Chuyện quê: Săn cá trê

 

Bắt cá cạn. Ảnh: LÊ SƠN

Bắt cá cạn. Ảnh: LÊ SƠN

(VLO) Ngày ấy, khi đất nước còn chiến tranh hay những năm đầu sau ngày giải phóng, các tỉnh ở ĐBSCL như Vĩnh Long chủ yếu còn cấy lúa mùa. Khi trời mưa xuống các cánh đồng đều mênh mông nước.

Các loài cá nương theo cây lúa để sinh sôi, trong đó có hai loại cá được chú ý nhiều nhất là cá lóc và cá trê. Chúng quen đến nỗi có câu nói cửa miệng “Cạn đìa mới biết lóc trê”. Nghe ra, quanh con cá trê lại có lắm chuyện lý thú.

Cá trê là loại cá da trơn nước ngọt nhiều nhất là ở Đông Nam Á, có 15 chi với khoảng 114 loài, nhưng với bà con nông dân thì cứ theo hình dáng và màu sắc mà đặt tên.

Vì cá trê dễ lai giống với nhau nên việc gọi tên đúng cũng không dễ, như cá trê đen với cá trê trắng na ná nhau thì gọi chung là trê trắng. Cá trê vàng với cái đầu to, bụng vàng nhạt khác hẳn với các loại cá trê khác, lại nổi tiếng là một đặc sản của đồng bằng nên phải có một cái tên riêng.

Có một loại cá trê có hình dáng to hơn đồng loại, có lẽ đây là loài cá trê lớn nhất và khá hiếm, con trưởng thành có thể dài hơn hai gang tay người lớn, da màu đồng sậm, thường nặng trên 1kg.

Mặc dù chúng giống với loại cá trê trắng hơn nhưng bà con ta lại gọi chúng là cá trê dừa. Sau ngày giải phóng, họ nhà cá trê có thêm bè bạn nhập về từ Châu Phi nên được gọi là cá trê phi. Chúng lớn con nhưng thịt không ngon như các loại cá trê bản địa nên dần dần bị rẻ rúng.

Từ con cá trê phi các nhà nhân giống lai tạo được một loài cá lai khá hấp dẫn là trê vàng lai từ mẹ là cá trê vàng và cha là trê phi.

Loài cá lai này khi còn nhỏ khá giống cá mẹ nên thuyết phục được các bà nội trợ, nhưng càng lớn càng giống cá cha nên tại các chợ chỉ xuất hiện các chàng trê vàng lai choai choai thôi. Sau đó trên thị trường cá kiểng cũng xuất hiện nhiều loài cá trê nuôi xem chơi, đến từ nhiều nguồn với nhiều màu từ trắng đến hồng, cam…

Có một anh cá trê khủng- khá nổi tiếng được nuôi tại Phước Đức Cổ Miếu (ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên- Sóc Trăng) nhưng không nghe ai nhắc nó là loài cá trê nào.

Một thợ câu bắt được nó ở sông Mỹ Thanh (xã Vĩnh Châu) nặng tới 4kg, thấy cá lớn quá, anh đem tặng cho miếu nuôi, nay cá đã nặng hơn 5kg.

Ở đồng bằng khi trời mưa xuống, các cánh đồng xăm xắp nước không hẹn mà cá trê cùng cá rô kéo nhau lên đồng sớm nhất, nhiều con cá mẹ bụng lặc lè trứng. Rồi khi các đám mưa cuối mùa sắp dứt, cặp đôi này lại rủ nhau về sông và các ao mương cũng sớm nhất.

Trên những cánh đồng sâu cấy lúa mùa, những ngày cận Tết các bà đi cắt lúa thỉnh thoảng bắt được cả nón lá tôm càng xanh còn kẹt lại. Hay tại những hầm làm theo các đường nước để bắt cá cạn thì đầy rẫy cá lóc, tuyệt nhiên chẳng thấy anh cá trê nào, nhưng ở sông và các ao mương thì rất nhiều.

Cố nhà báo Minh Phú (nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long) có lần kể sự hào phóng của thiên nhiên về loài cá trê trắng: Trước ngày giải phóng vài năm, ông từng công tác ở các xã phía trên QL4 (QL1 ngày nay).

Vùng này gặp địch như cơm bữa nhưng cá tôm nhiều vô kể, vì có nhiều cánh đồng bị hoang hóa. Nước ròng tại các búng ở các con rạch, nếu làm động nước cá trê trắng sẽ chui vào các gốc dừa nước ló đuôi ra rờ… nhớt tay!

Còn anh Hồ Ngọc Mãnh nguyên là điện báo viên của Tiểu ban Thông tấn báo chí (Ban Tuyên huấn tỉnh) kể: Đồng Cồng Cộc ở Tam Bình nổi tiếng với cá trê vàng, vạch một lỗ rong trên đồng rồi thả cần câu thả(1) có móc mồi là tép rong, lúc thăm câu thường được nắm con cá trê vàng mềm sụm trên tay, đem về nướng mở chảy… tắt bếp!

Không riêng ở các vùng đó, kể cả các năm đầu sau ngày giải phóng cá trê cũng rất nhiều, ngày cận Tết tát mương vườn, ao đìa bắt cả thùng thiếc(2) cá trê trắng là chuyện thường.

Cá trê trắng nhiều thế nhưng sau ngày giải phóng vài năm, từ khi có nạn dịch ghẻ trên cá cộng với lúa hai mùa tràn đồng, làm loài cá mất môi trường sống. Cho nên mật độ cá, nhất là cá trê trắng trong thiên nhiên bỗng giảm hẳn, đến nay cá trê trắng cũng đáng được gọi là đặc sản!

Nói vòng vo cuối cùng cũng xin trở lại chuyện săn con cá trê, nhất là cá trê trắng. Sở dĩ nói nhiều về con cá trê trắng vì chúng hơi khác với các loài cá trê còn lại ở tập tính hay kết thành đàn, có đàn gần cả trăm con.

Nên ngoài cách săn chúng lẻ tẻ bằng những cách thông thường như câu, lưới hay chài… người ta còn có những cách săn độc đáo.

Đầu tiên là cách bắt cá trê bằng tay không trên sông đầy nước, đó là giậm dấu: đợi lúc nước ròng chọn một khúc sông có mực nước không sâu lắm rồi dùng bàn chân ấn xuống đáy sông tạo thành một cái dấu hình chữ L, làm hàng chục cái “giậm dấu” như thế trên một khúc sông.

Sau đó khuấy động mặt nước cho cá hoảng hốt trốn vào các dấu, thế là chúng sụp bẫy, người săn chỉ cần bịt miệng dấu lôi cá ra.

Nói thì dễ nhưng vì không có dụng cụ nên phải cần kinh nghiệm, bởi ngay cả việc lôi con cá trong dấu ra không khéo bị ngạnh cá đâm vào tay nhức thấu xương: nhức từ lúc nước ròng đến nước lớn trở lại đầy sông vẫn chưa hết là chuyện kể của những người từng bắt cá trê kiểu này.

Ông Sáu Hiệp, một cán bộ của Ban Tuyên huấn huyện Vũng Liêm, là người bắt cá giậm dấu rất tài tình, ông mà ra tay thì người theo lượm cá ông quăng lên bãi sông mệt nghỉ.

Bí quyết của ông là chọn khúc đáy sông không có cát, vì cá trê là cá da trơn rất sợ cát, kế đến là thay vì dùng chân làm cái dấu ông lại dùng tay nên ông hay đùa cách của ông là “móc dấu”.

Để móc dấu ông lặn xuống đáy sông dùng hai bàn tay nung vào đất theo dòng chảy của nước sông cho đến khi chúng gặp nhau thì lấy tay ra, lúc đó mỗi bàn tay đã nắm một cục đất bùn sẵn đà quăng lên bãi để làm dấu cho cái dấu ở đáy sông lúc này đã có 2 cửa thông với nhau thay vì 1 cửa như khi dùng chân và như thế khả năng con cá chui vào dấu sẽ cao hơn gấp 2 lần.

Ông kể nhiều lần trong dấu kiểu của ông có tới 3 con cá trốn vào, phải lừa thế 2 bàn tay bắt 2 con rồi dùng 2 chân bịt miệng dấu lại để bắt con còn lại.

Săn cá trê đàn mới thú vị, mùa khô những đàn cá trê ban ngày trốn vào các hang, ban đêm mới bung ra đi theo đàn kiếm ăn. Phát hiện được đàn cá thì việc đầu tiên là tìm xem hang chúng ở đâu để đào tóm gọn chúng.

Nói thế chứ việc đào bắt có khi rất nhiêu khê vì có hang đi vòng vèo quanh gốc cây lớn, không dễ đụng vào. Những người có kinh nghiệm đào hang cá kể rằng, cá trê khi ẩn trong hang hay tập trung vào một chỗ trống trong đất gọi là “nồi gọ”.

Ở đó chỉ cần một ít nước bùn sền sệt là đủ, nhưng có một yếu điểm là nồi gọ phải có lỗ thông khí để chúng thở. Người săn cá cứ phăng theo cái lỗ này mà tìm đến nồi gọ, nếu gặp đàn cá cả trăm con thì thật là sảng khoái.

Có một điều khó giải thích mà những người thường đào hang cá trê tiết lộ là ở những đàn cá lớn trong hang cá thỉnh thoảng có gặp một cặp cá lóc rất to… ở nhờ, bỏ sót thì tiếc lắm!

Còn một chuyện lý thú nữa quanh tập tính ở hang của các bầy cá trê mà con người phải học làm theo: Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ ta “nằm vùng” thường phải dùng đến hầm bí mật khi cần lánh địch. Có nhiều loại hầm bí mật tùy theo nơi và cách làm ra nó.

Ở đồng bằng thì có một loại hầm bí mật được gọi là “hầm cá trê”, cách làm hầm này là nhái theo kiểu các hang cá trê, hầm không có nắp nên lối vào là một hang bắt đầu từ nơi có nhiều nước như ao hay mương thông với “nồi gọ” có lỗ thông khí để người ẩn thân.

Cá trê vàng- đặc sản của đồng bằng. Ảnh: Internet

Cá trê vàng- đặc sản của đồng bằng. Ảnh: Internet

Săn cá trê đàn không chỉ trong mùa khô mà ở cả mùa nước nổi. Mùa này người đồng bằng thường dùng một dụng cụ gọi là bung, nó giông giống như xà ngôn. Đặt bung không đặt theo các đường nước như đặt xà ngôn mà ở những nơi cá hay lui tới như ở mé sông rạch hay bờ ruộng.

Cái khác nữa là đặt bung thì cần có mồi để dẫn dụ cá vào. Sau cách đặt cái bung sao cho êm để cá chịu vào thì mồi đặt là yếu tố quyết định, nên có người coi đây là một bí quyết, có cả những bài thuốc phải đi bổ ở các tiệm thuốc Bắc.

Khoảng năm 1971- một lần về xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), người viết được gặp ông Năm Bôn, lúc đó ông đang là Tổ trưởng Tiểu tổ Đảng ấp Kinh, được ông kể cho nghe cách bắt cá trê đàn rất đặc biệt bằng cái nôm cá.

Việc dùng cái nôm để bắt cá thì ai cũng biết, nhưng theo ông cái nôm để bắt cá trê đàn thì khác, nó phải lớn hơn cái nôm cá bình thường mới trùm hết cả đàn được. Còn nữa, phải cần có một tấm màng bằng vải chắc chắn hình tròn, sao cho khi kết phía trong cái vành dưới cùng của cái nôm phải vừa vặn.

Giữa màng này có khoét một lỗ tròn cỡ bàn tay, có may rãnh để luồn dây rút vào. Hai đầu dây rút được đưa lên miệng phía trên của cái nôm để người săn kéo tấm màng lên phía trên và điều khiển độ đóng mở cho cái lỗ này khi cá đã lọt vào nôm.

Chính vì phức tạp thế nên ít người làm. Có cái nôm loại này rồi, khi phát hiện đàn cá đi ăn đêm theo đàn, người săn phải đón đầu chúng ngồi rình ở một nơi thuận lợi cho việc úp cái nôm.

Có một điều cũng phải lưu ý là những đàn cá đi ăn đêm hay có những con rắn theo sau để thi thoảng đớp những con cá đi sau, nếu quá mê cá mà không phát hiện ra rắn độc thì nguy.

Thao tác cái nôm hiệu quả nhất là ở trên các cánh đồng lúa. Khi phục kích đàn cá ở một góc bờ ruộng và úp cái nôm trùm được đàn cá xong, việc đầu tiên là người săn phải lẹ làng ngồi dằn lên nôm nếu không đàn cá sẽ tung lật nôm mà thoát đi.

Khi đã ổn định, việc kế tiếp là điều chỉnh dây rút quanh cái lỗ đã có sẵn để thu hẹp nó lại chỉ vừa một con cá lọt qua rồi hạ tấm màng xuống che cả đàn cá bên dưới.

Khi cá bị ngộp phải tự tìm cái lỗ nhỏ đó chui lên phần trên của cái nôm. Khi đoán cả đàn cá đã lên hết rồi thì rút dây rút cho kín cái lỗ đó lại. Việc đơn giản còn lại là bê cái nôm lên bờ, đàn cá kể như xong đời!

Còn nếu như cái màng treo bên trong của cái nôm không hoạt động như ý, có một cách chữa cháy là ngồi trên nôm với tay nhét đầy cỏ hay thân cây lúa vào cho đầy nôm rồi lần lượt bắt từng con cá ra.

Nhờ có cỏ nên người săn ít có khả năng bị cá đâm vào tay. Nhưng khi bắt cá xong khoan nghỉ tới sẽ nướng cá chấm nước mắm gừng hay luộc cơm mẻ mà phải lo rút lẹ nếu không chủ ruộng bắt gặp lúa bị hư một khoảng lớn thì rầy rà to!

(1) Cần câu thả làm bằng một đoạn thân cây sậy khoảng 2 gang tay người lớn, ở giữa buộc nhợ và lưỡi câu.

(2) Thùng thiếc là thùng đựng dầu lửa rất phổ biến trước ngày giải phóng, thùng hình trụ vuông đúng 20 lít, rất thích hợp để làm thùng xách nước, tưới cây.

HỒNG VÂN

Rate this post

Viết một bình luận