ đưa cho nhà sư xem một bức ảnh của Palitha mà sau này Gamini tỏ vẻ nhận ra được. Sau đó, gia đình của Gamini quay trở về Nittambuwe để gặp bố mẹ Palitha. Ở đó, người ta đã quan sát thấy Gamini nhận ra được một số người và địa điểm. Khi cậu bé được đưa tới ngôi trường của Palitha và khu nhà trọ nơi Palitha đã ở trong lúc đi học, cậu đã nhận ra thêm một số chi tiết khác và nói thêm nhiều câu về cuộc đời của Palitha.

Tất cả các câu nói của Gamini đã được liệt kê ra ở đây đều tỏ vẻ đúng với Palitha, ngoại trừ việc Charles Senewiratne – chú của Palitha – có sở hữu một chiếc xe hơi nhưng không đưa Palitha đi học. Người ta cũng không thể tìm ra được mối quan hệ nào giữa gia đình Gamini ở Colombo và nhà Palitha ở Nittambuwe – một nơi ở cách đó khoảng 32 km.

Trong cả trường hợp này, không có người nào ghi lại những câu nói của trẻ trước khi danh tính người tiền kiếp được xác định nhưng nếu chúng ta cho rằng chính gia đình trẻ đã thêm thắt vào những câu nói của các em thì chúng ta sẽ phải giải thích vì sao những trường hợp này lại khác với những trường hợp có bản ghi chép để chứng tỏ rằng trẻ thật sự đã nói ra một số câu rất rõ ràng mà sau này được phát hiện là đúng với một người đã chết cụ thể.

Chọn ra những trường hợp rõ rệt

Trong quá trình nghiên cứu những trường hợp được ghi chép lại, chúng tôi nhận thấy một số trường hợp có mức độ rõ rệt cao hơn những trường hợp khác. Chẳng hạn, những trường hợp trong đó trẻ lặp lại những câu nói của mình nhiều lần rõ rệt hơn những trường hợp trẻ không làm như vậy, vì bố mẹ trẻ có cơ hội lớn hơn để nhớ được chính xác những gì trẻ đã nói cho dù họ không có bản ghi chép để dựa vào.

Một đặc điểm khác làm tăng mức độ rõ rệt của một trường hợp là sự hiện diện của một người trung gian giữa hai gia đình. Trường hợp của Purnima trong Chương 4 là một ví dụ thích hợp cho điểm này. Bố cô bé đã kể cho một thầy giáo nghe về những câu nói của em trong đó em nhận mình đã là một thợ làm hương trầm và người thầy giáo cùng người anh rể của mình đã đi tìm gia đình của người tiền kiếp. Trong trường hợp như thế, người trung gian có vai trò là một nhân chứng khác cho những câu nói của trẻ.

Một đặc điểm khác khiến một trường hợp trở nên rõ rệt hơn là sự có mặt của nhiều nhân chứng. Khi không có các bản ghi chép để biết được chính xác trẻ đã nói gì, việc có được 10 nhân chứng nhớ được trẻ đã nói gì rõ ràng là tốt hơn so với việc chỉ có một nhân chứng. Chúng tôi luôn cố gắng phỏng vấn được nhiều nhân chứng hết mức có thể. Điều này không có nghĩa là không có khả năng trí nhớ của một số người hợp lại sẽ tạo ra một câu chuyện không đúng sự thật nhưng rõ ràng khả năng trí nhớ sai sẽ giảm khi có nhiều nhân chứng hơn.

Đôi lúc, những câu nói sai của trẻ lại càng khiến một trường hợp thêm phần thuyết phục. Trong tình huống này, những lời trẻ kể về các sự kiện lại khác so với những sự kiện đó trong thực tế, cho thấy không phải những câu nói của trẻ đã được chỉnh sửa lại theo sự thật. Một ví dụ là một trường hợp của một cậu bé tên Ekkaphong mà Tiến sĩ Keil và tôi đã điều tra ở Thái Lan. Trong trường hợp đó, người tiền kiếp là một thanh niên trẻ ở ngôi làng của Ekkaphong đã vô tình bị giết chết trong một chuyến đi săn ngoài trời với ba người bạn. Một trong ba người họ làm rơi khẩu súng của mình khiến nó nổ và bắn vào người thanh niên. Người trong làng đều nói tên Aet là người có khẩu súng đã phát nổ nhưng Ekkaphong lại tin rằng một người bạn khác tên Phon mới là người đó nên hồi mới biết đi, cậu bé vẫn thường bóp cổ Phon. Cậu bé không thể nào đã căn cứ vào lời của những người khác trong làng để nghĩ như thế vì họ đều nghĩ Aet mới là người làm rơi khẩu súng. Giả thiết dân làng đã kể sai cho chúng tôi rằng Ekkaphong đã buộc tội nhầm Phon cũng rất vô lý.

Trường hợp trong đó đối tượng và người tiền kiếp cùng ở trong một làng không ấn tượng bằng trường hợp một đứa trẻ thuật lại kí ức về cuộc đời của một người hoàn toàn xa lạ với gia đình trẻ. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp thuộc cả hai loại. Trong số 971 trường hợp ở nhiều nước khác nhau, có 195 trường hợp xảy ra trong cùng một gia đình. Trong 60 trường hợp khác, hai gia đình đã có quan hệ gần gũi với nhau ngay từ trước khi có hiện tượng này. Trong 115 trường hợp, họ có liên hệ nào đó với nhau. Trong 93 trường hợp, gia đình đối tượng biết về người tiền kiếp nhưng không có quan hệ gì với người đó. Trong số 971 trường hợp này, có 508 trường hợp xảy ra giữa những người hoàn toàn xa lạ. Trong số đó, 239 trường hợp đã được giải quyết, 232 trường hợp chưa được giải quyết và ở những trường hợp còn lại chúng tôi đã có những manh mối ban đầu để xác định người tiền kiếp. Như vậy, chúng ta thấy mối liên quan giữa trẻ và người tiền kiếp trong các trường hợp này rất khác nhau.

Các cách giải thích

Nhiều trường hợp trong số này rất giống với các trường hợp của Indika và Purnima trong chương trước, chỉ khác ở chỗ không có các vết bớt. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể sử dụng trí tưởng tượng cùng với sự ngẫu nhiên để giải thích nếu những câu nói của trẻ không quá cụ thể. Tuy nhiên, khi trẻ nói ra những chi tiết rất cụ thể – chẳng hạn như khi Ratana Wongsombat cho biết tên của người tiền kiếp, những nơi người đó đã sống và thậm chí cả chi tiết tro cốt của người tiền kiếp bị rải ra chứ không được chôn cất – thì tôi nghĩ chúng ta có thể loại bỏ khả năng ngẫu nhiên.

Một khả năng là trẻ đã biết về người tiền kiếp thông qua các cách thông thường. Cách giải thích này có thể áp dụng được trong những trường hợp khi trẻ và người tiền kiếp cùng thuộc một gia đình hoặc cùng ở trong một ngôi làng. Nó trở nên kém thỏa đáng hơn khi chúng ta bàn về những người xa lạ sống ở xa nhau. Người tiền kiếp trong trường hợp của Ratana đã sống một thời gian ở ngôi đền mà bố Ratana vẫn hay đến, nhưng vì nó là một ngôi đền rất lớn nằm ở đầu kia của Bangkok nên thật khó để tưởng tượng Ratana biết được về người đó. Nhiều trường hợp thậm chí không có cả mối liên quan mờ nhạt này, vì thế chúng tôi không thể tìm được lý do hợp lý để cho rằng trẻ đã bằng cách nào đó biết được nhiều chi tiết riêng tư về người tiền kiếp của mình hoặc đã nghe người khác kể chuyện về họ.

Trong trường hợp của Sujith Jayaratne, người tiền kiếp sống trong một ngôi làng chỉ cách nhà cậu bé 12 km, thế nên chúng ta có thể nghĩ rằng cậu bé đã được nghe người khác kể chuyện. Tuy nhiên, khi xét đến việc ngôi làng của người tiền kiếp là một môi trường rất khác với vùng ngoại ô Colombo nơi Sujith sống và việc không có ai trong nhà của Sujith đã từng nghe về người tiền kiếp chứ chưa kể đến người bố có con mắt phải bị hỏng của người đó thì giả thiết thông tin đạt được qua cách thông thường cũng không phải là một cách giải thích thỏa đáng. Khi chúng tôi thêm vào những trường hợp như Kumkum Verma, một cô bé có người tiền kiếp sống cách nhà em 40 km, và Kemal Atasoy – cậu bé người Thổ Nhĩ Kỳ trong phần Lời nói đầu có người tiền kiếp sống cách mình đến 800 km, giả thiết này trở nên vô lý.

Điều này đưa chúng tôi trở lại với khả năng người cung cấp thông tin có trí nhớ sai. Nếu phải sử dụng một cách giải thích bình thường, chúng tôi hầu như phải áp dụng giả thiết này cho những trường hợp như trên. Chẳng hạn, chúng tôi có thể cho rằng Ratana không phải đã nói tro cốt của người tiền kiếp bị rải ra chứ không được chông cất mà chính bố của cô bé đã nhớ nhầm những gì em nói. Dĩ nhiên, cách giải thích này cũng có vấn đề – trẻ thường đã lặp lại những lời nói của mình nhiều lần và thường có nhiều nhân chứng cùng nhớ được những lời nói đó – nhưng vì không có ghi chép làm bằng chứng nên chúng ta có thể đổ lỗi cho trí nhớ của con người.

Giả thiết này không thể áp dụng được khi chúng ta xét đến những trường hợp trong đó những lời của trẻ đã được ghi lại trước khi xác định được người tiền kiếp. Chúng ta không thể đổ lỗi cho trí nhớ sai trong những trường hợp đó và như chúng ta vừa thấy, các cách lý giải khác cho những câu nói của trẻ cũng rất giới hạn. Khi Sujith Jayaratne nói rằng bố của người tiền kiếp tên là Jamis có con mắt phải bị hỏng, chúng ta khó có thể nghĩ rằng tất cả những câu nói của cậu bé đều do ngẫu nhiên. Trên thực tế, khi xét đến mức độ cụ thể của những lời trẻ nói trong nhiều trường hợp, tôi không nghĩ ai đó có hể cho đó là một sự ngẫu nhiên, nhưng Richard Wiseman, một nhà tâm lý học ở trường Đại Học Hertfortshire ở Anh, đã đưa ra lập luận đó. Ông đã thực hiện một thí nghiệm trong đó ông yêu cầu một vài đứa trẻ nhỏ dựng ra một câu chuyện về kiếp trước và sau đó ông thử đi tìm một hồ sơ tử vong trùng khớp với những chi tiết trẻ đã nói ra. Lập luận của ông là những trường hợp của chúng tôi có thể cũng tương tự như thế và trẻ chỉ đơn giản là đã bịa ra những câu chuyện mà bằng một cách nào đó lại đúng với cuộc đời một người đã chết.

Tiến sĩ Wiseman vẫn chưa công bố kết quả nghiên cứu của mình nhưng ông đã thảo luận về nó trong hai chương trình truyền hình có sự tham gia của cả hai chúng tôi. Trong thí nghiệm thành công nhất của ông, một bé gái tên Molly đã kể một câu chuyện về một cô bé ba tuổi tên Katie bị chết do bị một con quái vật ăn thịt. Sau đó ông đã tìm trong các tờ báo và tìm được một bài đưa tin về một cô bé ba tuổi tên Rosie bị bắt cóc và giết chết. Câu chuyện của Molly có một số điểm đúng với Rosie, bao gồm mái tóc đỏ, đôi mắt màu xanh và một chiếc váy màu hồng có cài hoa. Molly không chỉ rõ một địa điểm cụ thể nào nhưng nói Katie đã sống ở gần biển và quả thật nhà của Rosie ở bên cạnh biển.

Trong trường hợp này có một số điểm khác nhau rõ ràng với các trường hợp của chúng tôi. Bên cạnh sự thật rằng câu chuyện của Molly có yếu tố hoang đường về con quái vật, cô bé cũng không nói được đúng tên của đứa trẻ hay cho biết một địa điểm cụ thể, những chi tiết thường là tối quan trọng trong các trường hợp của chúng tôi. Mặc dù thí nghiệm của Tiến sĩ Wiseman có thể cho thấy rằng với một tập tài liệu đủ lớn, người ta có thể phát hiện được những điều rất thú vị, nhưng nó không liên quan đến những trường hợp trong đó gia đình trẻ đã đến những nơi cụ thể để tìm kiếm những người cụ thể. Ở một số khía cạnh, nghiên cứu của ông lại chứng tỏ rằng sự ngẫu nhiên không lý giải được cho những đặc điểm quan trọng của các trường hợp, mặc dù ý định của ông là chứng minh điều ngược lại.

Như vậy chúng ta chỉ còn lại khả năng nói dối là cách giải thích cho những trường hợp có bản ghi chép. Dĩ nhiên giả thiết nói dối cũng có thể áp dụng được với các trường hợp khác chúng ta đã bàn tới. Cách giải thích này có một số vấn đề.

Thứ nhất, chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ tính trung thực của những người cung cấp thông tin – những người đã bỏ thời gian và công sức cho chúng tôi mặc dù không thu được lợi ích gì từ các cuộc điều tra. Và tôi nghĩ rằng khi nói chuyện với những gia đình này về những việc họ đã trải qua, bất cứ người công tâm nào cũng phải tin rằng họ đang thẳng thắn và trung thực hết mức có thể.

Thứ hai, trong nhiều trường hợp, các gia đình liên quan không có bất cứ động cơ nào để bịa chuyện. Vì sao mẹ của Sujith Jayaratne lại thuyết phục cậu bé tự nhận mình đã từng là một người bán rượu lậu? Trong trường hợp của Kumkum Verma, bố cô bé còn cảm thấy xấu hổ khi em nói mình đã từng thuộc một tầng lớp thấp trong xã hội và thậm chí ông không cho phép cô bé về thăm gia đình kiếp trước của mình lần nào. Chính vì thế, chúng tôi không có lý do gì để nghĩ rằng chính ông đã buộc cô bé nói ra những câu đó. Kemal Atasoy thuộc về một gia đình khá giả và bố mẹ cậu bé không hề có lý do gì để thuyết phục em nhận mình từng là một người đàn ông đã chết 50 năm về trước.

Thứ ba, bên cạnh vấn đề về động cơ, sẽ rất khó để thực hiện một kế hoạch lừa gạt trong nhiều trường hợp. Nhân vật chính của màn lừa đảo thường là một đứa trẻ còn rất nhỏ và khó có thể là loại người mà bạn có thể sử dụng để đánh lừa một ai đó. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp có vài người nói họ đã nghe trẻ kể về cuộc sống kiếp trước trong một khoảng thời gian kéo dài, thế nên chúngta sẽ phải nghĩ rằng tất cả những người này cũng tham gia vào kế hoạch lừa gạt. Trẻ còn thường được cho là đã nhận ra được những người và vật từ cuộc sống kiếp trước và chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào bố mẹ trẻ lại giúp các em làm được việc này.

Nói tóm lại, giả thiết cho rằng một số lớn các trường hợp đều là nói dối không thật sự hợp lý.

Còn về những nguyên nhân siêu nhiên, giả thiết về khả năng ngoại cảm rõ ràng là đáng được cân nhắc, vì trẻ dường như có thông tin về cuộc sống kiếp trước và các em không thể nào đã biết được chúng bằng những cách thông thường. Như tôi đã bàn luận trong Chương 3, giả thiết này có một số vấn đề. Những người tỏ ra có năng lực ngoại cảm thường hay thể hiện khả năng của mình trong nhiều hoàn cảnh, ngoại trừ những trường hợp trong đó hai người thân trong gia đình thỉnh thoảng lại có thần giao cách cảm với nhau. Trường hợp này khác ở chỗ những đứa trẻ không có dấu hiệu nào của năng lực ngoại cảm lại có thể nói ra những chi tiết rất cụ thể về cuộc đời của một người đã chết. Cách giải thích bằng khả năng ngoại cảm cũng sẽ hoàn toàn mâu thuẫn với cách kể chuyện như kiếp trước của trẻ.

Vong nhập cũng có thể giải thích được cho các câu nói, nhưng có một số lập luận chống lại nó. Mặc dù trẻ thường được cho là có một số đặc điểm giống với người tiền kiếp, nhưng không ai nói các em đột nhiên trở thành người đó. Hơn nữa, trẻ thường kể chuyện rất thất thường. Trong nhiều trường hợp, kí ức này dường như không phải lúc nào cũng hiện hữu trong đầu trẻ như lẽ ra phải thế nếu người tiền kiếp đã nhập vào cơ thể các em. Điều này có thể khiến chúng ta cân nhắc đến một kiểu vong nhập tạm thời, ngoại trừ một điểm là trẻ không mất đi kí ức hay tính cách của kiếp này trong lúc có kí ức về kiếp trước. Cuối cùng, hầu như đứa trẻ nào cũng bắt đầu nói ra điều này ở một độ tuổi rất sớm. Nếu đây là những trường hợp vong nhập thì lẽ ra chúng nên xảy ra ở các độ tuổi khác nhau chứ không chỉ khi trẻ bắt đầu biết nói.

Sự đầu thai rõ ràng có thể giải thích được cho những lời của trẻ, vì các em đã nói mình nhớ được kiếp trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng giả thiết đầu thai thì lại có một số điểm về các câu nói không được bình thường. Một là việc trẻ dường như không phải lúc nào cũng nhớ được những kí ức này. Nếu một đứa trẻ là do người khác đầu thai và có thể nhớ được kiếp trước, chúng ta có thể sẽ nghĩ rằng trẻ lúc nào cũng nhớ được nó. Mặc dù nhiều trẻ không phải lúc nào cũng có những kí ức đó ở trong đầu nhưng các yếu tố khác của các trường hợp cho thấy những kí ức này không chỉ là những thông tin thất thường hay thu nhận được bằng các cách siêu nhiên, như theo giả thiết về khả năng ngoại cảm. Những “kí ức” này rất có ý nghĩa với nhiều trẻ và các em rõ ràng cảm nhận thấy chúng là của mình, như thể đó là những kí ức về những sự việc trước đây mà các em đã trải qua.

Những lời nói của trẻ thường là những câu miêu tả không trọn vẹn về cuộc sống kiếp trước. Dĩ nhiên một số em tỏ ra nhớ được vô số chuyện về tiền kiếp của mình, nhưng các em khác chỉ kể lại một số ít chi tiết. Điều này có thể lạ so với hiện tượng đầu thai cho đến khi chúng ta so sánh nó với những kí ức trước đây trong cuộc sống của mình. Những kí ức thuở trước thường khá mơ hồ và có đôi lúc những chi tiết không quan trọng cũng có thể nổi rõ như các sự kiện quan trọng.

Những câu trẻ nói ra vẫn là điểm nòng cốt của các trường hợp. Như chúng ta đã thấy, trẻ thường được cho là có những thông tin về một người đã chết mà bố mẹ các em cảm thấy rằng con mình không thể nào đã biết được chúng thông qua các cách thông thường. Mặc dù những thông tin này là bằng chứng rõ rệt nhất trong các trường hợp, các đặc điểm khác chúng tôi đã nghiên cứu cũng có vai trò quan trọng trong việc chỉ ra rằng hiện tượng này không chỉ là về những câu nói. Những cử chỉ thói quen như nỗi sợ xe tải ngay từ bé và ham muốn được uống rượu và hút thuốc của Sujith rõ ràng cũng yêu cầu một lời giải thích. Chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào những cử chỉ thói quen đó trong chương tới.

Rate this post

Viết một bình luận