Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến lươn điện và cũng đang thắc mắc vì sao một loài động vật bình thường lại có thể tự tạo ra điện thậm chí đủ mạnh để săn mồi. Sự thật là việc cá biết phóng điện trong tự nhiên không hề hiếm và lươn điện cũng là một loài cá.
Trong thế giới tối tăm dưới mặt nước, tín hiệu điện là phương thức định hướng di chuyển, liên lạc, tìm kiếm con mồi. Gần 350 loài cá sở hữu các bộ phận cơ thể đặc biệt giúp chúng tạo và cảm nhận được tín hiệu điện. Dựa vào lượng điện tạo ra, chúng được chia thành hai nhóm lớn: Cá điện yếu và cá điện mạnh.
Cá điện yếu: Đại diện cá mũi voi, chiếc cằm dài bất thường của chúng là nơi chứa bộ phận cảm thụ điện. Điều đó giúp chúng bắt tín hiệu điện từ những con cá quanh đó, phán đoán cự ly, nhận biết hình dạng và kích thước của các vật thể xung quanh, thậm chí xác định trạng thái sống chết của con mồi. Nhưng vì chúng là loài phóng điện yếu nên không thể tạo ra dòng điện đủ lớn để tấn công con mồi.
Cá điện mạnh: Với số lượng ít ỏi hơn rất nhiều, chúng có thể tạo ra dòng điện đủ lớn để tấn công con mồi, đại diện hàng đầu phải kể đến chính là lươn điện. Ba cơ quan phát điện trải dài trên cơ thể dài 2m của chúng. Tương tự những loài phóng điện yếu, lươn điện cũng sử dụng tín hiệu điện để định hướng và liên lạc, nhưng chúng có thể tạo ra các xung điện đủ mạnh dành riêng cho việc săn mồi.
Đầu tiên, chúng tạo ra các xung khá mạnh khoảng 600 vôn, làm vị trí của con mồi bị lộ và khiến các cơ của con mồi co giật. Sau đó, chúng phóng liên tiếp các xung điện mạnh, khiến con mồi co cơ mạnh hơn. Trong lúc đó, lươn điện có thể cuộn mình lại để nhân đôi điện trường và tạo ra cú giật sau cùng khiến cơ bắp con mồi tê liệt hoàn toàn. Thế là có thể thoải mái tận hưởng bữa ăn trong khi con mồi vẫn còn tươi ngon.
Hai loài cá phóng điện mạnh khác là cá trê điện có thể tạo ra điện 350 vôn nhờ bộ phận sinh điện trải dài trên thân chúng và cá đuối điện có thể tạo ra điện 220 vôn với cơ quan sinh điện trên đầu.
Chúng đã tạo ra điện như thế nào? Điện được phát ra từ bộ phận sinh điện bên trong cơ thể (thường năm ở phần đuôi). Thông qua các dây thần kinh, bộ não gửi tín hiệu tới cơ quan sinh điện, nơi chứa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các tế bào sinh điện hình đĩa được xếp chồng lên nhau.
Thông thường, chúng sản sinh ra các ion Natri hoặc Kali để duy trì thế dương bên ngoài và thế âm bên trong tế bào.
Nhưng khi nhận được xung thần kinh từ não, những cánh cổng ngăn cách các ion sẽ mở ra, cho phép ion dương di chuyển ngược vào trong.
Lúc này, một phần tế bào sinh điện được tích điện âm phía ngoài và điện dương phía trong, còn phần kia thì ngược lại. Từ sự dịch chuyển có hướng của các điện tích tạo ra dòng điện, biến chúng thành cục pin sống.
Điểm mấu chốt của sức mạnh này nằm ở việc các xung thần kinh được truyền tới các tế bào gần như cùng một thời điểm. Điều đó khiến các tế bào được xếp chồng vận hành như hàng nghìn “cục pin” nối tiếp. Năng lượng từ mỗi “cục pin” giúp tăng cường điện trường, khiến dòng điện có sức ảnh hưởng tới vài mét.
Tuy vậy cá phóng điện vẫn còn một bí ẩn chưa có lời giải: Vì sao chúng không bị giật bởi chính dòng điện của chúng? Có thể do kích thước lớn của cá phóng điện giúp chúng chịu được cú giật của chính mình. Một số nghiên cứu cho rằng, cá phóng điện được bảo vệ bởi một số protein đặc biệt, nhưng thực ra, đó vẫn là một bí ẩn mà khoa học chưa có lời giải đáp.
Nguồn: https://tinhte.vn/threads/co-the-ban-chua-biet-tai-sao-luon-dien-co-the-tu-phat-ra-dong-dien-cuc-manh.2916510/
Bình luận bằng Facebook
comments