Cổ hươu cao cổ dài hơn là để đánh nhau, không phải tìm thức ăn?

Cổ hươu cao cổ dài hơn là để đánh nhau, không phải tìm thức ăn? - Ảnh 1.

Ngày nay, cổ của một con hươu cao cổ có thể dài 2 – 2,5m và nặng tới 300kg – Ảnh: Shutterstock

Hươu cao cổ là loài động vật sống ở châu Phi, rất dễ nhận biết nhờ chiếc cổ dài nổi bật. Các nghiên cứu trước nay đều cho rằng sở dĩ loài động vật này phát triển chiếc cổ dài tới 1/2 cơ thể là do quá trình tiến hóa để thích nghi điều kiện khí hậu khô cằn ở lục địa châu Phi. Thức ăn yêu thích của chúng là lá non trên cây cao, nên cổ dài để vươn tới những cây cao đó.

Nhưng một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định chiếc cổ đặc biệt của động vật này được tiến hóa qua hàng triệu năm để trở thành một vũ khí hữu hiệu chiến đấu với những con hươu đực khác.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và cổ nhân loại (IVPP) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh đưa ra kết luận này sau khi phân tích hóa thạch của một loài hươu cao cổ “kỳ lạ” có tên là Discokeryx xiezhi, sống ở vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc cách đây 17 triệu năm. 

Loài hươu này vốn có chiếc cổ ngắn nhưng đã tiến hóa thành hươu cổ dài. Chiếc cổ dài với khung xương sống khỏe mạnh giúp chúng có nhiều sức mạnh hơn khi đánh con đực khác trong cuộc chiến giành con cái.

Discokeryx xiezhi chỉ có một ossicone – một cấu trúc xương ở đỉnh đầu – và có hình dạng giống như một chiếc đĩa vòm cung mà không phải hình trụ hoặc nón như hươu cao cổ hiện đại.

Trong công bố trên tạp chí Science ngày 3-6, chuyên gia nghiên cứu Wang Shiqi tại IVPP cho biết: “Cả hươu cao cổ hiện nay và Discokeryx xiezhi đều thuộc họ Giraffoidea. Có nghĩa là mặc dù hình dạng xương hộp sọ và cổ của chúng khác nhau rất nhiều, nhưng cả hai đều liên quan đến các cuộc chiến giành bạn tình của những con đực”.

Cổ hươu cao cổ dài hơn là để đánh nhau, không phải tìm thức ăn? - Ảnh 2.

Hình ảnh đồ họa mô phỏng cuộc chiến của loài “hươu cổ dài Discokeryx xiezhi” và hươu cao cổ ngày nay – Ảnh: Wang Yu/Guo Xiaocong

Học thuyết tiến hóa của Charles Darwin chỉ ra rằng hàng triệu năm trước, hươu cao cổ có chiếc cổ ngắn và cứng. Sự tiến hóa thành chiếc cổ dài hơn cho phép những con hươu ăn được những chiếc lá cây trên ngọn cao nhất trong rừng Savannah châu Phi.

Lý thuyết cho rằng hươu cao cổ với chiếc cổ dài giúp tiếp cận thức ăn cần thiết để tồn tại và truyền mã di truyền của chúng cho các thế hệ tiếp theo vẫn được duy trì đến ngày nay, được giới khoa học tin tưởng.

Tuy nhiên, từ việc quan sát các hành vi của hươu cao cổ, các chuyên gia tại Trung Quốc bắt đầu nhận ra rằng chiếc cổ đóng vai trò như một vũ khí trong cuộc chiến. Hai con hươu đực đánh nhau chủ yếu bằng việc dùng đầu và cổ đập vào nhau. Cổ dài hơn có xu hướng tạo ra nhiều tốc độ và sức mạnh hơn, vì vậy cổ càng dài thì sát thương đối phương càng lớn.

Theo các chuyên gia, kích thước cổ của hươu cao cổ đực có liên quan trực tiếp đến thứ bậc xã hội của chúng, và sự cạnh tranh tán tỉnh là một động lực thúc đẩy sự tiến hóa của cổ dài.

Phân tích về các khớp nối phức tạp giữa hộp sọ và đốt sống cổ của loài Discokeryx xiezhi cũng cho thấy chúng đặc biệt thích nghi với tác động mạnh khi đầu đối đầu.

Khi đem so sánh hình thái sừng của một số nhóm động vật nhai lại, bao gồm hươu cao cổ, trâu bò, cừu, hươu, nai và linh dương, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự đa dạng về sừng ở hươu cao cổ lớn hơn nhiều so với các nhóm khác. Điều này chỉ ra rằng các cuộc đấu tranh tán tỉnh ở hươu cao cổ thường gay gắt và đa dạng hơn so với các loài nhai lại khác.

Ngoài ra, Discokeryx xiezhi cũng được cho là đã sống ở các đồng cỏ trống và có thể di cư theo mùa.

Phát hiện hươu cao cổ trắng cực hiếm Phát hiện hươu cao cổ trắng cực hiếm

TTO – Con hươu cao cổ trắng cực hiếm được phát hiện trong một khu bảo tồn tư nhân ở đông bắc Kenya.

Rate this post

Viết một bình luận