Chuyên mục tìm hiểu về ngành nghề: Khi bạn muốn làm thông dịch viên thì học ngành gì? | Edu2Review

Thông dịch viên là công việc mơ ước của nhiều người, đặc biệt phù hợp với những “cao thủ” học ngoại ngữ, sở hữu các chứng chỉ với số điểm cao chót vót. Ngoài khả năng ngoại ngữ, một thông dịch viên giỏi cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng và các kỹ năng mềm bổ trợ khi tác nghiệp. Chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng có thể giúp bạn cải thiện những điều còn thiếu đó.

Nếu bạn muốn làm thông dịch viên thì học ngành gì để có cơ hội xin việc trong tương lai? Hãy xem thử một số gợi ý từ Edu2Review nhé!

* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!

Công việc của một người làm thông dịch viên là gì?

Trong bối cảnh hội nhập với thế giới như hiện nay, các ngành nghề cần sử dụng ngoại ngữ ngày càng thu hút nguồn nhân lực rất lớn. Một trong số những ngành nghề “hot” nhất và cũng yêu cầu về trình độ chuyên môn cao nhất chính là nghề thông dịch các thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Anh. Vậy công việc này làm như thế nào? Có thật sự khó không?

Thông dịch là công việc chuyển đổi văn bản nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu nhau. Người thông dịch viên phải chịu sức ép lớn về thời gian, phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ.

Có 2 hình thức thông dịch tiêu biểu, đầu tiên là dịch ca-bin trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, người thông dịch thường ngồi trong phòng cách âm, dịch qua micro, nghe qua tai nghe và dịch đồng thời luôn cùng với diễn giả. Thứ hai là dịch đuổi, đây là hình thức dịch ngay sau khi người nói kết thúc một câu hay một đoạn ngắn.

Dịch ca-bin trong các hội nghị là công việc dành cho những thông dịch viên giỏi và giàu kinh nghiệm

Dịch ca-bin trong các hội nghị là công việc dành cho những thông dịch viên giỏi và giàu kinh nghiệm (Nguồn: doductho)

Bên cạnh đó, thông dịch còn được dùng trong trường hợp những người khác ngôn ngữ gặp nhau để trao đổi công việc. Dù dịch theo hình thức nào, người làm thông dịch đều phải thực hiện quy trình cơ bản là hiểu ngôn ngữ nguồn, sau đó là phân tích ngôn ngữ học và văn hóa, cuối cùng là diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mục tiêu.

Những yêu cầu khắt khe của nghề thông dịch viên

Với những mô tả cơ bản về công việc như trên, nghề thông dịch viên có phần “cao cấp” hơn những công việc chuyên môn khác, vậy nên sự chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Không phải ai thông thạo ngoại ngữ đều có thể làm công việc này, người thông dịch trước khi bước vào nghề cần được trang bị nhiều hơn, cụ thể yêu cầu như:

  • Thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ: Đây được gọi là ngôn ngữ làm việc (working languages). Trong mọi hoàn cảnh từ công việc đến đời sống, người phiên dịch phải thể hiện ý thức sử dụng ngôn ngữ một cách nghiêm chỉnh, câu cú rõ ràng, mạch lạc.
  • Hiểu những vấn đề về ngôn ngữ học: Ngoài từ vựng phong phú, người thông dịch cần hiểu những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ về ngữ nghĩa và ngữ dụng.
  • Hiểu về văn hóa: Khi giao tiếp, các bên không chỉ khác về ngôn ngữ mà còn khác về trình độ, môi trường sống, cách tư duy và đặc biệt là văn hóa. Nghề thông dịch không phải thuần túy là quy trình chuyển mã, mà thực sự là một sự kiện giao lưu văn hóa.
  • Không đặt cảm xúc cá nhân vào công việc: Bản thân người thông dịch không còn là mình nữa mà phải đặt bản thân vào địa vị của người truyền đạt. Nói tóm lại là phải có bản lĩnh trong việc ứng xử, phải chịu trách nhiệm nội dung truyền tải.
  • Đạo đức nghề nghiệp: Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thái độ của thông dịch viên không được thiên vị và nhất là không được thêm thắt, bình luận, nhận xét hay thể hiện thái độ cá nhân người phiên dịch vào lời dịch.

Thông dịch viên ngoài giỏi ngoại ngữ thì cần có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng (Nguồn: phiendichtiengtrung)

Thông dịch viên ngoài giỏi ngoại ngữ thì cần có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng (Nguồn: phiendichtiengtrung)

Cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập cao nhưng luôn đi đôi với áp lực

Nghề Thông dịch viên luôn nằm trong top các công việc mang lại thu nhập “khủng”. Mức thu nhập này phụ thuộc chủ yếu vào nội dung cần dịch, yêu cầu của công việc, loại sự kiện, dịch cabin hay dịch đuổi và quan trọng là ngôn ngữ đó có dễ dịch không.

Mức thu nhập trung bình trong các báo giá công khai của các công ty dịch thuật tại Việt Nam là 15 – 25 USD/ giờ. Nếu tính trung bình 1 tuần làm 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng thì mức thu nhập 1 tháng sẽ gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập của các thông dịch viên có “thương hiệu”, được mời dịch cho các sự kiện lớn thì mỗi giờ dịch có thể lên đến vài trăm USD.

Mức thu nhập thường được tính bằng USD vì công việc yêu cầu chuyên môn cao

Mức thu nhập thường được tính bằng USD vì công việc yêu cầu chuyên môn cao (Nguồn: timviec365)

Tuy thu nhập cao là thế nhưng áp lực công việc dường như luôn theo sát trong mọi hoàn cảnh. Những sai sót sẽ để lại hậu quả rất lớn, nhất là đối với phương tiện thông tin đại chúng, do vậy, việc sử dụng ngôn từ phải cực kỳ cẩn trọng. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, chỉ cần dịch kém một lần thì những lần kế tiếp sẽ không ai dùng mình nữa.

Các tai nạn thường gặp trong nghề: thông dịch viên bị dừng dịch giữa chừng để đính chính thông tin dịch sai, thính giả đề nghị thay thông dịch viên vì dịch kém, giọng quá khó nghe, tác phong, thái độ, hủy bỏ buổi dịch do các lỗi chủ quan vì ốm, mất giọng đột xuất, quên tài liệu…

Hiện tại, có một bộ phận không nhỏ các thông dịch viên trong nước chưa từng học qua lớp biên phiên dịch nào, tuy nhiên họ đã học các ngành liên quan để trở thành các thông dịch viên chuyên nghiệp. Vậy nếu bạn muốn làm thông dịch viên thì học ngành gì?

Sinh viên khối ngành Ngôn ngữ – Không làm thông dịch thì quá uổng phí!

Ngành Ngôn ngữ Anh

Không cần phải bàn cãi về độ phổ biến của tiếng Anh, đây là ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới nên việc theo học ngành ngôn ngữ Anh được coi là chìa khóa vàng thời hội nhập. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về ngôn ngữ, văn hóa và một số kiến thức khác thuộc mảng kinh tế, tài chính, quan hệ quốc tế…

Tiếng Anh chuyên ngành Biên phiên dịch được sinh viên lựa chọn vì cơ hội công việc cao

Tiếng Anh chuyên ngành Biên phiên dịch được sinh viên lựa chọn vì cơ hội công việc cao (Nguồn: thituyensinh)

Đảm bảo sau khi ra trường, sinh viên có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và áp dụng những kỹ năng được học vào một số công việc đặc thù cần trình độ ngoại ngữ. Ngôn ngữ Anh cũng được chia thành nhiều chuyên ngành như: thương mại, du lịch và đặc biệt là biên phiên dịch.

Sinh viên theo chuyên ngành biên phiên dịch ngoài những kiến thức chuyên môn thì sẽ được trau dồi thêm các kỹ năng như: biên phiên dịch, thủ thuật dịch thuật, vốn ngữ pháp đặc thù, các thuật ngữ chuyên ngành…

>> Top các trường Đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ra trường không lo thất nghiệp

Ngành Ngôn ngữ Nhật, Trung, Hàn

Ngôn ngữ Nhật là ngành khá khó học, tuy nhiên đây là ngôn ngữ được ưa chuộng tại Châu Á và hơn hết là nền kinh tế Nhật Bản rất phát triển nên cơ hội làm việc cho công ty Nhật là điều bạn nên nhắm đến. Sinh viên học ngành này sẽ được đào tạo những kiến thức nền tảng, chuyên sâu về ngôn ngữ – văn hóa Nhật Bản để sử dụng tiếng Nhật thành thạo, lưu loát.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng và đặc biệt là học các nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử và thái độ làm việc chuyên nghiệp của người Nhật để dễ dàng hòa nhập với môi trường sử dụng tiếng Nhật.

Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Nhật cũng được nhiều trường đầu tư lớn về chất lượng đào tạo

Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Nhật cũng được nhiều trường đầu tư lớn về chất lượng đào tạo (Nguồn: Hutech)

Ngôn ngữ Trung được sử dụng khá rộng rãi, cơ hội làm việc sẽ rộng mở vì nhiều công ty Trung Quốc, Đài Loan hiện đang có trụ sở tại Việt Nam. Sinh viên học ngành này sẽ được học các môn chuyên ngành từ ngữ pháp, Hán tự đến văn hóa, thương mại, du lịch và cả kỹ năng thông dịch trong môi trường sử dụng tiếng Trung.

Ngôn ngữ Hàn cũng được nhiều học sinh chọn trong những năm gần đây, một phần là do ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc qua âm nhạc, phim ảnh, phần khác là sự hợp tác với doanh nghiệp Hàn ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Giống như các ngôn ngữ khác, sinh viên học Ngôn ngữ Hàn cũng sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng, chuyên sâu về tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc. Tiếng Hàn sẽ hơi khó học với những người mới, nhưng nếu được học bài bản và yêu thích ngôn ngữ này thì bạn có thể làm được nhiều công việc như giảng dạy, hướng dẫn viên, thông dịch viên.

Ngành Ngôn ngữ Pháp, Nga, Đức

Ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ được sử dụng rất nhiều tại các nước phương Tây, nước ta chủ yếu học ngôn ngữ này để tìm kiếm cơ hội du học hoặc làm việc cho các công ty thuộc sở hữu của Pháp. Sinh viên sẽ được đào tạo để có đủ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của xã hội như:

  • Đủ năng lực về kỹ năng ngôn ngữ để giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Pháp.
  • Am hiểu sâu về con người, văn hóa và xã hội Pháp.
  • Nắm vững những kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, biên dịch, thông dịch, thư tín văn phòng, ngoại thương…

Ngôn ngữ Nga đang thu hút sinh viên học nhiều hơn những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch vì du khách Nga đến Việt Nam ngày càng đông, tập trung ở các tỉnh, thành phố miền Trung. Chương trình đào tạo ngôn ngữ Nga tập trung chủ yếu vào tiếng Nga và một số kiến thức về văn học, văn hóa, dịch thuật, thương mại và du lịch… nhằm giúp người học có đủ năng lực làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tiếng Nga.

Ngôn ngữ Đức không hề xa lạ như bạn nghĩ, thực tế người Việt Nam học tiếng Đức khá nhiều, môi trường giáo dục của Đức rất tốt nên khi học ngôn ngữ này, bạn có thể du học hoặc làm được nhiều công việc mà mình yêu thích. Chương trình đào tạo tiếng Đức sẽ giúp sinh viên sử dụng tiếng Đức thông thạo, có trình độ nghiệp vụ vững vàng và có những kiến thức nền cần thiết cho nghề nghiệp.

Cử nhân ngôn ngữ Đức phải có khả năng vận dụng những kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ đã học vào những hoạt động biên dịch, phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ, giảng dạy…

Cơ hội lấn sân cho sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội

Ngành Quan hệ Quốc tế

Ngành Quan hệ Quốc tế là một ngành của chính trị học, nghiên cứu về ngoại giao và các vấn đề toàn cầu giữa các nước thông qua hệ thống quốc tế. Đây là một ngành khoa học mang tính liên ngành, vì thế học ngành này sinh viên cần có kiến thức đầy đủ về nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt là phải có kiến thức ngoại ngữ tương đối vững vàng.

Đây được xem là một ngành học thời thượng vì công việc sau khi ra trường sẽ liên quan đến lĩnh vực chính trị, quan hệ đối ngoại với các nước. Tuy nhiên, nhiều bạn học ngành này đã chọn theo đuổi nghề nghiệp thông dịch viên vì có trình độ ngoại ngữ tốt và hơn hết là kiến thức đối ngoại rất hữu ích trong việc thông dịch ngôn ngữ.

Sinh viên Quan hệ Quốc tế có thế mạnh về ngoại ngữ và kiến thức trong lĩnh vực ngoại giao (Nguồn: vnu)

Ngành Quốc tế học

Tương tự với ngành Quan hệ Quốc tế học, ngành Quốc tế học là một ngành nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề quốc tế. Sinh viên ngành này cũng cần học các kiến thức đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và nắm vững kiến thức về quan hệ quốc tế, toàn cầu hóa, môi trường và phát triển…

Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của ngành này cũng khá cao, nếu bạn không thông thạo ngoại ngữ thì rất khó để tham khảo tài liệu nước ngoài về các vấn đề quốc tế. Cơ hội việc làm của ngành cũng khá rộng mở, bạn có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau với kiến thức và vốn tiếng Anh sẵn có.

Ngành Ngôn ngữ học

Ngôn ngữ học cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên ngành và đào tạo kỹ năng. Nội dung đào tạo của ngành bao gồm khối kiến thức cơ bản về ngôn ngữ ứng dụng và kiến thức chuyên sâu phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Về kỹ năng, sinh viên được học các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ như viết báo, xử lý thông tin ngôn ngữ, giao tiếp ngôn ngữ, kỹ năng biên phiên dịch…

Có thể nói, đây là ngành sẽ bổ trợ rất nhiều nếu bạn theo đuổi công việc của một thông dịch viên, khi bạn đã có một kiến thức ngoại ngữ đủ giỏi thì bạn cũng sẽ cần một cách truyền tài chính xác, phù hợp, sinh viên ngôn ngữ học chính là những người hiểu rõ và làm rất tốt việc này.

Ngành Đông Phương học

Hiếu một cách khái quát, Đông Phương học là ngành xã hội học với mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu về con người, lịch sử, văn hóa, nền kinh tế… các quốc gia phương Đông. Theo học ngành này, bạn sẽ có những kiến thức, hiểu biết về những nền văn hóa lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Á, Đông Nam Á… song song đó là học một trong các ngoại ngữ yêu cầu như tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Ấn Độ…

Lợi thế của sinh viên học ngành này là nắm được kiến thức cơ bản của một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan. Sinh viên sau này có thể làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia với các vị trí liên quan đến đối ngoại, thông dịch viên…

Sinh viên ngành Đông Phương học có thể đảm nhận được nhiều công việc sau khi ra trường (Nguồn: dongphuonghoc)

Ngành Sư phạm ngôn ngữ

Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành sư phạm để ra trường chuyên giảng dạy về ngôn ngữ như sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, sư phạm Pháp… chương trình đào tạo của những ngành này đều liên quan mật thiết đến ngôn ngữ, giống như một ngành về ngôn ngữ, khác biệt duy nhất là kỹ năng sư phạm sẽ được lồng ghép vào quá trình học.

Một giáo viên dạy ngoại ngữ thì chắc chắn sẽ rất am hiểu về ngoại ngữ đó, do đó nhiều sinh viên ra trường đã chọn công việc mà mình yêu thích là trở thành thông dịch viên thay vì đi giảng dạy. Tuy nhiên, bạn chỉ nên học sư phạm khi còn phân vân là nên đi dạy hay đi làm, nếu bạn chỉ cần ngoại ngữ để đi làm thì bằng cấp sư phạm sẽ không cần thiết cho lắm.

Sau khi đọc bài viết này, bạn đã biết muốn làm thông dịch viên thì học ngành gì chưa? Kiến thức ở cấp bậc đại học, cao đẳng sẽ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc tìm kiếm việc làm sau này, tuy nhiên nếu bạn không tự mình trau dồi thêm ngoại ngữ thì khó có thể làm tốt công việc này. Chúc bạn chọn được ngành học như ý nhé!

Quang Vinh (Tổng hợp)

Rate this post

Viết một bình luận