Con cá vàng

Các bạn chắc ai cũng biết câu chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng nhỉ?

Trong ba nhân vật của câu chuyện, mình không hài lòng nhất với con cá vàng.

Ừ thì, bà vợ thì quá tham lam và ông lão thì quá nhu nhược. Nhưng có thể trách gì họ đây? Mình không trông đợi gì ở hai vợ chồng già, nghèo khổ và kém cỏi đến mức có cái máng lợn nứt cũng chỉ có thể để mặc như vậy, lại có được những lựa chọn thông minh và sáng suốt. Tiền nhân có câu “Thiếu niên đăng khoa đại bất hạnh”, mà xét đến những thành tựu mà ông bà lão này đạt được ở điểm mở đầu câu chuyện, có lẽ hiểu biết của cặp vợ chồng này cũng không tiến bộ là bao kể từ tuổi thiếu niên. Với một nền tảng như vậy, bản thân mình không trách được ông bà lão khi không tránh được nỗi bất hạnh do tiền tài vô lượng trên trời rơi xuống.

Nhưng con cá vàng thần thánh trong câu chuyện hóa ra cũng hành động không khá hơn ông bà lão này là bao. Trong khi việc con cá ban cho ông lão các điều ước có thể xem là hợp lý dựa trên ân cứu mạng, thì khó có thể biện minh cho việc con cá liên tục hoàn thành các yêu cầu của ông lão, đặc biệt là khi nó biết rằng các yêu cầu đó đến từ bà vợ (rõ ràng là) tham lam của ông lão. Do đó, không thể nói rằng con cá này đã có hành động hợp lý và đúng đắn trong vai trò một kẻ mang trong mình quyền năng to lớn.

Ông lão đánh cá và con cá ml

Mình sẽ đặt ra hai giả định với con cá này: (i) đây là một con cá thần ngu dốt; và (ii) đây là một con cá thần có tài năng. Cùng lần lượt phân tích từng giả định nhé.

Với trường hợp (i), thì đây đơn thuần chỉ là một câu chuyện của ba kẻ ngốc. Trong giả định này, có thể con cá này được ban cho năng lực thần thánh nhờ vào may mắn hoặc nhờ thế tập. Nếu không phải do xui rủi, một con cá thần khờ khạo đến mức bị một ông lão nhà quê bắt phải thì đúng là không trông chờ gì được, thật chẳng còn gì để bàn luận đến nữa.

Với giả định (ii), ta có thể cho rằng con cá thần này do xui rủi mà rơi vào tay ông lão. Trong giả định này, khó có thể nói rằng cá thần không nhận ra được chân lý đơn giản rằng việc ban phát tài lộc không những vô hạn vô tận, mà còn ngày một tăng lên cho một kẻ tham lam chẳng thể nào đem lại những kết quả tốt lành. Do đó, có thể kết luận rằng con cá này hoặc hoàn toàn chẳng hề có chút ý tốt nào trong việc liên tục thành toàn các điều ước cho ông lão đánh cá. Nếu nó thực sự nghĩ đến cái ân cứu mạng, hoặc giả chỉ cần có chút động lòng trước sự khiêm tốn và chân thành của ông lão thôi, thiết nghĩ nó đã có những hành vi khác hơn rất nhiều. Vậy nên, khi một kẻ vừa có tài năng vừa có quyền năng như cá thần lại để ông lão kẹt giữa sự tham lam của bà vợ và sự thờ ơ của chính bản thân nó, liệu nó đã hoàn thành đạo nghĩa của kẻ được gia ân? Cũng phải nó thêm rằng ở cái kết của câu chuyện, hành động cho ông lão một bài học của con cá của cuối câu chuyện là phũ phàng và không hề mang tinh thần xây dựng, bởi lẽ không khó để có thể tưởng tượng ra việc cuộc sống của ông lão đánh cá, và cả bà vợ của ông nữa, sau biến cố này chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi.

Trong giả định (ii) này, cũng nên bàn tới trường hợp rằng con cá thần này cố tình để ông lão đánh cá hiền lành trung hậu của chúng ta bắt được để có thể cho bà vợ tham lam (và cả ông lão?) một bài học nhớ đời. Tuy nhiên, trong giả định này, có thể nói con cá thần không phải là không có phần bất nhân.

Vậy nên, với mình, con cá không hề là một nhân vật thứ ba tội nghiệp và tốt bụng trong câu chuyện thú vị này. Điều làm mình không hài lòng là sau những quyết định hoặc ngu ngốc, hoặc thờ ơ, hoặc bất nhân của nó, nó rốt cục lại được xem là kẻ hoàn toàn vô can với bi kịch trong câu chuyện, và cũng chẳng phải gánh chịu bất cứ hậu quả nào. Có lẽ với con cá này, bên cạnh bài học về cái cần câu và con cá, người ta còn học được thêm rằng trong một câu chuyện của các nhân vật tồi, kẻ quyền lực nhất rồi sẽ là kẻ sẽ ít bị tổn hại nhất.

Rate this post

Viết một bình luận