Hiện nay, các sản phẩm bổ sung collagen được bày bán và quảng cáo rầm rộ với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Mặc dù có giá thành khá cao và chưa biết thực hư về hiệu quả cũng như tác dụng của collagen ra sao nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bỏ ra một số tiền khá lớn để mua về sử dụng. Vậy collagen có tác dụng gì? Uống nhiều collagen có hại không? Cách sử dụng như nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được tất cả những thắc mắc này.
Collagen là gì?
Collagen là một dạng protein quan trọng. Chất này chiếm đến 25% tổng lượng protein có trong cơ thể. Collagen cũng là thành phần chủ yếu của da, tập trung nhiều nhất tại lớp thượng bì và chiếm khoảng 70% cấu trúc da.
Để các mô trong cơ thể được kết nối với nhau thì không thể thiếu collagen. Nó hoạt động như một loại keo tạo ra sự kết nối vững chắc giữa các tế bào dưới da, từ đó quyết định đến sự săn chắc, mịn màng của làn da. Ngoài ra, collagen còn tham gia thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.
Cùng với quá trình lão hóa theo tuổi tác, lượng collagen trong cơ thể cũng bị mất dần, giảm từ 1 – 1,5% mỗi năm. Khi đó, lượng collagen còn lại không đủ để thực hiện các chức năng cần thiết khiến cho sự liên kết giữa các mô, nhất là tế bào da trở nên lỏng lẻo. Điều này có thể khiến cho làn da nhăn nheo, chảy sệ, xuất hiện nếp nhăn và làm giảm độ săn chắc cơ bắp.
Tác dụng của collagen
Các tác dụng của collagen với cơ thể bao gồm:
1. Cải thiện sự chắc khỏe, dẻo dai của xương khớp
Trong thành phần cấu tạo của xương, lượng collagen chỉ đứng sau canxi. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết các tinh thể canxi với nhau , mang đến cho bạn một khung xương rắn chắc, bền bỉ. Việc thiếu hụt canxi có thể khiến cấu trúc xương bị lỏng lẻo, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm khớp, gai cột sống, gãy xương, thoái hóa khớp và dễ bị chấn thương xương khớp khi bị tai nạn, vấp ngã.
Collagen cũng tham gia vào quá trình sản sinh sụn. Chất này chiếm 50% thành phần của sụn. Việc bổ sung đầy đủ collagen cho cơ thể không chỉ giúp xương khớp của bạn được rắn chắc, khỏe mạnh mà còn giúp làm chậm quá trình thoái hóa sụn, giúp xương khớp vận động trơn tru, linh hoạt.
Đặc biệt, collagen rất hữu ích cho bệnh nhân bị viêm khớp. Chất này có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng sưng đỏ, đau nhức xương khớp, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Tiến hành thử nghiệm trên 73 vận động viên cho thấy, việc sử dụng 10 gram collagen/ngày trong vòng 6 tháng liên tục đã giúp các đối tượng này giảm được các cơn đau khớp một cách rõ ràng.
2. Collagen giúp da săn chắc, mịn màng
Collagen đặc biệt quan trọng đối với làn da. Chất này giúp da có độ săn chắc, đàn hồi tốt, qua đó ngăn ngừa được sự hình thành của nếp nhăn trên da, kéo dài tuổi xuân cho bạn.
Từ tuổi 30 trở đi, quá trình tổng hợp collagen trong cơ thể sẽ giảm dần khiến cho da mặt bắt đầu xuất hiện vết chân chim hay các nếp nhăn ở khóe miệng, trán. Bạn cần chú trọng bổ sung chất này cho cơ thể từ nguồn thực phẩm hay thực phẩm chức năng để làm chậm quá trình lão hóa da.
Collagen cũng giúp cải tạo làn da khô. Trong một nghiên cứu, nhóm phụ nữ tham gia thử nghiệm được yêu cầu dùng 2,5 – 5 gram collagen mỗi ngày kéo dài trong thời gian 8 tuần. Kết quả cho thấy tình trạng khô da đã được cải thiện đáng kể, các nếp nhăn được làm mờ và tổn thương trên bề mặt da cũng nhanh lành hơn.
Bên cạnh đó, tốc độ hydrat hóa da còn tăng đáng kể khi dùng collagen. Quá trình này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào da được ngậm đủ nước và trở nên căng mịn, tươi trẻ hơn.
3. Tốt cho mắt
Collagen có tác dụng gì với mắt? Collagen được tìm thấy nhiều trong mắt ở dạng kết tinh, nhất là ở thủy tinh thể và giác mạc. Thiếu hụt chất này sẽ làm giảm chức năng hoạt động của giác mạc và khiến cho thủy tinh thể mờ đi. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của bạn.
4. Collagen phòng ngừa ung thư
Đây là một trong những công dụng của collagen không phải ai cũng biết. Một số bằng chứng cho thấy, bổ sung collagen ở dạng chiết xuất với liều lượng hợp lý có thể giúp ngăn chặn quá trình biến đổi tế bào ES, giảm nguy cơ mắc ung thư.
5. Tác dụng của collagen với mạch máu
Ngoài xương khớp, mắt và da, collagen cũng là thành phần không thể thiếu cho quá trình sản sinh mạch máu. Chất này giúp làm tăng sức bền cho thành mạch, ngăn ngừa chảy máu, suy tĩnh mạch, cao huyết áp hay nhồi máu cơ tim.
6. Giúp tóc, móng chắc khỏe
Collagen giúp thúc đẩy quá trình mọc tóc, giúp mái tóc suôn mượt và ít bị gãy rụng. Ngoài ra, nó còn cung cấp dưỡng chất giúp cho móng tay, móng chân chắc khỏe hơn.
7. Collagen hỗ trợ hệ miễn dịch
Bên cạnh những tác dụng trên, collagen còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tạo ra môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn có lợi phát triển mạnh, kìm hãm sự sinh trưởng của hại khuẩn.
8. Tốt cho nội tạng
Đối với nội tạng, collagen được bổ sung đầy đủ sẽ giúp các cơ quan như gan, phổi hay tim được khỏe mạnh hơn. Chất này không chỉ giúp làm đẹp da mà còn mang đến cho bạn một cơ thể khỏe mạnh từ trong ra ngoài.
Các loại collagen
Collagen được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi loại có một đặc điểm riêng. Tùy thuộc vào mục đích cũng như nhu cầu sử dụng của bản thân mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn một trong các loại collagen dưới đây:
- Collagen dạng bột: Loại collagen này mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dùng. Sản phẩm này có tính an toàn cao và thường được dùng pha chế với nước hoa quả để sử dụng. So với các loại collagen khác, sản phẩm dạng bột khó mua hơn.
- Collagen dạng nước: Loại này được cơ thể hấp thu nhanh và dễ mua. Mặc dù vậy, collagen dạng nước có giá thành cao, mùi vị khó uống và dễ hư hỏng nếu bảo quản sai cách.
- Collagen dạng viên: Ở nước ta, loại collagen này được bày bán khá phổ biến do có giá thành phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt. Trong số các loại collagen thì loại này có hiệu quả thấp hơn, tác dụng chậm và cần sử dụng trong thời gian dài.
Collagen có hại không?
Collagen cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nếu được sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng bừa bãi. Dưới đây là những tác hại thường gặp của collagen:
- Làm tăng hàm lượng canxi trong máu: Bình thường, lượng canxi huyết trong cơ thể người khỏe mạnh chỉ dao động từ 8,5 – 10,2 ml/dL. Tuy nhiên, mức này có thể cao hơn nếu bạn uống bổ sung canxi liên tục từ 6 tháng trở lên. Tình trạng dư thừa canxi có thể dẫn đến một số dấu hiệu như buồn nôn hoặc nôn ói, đau đầu, táo bón, tăng nhịp tim, huyết áp cao.
- Nổi nhiều mụn trên da: Một số sản phẩm bổ sung collagen có chứa thành phần phụ gia, chất tạo hương hay chất béo có thể làm thay đổi nội tiết tố và khiến da bị kích ứng, nổi mụn nghiêm trọng.
- Dị ứng: Collagen có thể gây dị ứng với một số đối tượng dẫn đến các triệu chứng như ngứa da, nổi mẩn, sưng lưỡi, phát ban… Tác dụng phụ này thường gặp nhất khi bạn sử dụng collagen được chiết xuất từ hải sản.
- Tăng cân: Nhiều sản phẩm collagen được chứa hàm lượng đường, chất béo và calo cao. Việc sử dụng chúng trong thời gian dài khiến cơ thể dễ bị tăng cân mất kiểm soát.
- Suy giảm vị giác tạm thời: Không chỉ tác động đến nội tiết tố, collagen còn làm mất cân bằng axit amin trong cơ thể khiến cho bạn mất cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, vị giác có thể khôi phục trở lại sau khi bạn ngưng uống collagen.
Collagen có trong thực phẩm nào?
Bên cạnh các thực phẩm chức năng thì bạn có thể bổ sung collagen cho cơ thể thông qua chế độ ăn hàng ngày. Các thực phẩm chứa nhiều collagen bao gồm:
- Nước hầm xương
- Thịt gà
- Lòng trắng trứng
- Rau có lá màu xanh đậm
- Các loại đậu
- Cà chua
- Rau của quả giàu vitamin C
Các thực phẩm trên có thể trực tiếp bổ sung collagen cho cơ thể hoặc thúc đẩy quá trình sản sinh collagen. Bạn nên thường xuyên sử dụng chúng trong thực đơn để duy trì được sức khỏe tốt và sở hữu một làn da tươi trẻ.
Cách sử dụng collagen
Sử dụng collagen đúng cách sẽ giúp phát huy được những lợi ích mà chất này mang đến cho sức khỏe. Khi dùng collagen bạn cần tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản dưới đây:
Thời điểm uống collagen
Các sản phẩm collagen thường được khuyến cáo sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể uống vào mỗi sáng sau khi thức dậy. Đây chính là các thời điểm cơ thể có khả năng hấp thu và chuyển hóa collagen tối ưu.
Tuy nhiên, cần lưu ý, không uống collagen khi bạn đang bị rối loạn tiêu hóa hoặc đầy hơi. Sau khi ăn xong, nên đợi ít nhất 1 tiếng mới sử dụng collagen. Tránh dùng cùng lúc với thức ăn khiến collagen được hấp thu chậm.
Uống collagen bao lâu thì ngưng?
Bạn chỉ nên uống collagen trong khoảng 3 tháng rồi ngưng. Tránh lạm dụng kéo dài làm tăng nguy cơ gặp phản ứng phụ có hại cho cơ thể.
Cách uống collagen
Ở dạng viên hoặc nước, collagen được uống cùng với lượng nước vừa đủ. Trong thời gian sử dụng, bạn nên cố gắng bổ sung đủ nước cho cơ thể để đẩy mạnh quá trình hấp thụ và chuyển hóa chất này.
Thận trọng
- Không bổ sung collagen cùng lúc với các thực phẩm chức năng chứa canxi. Chúng có thể tương tác làm tăng canxi huyết gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Phụ nữ mang thai, người đang cho con bú hoặc bất cứ đối tượng nào có ý định uống bổ sung collagen nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Hiện nay, các sản phẩm collagen đang được bán trên thị trường có giá thành khá cao. Bạn nên thận trọng tìm hiểu các địa chỉ bán hàng uy tín, xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.