Công dụng của thuốc sắt ferrous fumarate

Thuốc Ferrous fumarate là muối sắt (II), được sử dụng trong dự phòng và điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Tuỳ vào nguyên nhân, thể trạng và diễn tiến của từng bệnh nhân mà có liều dùng thuốc Ferrous fumarate phù hợp. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về chỉ định, liều dùng thuốc và xử trí khi quá liều thuốc Ferrous fumarate.

1. Thuốc sắt Ferrous fumarate là thuốc gì?

Thuốc sắt Ferrous fumarate là một muối sắt (II) của axit fumaric, được sử dụng để bổ sung lượng sắt. Thuốc Ferrous fumarate có các dạng bào chế là viên nén với làm lượng 210mg, 322mg; dạng dung dịch siro với hàm lượng 140mg/5ml.

Sắt có ở hầu hết các tế bào và có nhiều chức năng quan trọng cho đời sống. Ion sắt là thành phần của một số enzym cần thiết cho chuyển giao năng lượng (như xanthin oxydase, cytochrom oxydase). Ngoài ra, sắt có trong các hợp chất cần thiết cho vận chuyển và sử dụng oxy (như hemoglobin, myoglobin).

2. Chỉ định và chống chỉ định dùng Ferrous fumarate

2.1.Chỉ định

Ferrous fumarate được sử dụng trong phòng và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt, chẳng hạn như sau phẫu thuật cắt dạ dày, mang thai, hội chứng suy dinh dưỡng.

2.2.Chống chỉ định

  • Người bệnh dị ứng hoặc mẫn cảm với Ferrous fumarate.
  • Cơ thể thừa sắt: nhiễm hemosiderin, thiếu máu tan máu, bệnh mô nhiễm sắt.
  • Tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm. Bệnh huyết sắc tố.
  • Truyền máu nhiều lần.
  • Không được dùng để điều trị thiếu máu không do thiếu sắt.
  • Loét dạ dày tá tràng, Viêm ruột.
  • Hẹp thực quản.

3. Cách dùng thuốc Ferrous fumarate

Thuốc sắt Ferrous fumarate hấp thu tốt hơn nếu uống vào lúc đói. Tuy nhiên, thuốc có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nên bác sĩ thường khuyên người bệnh uống thuốc Ferrous fumarate trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Không được nhai viên thuốc khi uống. Đối với bệnh nhân khó dung nạp thuốc, nên bắt đầu dùng thuốc với liều tối thiểu, chia làm nhiều lần rồi tăng liều cho đến liều đích.

Liều dùng sau đây tính theo sắt nguyên tố (đường uống): 1g sắt (II) fumarat chứa 330 mg sắt nguyên tố.

Người lớn:

  • Điều trị thiếu máu do thiếu sắt: 65-200mg/ngày, chia làm 3 lần. Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt: 30-60mg/ngày.
  • Thời gian khuyến cáo dùng Ferrous fumarate: ≤ 6 tháng, hoặc 3 tháng sau khi lượng Hemoglobin trở lại bình thường.

Trẻ em:

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt: 3-6 mg/kg/ngày chia 2-3 lần. Liều tối đa: 200 mg mỗi ngày.

Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt:

  • Trẻ sơ sinh ≥ 6 tháng tuổi đến trẻ em < 2 tuổi: 10-12,5mg/ngày.
  • Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: 30 mg/ngày.
  • Trẻ em từ 5-12 tuổi: 30-60 mg/ngày.
  • Trẻ em lớn hơn 12 tuổi: liều tương tự người lớn.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ferrous fumarate

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc Ferrous fumarate có thể gặp như: phân sẫm màu, khó chịu đường tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, nôn, buồn nôn, đổi màu răng, ợ chua. Tác dụng không mong muốn ở hệ thận tiết niệu như nước tiểu đổi màu.

Trong rất ít trường hợp, có thể thấy nổi ban da và chán ăn. Phản ứng dị ứng cũng có thể gặp. Ngoài ra, đã có báo cáo về nguy cơ ung thư liên quan đến dự trữ quá thừa sắt.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc sắt Ferrous fumarate

  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử hoặc nghi ngờ loét dạ dày tá tràng, viêm ruột hoặc viêm loét đại tràng mạn.
  • Thuốc Ferrous fumarate được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, giải phóng chậm có thể gây độc cho người lớn tuổi hoặc bệnh nhân có vận chuyển ruột chậm.
  • Điều trị lâu dài bằng dung dịch siro Ferrous fumarate làm tăng nguy cơ sâu răng. Vệ sinh răng miệng đầy đủ trong thời gian dùng thuốc Ferrous fumarate.
  • Không được chỉ định để Ferrous fumarate điều trị thiếu máu do nguyên nhân khác ngoài thiếu sắt.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận: thận trọng khi dùng thuốc.
  • Tránh sử dụng cho trẻ sinh non với lượng dự trữ vitamin E thấp, cho đến khi trẻ được bổ sung vitamin E đầy đủ.
  • Phụ nữ mang thai: Ferrous fumarate dùng được cho phụ nữ mang thai khi thiếu máu do thiếu sắt và acid folic.

6. Quá liều thuốc Ferrous fumarate và xử trí

  • Liều độc: dưới 30 mg sắt (II)/kg có thể gây độc ở mức trung bình.
  • Liều trên 60 mg sắt (II)/kg gây độc nghiêm trọng.
  • Liều gây tử vong: từ 80 – 250 mg sắt (II)/kg. Đã có báo cáo một số trường hợp ngộ độc gây tử vong ở trẻ em 1 – 3 tuổi. Liều gây chết thấp nhất cho trẻ em được báo cáo là 650g sắt (II) tương đương với 3g sắt (II) sulfat heptahydrat.

Triệu chứng quá liều thuốc Ferrous fumarate

  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, nôn ra máu, đi cầu phân đen, chảy máu trực tràng.
  • Trụy tuần hoàn, hôn mê, tăng đường huyết, toan chuyển hóa.
  • Trường hợp nặng có thể xuất hiện hôn mê, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, co giật, viêm não nhiễm độc, tổn thương thần kinh trung ương, phù phổi, hoại tử tế bào gan, suy thận, tắc nghẽn mạch lan tỏa, rối loạn đông máu.

Cách xử lý khi quá liều

Trường hợp xuất hiện triệu chứng quá liều thuốc Ferrous fumarate, cần ngưng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử trí khi quá liều thuốc Ferrous fumarate chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Đảm bảo đường thở thông thoáng. Gây nôn và rửa dạ dày bằng dung dịch Desferrioxamine (2g/L), hoà Desferrioxamine 5g trong 50-100 ml nước để giữ lại trong dạ dày sau khi làm rỗng dạ dày. Có thể dùng Sorbitol hoặc Mannitol để làm rỗng ruột non.

Trường hợp bệnh nhân sốc hoặc hôn mê có nồng độ Fe trong huyết thanh cao > 90μmol/L ở trẻ em; > 142 μmol/L ở người lớn; áp dụng biện pháp hỗ trợ và truyền Desferrioxamine tĩnh mạch chậm (5mg/kg/giờ, tối đa 80mg/kg/24 giờ).

Trường hợp có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, tiêm bắp Desferrioxamine 1g mỗi 4-6 giờ ở trẻ em hoặc 50mg/kg, tối đa 4g ở người lớn.

Trong quá trình điều trị cần theo dõi nồng độ Fe huyết thanh, huyết áp, nhịp tim, lượng nước tiểu. Trong trường hợp nhiễm toan chuyển hóa dai dẳng ở người lớn, truyền 50mmol Natri bicarbonat và lặp lại nếu cần, theo dõi khí máu động mạch.

7. Tương tác thuốc

  • Ferrous fumarate có thể làm giảm sự hấp thu của Ofloxacin, Ciprofloxacin, Norfloxacin, Penicilamin, Levodopa, Methyldopa, hormon tuyến giáp và muối kẽm.
  • Thuốc kháng acid như calci carbonat, natri carbonat và magnesi trisilicat có thể làm giảm sự hấp thu Ferrous fumarate.
  • Sắt có thể chelat hóa với các Tetracyclin và làm giảm hấp thu của cả hai thuốc.
  • Chloramphenicol làm chậm quá trình thanh thải sắt trong huyết tương, đưa sắt vào tế bào hồng cầu và cản trở quá trình tạo hồng cầu.
  • Sự hấp thu sắt có thể giảm khi dùng đồng thời Ferrous fumarate với trà, trứng, sữa, cà phê, nước chè.

Thuốc Ferrous fumarate là muối sắt (II), được sử dụng trong dự phòng và điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

For direct consultation, please dial

or register for an appointment at the hospital HERE.
Download MyVinmec app
to make appointments faster, be able to track your orders and
book video call consultations
with Vinmec’s doctors anytime, anywhere.

Rate this post

Viết một bình luận