Cha mẹ tuyệt đối không được thờ ơ, vô tâm khi con chia sẻ rằng bản thân đang bị bạn bè tẩy chay, cô lập tại trường lớp. Đây được xem là một vấn nạn học đường có thể gây nên nhiều sự tổn thương sâu sắc nếu gia đình, nhà trường không kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị tẩy chay?
Hiện nay, công nghệ thông tin là một lĩnh vực vô cùng phát triển và có sự ảnh hưởng to lớn đối với mỗi con người. Đặc biệt là lứa tuổi học sinh, ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường các em đã được tiếp xúc nhiều với internet, các trang mạng xã hội khiến cho việc học tập, vui chơi cũng phần nào bị chi phối.
Hơn thế, đây cũng có thể là một trong các lý do gây nên những mâu thuẫn, hiểu lầm không đáng có. Chỉ cần một status, comment nào đó trên facebook, zalo, Instagram cũng có thể gây ra các xích mích, tranh cãi. Từ đó, các con sẽ hình thành sự thù ghét, bắt đầu không chơi với nhau, tạo dựng các nhóm bạn riêng biệt nhằm mục đích bài trừ lẫn nhau.
Tình trạng tẩy chay ở học đường có thể xuất phát từ vô vàn các lý do khác nhau. Nhưng phần lớn, các nạn nhân của sự cô lập này thường là những đứa trẻ có ngoại hình khác biệt, cách cư xử không giống với số đông hoặc có một số đặc điểm nào đó riêng biệt.
Theo tìm hiểu thì tình trạng tẩy chay, cô lập học đường có thể xảy ra bởi các lý do như:
- Trẻ sở hữu một đặc điểm khác biệt nào đó so với bạn bè xung quanh. Chẳng hạn như học quá giỏi, có các tính cách xấu, kiêu căng, ngạo mạn, khôn lỏi, chơi xấu,…
- Do đặc điểm ngoại hình, béo phì, thừa cân, quá gầy, có những khiếm khuyết trên cơ thể, những đặc điểm khác lạ so với bạn bè.
- Hoặc do vì sự đố kỵ, ganh ghét cũng có thể khiến con bạn bị bạn bè tẩy chay. Ví dụ như con bạn quá xinh đẹp, quá tài năng, gia đình quá giàu có,…
- Những người mà trẻ tiếp xúc có thể đang bận tập trung làm việc gì đó và sự xuất hiện của trẻ đã làm phiền đến họ nên họ sẽ có những hành động xa lánh, tránh né.
- Do một nhóm học sinh cầm đầu trong lớp hoặc trường học. Một nạn nhân của tình trạng tẩy chay đôi lúc chỉ xuất phát từ việc “nhìn chướng mắt”. Trong một môi trường chắc hẳn sẽ có một vài người có khả năng chèo kéo hoặc ép buộc người khác theo “phe” mình. Từ đó khi họ chán ghét, chê bai ai thì những người còn lại cũng sẽ có xu hướng “hùa” theo.
Trên đây chỉ là một số nguyên nhân phổ biến đối với tình trạng con trẻ bị bạn bè tẩy chay ở trường học. Tùy vào mỗi tình huống, môi trường giáo dục khác nhau mà các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân, từ đó có thể dễ dàng đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Cha mẹ nên làm gì khi con bị bạn bè tẩy chay?
Trong thực tế, chẳng đứa trẻ nào muốn mình là nạn nhân của tình trạng bị bạn bè xa lánh, tẩy chay. Tuy nhiên, rất nhiều con trẻ đang phải đối mặt với nạn bạo hành kinh khủng này. Nhất là những đứa trẻ có những đặc điểm khác biệt, nổi trội hơn so với bình thường.
Dù trẻ là ai, trẻ có những tính cách, đặc biệt như thế nào thì trẻ cũng không đáng gánh chịu những hậu quả của nạn bạo hành dù về tinh thần hay thể chất. Tuy nhiên, nếu không may con bạn đang trở thành nạn nhân của tình trạng này thì với bổn phận là cha mẹ bạn cần phải nhanh chóng tìm cách khắc phục và giúp trẻ vượt qua những tổn thương tâm lý.
Sau đây là một số cách hiệu quả mà cha mẹ nên áp dụng ngay để giúp con không còn bị bạn bè xa lánh, chế giễu.
1. Đừng cố gắng đổ lỗi cho con
Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, bất kì đứa trẻ nào cũng muốn được mọi người yêu thương, muốn có được nhiều bạn bè và chắc hẳn không ai muốn rơi vào tình trạng bị tẩy chay, cô lập. Do đó, khi phát hiện ra điều này cha mẹ đừng nên tìm cách đổ lỗi cho con. Tuyệt đối không được “tiêm” vào đầu con những câu nói như “Cha đã nói trước với con rồi mà”, “Con đã thấy lỗi của mình chưa?”, “Ngày xưa mẹ cũng như thế, chẳng có gì phải làm quá mọi chuyện lên cả”.
Những câu nói đổ lỗi hoặc những sự trách móc, thờ ơ của cha mẹ lại càng khiến cho con cảm thấy tổn thương. Nhiều trường hợp trẻ sẽ trở nên thu mình, không còn đủ tin tưởng để chia sẻ, tâm sự với cha mẹ mà chọn cách tự gánh chịu nỗi đau một mình. Điều này sẽ khiến các tổn thương tinh thần của trẻ dần trở nên to lớn hơn, thậm chí là gây nên nhiều vấn đề tâm lý nguy hiểm.
Thay vì la mắng, đổ lỗi, chỉ trích con thì các bậc phụ huynh nên an ủi, động viên con nhiều hơn. Lúc này trẻ cần sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc từ gia đình của mình để có thể cảm thấy thoải mái, giảm bớt các tổn thương. Đôi lúc chỉ cần một cái ôm, một cái xoa đầu hoặc một nụ hôn nhẹ lên má cũng đủ giúp trẻ trở nên tốt hơn.
2. Không dạy con cách trả thù
Nếu không muốn con mình tiếp tục là nạn nhân của tình trạng tẩy chay và không khiến vấn nạn này càng trở nên tồi tệ thì cha mẹ tuyệt đối không nên dạy con cách trả đũa. Thay vào đó hãy chia sẻ và tâm sự với con, nhắn nhủ với con rằng sự tin cậy chính là món quà quý giá. Con hãy trao tặng món quà này cho những người bạn thực sự yêu thương và quan tâm con.
3. Động viên, giúp con tự giải quyết vấn đề
Khi con bị bạn bè tẩy chay, cô lập chắc hẳn con đã phải gánh chịu rất nhiều sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn. Do đó, lúc này những lời động viên, quan tâm, chia sẻ của cha mẹ là vô cùng cần thiết và hữu ích. Hãy hỏi xem con đang cảm thấy thế nào, bày tỏ sự quan tâm đến con bằng cách lắng nghe và đồng cảm với con.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng bị tẩy chay của con chưa quá nghiêm trọng, nó chỉ đơn thuần xảy ra do những mâu thuẫn, xích mích trong một nhóm bạn thì cách tốt nhất cha mẹ nên để con tự giải quyết vấn đề của mình. Đôi lúc các cách xử lý của người lớn lại không mấy phù hợp đối với trẻ nhỏ. Do đó, đừng cố gắng thay con giải quyết mọi việc mà hãy gợi ý, khuyến khích tự mình là việc đó theo các mà con muốn.
Đôi lúc những mâu thuẫn nhỏ nhặt của trẻ nhỏ có thể giải quyết bằng một cái ôm, một món quà, một câu nói xin lỗi. Vì thế, đừng cố gắng để can thiệp quá nhiều vào các mối quan hệ của con. Nếu có thể cha mẹ hãy tạo điều kiện để con con được gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự với nhau. Phụ huynh cũng có thể kể một vài câu chuyện hoặc lấy ví dụ từ trải nghiệm của mình để con có thể hình dung rõ ràng hơn về những việc mà mình cần phải làm.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp việc bị cô lập không phải đến từ lỗi của trẻ hoặc trẻ đang phải tiếp xúc với một nhóm bạn chưa thực sự phù hợp thì cha mẹ cũng nên tìm hiểu để cân nhắc đến việc đưa ra lời khuyên đúng đắn với con. Đôi lúc các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích con bắt đầu một mối quan hệ bạn bè mới để tốt hơn cho con.
4. Dạy con cách phản ứng tốt với các hành vi tẩy chay, cô lập
Trong thực tế, cha mẹ không thể thay con cái giải quyết tất cả các mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống, nhất là những chuyện ở phạm vi nhà trường, lớp học. Vì thế khi nhận thấy con bị bạn bè tẩy chay, xa lánh thì cách tốt nhất là các bậc phụ huynh nên dạy cho con cách phản ứng tốt với các hành vi đó. Đây cũng là một trong những cách hữu hiệu nhất để con bạn có thể tự bảo vệ bản thân và tránh tình trạng bị ức hiếp, cô lập tại trường lớp.
Hãy dạy cho con biết cách từ chối trước những hành vi, lời nói xúc phạm, tiêu cực của bạn bè hoặc thầy cô. Khi nhận thấy bản thân bị đe dọa về mặt tinh thần hay cả về thể chất trẻ cần phải có thái độ cương quyết và mạnh mẽ để chống đối lại. Khi bạn bè có những hành vi bắt nạt, làm tổn thương hãy dạy trẻ những câu như “Điều đó không hay đâu”, “Hãy dừng lại ngay”, “Tránh xa tớ ra”.
Đặc biệt hãy dạy con cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, tránh thể hiện sự quá khích, nóng giận, cáu gắt của mình. Cũng bởi khi con trở nên kích động, giận dữ càng khiến cho bạn bè cảm thấy phấn khích và tiếp tục hành vi của mình. Do đó, trong trường hợp con đã tỏ thái độ cương quyết, cứng rắn và nhắc nhở nhưng bạn vẫn tiếp tục trêu đùa, chế giễu thì tốt nhất hãy chọn cách bỏ đi nơi khác, đồng thời con có thể nói “Tùy các cậu, sao cũng được”.
5. Khen ngợi khích lệ con
Khi đã hướng dẫn cho con một số các phản ứng và chống lại với sự cô lập, chọc phá của bạn bè bạn hãy chú ý quan sát và quan tâm xem con có thực hiện tốt không. Khi con khoe với bạn rằng đã đánh bật và mạnh mẽ đối diện được với những người bạn bắt nạt thì cha mẹ nên dành cho con những lời khen, bày tỏ sự tự hào và khuyến khích nhiều hơn nữa. Nếu bạn vô tình bắt gặp bên ngoài hoặc là những đoạn video, câu chuyện trên các trang mạng về việc trẻ mạnh mẽ đứng lên chống đối lại nạn bạo lực học đường thì có thể thoải mái chia sẻ với con, để tạo thêm nhiều động lực cho con.
Đồng thời hãy giúp con rèn luyện tính chủ động, có những hành động tích cực, lạc quan khi con trở thành nạn nhân của tình trạng tẩy chay học đường. Hãy hiểu rằng, khi những đứa trẻ trực tiếp lên tiếng nó sẽ có sức mạnh cao gấp 10 lần so với bất kì điều gì mà những người trưởng thành có thể làm. Cha mẹ hãy luôn nhấn mạnh với con rằng “Nếu con tỏ ra bản thân là người không dễ bắt nạt thì kẻ bắt nạt sẽ không thể biến con thành mục tiêu của họ”.
6. Trao đổi với thầy cô, nhà trường
Để có thể hỗ trợ con thật tốt trong việc khắc phục tình trạng bị bạn bè tẩy chay thì cha mẹ cũng cần phải gặp gỡ trực tiếp thầy cô, nhà trường để nắm rõ được tình hình thực tế. Cũng bởi nếu chỉ qua lời kể của con thì các bậc phụ huynh không thể đánh giá được toàn diện về mọi vấn đề. Giáo viên chủ nhiệm sẽ là người hiểu rõ nhất về các vấn đề đang xảy ra trong lớp học, từ đó dễ dàng biết được nguyên nhân để cải thiện các mâu thuẫn, xích mích tốt nhất.
Tuy nhiên, khi cha mẹ tìm gặp giáo viên cũng cần phải thực sự khéo léo, tránh tình trạng các bạn cho rằng con là kẻ xấu tính, hay mách lẻo. Điều này không chỉ giúp ích cho mối quan hệ của các con mà còn vô tình làm cho mâu thuẫn tăng cao, trẻ càng bị cô lập, xa lánh nhiều hơn. Vì thế, phụ huynh cần phải thực sự tinh tế trong vấn đề này, giáo viên cũng phải biết cách cư xử, hành động cho phù hợp.
Chỉ khi con trẻ rơi vào tình trạng bị cô lập hoàn toàn, trong lớp hoặc trong trường học trẻ không có người cùng chơi, không có bạn bè và thường xuyên bị đe dọa, đối mặt với các lời nói bạo lực thì cha mẹ mới nên thực sự đứng ra giải quyết trực tiếp. Trong trường hợp này cần phải có sự kết hợp của phụ huynh và nhà trường để có thể can thiệp kịp thời, giải tỏa tốt các áp lực trong môi trường học tập.
7. Gặp gỡ và nói chuyện với phụ huynh của những đứa trẻ tẩy chay con bạn
Trong thực tế không phải lúc nào cũng nên áp dụng phương pháp này. Cũng bởi, các bậc phụ huynh chỉ có thể nghe các sự việc từ một phía và tất nhiên họ sẽ nghiêng về phía con mình nhiều hơn. Thông thường nếu tình trạng các con trẻ bị bạn bè tẩy chay do sự kỳ thị về gia đình, một đứa trẻ nào đó bị thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ, trẻ có những khiếm khuyết về cơ thể thì các bậc phụ huynh cũng nên gặp gỡ và trao đổi với nhau.
Điều này sẽ giúp cho cả đôi bên hiểu rõ được vấn đề, từ đó cha mẹ cũng sẽ có cách giáo dục, chia sẻ cho các con hiểu hơn về những nhận định, tư duy sai lầm của mình. Hiện nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, hầu hết các lớp học đều có những nhóm trao đổi giữa các bậc phụ huynh. Vì thế, ngay khi xảy ra các vấn đề trong trường lớp, chúng ta có thể cùng nhau trao đổi, trò chuyện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
8. Dạy con cách tự bảo vệ bản thân
Trong thực tế, không phải lúc nào việc con bị bạn bè tẩy chay, cô lập cũng xuất phát từ mong muốn và các sai lầm của con. Đôi khi do trẻ quá nhút nhát, hiền lành, ít nói hoặc có những khiếm khuyết trên cơ thể nên các bạn bè cùng trang lứa cười nhạo, chọc ghẹo và xa lánh. Việc trẻ cứ cố gắng im lặng, che giấu và chịu đựng không thể giúp trẻ thoát ra khỏi sự ức hiếp đó. Trong các trường hợp, cha mẹ nên dạy con biết cách tự bảo vệ chính mình bằng việc mạnh mẽ lên tiếng, phản kháng.
Không nên đợi khi bạn bè có những hành động bắt nạt thái quá mới bắt đầu lên tiếng, giải quyết. Phụ huynh hãy dạy cho con biết cách phản bác lại những thông tin sai lệch về bản thân. Ngay khi bạn bè có những lời nói xúc phạm hoặc cố ý nói về những điều không có thực ở trẻ thì hãy lên tiếng về điều đó. Việc con có thể dũng cảm nói lên những điều đó sẽ giúp con tránh khỏi những phiền phức không đáng có, đồng thời thể hiện con là một người có lập trường, không dễ ức hiếp.
Con trẻ bị bạn bè cô lập, xa lánh không phải là một tình trạng hiếm gặp hiện nay. Để có thể giải quyết tốt các vấn đề này cha mẹ cũng cần phải nỗ lực và kiên trì nhiều hơn. Hi vọng thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có cách giúp con mau chóng thoát khỏi những tổn thương tâm lý cho nạn bạo hành tinh thần ở học đường. Trong trường hợp nghiêm trọng và cần thiết có thể xem xét đến việc chuyển trường, chuyển lớp để bảo vệ con tốt nhất.