Lá bạch đàn chứa hàm lượng lớn tinh dầu có tác dụng chống viêm nhiễm, sát khuẩn… Vì vậy, dược liệu này được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, nghẹt mũi, viêm phế quản, ho khan…
1. Đặc điểm cây bạch đàn
Cây bạch đàn còn được gọi là khuynh diệp, thuộc họ nhà cây đào kim cương với tên khoa học Aromadendron Andrews ex Steud. Bạch đàn thuộc loại cây thân gỗ, thường được trồng với mục đích thu hoạch gỗ, phòng chống xói mòn đất và thu hoạch tinh dầu. Loại cây này có những đặc điểm như sau:
- Thân cây cao và có kích thước lớn, vỏ cây mềm khi khô sẽ bong tróc thành từng mảng nhỏ;
- Lá cây mọc so le với phiến dài, hình liềm hẹp màu xanh lục và có cuống ngắn;
- Hoa cây mọc ở nách lá và có màu trắng.
Lá bạch đàn là bộ phận được sử dụng để chiết tinh dầu dùng trong y học, điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như ho hen, ho khan, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bởi hiệu quả vượt trội trên mà vị thuốc Lá bạch đàn được sử dụng phổ biến trong y học và là thành phần chính tạo nên các loại dầu gió. Lá bạch đàn có phiến dài, hẹp, rộng khoảng 1 – 2cm và dài khoảng 15 – 20cm. Lá khô sẽ tự rụng, hàm lượng tinh dầu ở lá khô thấp hơn rất nhiều so với khi còn tươi.
2. Thành phần hóa học trong lá bạch đàn
Tương tự như lá bạc hà, lá bạch đàn chứa một lượng lớn tinh dầu có mùi thơm và dễ chịu. Thành phần tinh dầu chứa 55% hoạt chất cineol, 35% hoạt chất citronelal và một lượng nhỏ các hoạt chất khác như E.exserta, E.camaldulensis…
Lá bạch đàn sau khi được thu hái, đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn rồi phơi hoặc sấy khô. Dược liệu sau khi phơi khô được đóng gói bảo quản và để sử dụng dần.
3. Tác dụng của lá bạch đàn
Bên cạnh công dụng thẩm mỹ như dùng cắm hoa, trang trí… Lá bạch đàn còn là dược liệu sử dụng điều trị một số bệnh lý thông thường. Dưới đây là một số tác dụng của lá bạch đàn đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh:
- Điều trị mụn nhọt, ghẻ ngứa: Theo các nghiên cứu khoa học, lá bạch đàn có chứa hàm lượng lớn tinh dầu giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh tại vùng mụn nhọt, ghẻ ngứa. Sử dụng tinh dầu bạch đàn thoa vào vị trí bị ghẻ ngứa, mụn nhọt hoặc côn trùng cắn giúp giảm sưng đau.
- Điều trị phong tê thấp: Nghiên cứu khoa học cho thấy sử dụng tinh dầu bạc hà ở người bệnh bị phong thấp, đau nhức xương khớp giúp giảm triệu chứng đau và cải thiện tình trạng bệnh sau thời gian vài tuần sử dụng;
- Điều trị các bệnh về đường hô hấp: Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2001 cho thấy tinh dầu trong lá bạch đàn có tính ấm và không nóng nên là một thảo dược trị ho hiệu quả và thích hợp trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm thận, viêm ruột do nhiễm candida.
- Điều trị sốt rét: Tinh dầu trong lá bạch đàn chứa hàm lượng lớn hoạt chất citronelal có tác dụng làm ấm cơ thể, xua đuổi các loại côn trùng gây bệnh truyền nhiễm như muỗi;
- Tác dụng giảm căng thẳng và mệt mỏi: Các thành phần hoạt chất trong lá bạch đàn có tác dụng kích thích tự nhiên giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi do công việc và đời sống. Xông lá bạch đàn giúp thư giãn đầu óc nhờ công dụng của tinh dầu, đó là lý do vì sao khi ngửi dầu gió bạn thường cảm thấy rất dễ chịu. Tuy nhiên không nên sử dụng tinh dầu thô để ngửi trực tiếp vì mùi nồng và khó chịu;
- Tác dụng kháng viêm: Lá bạch đàn có tác dụng kháng viêm và ngăn ngừa hình thành mủ của các vết thương ngoài da. Bên cạnh đó, dược liệu này còn giúp kích thích, thúc đẩy máu lưu thông đến vị trí vết thương từ đó giúp vết thương nhanh lành.
4. Lá bạch đàn trong các bài thuốc chữa bệnh
Dược liệu lá bạch đàn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, vì vậy chúng được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh như sau:
- Bài thuốc chữa ghẻ: Chuẩn bị khoảng 250g lá bạch đàn tươi được rửa sạch, đem đun sôi với nước và pha loãng thêm một ít nước để tắm mỗi ngày. Tinh dầu bạch đàn hòa tan trong nước khi đun sôi có công dụng sát trùng, ngăn ngừa các bệnh ngoài da;
- Bài thuốc trị đau nhức xương và tê bì chân tay: Sử dụng 1 – 2 lá bạch đàn tươi, đem hơ nóng rồi đắp vào vị trí đau. Hoặc có thể dùng tinh dầu bạch đàn thoa xung quanh vị trí khớp đau và massage nhẹ nhàng. Hiệu quả giảm đau nhức xương khớp và tê bì chân tay rõ rệt sau một thời gian ngắn sử dụng bài thuốc, bởi tinh dầu bạch đàn chứa hàm lượng lớn annins có tác dụng giảm đau và kháng viêm;
- Bài thuốc chữa bệnh á sừng: Sử dụng khoảng 1 nắm tay lá bạch đàn đã được rửa sạch, đem nấu chung với khoảng 3 lít nước trong thời gian từ 5 – 10 phút. Thêm một ít muối sau khi đun, chờ nước nguội và dùng rửa, vệ sinh vùng da bị á sừng. Sử dụng bài thuốc mỗi ngày sẽ giúp cải thiện được tình trạng bệnh;
- Bài thuốc trị nhức mỏi cơ thể: Sử dụng 10 – 15g lá bạch đàn mang giã nhuyễn và cho vào nước tắm, ngâm người trong nước tắm khoảng 10 – 15 phút. Tinh dầu trong lá bạch đàn giúp giãn cơ khớp và mang lại cảm giác thư giãn, dễ chịu;
- Bài thuốc trị mụn: Dùng khoảng 2 – 3 lá cây bạch đàn mang mang giã nhuyễn, vắt lấy tinh dầu trong lá và cho vào nước nóng, đem xông mặt. Trước khi thực hiện xông bạn nên rửa sạch mặt để loại bỏ các tạp chất trên da mặt;
- Bài thuốc giải cảm: Sử dụng 1 nắm lá bạch đàn, 1 nắm lá cây hương nhu, vỏ bưởi, 1 cây sả và 1 nắm lá tre. Hỗn hợp thu được cho vào nồi và nấu chung với nước trong thời gian từ 15 đến 20 phút. Bạn dùng khăn kín để xông hỗn hợp sau khi nấu xong cho đến khi ra mồ hôi;
- Bài thuốc chữa hôi nách: Sử dụng một nắm lá bạch đàn đã được rửa sach mang giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt và thoa lên vùng nách sau mỗi lần tắm. Thực hiện bài thuốc liên tục mỗi ngày sẽ giúp giảm tình trạng hôi nách;
- Bài thuốc chữa ho: Sử dụng một nắm tay lá bạch đàn và một cây sả, đun hỗn hợp với nước trong thời gian khoảng 10 phút. Hỗn hợp sau khi nấu đem xông và pha với nước tắm. Triệu chứng ho sẽ được cải thiện khi sử dụng bài thuốc mỗi ngày.
5. Lưu ý khi sử dụng lá bạch đàn
Dược liệu lá bạch đàn có nhiều công dụng trong điều trị bệnh, tuy nhiên để sử dụng dược liệu này an toàn và hiệu quả cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Không sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng lá bạch đàn;
- Lá bạch đàn sử dụng trong các bài thuốc nên chọn những lá già, tránh sử dụng lá non;
- Chiết xuất từ lá bạch đàn không được dùng để uống;
- Nên hạn chế sử dụng lá bạch đàn ở trẻ em vì da trẻ em còn mỏng và dễ bị kích ứng, trong trường hợp sử dụng bạn nên xoa chiết xuất lên tay mình trước rồi mới xoa lên da trẻ;
- Bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị trong trường hợp dị ứng, kích ứng với các thành phần của bạc hà, các loại thảo dược và thuốc khác;
- Các đối tượng phù hợp sử dụng dược liệu lá bạch đàn là người mắc bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý ngoài da, phong tê thấp, đau nhức xương khớp, viêm thận, sốt rét.
Như vậy lá bạch đàn là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe và được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Cũng tương tự như những loại thuốc khác, lá bạch đàn có thể gây ra những tác dụng phụ đối với sức khỏe. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!