Tới những ngày lễ, ngày nghỉ, không ít cha mẹ dành thời gian tìm mua những món đồ chơi mà con mình thích, hay đưa con đi ăn những món ăn ngon, và có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi… Tất cả những điều đó đều là tuyệt vời, nhưng chúng chỉ có thể mang lại sự thoả mãn và vui vẻ trong chốc lát và rồi cả con trẻ và cha mẹ đều quay lại cuộc sống thường ngày…! — Vậy điều gì mới là điều mà con trẻ thực sự cần ở cha mẹ?
1. Yêu thương ‘vô điều kiện’
Cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng kèm theo đó thường là những mong đợi như: Con cần phải ngoan, biết vâng lời, học giỏi, thành đạt..v.v. Nếu vì một lý do nào đó mà con trẻ không thực sự làm được như vậy, thì thái độ của chúng ta lập tức có sự thay đổi. Mấy cha mẹ vẫn có thể bình thản khi con mình vô tình làm rơi vỡ hay làm hỏng một đồ vật quý trong nhà, vẫn có thể nhẹ nhàng khi biết tin hôm nay trả bài kiểm tra con bị điểm kém nhất lớp, vẫn có thể bình tĩnh để tìm hiểu lý do tại sao con lại nói dối, lại trốn học..?!
Con trẻ thường rất nhạy cảm với thái độ của người lớn khi chúng phạm lỗi hoặc không làm được điều gì đó như người lớn mong đợi. Và khi đó chúng sẽ hiểu rằng tình thương yêu của cha mẹ với chúng là có điều kiện. Cha mẹ yêu thương con là vì những mong muốn của cha mẹ được thoả mãn, được đáp ứng chứ không phải là vì con chính là con. Không ít cha mẹ lấy lý do vì thương con, vì muốn lo cho con nên đã áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình với con, can thiệp rất sâu vào những sự lựa chọn của con trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày (ăn gì, mặc gì…), tới những việc lớn hơn như học trường nào, ngành nào, chọn công việc gì… Họ tưởng rằng đó là đang giúp con, nhưng kỳ thực họ đang làm mất đi khả năng suy nghĩ độc lập, khả năng chịu trách nhiệm với bản thân và cơ hội vấp váp trưởng thành của con..!!
Có người nói rằng có hai thứ cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thức gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả.
Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.
Do vậy, là người làm cha làm mẹ hãy yêu thương con một cách vô điều kiện và luôn chấp nhận chúng như chúng vốn có..!!
2. Làm gương
Gia đình, cụ thể là cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục con trẻ nên người. Để giúp một đứa trẻ có kiến thức hay kỹ năng thì có thể dựa vào nhà trường cùng với giáo trình và các khoá học khác nhau. Tuy nhiên ‘học làm người’ thì lại không có giáo trình được in sẵn mà giáo trình đầu tiên chính là cha mẹ.
Cha mẹ có thể không phải và không nhất thiết là những người có nhiều bằng cấp, có vị trí xã hội cao hay giàu có. Nhưng cha mẹ nào cũng có thể và cần phải là tấm gương tốt (thân giáo) cho con về những nguyên tắc và các giá trị đạo đức mà mình coi trọng như sự trung thực, hướng thiện và cách đới nhân xử thế với những người xung quanh hay trong công việc. Người xưa vẫn dạy ‘tu thân’ trước rồi mới ‘tề gia’ được là vậy! Muốn con nên người thì trước hết bản thân cha mẹ phải không ngừng tu tâm dưỡng tính và hoàn thiện bản thân mình.
3. Tổ ấm
Một trong những nghịch lý cuộc sống thời hiện đại là chúng ta đang có nhiều hơn những căn nhà đẹp, những căn hộ cao cấp, nhưng dường như lại có ít hơn những ‘tổ ấm’, là nơi thực sự cần thiết cho con trẻ được nuôi dưỡng và phát triển tính cách một cách tốt nhất.
‘Tổ ấm’ là kết quả từ một quá trình mà ở đó đòi hỏi có sự nỗ lực và đóng góp chung của các thành viên trong gia đình. ‘Tổ ấm’ sẽ không phải là khó đạt được nếu những người làm cha làm mẹ cùng biết nghĩ cho người khác nhiều hơn, và quan trọng nhất là họ cùng biết lấy chữ ‘Nhẫn’ và sự bao dung để hoá giải những sự khác biệt hay mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống.
Hãy xem con như một người bạn, thường xuyên trò chuyện để hiểu tâm ý của con, hướng cho con theo con đường đúng đắn. Như vậy, con sẽ có đủ bản lĩnh để tự đối mặt với biển lớn cuộc đời. Nếu con cái quyết định sai lầm thì hãy nâng đỡ, khuyên nhủ, động viên chúng. Khi cha mẹ thực sự tin tưởng, tôn trọng con cái, con cái sẽ hiểu được tấm lòng thành của cha mẹ.
Pin
Share
268
Shares