Thứ Hai 16/09/2013 , 11:11 (GMT+7)
Sự thật thì không những chè đắng mà ngay cả các loại trà khác khi sử dụng nhiều và lâu dài đều có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi cho cơ thể.
Chè đắng còn có nhiều tên gọi khác như khổ đinh trà, chè đinh (sở dĩ có tên này vì sau khi thu hái, người ta cuộn lại giống hình cái đinh), tên khoa học là Camellia sinensis, thuộc họ chè (Theaceae, đồng nghĩa Camelliaceae, Gordoniaceae.
Chè đắng được trồng và mọc tự nhiên ở vùng núi phía Bắc gồm các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai (núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa), Cao Bằng, Ninh Bình (Cúc Phương, Đồng Cơn). Còn ở Trung Quốc (Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Nam tới tận đảo Hải Nam).
Theo đông y, chè đắng có vị đắng, ngọt hơi chua, hàn, không độc, tác dụng vào gan lách, phổi, thận. Nhờ sự có mặt các thành phần hóa học trong chè mà nó có nhiều tác dụng phòng và chữa bệnh.
Chẳng hạn chất cafein tác dụng lên trung khu thần kinh làm hưng phấn tinh thần, tư duy hoạt bát, phục hồi sức khỏe nhanh sau lao động mệt mỏi, tăng cường co bóp cơ vân nhưng lại làm hạn chế sự hấp thu canxi ở ruột.
Còn theo sách “Thực dụng Trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ” nêu tên Ilex kudingcha C.J.Tseng với tính vị đắng, ngọt, mát, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, tai điếc, tai giữa chảy mủ, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ, đau họng, bỏng lửa. Liều dùng 3 – 10g, dùng ngoài không kể liều lượng. Thể hư dùng phải cẩn thận.
Sách “Trung thảo dược thái sắc đồ phổ” ghi tên Ilex latifoliaThunb với tính đại hàn, vị đắng, ngọt, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ.
Sách “Vân Nam trung dược tư nguyên danh lục” ghi Ilex latifolia Thunb với bộ phận dùng là lá, có tính vị đắng, mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tân sinh, chỉ khát. Dùng trị bệnh sởi, đau bụng, bệnh hậu phiền khát, bệnh sốt rét.
Sách “Trung dược đại tự điển” ghi 2 loài Ilex cornuta Lindl vàI.latifolia Thunb có vị đắng, ngọt, có tác dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát. Dùng trị đau đầu, đau răng, mắt đỏ, tai ù, nhiệt bệnh phiền khát và bệnh lỵ.
Sách này còn dẫn ra nhiều nguồn tư liệu khác nhau như sách “Bản thảo tái” có nêu loại trừ chất béo; sách “Trung Quốc khoa học đại từ điển” nêu là hoạt huyết mạch, lương tử cung; sách “Tứ Xuyên trung dược chí” nêu là trị được ăn uống không tiêu; sách “Cương mục thập di” nêu là hoạt huyết, tuyệt dựng.
Tuy chúng ta không phủ nhận những tác dụng có thật của chè đắng, nhưng dù sao nó vẫn là thuốc, do vậy không được lạm dụng cả về liều lượng và thời gian sử dụng.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một bằng chứng nghiên cứu khoa học chính thống đầy đủ về tác dụng dược lý của nó nên gần đây có nhiều thông tin cho rằng, chè đắng có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng như vô sinh,…
Cụ thể hơn là một số bác sĩ y khoa tại Hoa Kỳ và Âu Châu vừa lên tiếng báo động về tác hại của việc dùng loại trà dược thảo mang tên “khổ đinh trà” thường được gọi là trà đinh hay chè đắng mà thời gian gần đây được rất nhiều người uống và tin tưởng là có công dụng trị bệnh, đến mức độ hầu như trở thành một phong trào lan tràn khắp thế giới.
Như tại Whashington, BS.Trần Văn Sáng gặp hai bệnh nhân của ông chỉ vì uống chè đắng mà gặp những phản ứng bất thường rất đáng ngại: Trường hợp thứ nhất bị viêm gan cấp tính do độc chất của loại chè này, trường hợp thứ hai bị phản ứng nổi ngứa cả người do bị dị ứng nặng.
Hay theo BS Bùi Kim Loan ở Bệnh viện Bietighiem tại Đức, có trường hợp một phụ nữ Việt Nam sống ở bên Đức chết do sử dụng loại chè này.
Ngoài ra còn có tài liệu nói rằng, chè đắng có thể gây ra các triệu chứng ói mửa, đau bụng, tiêu chảy do phản ứng phụ của chất Saponin. Chất Saponin cũng có thể gây ra bệnh chứng vỡ các hồng huyết cầu (hermolysis) gây ra bệnh thiếu máu.
Nghiên cứu của DeStefani và các cộng sự viên tại Paraguay cho thấy, ở những người sử dụng nhiều khổ đinh trà Mate tea (thuộc nhóm cây Ilex) tỉ lệ ung thư bọng đái cao hơn 7 lần bình thường. Chè đắng cũng có tác dụng làm chậm nhịp tim giống như chất Digitalis là một loại thuốc đang được sử dụng để chữa các bệnh xáo trộn nhịp tim.
Chè đắng cũng có tác dụng phụ làm hạ huyết áp: Theo các thí nghiệm trên động vật và trên người, chè đắng có thể gây phản ứng làm giảm áp suất máu ở những người không bị triệu chứng cao huyết áp…
Đặc biệt là trong chè đắng có chứa chất PYRROLIZIDINE ALKALOIDS, chất này cũng được tìm thấy trong số khoảng 230 loại cây cỏ khác nhau. Chất Pyrrolizidine được tìm thấy trong chè đắng là nguyên nhân chính của một số trường hợp gây độc hại cho gan (veno-occlusive liver disaese), đưa đến sự xáo trộn cung cấp máu cho gan, làm sưng gan, vàng da, bụng có nước, chân phù và nặng hơn hết là chết do suy gan cấp tính.
Thông tin này dẫn theo tài liệu của Subhuti Dharmananda. Ph.D, Giám Đốc trung tâm nghiên cứu về y học cổ truyền tại Portland, Oregon trong bài tường trình cho tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 1988.
Bởi vậy, khi chưa có kết quả nghiên cứu hoàn hảo về loại chè này, mọi người cần thận trọng khi sử dụng nó, nhất là khi dùng nó trong trị liệu không thể không có sự chỉ dẫn của bác sỹ. Nếu như việc sử dụng thông thường như chỉ dùng uống thi thoảng thôi thì chắc không có hại gì.
Sự thật thì không những chè đắng mà ngay cả các loại trà khác khi sử dụng nhiều và lâu dài đều có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi cho cơ thể.
Ngay cả nhân sâm cũng vậy, mặc dù nó là vị thuốc đại bổ nguyên khí nhưng khi lạm dụng cũng gây ra ngộ độc; cơm khi ăn quá no cũng sinh bội thực, ăn uống quá sang với nhiều món bổ dưỡng một lúc cũng có thể gây ra viêm tụy cấp…