Có thể nói, sales là một trong những ngành nghề rất đỗi quen thuộc trong đời sống thường nhật. Thế nhưng, đa số chúng ta thường lầm tưởng rằng sales chỉ là công việc giới thiệu và bán sản phẩm tới khách hàng mà không biết thực sự sales là gì.
Nếu bạn thắc mắc công việc của sales là gì và triển vọng của ngành này trong thời đại 4.0, hãy cùng Glints tìm hiểu kỹ hơn nhé!
Sales là gì?
Nói đơn giản, nhân viên sales (nhân viên kinh doanh) là người đứng ra chịu trách nhiệm tiếp cận khách hàng để bán sản phẩm và dịch vụ công ty. Trong công việc bán hàng, họ thường chịu trách nhiệm tạo ra các khách hàng tiềm năng và đáp ứng các mục tiêu doanh số đã đề ra.
Hay để cắt nghĩa S.A.L.E một cách thú vị hơn, chúng ta có:
- S – Smile: Mỉm cười với bất kỳ vị khách hàng nào.
- A – Ask: Hãy hỏi han khách hàng thật tỉ mỉ về nhu cầu của họ, thu thập dữ liệu cần thiết để đề xuất giải pháp phù hợp.
- L – Listen: Là lắng nghe một cách cẩn trọng. Dữ liệu bạn có được từ khách hàng là phần thô. Hãy lắng nghe để thấu hiểu tâm tư của họ là gì.
- E – Education: Cho khách hàng hiểu hơn về thị trường, về sản phẩm, về quy trình vận hành và về những quy chuẩn mà họ nên biết.
- S – Selling: Bán được sản phẩm cho khách hàng.
Các kỹ năng và phẩm chất cần thiết của nhân viên sales là gì?
Một nhân viên sales đòi hỏi nhiều kỹ năng và phẩm chất khác nhau. Tùy vào từng tình huống mà từng khả năng riêng sẽ phát huy tác dụng. Dưới đây là một số kỹ năng và phẩm chất chính yếu mà một nhân viên sales phải có:
- Khả năng giao tiếp và đàm phán lưu loát, mạch lạc.
- Linh hoạt, nhạy bén trước mọi tình huống bất ngờ.
- Nắm vững và tin tưởng vào các thông tin về sản phẩm, dịch vụ cần bán.
- Nhân viên sales là người có bản lĩnh cao.
- Luôn niềm nở và giữ nụ cười khi gặp khách hàng.
- Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm để gợi ý giải pháp phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Nghề Sales là làm gì?
Kết nối với khách hàng ở bất cứ đâu
Trước khi các phần mềm nhắn tin như Skype, Whatsapp, Telegram, ….ra đời, những chuyên viên Sales thường phải đặt hẹn trực tiếp; hoặc mất thời gian cho những cuộc gọi liên tục.
Ngày nay, Sales đã có thể liên hệ khách hàng, đối tác ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào thuận tiện. Một ngày làm việc của Sales sẽ bắt đầu bằng kiểm tra email; nhắn tin đàm phán hay nhắc nhở khách hàng.
Xem thêm Chia sẻ về nghề sales cho các bạn sinh viên mới ra trường | Làm sales bạn cần chuẩn bị gì?
Các hoạt động quan trọng như: thương lượng hợp đồng; ký kết; thay đổi giá cả;….đều có thể diễn ra trên các phần mềm nhắn tin. Sau đó sẽ được chính thức hóa bằng email với chữ ký điện tử; hoặc một buổi gặp cuối cùng khi mọi điều khoản đã được thông qua.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ, Sales có thể kiểm tra tiêu chuẩn cửa hàng, tình hình lưu lượng khách ở mỗi điểm bán qua ứng dụng hoặc livestream một cách dễ dàng.
Dõi theo khách hàng, thu thập và phân tích thông tin
Khi danh sách khách hàng tăng lên, hướng thay đổi về nhiệm vụ của Sales là gì? Lúc này chuyên viên phải luôn dõi theo từng bước của khách hàng, để có thể phục vụ tốt nhất mọi yêu cầu của khách. Ngoài ra, trong suốt quá trình tương tác với khách; người làm Sales cần phải thu thập và phân tích các thông tin quan trọng để nắm bắt nhu cầu tiềm ẩn của khách.
Vì thế, các ứng dụng công nghệ như phần mềm chăm sóc khách hàng (phần mềm CRM); hệ thống email thông minh (Mailchimp; Hubspot; Active campaign;…) ra đời.
© Pexels.com
Các phần mềm này cho phép Sales phân loại, đánh giá và theo dõi diễn biến từng nhóm khách hàng. Đồng thời những phản ứng của khách hàng cũng được lưu trữ trên hệ thống; giúp người làm Sales hiểu rõ hơn những điều khách hàng chưa nói.
Nếu bạn muốn theo đuổi nghề Sales; hãy bắt đầu tìm hiểu cách sử dụng những phần mềm này để giúp mình có thêm lợi thế trong công việc nhé.
Đọc thêm: Top 8 Cách Bán Hàng Hiệu Quả Mà Dân Sales Đang Áp Dụng
Quy trình kết hợp với phòng ban khác của Sales là gì?
Những cải tiến công nghệ đã giúp Sales và các phòng ban khác phối hợp với nhau một cách dễ dàng và nhịp nhàng hơn trước.
Ví dụ như đối với phòng Marketing, mỗi chiến dịch Marketing với mục tiêu gia tăng doanh số luôn tạo ra những danh sách khách hàng tiềm năng. Nhờ các phần mềm quảng cáo kỹ thuật số; đội Marketing có thể tạo nên cơ chế gửi tự động thông tin khách đến Sales. Lúc này, nhiệm vụ của nhân viên Sales là gì? Đó là nhanh chóng liên hệ, phục vụ khách hay giải đáp các thắc mắc.
Ngoài ra, người làm Sales còn phối hợp với các phòng ban khác như: Tài chính; Sản phẩm; Chăm sóc hậu mãi;….nhằm mang đến giá trị tốt nhất cho khách hàng. Với thế mạnh là người tiếp xúc với khách trực tiếp và thường xuyên; Sales đóng góp những hiểu biết của mình về khách/người dùng vào việc cải thiện sản phẩm và chiến lược nói chung.
Các vị trí trong ngành Sales thường gặp
Sales development representatives (SDR)
Sales development representatives (SDR), hay còn gọi là Đại diện Phát triển Bán hàng, chịu trách nhiệm cho bước đầu tiên trong quy trình bán hàng. Đó là nghiên cứu, tiếp cận cộng đồng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và đủ điều kiện.
Vậy công việc của thường nhật của Sales development representatives (SDR) là gì? Đáp án chính là xác định và tiếp cận những khách hàng tiềm năng phù hợp, trả lời các yêu cầu cung cấp thêm thông tin, và theo sát hành trình ra quyết định mua hàng.
© Pexels.com
Thế giới của SDR xoay quanh việc phát triển mạng lưới khách hàng tiềm năng mới, thay vì tạo ra các giao dịch. Vì vậy, công việc của họ thường được đo lường dựa trên sự hiệu quả của việc kết nối khách hàng với các bước sau đó trong quy trình bán hàng, thông qua số lượng cuộc gọi được thực hiện, số email đã gửi, hay tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng sang người mua hàng, v.v
Đây có thể coi là bước đầu tiên khi muốn thăng tiến tới các vị trí trong ngành sales. Vị trí này là một khởi đầu hoàn hảo với lộ trình thăng tiến rõ ràng và không đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm.
Sales Manager
Trong các công ty nhỏ, Sales manager có thể là người giám sát toàn bộ bộ phận bán hàng. Trong các công ty lớn hơn, người quản lý bán hàng thường sẽ chỉ quản lý một đội nhóm các nhân viên bán hàng cụ thể.
Vậy nhiệm vụ chính của các Sales manager là gì? Họ là người sẽ chốt các hợp đồng giao dịch từ những khách hàng tiềm năng được giới thiệu bởi các SDR. Những người quản lý này cũng là cầu nối của tất cả các thành viên trong nhóm và theo dõi các hoạt động tạo ra khách hàng mới.
Họ có thể thực hiện các vai trò khác bao gồm tuyển dụng và cố vấn các thành viên mới, phát triển kế hoạch bán hàng cho nhóm để đảm bảo mục tiêu doanh số, và tạo điều kiện giao tiếp giữa thành viên trong nhóm với các nhóm khác hoặc cấp trên.
Đọc thêm: Người Hướng Nội Có Thể Làm Sales Giỏi Hay Không?
Account Executive
Điểm khác biệt giữa nhân viên sales thông thường và account executive là gì? Trong một công ty, Account executive là người liên hệ chính giữa nhà cung cấp và khách hàng. Họ thường chịu trách nhiệm thực hiện các nhu cầu của khách hàng hiện tại và giữ chân họ.
© Pexels.com
Để làm được điều đó, họ phải đánh giá được nhu cầu của khách hàng và cung cấp các giải pháp mà họ đang tìm kiếm, bằng cách duy trì giao tiếp với khách hàng và luôn nắm bắt các xu hướng mới trong ngành.
So với SDR, Account executive có một loạt trách nhiệm hoàn toàn mới, như thực hiện các bài thuyết trình về sản phẩm tới khách hàng; xác định và giải quyết các nhu cầu phát sinh của khách trong quá trình mua hàng và sử dụng.
Account Manager
Tương tự như Account executive, Account manager cũng có nhiệm vụ chính là xây dựng và duy trì mối quan hệ bền chặt với các khách hàng. Họ thường là người quản lý và chịu trách nhiệm các danh mục khách hàng lớn và cố định của công ty.
Bên cạnh đó, Account manager còn phải làm việc thường xuyên với từng khách hàng để hiểu nhu cầu của họ, và tạo các chiến lược hợp tác dài hạn với những khách hàng đó.
Sale Engineer
Trong các vị trí trong ngành Sales mà chúng ta thường gặp, Sales engineer (Kỹ sư bán hàng) có lẽ là một khái niệm mới hơn cả – vậy nhiệm vụ của công việc này là gì?
Có thể hiểu đơn giản, bạn sẽ phải bán các sản phẩm được thiết kế đặc biệt, thường liên quan đến sản xuất hoặc khoa học phức tạp khi làm vị trí này. Việc bán các sản phẩm này đòi hỏi phải có kiến thức về kỹ thuật và hiểu rõ chi tiết về cách chúng hoạt động.
© Pexels.com
Kỹ sư bán hàng là sự kết hợp giữa chuyên môn kỹ thuật của kỹ sư với sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng bán hàng. Đó là một sự kết hợp mạnh mẽ và hiếm gặp. Chính vì vậy nhu cầu tuyển dụng với vị trí này là tương đối cao.
Các loại hình triển vọng của ngành sales là gì?
Inside Sales (Bán hàng nội bộ)
Khi đội bán hàng tương tác với khách hàng và khách hàng tiềm năng từ xa, thường thông qua các phương tiện như điện thoại, email,… thì đó chính là inside sales.
Điều này có nghĩa là họ đang bán hàng từ bên trong công ty của họ. Các tổ chức sử dụng phương pháp bán hàng nội bộ thường có xu hướng có quy trình gọn gàng hơn, tự động hơn và giờ giấc có cấu trúc.
Outside Sales (Bán hàng ngoại bộ)
Trong các nhóm mà nhân viên sales giao dịch trực tiếp với khách hàng tiềm năng, họ đang theo phương pháp bán hàng ngoại bộ. Điều này ngụ ý rằng họ đang bán hàng từ bên ngoài công ty thông qua hình thức bán hàng tận nơi hoặc tại chỗ.
Các nhóm này không có quy trình tập hợp chặt chẽ. Thay vào đó họ là những đại diện tự do và linh hoạt trong chiến lược tiếp cận khách hàng và bán hàng của mình.
© Pexels.com
B2B Sales
Sales mà còn B2B là gì nhỉ? Đây là từ viết tắt của “business-to-business” (doanh nghiệp đến doanh nghiệp). Khái niệm này mô tả các công ty bán sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp khác, thay vì người tiêu dùng cá nhân.
Bán hàng B2B có xu hướng có giá trị tiền cao hơn và các điều khoản phức tạp hơn vì hàng hóa được bán cho các doanh nghiệp khác thường đóng vai trò thiết yếu trong cách hoạt động kinh doanh của người mua hàng.
B2C Sales
Không giống như bán hàng B2B, bán hàng B2C (hoặc giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) xoay quanh các giao dịch giữa một công ty và người tiêu dùng cá nhân.
Các giao dịch này có xu hướng có giá trị và độ phức tạp thấp hơn so với bán hàng B2B và có thể liên quan đến nhiều giao dịch với nhiều khách hàng khác nhau.
Business Development Sales
Mặc dù sự phát triển kinh doanh không chiếm toàn bộ doanh số bán hàng, nhưng đây lại là một khía cạnh quan trọng của chức năng bán hàng đối với nhiều công ty.
© Pexels.com
Công việc chính của nhân viên sales tại vị trí này là tạo mối quan hệ dài hạn giữa các đối tác, khách hàng. Họ sẽ là người xây dựng và đưa ra chiến lượng lâu dài nhằm phát triển các mối quan hệ trong doanh nghiệp.
Đọc thêm: Business Development Là Gì?
Agency Sales
Đây chính là lực lượng nhân viên kinh doanh từ công ty dịch vụ (agency) được một công ty khác (client) thuê để thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên.
Nhân viên sale của agency có thể trở thành nhân viên sales của nhiều công ty khác nhau tùy vào dự án thỏa thuận là gì, có định hướng công việc ra sao.
Consultative Sales (Bán hàng tư vấn)
Nhân viên bán hàng tư vấn sẽ là những người tiếp cận thẳng vào nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp mà sản phẩm, dịch vụ của bạn có thể thỏa mãn.
Thay vì chỉ nhồi vào đầu khách hàng về tính năng sản phẩm và sau đó bắt ép họ mua (bán hàng truyền thống), bạn sẽ dành nhiều thời gian để lắng nghe và thấu hiểu khách hàng nhiều hơn.
eCommerce Sales (Bán hàng thương mại điện tử)
Công ty của bạn có bán sản phẩm trực tuyến độc quyền không? Khách hàng của bạn có thể tra cứu sản phẩm, sau đó tự quyết định mua hàng trực tuyến mà không cần giao dịch với ai đó từ công ty của bạn?
© Pexels.com
Vậy khái niệm eCommerce Sales là gì chắc chắn đã không còn quá xa lạ rồi! Phải, đó chính là bán hàng theo mô hình Thương mại điện tử hoặc bán hàng trực tuyến.
Direct Sales (Bán hàng trực tiếp)
Đối với nhân viên bán hàng trực tiếp, họ sẽ trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng bê ngoài môi trường bán lẻ truyền thống.
Với phương pháp này, người bán tiến hành bán hàng một-đối-một với khách hàng của họ và sau đó nhận mức thưởng hoa hồng. Hình thức bán hàng này được sử dụng phổ biến bởi các đại diện kinh doanh theo mạng và các chuyên gia bất động sản.
Đọc thêm: 10+ Kỹ Năng Sales Cần Có Của Một Nhân Viên Kinh Doanh Xuất Sắc
Top nghề sales lương cao nhất
Nhiều người nghĩ rằng cứ sales thì sẽ thu nhập “khủng”, thế nhưng ít ai biết rằng sales phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực công việc chứ không phải nơi làm việc. Cùng Glints khám phá top những nghề sales lương cao nhất đến từ những lĩnh vực khác nhau là gì nhé:
© Pexels.com
Nhân viên sales bất động sản
Trên thực tế, lương cứng của sales bất động sản chỉ độ khoảng 4.500.000 – 6.000.000 đồng/tháng. Nhưng nhân viên sales trong lĩnh vực này lại có mức hoa hồng trên một hợp đồng bất động sản nhiều gấp bội so với mức lương cứng (thường tầm 10-20% giá trị hợp đồng).
Nhân viên sales bảo hiểm nhân thọ
Sự bùng nổ của bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây khiến sales bảo hiểm trở nên “hot ngất ngưởng”. Với mức lương cứng 3.500.000 – 5.000.000 đồng/tháng cùng hoa hồng từ 10-40% giá trị hợp đồng, nhân viên bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ có thu nhập tốt nếu như biết cách tiếp cận và lắng nghe đúng nhu cầu khách hàng cần.
Nhân viên sales các khóa học ngoại ngữ
Nhu cầu học tiếng nước ngoài ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Mức lương cứng tầm khoảng 1.000.000 VNĐ đến 2.500.000 VNĐ, nhưng thêm vào đó là hoa hồng trên doanh thu cá nhân. Số lượng học viên đăng ký khóa học càng đông thì mức lương của bạn càng cao.
Nhân viên sales mỹ phẩm
Nghe có vẻ không to tát như sales bất động sản hay sales bảo hiểm, thế nhưng nhân viên bán mỹ phẩm cũng có thu nhập rất tốt. Bởi lẽ, chỉ cần khách hàng thấy được hiệu quả sản phẩm, họ sẽ không ngần ngại mua ngay.
Đặc biệt, quyết định mua mỹ phẩm thường rất nhanh, không tốn nhiều thời gian suy ngẫm như mua bất động sản hay bảo hiểm. Chính vì thế mà nhân viên sales mỹ phẩm sẽ lấy số lượng làm lời.
Nhân viên sales tín dụng ngân hàng
Ngành hàng này khá đặc thù, thế nên nhân viên của mảng sales tín dụng ngân hàng đòi hỏi cả khả năng tư vấn lẫn phân tích tín dụng. Giới thiệu các khoản vay, ưu đãi vay là công việc chủ yếu của họ.
Mức lương cứng hàng tháng dao động khoảng 3.500.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ. Cùng với đó là phần trăm hoa hồng, thưởng,… Cơ hội thăng tiến trong nghề này cũng rất khả quan.
Đọc thêm: Người Hướng Nội Có Làm Sale Được Không?
Bài viết được đóng góp bởi Nghia Nguyen
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!