Page Content
Ở Việt Nam trong các di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Tràng Kênh (Hải Phòng) đã phát hiện được sọ và răng chó nhà (canis familiaris). Theo một số nhà nghiên cứu, Chó nhà ở Việt Nam và Đông Nam Á bắt nguồn từ giống chó trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có thân hình khá lớn, chân khá cao.
Chó là con vật có những đặc điểm quý: tinh khôn, nhanh nhẹn, dễ nuôi (nuôi chó không phải nấu thêm cơm), trung thành với chủ… Do đó con người nuôi chó để dùng vào các công việc khác nhau. Chó giúp người canh nhà. Chó cùng người đi săn thú rừng. Chó hộ vệ con người. Vào thế kỷ trước, con chó Lai ca đã góp phần vào công cuộc chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình. Ngành công an sử dụng chó để truy tìm dấu vết tội phạm. Chó còn dùng làm vật thí nghiệm trong y học…
Chó gần gũi với đời sống con người. Người ta nuôi chó trong nhà trong khi trâu, bò, lợn, gà phải làm chuồng riêng. Bước vào đời sống loài người, chó phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chủng loại. Ở nước ta có nhiều giống chó, mỗi địa phương có một nòi chó: Chó săn, chó nhà, chó đen, chó vằn, chó vện, chó vàng,… rồi những giống chó nhập nội như Bécgiê (Đức), chó Nhật…
Hình ảnh con chó in dấu đậm nét trong văn hóa cổ truyền Việt Nam. Tiếng cho sủa, cùng với tiếng gà gáy là âm thanh quen thuộc của nông thôn ta. Thịt chó ngon và có hương vị riêng không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực “Thịt chó nấu riềng”, “Sống ở đời ăn miếng dồi chó”, đặc biệt có nhiều món “giả cầy” phỏng theo cách chế biến thịt chó, mỗi địa phương có nét riêng.
Con chó liên quan đến tín ngưỡng của người Việt cổ. Ở di chỉ Tràng Kênh đã tìm thấy răng chó có lỗ xỏ dây đeo, giống như một loại bùa, ở một số mộ táng có tượng chó chôn cùng di cốt của người. Tượng chó bằng đá ngày xưa hiện diện ở nhiều làng xã như một vật linh. Trên trống đồng và một số đồ đồng khác của văn hóa Đông Sơn có khắc nhiều hình ảnh con chó ở những tư thế và trạng thái khác nhau. Ở rìu đồng Việt Trì (Phú Thọ) mô tả con chó lao về phía hai con hươu rừng, bốn chân choãi thẳng về phía sau làm hai con mồi chững lại. Trên rìu Quốc Oai (Hà Nội) con chó và con mồi trong tư thế giữ miếng, chuẩn bị giao đấu. Ở một khúc đồng có tượng một con chó săn cổ cao, mõm dài, nanh nhọn, chân trước duỗi thẳng, chân sau co lại như đang lấy đà xông vào địch thủ. Trong đợt khai quật di chỉ Dốc chùa (Bình Dương) người ta tìm thấy một tượng chó săn dẫm lên con chồn dơi với vẻ đắc thắng, cổ dướn cao, đuôi vểnh lên, mõm dài, bốn chân vững chãi ghì chặt con mồi. Trên một trống đồng Đông Sơn con chó được khắc họa với mình tròn thân ngắn, lông xù đang theo dõi động tĩnh ở phía trước, có dáng dấp một con chó giữ nhà. Đặc biệt trên nhiều trống đồng Đông Sơn, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ có hình ảnh con chó chân cao, mõm ngắn, mắt dõi phía xa canh chừng, bên cạnh hình người chiến binh hóa trang cầm giáo trên chuyến hành trình đầy nguy hiểm ngoài biển khơi. Hình tượng con chó với nhiều dạng vẻ sống động như thế cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của người xưa về con vật này và vai trò quan trọng của nó trong đời sống con người. Con chó rất gần gũi với nhân dân lao động, nhưng cũng không đến nỗi quá xa lạ với các triều đại phong kiến nước ta, bằng chứng là ở lăng vua Trần Hiển Tông (1329-1340) thuộc khu Ao Bèo (An Sinh, Quảng Ninh) có tượng con chó nằm bằng đá toát lên vẻ uy nghi. Một số con rùa đội bia niên đại cuối thời Hậu Lê ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) phảng phất dáng dấp của con chó.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói riêng và văn hóa dân gian nói chung, so với các gia súc khác, con chó được nói đến nhiều hơn cả. Hình ảnh khác nhau, bao hàm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mượn con chó, nhân dân ta nói lên quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, đúc kết kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, thể hiện những tình cảm yêu ghét, bất bình… Người nông dân xưa nhắc nhở nhau: Trông trời, trông đất, trông mây và khi thấy trên nền trời xuất hiện những đám mây, màu mỡ chó thì liệu mà thu xếp việc cửa nhà, đồng áng, bởi vì “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”. Còn về chọn giống gia súc, nhân dân lao động cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý, cụ thể là việc chọn giống chó, thì cần chú ý:
“Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cụp, đuôi thì hơi cong
Giống nào mõm nhọn, đít vồng
Ăn càn, cắn bậy, ấy không ra gì”
Lối nói độc đáo, ví von của nhân dân lao động là hay vận dụng thành ngữ đó là những câu cô đọng mang nghĩa bóng về việc đời, về xã hội. Người ta nhắc nhau: “Chó treo, mèo đậy” hàm ý trong cuộc đời phải tùy hoàn cảnh mà xử thế. Phê phán những kẻ tham lam, ti tiện, thành ngữ có “ăn chó cả lông”. Những kẻ liều lĩnh, bạt mạng, không đếm xỉa gì đến lẽ phải, giống như “chó cùng đứt giậu”. Kẻ phản ứng lung tung, mất phương hướng, khác gì “chó cắn càn”. Trong quan hệ giữa người với người, cần giữ sao cho đúng mực, chọn bạn mà chơi, kẻo lại hối tiếc “chơi với chó, chó liếm mặt”. Thói móc máy, cạnh khóe “chửi mèo quèo chó” chẳng ai là không khó chịu. Tính cách, lời nói “cấm cẳn như chó cắn ma” ám chỉ những người tính khí bất thường, nhũng nhẽo. Có những người anh hùng theo kiểu “chó cậy gần nhà”. Đối với những người chủ gia đình cần ghi nhớ: “chó gầy hổ mặt người nuôi” mà liệu đối xử với con cái, giữ gìn gia phong. Người ta còn mượn hình ảnh con chó để rút ra bài học ở đời. Truyện ngụ ngôn “Người đi đường và con chó” nói về thái độ đối với con chó của hai người, một người thì dọa đánh chó, còn người kia thì cứ thản nhiên đi làm con chó phải sợ. Truyện rút ra ý nghĩa: Sự hung hãn đâu phải có sức mạnh thực sự. Truyện “thả mồi bắt bóng” kể về con chó vì tham cái bóng mà nó tưởng là miếng mồi, khuyên người ta chớ có ảo tưởng vào điều gì không có thật.
Trong xã hội xưa đầy rẫy những bất công, hình ảnh con chó cũng tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân lao động. Cùng một hiện tượng bán, người dân lao động mượn con chó để nói lên hai tình trạng đối lập: “Giàu bán chó, khó bán con” qua đó lên án xã hội coi mạng người như con chó. Bọn người trục lợi, đểu giả luôn tìm cách bòn rút, không tha cả những người khốn cùng, giống như “chó cắn áo rách” làm cho họ càng thêm cơ cực “đã khó, chó cắn thêm”. Cái xã hội ấy thường diễn ra cái cảnh “chướng tai gai mắt”.
“Con mèo xán bể nồi rang
Con chó chạy lại mà mang lấy đòn”
Nhân dân ta rất ghét những kẻ lòe bịp, bọn thày cúng, thày bói dốt nát, mượn màu thần linh, ma quỷ để thỏa mãn lòng tham, hình ảnh con chó đã được sử dụng để vả vào miệng chúng:
“Nhất hào
Nhị hào
Tam hào
Chó chạy bờ ao
Chuột chạy bờ rào
Quẻ này có động
Nhà này có quái trong nhà
Có con chó đực ra cắn đằng mồm
Nhà bà có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng”
Còn bọn sư hổ mang, “ngụy tu” khoác áo nhà Phật nhưng lòng đầy dục vọng, tầm thường:
“Đi tu Phật bắt an chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”
Cả khi gõ mõ, đọc kinh cũng chỉ là giả dối:
“Nam mô một bồ dao găm
Một trăm con chó
Một lọ mắm tôm”
Từ xã hội trở về gia đình – thực thể hàm chứa những mối quan hệ in đậm dấu ấn lịch sử, hình ảnh con chó được vận dụng để nói lên tâm trạng, tình cảm của các thành viên: Mẹ âu yếm gọi con “cún con của mẹ”; đây là lời mẹ chồng: “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”, lời than thở về thân phận làm dâu vất vả:
“Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó loanh quanh đủ trò”
Từ thiên nhiên hoang dã con chó đã bước vào cuộc sống của người Việt cổ, rồi in đậm hình ảnh trong văn hóa Việt Nam./.