Công dụng của thuốc Nautamine

Nautamin là một loại thuốc quen thuộc, có mặt tại hầu hết các nhà thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn luôn thắc mắc Nautamine là thuốc có tác dụng gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý đọc giả một số thông tin tổng quát về loại thuốc này.

1. Thành phần của thuốc Nautamin là gì?

Thành phần của thuốc Nautamin bao gồm:

  • Hoạt chất: Di (acefylline) Diphenhydramine 90mg.
  • Tá dược: Avicel, Sodium starch glycolate, Indigo carmine, Sodium lauryl sulfate, Colloidal anhydrous silica và Magnesium stearate.

Hoạt chất Diphenhydramine là một chất kháng histamin loại ethanolamin, có tác dụng kháng cholinergic và an thần. Cơ chế tác dụng của Diphenhydramine là ức chế cạnh tranh ở thụ thể histamin H1. Diphenhydramine được hấp thu tốt khi dùng bằng đường uống. Sinh khả dụng đường uống là 61 ± 25%. Thời gian đạt được nồng độ đỉnh là 1 – 4 giờ sau khi uống và thời gian bán thải của thuốc là 8.5 ± 3.2 giờ. Tác dụng của Nautamin có thể kéo dài khoảng 4 – 6 giờ.

2. Nautamine là thuốc có tác dụng gì?

Do có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương nên công dụng thuốc Nautamine là phòng ngừa và điều trị say tàu xe cho người lớn, trẻ em trên 2 tuổi.

3. Liều dùng thuốc Nautamin như thế nào?

Nautamine chỉ dành cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Nên uống thuốc với một lượng nước vừa đủ và uống 30 phút trước khi đi tàu xe. Liều cụ thể theo từng lứa tuổi như sau:

  • Đối với người lớn hoặc trẻ em trên 12 tuổi: Dùng 1 – 1.5 viên Nautamine/lần và lặp lại sau 6 giờ nếu cần thiết, không dùng quá 6 viên/ngày;
  • Đối với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Dùng 1 viên Nautamine/lần và lặp lại sau 6 giờ nếu cần, không dùng quá 4 viên/ngày;
  • Đối với trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: Dùng 1/2 viên Nautamine, có thể nghiền và hòa với ít nước cho bé dùng. Dùng 1/2 viên/lần và lặp lại sau 6 giờ nếu cần thiết, không dùng quá 2 viên/ngày.

Công dụng thuốc Nautamine

4. Chống chỉ định của Nautamin là gì?

Không nên sử dụng thuốc Nautamine trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Bệnh nhân bị tăng nhãn áp;
  • Bệnh nhân tiểu khó do bệnh lý tuyến tiền liệt hoặc các nguyên nhân khác;
  • Dị ứng với các thuốc kháng histamin.

5. Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương:

  • Diphenhydramine có thể gây ra các tác dụng phụ ở hệ thần kinh trung ương, bao gồm buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các hiệu ứng kích thích như gây khó chịu, bồn chồn, mất ngủ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khi quá liều, trẻ sơ sinh và trẻ em thường thể hiện sự kích thích thần kinh bao gồm co giật, trước khi tiến triển đến hôn mê. Ở người lớn, phản ứng ức chế thần kinh bao gồm buồn ngủ và hôn mê thường được quan sát nhất trong các tình huống quá liều. Cơ chế của các tác dụng phụ này là do thuốc qua hàng rào máu não và chặn hiệu ứng thần kinh của histamin tại các thụ thể H1 ở thần kinh trung ương. Các tác dụng này phụ thuộc liều và có thể xảy ra ngay sau 1 liều thuốc.

Các tác dụng do kháng cholinergic:

  • Diphenhydramine có thể gây ra các triệu chứng như nhìn mờ, nhịp tim nhanh, buồn nôn, táo bón, bí tiểu, kích động, lú lẫn, rối loạn chức năng nhận thức, mê sảng… Bệnh nhân cao tuổi là các đối tượng nguy cơ dễ gặp phải các tác dụng phụ trên. Các tác dụng này phụ thuộc liều và liên quan tới đặc tính dược lý kháng muscarin của thuốc.

Phản ứng dị ứng:

  • Phát ban ngoài da (chàm, ban đỏ, ban xuất huyết, mày đay);
  • Phù Quincke (nổi mày đay, sưng đột ngột ở mặt và cổ, có thể dẫn đến khó thở và các biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời);
  • Sốc phản vệ.

Giảm bạch cầu:

  • Có thể biểu hiện bởi sự xuất hiện hoặc tái diễn sốt, kèm hoặc không kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng.

Giảm tiểu cầu:

  • Có thể có các dấu hiệu như chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.

Khi các tác dụng trở nên trầm trọng, bạn nên thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn thay đổi thuốc nếu cần thiết.

Nautamin là thuốc

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Nautamin

  • Trong trường hợp bệnh gan hoặc thận, cần thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều dùng phù hợp;
  • Đối với người cao tuổi, chỉ nên dùng thuốc khi có ý kiến của bác sĩ;
  • Thuốc kháng histamin có thể gây kích kích ở trẻ nhỏ. Độc tính do quá liều ở bệnh nhân nhi có thể dẫn đến ảo giác, co giật hoặc tử vong. Đặc biệt, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm với những tác động của diphenhydramine. Do vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc ở trẻ sơ sinh và sinh non.
  • Sử dụng thận trọng ở các bệnh nhân hen suyễn, tăng sản tuyến tiền liệt, rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Thuốc có thể gây chóng mặt, ngầy ngật, đặc biệt là khi dùng chung với rượu. Vì vậy không nên uống rượu hoặc dùng các loại thuốc, thức uống có chứa cồn trong thời gian dùng thuốc.
  • Đối với những người thường xuyên lái xe hay vận hành máy móc, vì thuốc có thể gây ra trạng thái lơ mơ, ngầy ngật, buồn ngủ, tình trạng này có thể tăng thêm khi uống rượu. Do đó các tài xế và những người phải vận hành máy móc cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng loại thuốc này.
  • Đối với phụ nữ có thai: Diphenhydramine có thể đi qua nhau thai. Nhìn chung, thuốc kháng histamin có thể được sử dụng để điều trị viêm mũi, nổi mề đay và ngứa ở bệnh nhân mang thai. Mặc dù thuốc kháng histamin thế hệ thứ 2 (Loratadin, cetirizin,…) có thể được ưu tiên hơn, nhưng Diphenhydramine vẫn có thể được sử dụng khi cần trong thời kỳ mang thai. Nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và chỉ dùng một vài ngày theo đúng chỉ định. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, việc sử dụng quá mức các thuốc kháng histamin có thể ảnh hưởng tới bào thai. Vì vậy, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: thuốc qua được sữa mẹ, do đó để tránh tác dụng phụ trên trẻ, không nên dùng Nautamine trong thời kỳ đang cho con bú trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.
  • Tương tác thuốc: Để tránh tình trạng tương tác thuốc xảy ra, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng. Nautamine có hoạt chất là chất đối kháng histamin (diphenhydramin). Do đó, không nên phối hợp các thuốc có chứa chất này với nhau để tránh bị quá liều và dẫn tới nhiều tác dụng không mong muốn.
  • Bảo quản: Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, dưới 30°C. Hạn dùng của Nautamin là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.

Nautamin là  thuốc

7. Làm gì khi bị quá liều Nautamin?

Khi sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là khi dùng chung với rượu, phenothiazin, có thể xuất hiện triệu chứng ức chế trên hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, co giật, ức chế hô hấp, nhìn mờ, khó tiểu, tăng nhịp xoang, block nhĩ – thất, QT kéo dài,… Khi gặp phải tình trạng trên, bạn cần lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Bạn có thể được chỉ định rửa dạ dày, sử dụng than hoạt nếu cần thiết. Nếu ngộ độc mới xảy ra, bác sĩ có thể chỉ định gây nôn. Trong trường hợp co giật cần điều trị bằng diazepam. Khi có triệu chứng kháng cholinergic nặng có thể dùng physostigmine.

Tóm lại, Nautamin là loại thuốc được sử dụng để phòng ngừa, điều trị say tàu xe ở người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ do tác động trên hệ thần kinh trung ương và đặc tính kháng cholinergic. Nếu gặp phải bất thường trong quá trình sử dụng, người bệnh cần lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc tới ngay cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và điều trị.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Rate this post

Viết một bình luận