Sau năm 1954, đất nước còn chịu cảnh Bắc Nam chia lìa, Miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng XHCN, Miền Nam vẫn còn gồng mình gánh chịu những đau thương chiến tranh. Lúc bấy giờ, những người cán bộ viên chức Miền Nam thường chọn một nơi công cộng để tụ họp, tập kết, tổ chức sinh hoạt hàng tháng. Nơi đó chính là công viên Thống Nhất.
Ngày đó, công viên Thống Nhất xây dựng dựa trên lao động tự nguyện của người dân Hà Nội với mong muốn đất nước sớm ngày thống nhất, người dân Bắc Nam sớm ngày đoàn tụ. Cái tên “Thống Nhất” mang một ý nghĩa, nguyện vọng đặc biệt của người dân Miền Bắc nói riêng và cả người dân Việt Nam nói chung.
Công viên được xây bên đường quốc lộ 1, còn đường hàng ngày có các chuyến tàu đưa đoàn cán bộ giải phóng Miền Nam đi qua. Có thể nói, công viên Thống Nhất không chỉ là một địa điểm tụ họp, tập kết của công nhân viên chức thời đó mà còn mang trong mình trọng trách lịch sử nối liền 2 miền Nam Bắc, là nhân chứng thầm lặng chứng kiến bao thăng trầm của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến đạn bom cho đến ngày hòa bình thống nhất.
Ngày nay, công viên Thống Nhất được biết đến là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích mặt hồ lên đến 28ha. Tọa lạc trên đường Trần Nhân Tông, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội, công viên tiếp giáp với 4 mặt phố Trần Nhân Tông, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn và Nguyễn Đình Chiểu. Từng có thời điểm công viên Thống Nhất được gọi là công viên Lê Nin, nhưng sau này khi vườn hoa Chi Lăng được gọi là vườn hoa Lê Nin thì công viên Thống Nhất lại trở về với tên gọi cũ của mình.
Nằm ở vị trí tiếp giáp với 4 con phố sầm uất ở Hà Nội nhưng lạ thay, công viên Thống Nhất luôn giữ được vẻ yên tĩnh, thanh bình, trong lành và mát mẻ của mình. Đây không những là nơi hội họp, tụ tập sinh hoạt của người dân Hà Nội mà còn là địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.