Công dụng, cách dùng Rau tàu bay

Mô tả

  • Cây thảo, mọc đứng, cao 0,7 – 1m. Thân hình trụ, mập, có rãnh dọc.
  • Lá mọc so le, phiến mỏng, hình bầu dục hoặc trứng dài, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng to, đôi khi chia thuỳ không đều, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thành ngù mang nhiều đầu; tổng bao lá bắc gồm khoảng 20 cái hình sợi, mép khô xác; hoa màu hồng nhạt, mào lông mịn, trắng mềm, tràng mảnh, phình ra ở đầu; bầu hình trụ.
  • Quả bế, hình trụ mang một mào lông trắng đỉnh.

Phân bố, sinh thái

Chi Crassocephalum Moench chỉ có một loài là rau tàu bay ở Việt Nam. Cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi và Madagasca, sau phát tán đi khắp các vùng nhiệt đới khác, nhất là các nước ở vùng Nam Á, Đông Nam Á và cả ở châu Đại Dương.

Ở Việt Nam, rau tàu bay phân bố rộng rãi khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng đến miền núi cao lạnh khoảng 1.500m trở xuống. Đó là loại cây ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm khắp mọi nơi.

Bộ phận dùng:

Ngọn non và lá.

Thành phần hoá học

Rau tàu bay chứa nước 93%, protein 2,5%, glucid 1,9%, cellulose 1,69%, dẫn chất không protein 3,7%, chất khoáng toàn phần 0,9%, trong đó có Ca 81 mg%, P 25%, caroten 3,4mg% và vitamin C 10mg% (Võ Văn Chi, 1997).

Công dụng

Rau tàu bay được dùng làm rau ăn sống hoặc luộc, xào, nấu canh, muối dưa. Khi nấu canh phải để lắng gạn, bỏ hết dầu, mới đỡ mùi hắc. Dùng lá tươi giã nát đắp lên những vết rắn cắn.

  • Ở Campuchia, nhân dân dùng rau tàu bay để điều trị các biến chứng sau khi sinh.
  • Ở Nepal, cả cây hoặc rễ rau tàu bay chế thành dạng bột nhão đắp trị vết đứt, vết thương. Dịch ép lá cây rau tàu bay bối cũng trị vết thương.
  • Ở Nigeria, người ta dùng lá cây rau tàu bay chế thành thuốc xức dùng ngoài hoặc thuốc sắc uống để làm thuốc giảm đau trị nhức đầu và viêm gan.

Rate this post

Viết một bình luận